Đàn Kiến Và Cơn Bão

Nhờ nuôi lớn chánh niệm bằng sự thực tập theo dõi hơi thở, nên việc ý thức về những động tác của thân như đi, đứng, làm việc cũng dễ hơn. Kết quả đầu tiên của sự thực tập này là bạn cảm thấy động tác của mình chậm rãi và khoan thai hơn. Cơ thể của mình được buông thư nhiều hơn.

Phép thực tập thứ hai là thiền hành. Thiền hành là phép thực tập thiền trong khi mình đang đi. Khi mình đi thiền điều đầu tiên là mình buông bỏ hết những lo toan, tính toán trong đời sống thường nhật. Mình buông bỏ hết những giận hờn, lo lắng mà mình đang mắc phải. Bạn chỉ thưởng thức mỗi bước chân bạn đi thôi. Khi bạn bước chân trái, bạn ý thức rằng bạn đang bước chân trái, khi bạn bước chân phải bạn ý thức rằng bạn đang bước chân phải. Khi lòng bàn chân trái tiếp xúc với mặt đất, bạn ý thức lòng bàn chân trái đang tiếp xúc với mặt đất. Khi lòng bàn chân phải đang tiếp xúc với mặt đất, bạn ý thức lòng bàn chân phải đang tiếp xúc với mặt đất. Bạn thực tập như vậy. Nếu bạn muốn cho sự thực tập của mình sâu hơn, bạn có thể kết hợp bước chân với hơi thở. Khi thở vào bạn bước ba bước, khi thở ra bạn bước bốn bước. Thông thường thì hơi thở vào ngắn hơn hơi thở ra, nên mỗi bước chân bạn kết hợp với hơi thở ra sẽ nhiều hơn hơi thở đi vào. Sự thực tập này bạn cần phải linh động, có nghĩa là bạn phải dựa vào hơi thở của chính mình để kết hợp với số bước chân cho phù hợp. Không nhất thiết phải thở vào bước ba bước, thở ra bước bốn bước, mà có thể là khi thở vào bạn bước hai bước, thở ra bạn bước ba bước nếu như hơi thở bạn ngắn. Bạn có thể tham khảo thêm sách Thiền Hành Yếu Chỉ, trong sách này Sư Ông Làng Mai hướng dẫn rất kỹ.

Khi mới bắt đầu thực tập thiền đi bạn thấy mình cần phải buông bỏ những lo lắng, phiền muộn… Nhưng sau khi thực tập một thời gian, bạn sẽ thấy ngược lại là nhờ đi thiền mà những lo lắng, phiền muộn tự nó được giải phóng; Bấy giờ chỉ có niềm vui và an lạc với mỗi bước chân.

Sau khi việc nhận diện những động tác của thân thể tương đối dễ đối với bạn. Bạn chuyển sang bước thứ hai là nhận diện tâm hành, mà cụ thể ở đây là cơn giận của bạn. Bạn sẽ thấy sự hình thành, phát triển và biến mất của cơn giận rất rõ ràng. Tôi sẽ xin nghi lại một số kinh nghiệm của bản thân tôi để bạn có thể tham khảo. Tôi tạm chia quá trình nhận diện cơn giận làm năm giai đoạn trong sự thực tập.

1) Khi bạn nói và hành động rồi bạn mới ý thức được cơn giận của mình

2) Bạn ý thức được cơn giận đang điều khiển những gì bạn nói hay làm nhưng bạn không có đủ khả năng để cưỡng lại.

3) Bạn ý thức được cơn giận đang phát khởi, và bạn đã không nói hoặc làm những gì có thể tạo nên sự đổ vỡ.

4) Bạn thấy được cơn giận khi nó chỉ là một làn sóng nhẹ đang chuẩn bị lớn lên trong tâm thức bạn và bạn đã kịp thời chuyển hóa chúng.

5) Giai đoạn thứ năm là bạn thấy được gốc rễ của cơn giận, bạn thấy được những nguyên nhân hình thành cơn giận và sự tha thứ, thương yêu có mặt trong bạn.

Bạn có thể dựa vào năm giai đoạn này mà có cách đối trị với cơn giận cho thích hợp với hoàn cảnh riêng của mình. Nếu bạn đã bắt đầu thực tập rồi thì hiển nhiên bạn đang ở ngay giai đoạn thứ hai. Vậy khi bạn lâm vào tình trạng như vậy bạn phải làm gì? Muốn tránh sự đổ vỡ các mối liên hệ trong gia đình cũng như ngoài xã hội thì điều trước tiên, trong khi giận không nên làm gì hết, mà áp dụng ngay phương pháp thở hoặc đi thiền hành.

Giai đoạn thứ tư là giai đoạn của những chú kiến tránh bảo, nếu thực tập tới giai đoạn này thì thực tuyệt. Bạn sẽ trở thành một con người tươi mát và đem lại rất nhiều niềm vui cho những người xung quanh.

Giai đoạn thứ năm tương đối xuất hiện cùng một lúc với giai đoạn thứ tư. Bạn thấy được người làm bạn giận cũng có những khó khăn, khổ đau. Và trong tận đáy lòng họ cũng không muốn làm như thế. Bạn thấy được những nguyên nhân làm cho bạn giận của người kia, là do người đó sống trong một môi trường thiếu may mắn, mà những hạt giống của tập khí thường xuyên được tưới tẩm… Trong lòng bạn xuất hiện một sự cảm thông sâu sắc. Từ việc giận bạn bắt đầu chuyển sang thương yêu và tha thứ. Tấm lòng bạn cũng dần rộng mở. Bạn mong muốn cho người làm bạn đau khổ có một cơ hội để họ chuyển hóa. Bạn thấy họ cũng thật đáng thương, những điều mà trước đây bạn chưa hề nghĩ tới.

Những chú kiến được bảo vệ an toàn nhờ chúng biết trước được cơn bão sẽ xảy ra. Chúng ta cũng sẽ được bảo vệ an toàn khỏi cơn giận nếu như chúng ta có sự hành trì, có sự thương yêu, tha thứ và bao dung. Rồi bằng sự thực tập của chính mình, bằng sự chuyển hóa của bản thân, chúng ta cũng sẽ chuyển hóa được những người làm ta giận và những người giận ta. Thương yêu và tha thứ cũng là một cách thực tập rất mầu nhiệm của Đạo Bụt.

Ai cũng có lỗi lầm
Vấp ngã rồi đứng lên
Con thực tập tha thứ
Cho con và cho người.

Pháp Nhật

http://www.buddhismtoday.com

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.