Người Việt chúng ta thường nghe nói đến Trà đạo, thú uống trà tao nhã của người Nhật Bản với những lễ nghi cầu kỳ kéo dài gần 4 giờ đồng hồ cho một cuộc gọi là Chaji. Trà đạo hình thành từ thế kỷ thứ IX mà mục đích của nó là tạo ra sự thanh thản, tịnh tâm để thả hồn hòa với thiên nhiên, cảnh vật như quan niệm của Thiền đạo trong Phật giáo.
Tách trà An-Nam phổ biến ở Kyoto
Vào những ngày đầu xuân đúng lúc hoa anh đào nở rộ từ thượng tuần đến hạ tuần tháng 3 hằng năm, khắp nước Nhật, người ta thường thấy trên đường ngắm hoa bên sườn đồi thoai thoải theo dốc núi là một quán trà với sạp gỗ phủ một miếng vải màu đỏ, bên trên che một chiếc dù rực rỡ dành cho người thưởng ngoạn ghé ngồi dừng chân uống trà trông thật nhàn nhã và phong lưu. Những buổi uống trà này không lệ thuộc vào lễ nghi cho nên “dễ chịu” hơn so với thủ tục của Chaji … Nhìn những cô gái mỹ miều trong bộ kimono sặc sỡ, vén tóc búi cao để lộ chiếc gáy trắng muốt đi lại dịu dàng mời khách uống trà càng làm cho nét xuân thêm rạng rỡ, trở thành điểm nhấn của buổi du ngoạn độc đáo này. Nếu bước chân vào bên trong quán, người ta phát hiện được những bộ sưu tập về dụng cụ pha chế trà, tủ đựng các ấm chén, tách, đĩa quý hàng trăm năm trước được trưng bày, sắp xếp một cách cẩn trọng theo lịch sử phát triển của ngành gốm sứ ở Nhật Bản. Một nét văn hóa vô cùng đặc sắc của dân tộc Nhật rất đáng ngưỡng mộ.
Thương thuyền Nhật Bản lui tới Hội An
Trước thế kỷ XIV, nghề gốm Nhật Bản chưa mấy phát triển, chủ yếu vẫn là dựa vào Trung Quốc và Trà đạo cũng còn nằm trong khuôn viên của nhà chùa và các gia đình phú hào, lãnh chúa nhưng đến thế kỷ XV, khi tập quán uống trà ngày càng phổ biến, lan rộng trong đời sống nhân dân thì nhu cầu phát triển về gốm sứ đi kèm cũng trở nên rầm rộ và ngày càng tinh xảo, điệu nghệ hơn. Đó cũng chính là cơ duyên hội ngộ của Trà đạo Nhật Bản và gốm sứ Việt vào cuối thế kỷ thứ XVI đầu thế kỷ XVII khi các đoàn thương thuyền của Nhật Bản theo gió xuôi về nam cập bến Hội An, Phố Hiến… Trong hơn 35 năm, một số lượng hàng gốm sứ Việt đã ra đi từ đây để phục vụ cho nghệ thuật uống trà với tên gọi Beni-anam, một loại chén uống trà hoa xanh lam có điểm màu đỏ và xanh lục lộng lẫy hay hình hoa sen thể hiện bằng màu xanh lá cây và màu đỏ rất đẹp mà gia đình tướng quân Tokugawa rất đỗi ưa chuộng. Môn phái Trà đạo nổi tiếng ở thế kỷ thứ XVII là Kanamori showa còn giữ được một bình đựng nước men trắng hoa sen của Việt Nam (thế kỷ XII – XIII) và nhiều gia đình phú hào ở Osaka vẫn còn lưu giữ các loại chén, bình nước để dùng trong trà đạo. Đã có lúc hàng Việt Nam khan hiếm, các lò gốm ở Kyoto đã phải làm hàng nhái mang tên Kyoyaki thay cho Annam-yaki.
Dụng cụ dùng trong Trà Đạo (tách trà An-nam)
Theo giáo sư Hasebe Gakuji (viện Bảo tàng Tokyo) thì kỹ thuật đồ sứ Việt Nam đã có ảnh hưởng rất lớn đến những người thợ nghề này ở Seto (thuộc tỉnh Aichi ngày nay), một nơi được tướng quân Tokugawa đặt hàng với số lượng lớn gốm sứ hoa xanh như của Việt Nam khi phát hiện được những hoạt động của gia đình Owari Chaya (Nagasaki) được mô tả trong bức tranh “Chaya Shiroku vượt biển thông thương với nước Giao Chỉ” ở Hội An nổi tiếng. Hiện nay Viện Bảo tàng Tokyo còn giữ được một chiếc đĩa hoa xanh có chân rất đặc biệt do thợ gốm Seto làm vào nửa đầu thế kỷ 19 có ghi chữ “Đại Việt quốc” kèm theo mấy câu thơ chung quanh, mô phỏng theo đồ sứ Việt Nam, cho thấy “đồ sứ Việt Nam được đưa vào Nhật Bản liên tục có tác dụng kích thích những người thợ gốm Nhật Bản” (GS. Hasebe Gakuji trong Tìm hiểu quan hệ Nhật – Việt qua đồ gốm sứ). Vì vậy những chiếc đĩa xanh lam với mô típ cảnh vật thiên nhiên của đồ sứ Imari (tỉnh Kyushu – Nhật Bản) sau này vẫn mang dáng dấp của gốm Chu Đậu, nhẹ nhàng và thanh thoát phù hợp với ý thích trong nghệ thuật của người Nhật hơn là tính kỹ xảo, chi tiết rườm rà trong hàng gốm sứ Cảnh Đức Trấn (Trung Quốc).
Người viết đã được dịp trông thấy những chiếc chén trà hoa xanh có hình con chuồn chuồn rất trang nhã ở Viện Bảo tàng Nezu (Tokyo) và được biết nhiều gia đình Nhật Bản hiện nay vẫn còn cất giữ những chén trà tương tự như một bảo vật của tổ tiên. Đây là loại chén chuyên dụng trong Trà đạo, vì vậy có thể thương lái người Nhật đã đặt hàng sản xuất riêng trong những chuyến đi buôn ở Việt Nam vào thời ấy (*).
Còn gì thú bằng khi tham dự một buổi “tiệc” trà mà trên tay cầm một chiếc chén là hàng gốm sứ nước Việt đã có từ hàng trăm năm về trước với độ dày khả dĩ giữ được hơi ấm rất lâu trong gió thoảng lành lạnh còn sót lại của buổi đầu xuân. Điều đó hoàn toàn có thể thưởng thức vào mùa hoa anh đào nở mỗi năm trong công viên ở thành phố Kyoto cổ kính.
Dạ Phong
http://thuongtra.org/tan-man/tach-tra-gom-su-viet-nam-trong-tra-dao
________________________________________________________
(*) Nghệ thuật uống trà của Việt Nam (điển hình là trà xanh) và trà cụ đã được tiền nhân chúng ta cho xuất cảng sang Nhật trong giai đoạn nầy (từ triều nhà Lý sang đến nhà Trần). Hiện nay tại một bảo tàng viện của người Nhật ở Kyoto (cựu thủ đô của Nhật) vẫn còn lưu giữ và chưng bày một số trà cụ từ Việt Nam mà họ đã nhập vào nước Nhật trong triều đại nhà Lý mà người Nhật vẫn xem là những món đồ “quốc bảo”.