IV. TỔ CHỨC VIỆC TRỢ NIỆM
IV. 1. Mục đích và ý nghĩa của việc trợ niệm
Người Phật tử nên biết, trợ niệm là công việc giúp người sắp lâm chung khơi dậy câu Phật hiệu, hướng tâm cầu sinh về cõi Phật, tức là giúp cho chúng sanh đó thành Phật. Ông bà chúng ta thường nói :
“Dù xây chín bậc phù đồ.
Không bằng làm phước cứu cho một người”
Cho nên công việc trợ niệm vô cùng quan trọng. Đây là việc thay chư Phật, chư Tổ cứu độ chúng sanh. Vì thế việc này đòi hỏi người trợ niệm phải có tín tâm sâu sắc với Tam bảo, có lòng hy sinh để cứu giúp tất cả chúng sanh vãng sanh về cõi Phật, thoát khỏi biển khổ luân hồi sanh tử. Chúng ta nên biết, giúp một chúng sanh sanh về cõi Phật, tức là giúp chúng sanh đó thành một vị Phật tương lai. Công đức này thật vô lượng vô biên. Người Phật tử lúc bình thường tụng bao nhiêu kinh, niệm bao nhiêu câu chú, làm biết bao việc phước thiện, đến khi lâm chung chỉ cần chủng tử Phật trong họ hiện hành, thì không gì hơn câu A-DI-ĐÀ PHẬT. Chỉ có câu Phật hiệu A-DI-ĐÀ PHẬT mới cứu họ khỏi bị đọa lạc mà thôi.
IV. 2. Những yêu cầu đối với ban Trợ niệm
1. Người tham gia ban trợ niệm phải là người Phật tử thuần thành, có tâm hết mình vì đạo, tin sâu Phật pháp. Khi tham gia vào ban Trợ niệm, các thành viên phải bầu ra người trưởng ban. Tốt nhất là người xuất gia, nhưng phải là một vị Tăng đầy đủ đạo hạnh, tinh nghiêm giới luật. nếu không có thì cư sĩ Phật tử đứng ra đảm trách, mà phải là người có tâm chân thành, có năng khiếu khai thị, hiểu Phật pháp, có kinh nghiệm trợ niệm, rành tâm lý. Người này có trách nhiệm nắm danh sách, địa chỉ, số điện thoại của từng thành viên để khi hữu sự, dễ bề liên lạc, cùng nhau tham gia trợ niệm.
2. Các thành viên tham gia ban Trợ niệm, phải có tinh thần đoàn kết và nghe theo lời chỉ dẫn của trưởng ban, cùng nhau làm việc.
3. Các thành viên tham gia ban Trợ niệm phải nghiêm chỉnh tuân thủ thời gian, không được đi trễ.
4. Trước khi đi trợ niệm, ban Trợ niệm nên chuẩn bị những điều cần thiết: tượng Phật A-di-đà, máy niệm Phật, tờ thông báo của ban Trợ niệm (tờ lớn, chữ lớn), nước uống.
5. Khi đến nhà gia chủ làm công việc trợ niệm, các thành viên làm thế nào tránh những việc gây phiền hà cho gia chủ, như ăn uống, quà cáp…, tuyệt đối không được nhận bất kỳ tiền bạc, lễ vật gì của gia chủ. Nếu người nào nhận tiền bạc quà cáp, hoặc đòi hỏi việc ăn uống của gia chủ, thì trợ niệm trở thành việc kinh doanh mua bán, tổn giảm công năng tác dụng của việc niệm Phật. Như thế công việc trợ niệm coi như mất hết ý nghĩa cao cả, các thành viên không được công đức về lâu về dài.
6. Người tham gia trợ niệm phải ăn chay, không được ăn thịt uống rượu các thứ ngũ tân, hành, hẹ, tỏi…vì người dùng những thứ này, các vị hộ pháp thiện thần sẽ tránh xa.
7. Việc khai thị cho người bệnh chỉ dành cho trưởng ban, các vị pháp sư, tổ trưởng, nhóm trưởng có kinh nghiệm. Các thành viên khác chưa được giao trách nhiệm này, thì không được khai thị cho bệnh nhân.
8. Khi khai thị cho bệnh nhân, phải nói rõ ràng, ngắn gọn, vui vẻ, khiến bệnh nhân tin tưởng, an tâm. Giúp bệnh nhân phát nguyện vãng sanh, lời lẽ phát nguyện nên ngắn gọn, không được dài dòng hoặc nghi thức quá.
IV.3. Những điều cần chú ý trước khi trợ niệm
1. Khi đến nhà gia chủ, người trưởng ban phải gặp chủ nhà sinh hoạt trước, cho gia đình biết qui tắc trợ niệm. Ngoài ra, trưởng ban cũng tìm hiểu về tâm nguyện của gia đình, xem có khúc mắc gì không. Nếu trong gia đình có người đồng ý, có người không đồng ý, thì trưởng ban phải khéo léo dùng những lời khuyên giải cho họ hiểu, giải tỏa những nghi vấn trong gia đình, đặc biệt là tháo gỡ những vướng mắc bất hòa giữa anh em, cha mẹ, người thân, giúp cho mọi người trong gia đình cùng hoan hỷ, vui vẻ với nhau để hiệp tâm trợ niệm cho người bệnh ra đi một cách êm đẹp.
2. Khi đắp mền cho bệnh nhân, cần hai người cầm hai đầu mền nhẹ nhàng kéo lên khỏi ngực, chí thành niệm chú vãng sanh 3 lần, rồi nhất tâm niệm Phật.
3. Người trưởng ban phải khéo léo tiếp xúc với bệnh nhân bằng những cử chỉ thân mật, chân thành, vui vẻ, tự tin, lạc quan; lắng nghe những khó khăn, những nghi ngờ của họ; khéo léo giải thích an ủi giúp cho họ phát sanh lòng tin; nói về cảnh khổ ở thế gian và cảnh vui cõi Phật; khuyên họ buông bỏ tất cả mọi thứ, chỉ nhất tâm niệm Phật. Trưởng ban có thể làm cho bệnh nhân vui vẻ, tự tin hơn bằng cách đem các việc lành và công phu tu tập của bệnh nhân ra tán thán khen ngợi, khiến cho bệnh nhân sanh tâm vui mừng, không còn nghi ngại; làm sao cho họ tin rằng khi lâm chung nhất định được về cõi Phật.
4. Một điều không kém phần quan trọng là người trưởng ban khuyên bệnh nhân có việc gì cần giao lại cho con cháu, người thân, thì nên làm ngay; hoặc khuyên bệnh nhân nên bố thí những vật sở hữu của mình để tăng thêm phước lành, giúp thuận lợi hơn cho việc vãng sanh. Sau khi người bệnh bàn giao rồi, ta khuyên họ cần phải buông bỏ hết mọi thứ, chỉ giữ một ý niệm nhất tâm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.
5. Ban Trợ niệm nên đặt tượng Phật A-di-đà trước giường bệnh nhân, sao cho bệnh nhân dễ nhìn thấy được. Nếu nhà chật hẹp, hoặc không sạch sẽ, không thể treo được, thì ta có thể thỉnh tượng Phật đến trước mặt bệnh nhân mỗi ngày hai đến ba lần để hình ảnh Phật đi vào tâm thức họ. Không cần treo hình cố định trên tường hay đặt trên bàn.
6. Không nên đốt nhang quá nhiều sẽ làm khói xông nồng, ảnh hưởng đến việc hô hấp của bệnh nhân.
7. Sau khi an trí tượng Phật xong, trưởng ban sắp xếp cho các thành viên ngồi hoặc đứng cho ổn định. Việc này giúp bệnh nhân an tâm, không bị ảnh hưởng bởi sự ồn ào, lộn xộn của ban Trợ niệm mà mất chánh niệm.
8. Kiểm tra xem tờ thông báo, tờ hồi hướng đã dán xong chưa, không khí trong phòng có thoáng mát không. Nếu trời nóng, có thể mở quạt máy, nhưng không được thổi thẳng vào người bệnh (hoặc người đã vãng sanh).
9. Khi đến trợ niệm, thấy bệnh nhân nguy cấp thì không cần thiết lập bàn thờ, phải lập tức đến trước bệnh nhân niệm câu Phật hiệu.
IV.4. Những yêu cầu đối với gia đình người bệnh
1. Con cháu người thân cần bàn thảo việc gì, thì nên đi tránh ra một nơi khác, không để người bệnh nghe thấy.
2. Gia đình phải quét dọn sạch sẽ, gọn gàng, thông thoáng phòng ngủ, giường nằm của bệnh nhân. Bốn chân giường phải kê bốn chén nước, hoặc rải bột tro dưới đất, tránh côn trùng giun, kiến.. bò lên làm bệnh nhân khó chịu, gây chướng ngại cho sự vãng sanh.
3. Nếu trong nhà có nuôi súc vật như chó, mèo v.v… thì nên nhốt chúng lại, hoặc canh chừng cẩn thận, không để chúng đến gần người bệnh.
4. Khi vào phòng, mọi người nên tránh đụng chạm, gây ra tiếng động ồn ào, ảnh hưởng đến bệnh nhân.
5. Mọi người cố gắng tránh mọi sự bất tiện cho người hộ niệm, hạn chế đi ra đi vào gây những tiếng động không cần thiết.
6. Trong lúc niệm Phật, yêu cầu mọi người giữ gìn yên lặng; tuyệt đối không cho người nhà bệnh nhân tỏ ra buồn thảm hoặc hỏi han quyến luyến. Ta yêu cầu họ nên chắp tay cùng nhau niệm Phật. Nếu kém hiểu biết, theo tình cảm của người thế tục, ta sẽ vô tình xô bệnh nhân xuống hố sâu vực thẳm, sự tai hại sẽ thật đáng tiếc.
7. Trong khi niệm Phật, gia đình không được đốt giấy tiền vàng bạc, tránh sự ô nhiễm và ảnh hưởng đến việc niệm Phật.
8. Gia đình đã mời ban Trợ niệm thì không được mời các thầy bùa, phù thủy ngoại đạo khác để tránh gây tạp loạn, ảnh hưởng đến chánh niệm của người hấp hối và làm mất sự tập trung của ban Trợ niệm.
9. Gia đình không được đụng chạm vào thân thể người bệnh vì dễ làm họ bị mất chánh niệm.
10. Thân nhân tuyệt đối không được khóc lóc kể lể, la hét trong thời gian trợ niệm. Nếu cầm lòng không được thì đi tránh nơi khác.
11. Người thân cũng không nên hỏi thăm bệnh nhân bị nóng hay lạnh và những chuyện linh tinh khác, vì như vậy sẽ làm trở ngại đến việc niệm Phật của bệnh nhân.
12. Trong khi mọi người đang trợ niệm, gia đình cố gắng không gây ra các tạp âm, hoặc các tiếng động lớn (ho, hắt hơi…) làm bệnh nhân giật mình, thì khó thành tựu được.
13. Nếu có điều trở ngại trong lúc trợ niệm, gia đình nên trực tiếp gặp trưởng ban Trợ niệm để bàn bạc.