Góc phố đời người – Phóng Sự

Kỳ 2: Một góc phố, bảy mảnh đời

Chỉ với 3m2 sát vỉa hè nhưng đó là nguồn sống của bảy gia đình. Mỗi người một quê nhưng cùng chung cảnh nghèo. Họ chia nhau từng gói xôi bữa sáng, đĩa cơm đầy bụi đường, nhường nhau từng chỗ đứng trong những ngày mưa. Có người đã gắn bó với góc phố gần 30 năm.

Những câu chuyện bụi đường

Đó là một thùng sửa giày, một thau xôi, một mâm chè, một mẹt vớ… của bảy gia đình mưu sinh nơi góc đường Lê Thánh Tôn – Phan Bội Châu (Q.1, TP.HCM). Người có “thâm niên” cao nhất ở ngã tư này là bác Tạ Văn Hiếu. Mái tóc bạc trắng, mặt đen sạm vì bụi, trông bác có vẻ già hơn tuổi 60 của mình. Bác đã gắn bó với nơi này 30 năm. Bác trầm ngâm: “Mới đó mà đã gần nửa đời người rồi. Khi tôi mới vô nghề, ở đây chỉ có vài ba người kiếm sống thôi, nhưng dần rồi ngày càng đông. Góc phố ngày một hẹp dần, cùng cảnh nghèo khó với nhau nên dễ thông cảm lắm. Thêm một người mới, chúng tôi xích lại gần nhau hơn, bây giờ thì nghiêng mình là đã có thể đụng phải vai nhau. Tuy chật chội nhưng lại thấy ấm cúng như một gia đình”.

Thời trai trẻ, bác Hiếu cũng như những “đồng nghiệp” ở đây ai cũng từng mơ cho mình một nghề nghiệp ổn định. Nhưng rồi số phận lại đưa đẩy họ gặp nhau ở góc phố này với việc sửa giày. Bác tâm sự: “Với hai bàn tay trắng, góc phố này là nguồn sống cho cả gia đình anh em chúng tôi. Chẳng vốn liếng gì cả, chỉ cần cái kim và mấy cuộn chỉ là đã có thể kiếm được vài lon gạo mỗi ngày. Lúc vào nghề, tôi cũng như mọi người ở đây đều nghĩ chỉ làm tạm một thời gian thôi, nhưng ai ngờ nó cứ theo chúng tôi thành một cái nghiệp. Âu cũng là số phận”.

Khói xe và bụi đường càng làm cho cái nóng của đất Sài Gòn giữa trưa tháng năm hầm như một chảo lửa. Nhìn những ngón tay chai sần và nhiều vết xước trên tay bác Hiếu, không ai có thể đoán được bao nhiêu đôi giày cũ rách đã được ông may vá. Vừa gỡ những miếng đất còn dính lại trên đôi giày của khách, bác vừa tâm tình: “Gặp khách biết điều thì họ còn lau chùi giày trước khi đưa mình vá, chứ không thì mình phải kiêm luôn việc vệ sinh giày. Làm cái nghề này mà cứ như làm ruộng vậy, tay chân lúc nào cũng dính đầy bụi đất. Dù mưa hay nắng, ngày nào chúng tôi cũng phơi lưng ở góc phố này từ sáng đến tối, mỗi năm chỉ nghỉ được ba ngày tết. Nhiều hôm sơ ý, để mất giày của khách là xem như công toi nửa tháng trời tiền công”. Từ thời bao cấp, người ta chỉ đi bằng dép lê, ít ai sửa dép, may một đôi dép chỉ kiếm được vài trăm đồng, bác Hiếu đã cặm cụi với góc phố này. Vậy mà sau 30 năm bám vỉa hè, bác Hiếu cũng dành dụm nuôi được đàn con khôn lớn và sắm cho mình căn nhà che mưa che nắng.

Nhưng không phải ai trong những người cùng gắn bó với góc phố này cũng thực hiện được ước mơ như bác Hiếu, có người chật vật lắm mới lo đủ hai bữa cơm qua ngày cho một gia đình. Ngồi cạnh bác là anh Đỗ Ngọc Tuấn, trông anh còn rất trẻ nhưng đã có 17 năm trong nghề. Anh Tuấn kể: “Do nhà nghèo nên tôi chẳng được học hành như chúng bạn, mới 10 tuổi đã phải lăn lộn trên hè phố. Nhờ bác Hiếu thương tình nên mới truyền cho cái nghề sửa giày để kiếm sống. Không có tiền thuê chỗ, các bác lại nhường cho một góc sát bên để ngồi. Chưa có khách quen, mấy bác nhận hàng rồi đem chia mà làm, đắp đổi bữa no bữa đói. Vợ thất nghiệp, hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học, túng bấn hằng ngày”.

Tình người nơi góc phố

Nghèo khó là thế nhưng họ vẫn đùm bọc lẫn nhau, dựa vai nhau bên góc phố để sống tạm qua ngày. Người đến trước nhường người đến sau, người biết nghề chỉ cho người mới vô nghề, cùng chia sẻ vui buồn của đời góc chợ hè phố. Nhìn bác Hiếu và anh Tuấn tỉ mẩn chỉ cho hai người đồng nghiệp trẻ ngồi bên cạnh từng đường khâu, ai cũng nghĩ họ là anh em một nhà. Đó cũng là điều tâm đắc nhất của bác Hiếu khi nói về những con người ở góc phố nơi đây: “Tôi thường tâm sự với anh em rằng nghèo tiền nghèo bạc chứ đừng để nghèo tình! Đừng để người đời khinh khi mỗi lần nhắc đến dân đầu đường xó chợ”.

“Hoàn cảnh” nhất ở góc phố này có lẽ là chị Nguyễn Thị Kim Thu. Kể về đời mình mà mắt chị cứ rướm lệ: “Quê tui ở miền Trung, làm lụng quanh năm mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Thấy con bữa đói bữa no nên tui mới cắn răng tạm gửi hai đứa con khi chưa qua tuổi mẫu giáo để vô đây kiếm sống. Hồi đó tui gánh chè đi bán dạo, người ta đuổi chỗ liền liền. Đi mỏi cả giò mà mỗi ngày cũng chỉ bán được vài chục ly. Nếu không có chị Lý bán xôi ở đây giúp đỡ có lẽ tui đã không nuôi nổi mấy đứa con ở quê”. Bây giờ, góc phố này là gia đình mới của chị: “Cùng cảnh đàn bà nghèo kiếm gạo nuôi con, ở đây có cháo cùng ăn, có cơm cùng chia!”. Mà không chỉ thế, những lúc con bệnh hay cần tiền đóng học phí cho sắp nhỏ, mọi người đều nhường qua sẻ lại như chị em một nhà. Chị Thu cảm động: “Ngày nào thấy tui không đi bán là chị Lý cứ hoảng lên, cố bán cho hết mớ xôi để đến nhà trọ xem tôi bệnh tình ra sao. Tuy không cùng cha mẹ sinh ra nhưng tụi tui xem nhau như chị em ruột”.

Gia cảnh chị Lý cũng có khấm khá gì hơn cho cam. Một thau xôi của chị nhưng phải lo đến năm miệng ăn và ba đứa con học hành. Chị Lý kể: “Gần 25 năm nay tôi chưa một đêm ngon giấc. Mới 2 giờ sáng đã phải dậy nấu xôi rồi lật đật ra ngồi ở đây cho đến xế chiều. Chiều lại lo chợ búa, cơm nước cho con, ngâm nếp chuẩn bị cho ngày hôm sau. Thức khuya dậy sớm như vậy nhưng đâu có dư dả gì. Đến tiền học cho con mà nhiều khi tôi cũng phải đi vay nóng, chủ nợ đòi lên đòi xuống khổ thân lắm”. Những nỗi nhọc nhằn, những giọt mồ hôi của chị Lý giờ đây đã được bù đắp: đứa con gái đầu của chị đã học xong đại học Kinh tế, đứa thứ hai đang học dược tá, còn đứa út cũng đã bước vào cấp III. Chị Lý nói: “Ở góc phố này, có gì vui buồn là anh em đều chia sẻ với nhau. Con ai vào đại học, con ai ra trường chúng tôi đều mừng như nhau. Nhiều khi đến xế chiều mà bán chưa hết xôi, anh em mỗi người một gói ăn giùm để tôi được về sớm với con”.

Câu chuyện bên mẹt vớ của chị Mai Thị Nhuận làm nhiều người thấm thía hơn tình người của những mảnh đời bên hè phố. Suốt 30 năm qua, người đàn bà ấy phải vật lộn với bao khó khăn bên hè phố không phải chỉ để nuôi con mình mà nuôi cả con người dưng. Cố kìm những giọt nước mắt, chị kể về đời mình: “Vì nghèo khó nên chồng tui bỏ đi theo người đàn bà khác, để một thân tui nuôi con khi còn đỏ hỏn. Ở với vợ bé được hai đứa con, một thời gian sau thì người đàn bà ấy bỏ đi. Giận chồng nhưng tui không nỡ bỏ hai đứa nhỏ, thế là tui đưa về nuôi”. Không nghề nghiệp, không vốn liếng và không cả cái chòi che mưa che nắng, vậy mà chị vẫn cưu mang những đứa trẻ xa lạ, tất cả là nhờ lam lũ cùng những người mà chị gọi là chị em ở vỉa hè.

Từ góc phố hẹp này, cảm thấy lòng người thật bao la.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.