Phật Tại Gia

“Yangpu về tỉnh Sichuan định tâm tìm kiếm Bồ Tát. Trên đường đi, Yangpu gặp một nhà sư. Nhà sư hỏi:
– Cậu đi đâu đấy?
– Tôi đi cầu Bồ Tát.
– Bồ Tát ở xa, chi bằng đi tìm Phật có hơn không?
– Tìm Phật ở đâu bây giờ?
– Khi cậu về nhà, thấy người đón cậu trên mình khoác cái mền, chân xỏ dép trái, đó chính là Phật.
Theo lời, cậu về nhà thì trời đã khuya. Mẹ cậu nghe con gọi cửa mừng quá vội khoác mền lên người, xỏ dép trái. Bà chạy ào ra mở cửa và khi Yangpu thấy mẹ mình như vậy thì đứng chết lặng.” ( 1* )

Đây là câu chuyện thiền, tuỳ theo tâm mỗi người mà có những kết luận khác nhau. Với tôi thì tựa đề “Phật tại gia” đã cho ta ý niệm về tình thương cao cả và ngọt ngào của mẹ dành cho con . Câu chuyện về mẹ thì không có chuyện nào giống chuyện nào cả, nhưng tựu chung là cùng mang đến những bài học sâu xa, khiến ta phải ngẫm nghĩ, lắm khi phải rơi lệ và khâm phục lòng hi sinh của những người mẹ. Trong những tác phẫm văn chương nổi tiếng, cho dù chuyện bên trời Âu hay nơi cõi Á đều luôn có những chuyện ca ngợi tình yêu bao la rộng lớn của mẹ hiền. Trong đạo Phật, có mẹ hiền Quán Âm vốn là hóa thân người nữ để gần gũi và cứu độ chúng ta. Trong đạo Chúa có Đức Mẹ Maria luôn được các con chiên tin tưởng và cầu nguyện. Thầy Thích Nhất Hạnh có quyễn Bông Hồng Cài Áo , nói lên được lòng tri ân của mình đối với những nhọc nhằn gian khổ mà mẹ đã dành cho.

Tôi nhớ có lần thầy Phước Tấn giới thiệu tôi làm việc cho nhóm Hương Từ Bi . Mai Nhơn có nhờ tôi đặt câu hỏi và viết lời bình . Anh Phong và tôi chia nhau viết bài Mẹ Điên của Vương Hằng Tích do Trang Hạ dịch. Tưởng cũng nên nhắc anh Phong là người dịch cuốn sách The Art of Life của Đức Đạt Lai Lại Ma mà tôi khâm phục.

Tôi đọc bài này mà ngồi khóc sụt sùi. Con gái tưởng ai ức hiếp làm tôi khóc. Tôi giải thích là câu chuyện quá cảm động mà tôi lại mau nước mắt nên khóc.

Dù ai đã đọc hay chưa đọc thì xin hãy cùng tôi chia xẻ tóm tắt nội dung của bài này. Chuyện kể rằng : Do ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến hủ lậu, tại một gia đình nông dân nghèo khó, ở một vùng quê Trung Quốc, có người thiếu nữ điên bị lợi dụng để làm công cụ cho việc sản sinh ra một đứa con trai nối dõi tông đường. Sanh con ra mà không được săn sóc, ẩm bồng. Nàng bị hất hủi, ruồng rẫy và cuối cùng là bị đuổi ra khỏi nhà. Đứa trẻ lớn lên đòi mẹ vì mẹ là sợi dây vô hình luôn ràng buộc cậu, nhưng cuối cùng khi gặp mẹ, cậu chính là người đã hất hủi mẹ vì hiện tướng bên ngoài của mẹ đã làm mình mất mặt với bạn bè. Người mẹ điên cuồng kia, dầu không tỉnh táo nhưng tình yêu con luôn hiện diện trong nàng rất nồng ấm và là ngọn đuốc luôn cháy rực trong tim nàng. Mưu cầu hạnh phúc cho con là mục tiêu tối hậu trong đời nàng. Một ao ước duy nhất của nàng là được ôm con vào lòng để truyền hơi ấm cho con. Sẳn sàng chiến đấu để bảo vệ con thơ khi thấy con bị người hà hiếp. Làm những việc khó làm để mua lấy nụ cười của con . Đó là tinh thần trong truyện Mẹ Điên của Vương Hằng Tích do Trang Hạ dịch. Theo tôi thì cho dù điên hay không điên thì các bà mẹ đều có trái tim nồng ấm dành cho con mình, có lòng hi sinh không bờ bến để mưu tìm hạnh phúc và lợi lạc cho con.

Câu chuyện kết thúc rất thương tâm là bà mẹ đã vì nụ cười của con và tiếng kêu “Mẹ” trong bao năm chờ đợi từ miệng đứa con thơ. Nó đã đánh động vào quả tim khô héo của người mẹ điên. Khiến nàng không còn đủ tâm ý để biết đến việc hiểm nguy, mà chỉ cố trèo nơi cheo leo hiểm trở, mong hái được những quả đào núi, để làm hài lòng con trẻ. Ôi ! định mệnh trớ trêu, đã cướp mất đời nàng bên bờ vực thẩm. ( 2* )

Cố nhiên là nổi đau đớn dằn dặt đã theo cậu con suốt đời. Cậu bé lớn lên thành tài mà không hàn được vết thương sâu kín có trong lòng.

Riêng tôi , tôi cho rằng không phải chỉ có cậu bé trên mới có vết thương sâu kín đó . Mà mỗi người chúng ta chắc hẳn cũng có một lần nào đó trong cuộc đời đã làm cho mẹ , làm cho cha không hài lòng hay đã tổn thương đến người và vết thương đó hãy còn chưa hàn gắn được.

Trong quyễn Bông Hồng Cài Áo, Thầy Thích Nhất Hạnh có một lời khuyên rất thực tế mà tôi có làm khi mẹ còn sống. Tôi xin được trích dẫn đoạn văn này với lòng tôn kính :

“….Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh như thế này. Chiều nay, khi đi học về, hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ, và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh.Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi: “Mẹ ơi,mẹ có biết không?” Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên, và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi: “Biết gì?”. Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: “Mẹ có biết là con thương mẹ không?” Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi thì cũng hỏi câu ấy. Bở i vì anh, bở i vì chị, bở i vì em đều là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ được sống trong ý thức tình thương bất diệt. Và ngày mai, mẹ mất, anh sẽ không hối hận, đau lòng, tiếc rằng anh không có mẹ.…”. ( 3* )

Tinh thần hiếu để trong Phật giáo đã thể hiện qua gương Ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ. Tôi yêu đạo Phật vì mỗi câu chuyện mà Phật dạy tưởng như hoang đường nhưng lại có thật, tưởng như xa xâm nhưng lại rất gần. Mỗi rằm tháng Bảy các chùa đều cúng tế vong linh và báo ơn phụ mẩu. Đó là nét đẹp của nền văn hóa Á Đông nói riêng và Phật giáo nói chung. Tôi không dám khuyên ai một lời nào, nhưng theo tôi mùa Vu Lan mà được đi chùa cùng cha mẹ là một phước báo ta có được hiện đời không chi sánh được. Còn riêng những người đã mất mẹ mất cha như tôi, được đội sớ cầu siêu cho vong linh cha mẹ cũng là một an ủi lớn trong cuộc đời của những người làm con. Rồi lại còn được hạnh phúc cùng chư vị Tăng Ni và đại chúng đọc những lời kinh mà Đức Phật đã dạy cho Ngài Mục Kiền Liên, Ngài Anan qua hàng mấy ngàn năm trước.

Mặc dầu, “Giấc mơ thứ hai trong bảy giấc mơ của Ngài Anan là: mặt trời bị nhấn chìm, cõi Ta Bà chìm trong bóng tối, không có một vì sao trên trời. Được Đức Phật giải là: điều này ngụ ý không lâu sau, Như Lai và các đệ tử của Ngài sẽ nhập Niết Bàn. Và đó cũng chính là dấu hiệu cho con người biết rằng Thiên Nhãn chẳng bao lâu nữa sẽ đi đến hủy diệt” ( 4* )

Nhưng cứ vào mỗi năm, khi đọc đến những lời kinh này, tôi vẫn còn có cảm nhận được như rằng: chính Đức Thế Tôn đang ban cho ta những lời giáo huấn này vậy. Theo tôi lời kinh là một điển tích sống mà chỉ có những người con Phật mới cảm được cái huyền diệu khi ta thực hành nó mà thôi.

...Muốn cho cứu đặng mạng người.
Phải nhờ thần lực của mười phương tăng….

…Rằm tháng Bảy là ngày Tự tứ
Mười phương Tăng đều dự lễ này…

… Chư Đại Đức mười phương thọ thực
Trong bảy đời sẽ đặng siêu thăng
Lại thêm cha mẹ hiện tiền
Đặng nhờ phước lực tiêu khiên ách nàn… ( 5* )

Trong mùa Vu Lan ngoài việc thực hành bài học mà Ngài Mục Kiền Liên đã làm, thầy Phước Tấn có lời nhắn nhủ thêm cùng với chúng tôi : “ Để tri ân công lao khó nhọc của mẹ cha ngoài việc phụng dưỡng cha mẹ còn tại thế thì cũng nên rãi tâm từ lo hạnh phúc cho tha nhân và hồi hướng tất cả công đức có được cho cha mẹ hiện tiền dù còn tại thế hay đã qua đời thì mới mong đền trả phần nào ơn đức của mẹ cha.” “Rãi tâm từ lo hạnh phúc chúng sanh” là phương châm của thầy Phước Tấn trong việc xây dựng ngôi chùa Quang Minh và là điều mà thầy thường khuyến tấn chúng tôi trên bước đường tu học để thể hiện tinh thần cầu đạo trong câu: “ Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh.”

Theo văn hóa phương Tây thì chúng ta vẫn có ngày của mẹ và ngày của cha, cũng rất thực tế là bạn sẽ tặng quà cho song thân rồi cùng nhau ăn uống , nhưng ý nghĩa của nó không thâm sâu và trang trọng cho bằng lễ Vu Lan của chúng ta. Pháp Hồi Hướng là một pháp rất vi diệu mà mỗi thầy giảng một cách khác nhau, tuỳ hoàn cảnh và tuỳ trường họp và cũng tuỳ tâm ý người sử dụng nó. Nhưng mỗi khi xong một thời kinh bao giờ chúng ta cũng hồi hướng cho pháp giới chúng sanh đồng thành Phật đạo, như vậy nó rất thân thuộc với người Phật tử. Cũng như câu chuyện thiền chúng ta sẽ có nhiều cách để thực hành bài pháp cúng dường công đức cho cha mẹ chúng ta, theo dẫn ý của thầy Phước Tấn.

Con kính dâng hương hồn song thân người đã tạo hình hài cho con, lòng tri ân sâu kính và xin hồi hướng tất cả công đức có được trong mùa Vu Lan cho cha mẹ bảy đời.

Diệu Thông

____________

( 1* ) Nếu ai thích chuyện thiền thì cứ gỏ vào trang web Vườn Thiền thì sẽ thấy bài nầy.

( 2* ) Nếu ai muốn đọc nguyên truyện thì xin vào trang web gỏ: Mẹ Điên do Trang Hạ dịch thì được đọc hết bài. Một câu chuyện thương tâm và rất cảm động.

( 3* ) Trích đoạn, trong tập Bông Hồng Cài Áo của Thầy Nhất Hạnh.

( 4* ) Trong Chuyện cỗ Phật Giáo của Hòa Thượng Thích Thiện Hoà.

( 5* ) Trích đoạn, trong Kinh Vu Lan Bồn.

 

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.