Phương Trời Cao Rộng – Chương 4 – 6

CHƯƠNG NĂM

Thầy tôi là một vị tăng cao đức, có uy tín tại Nha Trang cũng như đối với giáo hội. Thầy sinh trưởng tại quận Diên Khánh. Xuất gia lúc bé thơ ở chùa Khánh Long, cũng ở Diên Khánh, một quận lỵ cách Nha Trang chín, mười cây số về phía nam. Thuở còn thanh niên, thầy ra Huế học tại Phật học đường Báo Quốc, rồi vào Sài Gòn, học tại Phật học đường Nam Việt. Sau khi tốt nghiệp đại học Phật giáo, thầy trở về nguyên quán đảm trách công việc do giáo hội giao phó tại Phật học viện Hải Đức này. Một phần do tính khí, một phần do ảnh hưởng tập quán địa phương, thầy trở nên một vị tăng có đời sống đơn giản, hồn hậu và bình dị. Tuy vậy, đối với vấn đề giới luật, thầy tuân thủ nghiêm minh nên đã có thời thầy là vị thầy nghiêm khắc, cương nghị, phạt đòn thẳng tay, làm cho học tăng trong viện phải sợ thầy một phép. Bây giờ, công việc càng lúc càng nhiêu khê khiến thầy bận bịu, không còn thì giờ để đi sát với sinh hoạt kỷ luật của học tăng nữa. Chuyện gì quá đáng đến tai thầy, thầy mới đem ra phân xử, còn ngoài ra đều do ban giám thị của Phật học viện giải quyết.

Quần chúng ngưỡng mộ quy kính thầy mỗi lúc một đông, nhưng đệ tử xuất gia của thầy thì hiếm lắm, vì thầy không có ý thu nhận nhiều. Trong một cuốn sổ ghi danh các đệ tử quy y và thọ pháp thầy, tôi thấy giới xuất gia chỉ có sáu người. Theo thứ tự thời gian thì đầu tiên là chú Hiền (dân Nha Trang), rồi đến chú Phượng, chú Quyết, chú Hải, chú Sung (dân Diên Khánh) và cuối cùng là tôi. Chú Hiền pháp danh Tâm Hạnh, học ở Phật viện Liễu Quan Phan Rang. Chú Phượng pháp danh Tâm Chơn và chú Quyết pháp danh Tâm Chí, đang tu học ở chùa Diên Thọ (cũng do thầy tôi chủ trì, tại Diên Khánh). Chú Hải, pháp danh Tâm Hương, học tại Phật học viện Bảo Tịnh, Phú Yên. Các chú ấy đã lớn và đã thọ giới Sa-di (giữ mười giới cấm), cạo chỏm đi rồi. Chú Sung, pháp danh Tâm Dung, và tôi, thì vẫn chưa thọ năm giới. Nhưng chú Sung đã có cái chỏm trên đầu, lại mặc đồ tu nữa, nên đã ra vẻ “người xuất gia” lắm, còn tôi, vẫn chỉ là một đứa trẻ  thế tục trên hình thức.

Thầy không cho mặc đồ đẹp, tôi đành mặc lại mấy bộ đồ tây, chờ đợi mẹ may đồ khác. Hai hôm sau mẹ tôi mới mang hai bộ áo quần tu mới cho tôi. Mẹ phải nhờ sư cô Yến mua giúp cho loại vải nào đừng sang trọng quá nhưng cũng đừng quá tệ mà tội nghiệp tôi. Màu vải lam hơi sẫm trông cũng đẹp lắm. Mẹ tôi đem trình thầy xem trước. Thầy nói được. Vậy là tôi mặc vào.  Lần này thì chắc chắn là không bị lột áo nữa rồi. Bộ đồ tu thực ra từ tiền vải đến tiền công so với bộ đồ tây của người đời thì hãy còn quá rẻ, có đáng giá gì. Nhưng giá trị của nó không nằm nơi sự chiết tính bằng con số và thị hiếu của thế gian. Tôi sung sướng mặc bộ đồ vạt hò mới và cảm thấy rằng mình đã thực sự tham gia vào thế giới những người xuất gia này. Cảm giác của tôi lúc đó thật lạ: giống như một người công chức hay một anh lính quèn mới được lên chức. Nhưng trên thực tế, các thầy ở Phật học viện vẫn gọi đùa tôi là “ông cư sĩ”, tức vẫn còn là một người thế tục (có tâm tu), vì tôi hãy còn tóc trên đầu. Ban đầu tôi chưa hiểu chữ cư sĩ có nghĩa là gì, nên chỉ cười cười. Sau đó, biết được rồi, tôi hơi buồn và thấy trong lòng nôn nao muốn được trở thành chú tiểu như chú Dũng, chú Sung–tức là phải cạo tóc chửa chỏm–để  không còn lạc lõng giữa hàng trăm người đầu tròn áo vuông nơi đây nữa.

Dù sao, trong thời gian làm thị giả cho thầy, tôi cũng được nhiều thầy trẻ cũng như các chú tiểu thương mến và thích lắm. Nguyên do là như vầy: thầy tôi không dùng được bất kỳ loại thức ăn, thức uống nào có chất hóa học, tức những sản phẩm kỹ nghệ. Thầy tôi cũng không hút thuốc, không uống trà, cà phê; không dùng thức ăn có dầu, bơ hoặc nêm bằng bột ngọt hay đường cát. Tóm lại là mọi thứ thầy dùng đều là sản phẩm kiểu cây nhà lá vườn từ nhà quê đem lên. Cho nên, bao nhiêu vật dụng, thực phẩm mà phật-tử đem dâng cúng riêng cho thầy, thầy đều chất đống lên chiếc giường gỗ, bảo tôi đem phân phát cho các thầy các chú nào cần. Có khi tôi phải nhờ một chú khác cùng vào phòng thầy khiêng cả một thúng đồ ra ngoài. Phật tử cúng dường thầy thì thường cúng “sỉ” chứ không cúng lẻ tẻ. Chẳng hạn cúng sữa hộp thì cúng nguyên thùng. Cúng thuốc hút thì cúng nguyên cây (hình như ông phật-từ nào đó nghĩ rằng mình thích cái gì thì cúng thầy cái đó nên mới đem món này lên dâng). Trái cây, đường, cà phê, trà… đủ thứ, đủ loại, không thứ nào thầy tôi đụng đến. Tôi mang tất cả đem chia. Các thầy trẻ thì thích cà phê, thuốc lá; các chú tiểu thì thích mì gói và sữa hộp. Họ thích tôi vì tôi không bao giờ mang đồ của thầy xuống mà dùng một mình. Tôi đã học được điều đó từ ngày thầy chia giỏ đồ của tôi cho tất cả các chú tiểu trong chùa. Tôi biết niềm vui sẽ to lớn khi nào cõi lòng và đôi tay được mở rộng chứ không phải là lúc chúng khép lại.

Phật học viện Hải Đức là một Phật học viện có nguồn tài trợ rất lớn và chính yếu từ xưởng nước tương của giáo hội tỉnh, cũng như sự hỗ trợ tận tình của rất đông phật-tử Nha Trang, nên vấn đề thực phẩm, thuốc men và vật dụng rất đầy đủ, không sợ thiếu thốn. Một số học tăng cũng như các chú tiểu nhỏ (trừ những vị ở tỉnh xa đến) lại thường có gia đình tiếp tế thêm tiền bạc hoặc món này món nọ để có sức mà tu học. Chính vì vậy mà chuyện ăn uống lặt vặt ngoài ba bữa cơm của viện không phải là chuyện thúc bách, hăm hở gì. Có điều, đó là dịp để chung vui. Chúng tôi là những đứa bé trai xa gia đình, rất cần những phút vui với nhau. Mà có cái vui nào cho trẻ em bằng cái vui được ăn uống đâu!

Vui nhất là uống sữa đá với nhau vào giấc trưa trời nắng gắt. Sau bữa cơm trưa là giờ chỉ tịnh (tức giờ ngủ), quý thầy ai vào phòng nấy, đóng cửa nghỉ trưa. Bọn tiểu chúng tôi rủ nhau uống sữa đá. Một chú xuống xóm mua đá lạnh. Đá đập nhỏ bỏ vào thau lớn. Sữa hộp  hai ba lon khui ra trút hết vào thau, không pha nước sôi hay nước lạnh gì. Sữa đặc quánh trong thau phải quậy một lúc lâu mới có thể lấy vá múc vào chén mà uống được. Ngọt lịm! Sau có chú bày vắt chanh vào sữa thành món sữa đá chanh, càng ngon tuyệt. Cứ hai ba bữa chúng tôi lại rủ nhau “làm” một thau như vậy. Mà muốn có những tiệc vui nhỏ đó, ắt là phải tùy thuộc vào tôi. Tôi cũng mang sữa, đường, cà phê, và trà cho quý thầy trẻ cần thức khuya để học nữa. Tối tối mà thấy tôi xách một giỏ mon men lên các dãy phòng tăng là các thầy biết ngay có tiếp tế. Thỉnh thoảng mới có một cây thuốc lá Mỹ, tôi phải thật thận trọng để đem dúi cho các thầy ghiền thuốc, mỗi thầy một gói. Viện có lệnh cấm hút thuốc hay không thì tôi không biết. Chỉ thấy các thầy lấy thuốc mà có vẻ lén lén lút lút rất tội nghiệp. Thực ra khi đưa cây thuốc lá cho tôi, thầy tôi cũng đã có dặn là đem cho mấy thầy tên này tên kia. Điều đó chứng tỏ thầy biết có người hút thuốc chứ chẳng phải không. Nhưng cái bệnh ghiền thuốc là cái bệnh vừa khó thương mà cũng vừa tội nghiệp. Nó có hai mặt của nó. Kỷ luật cũng vậy, có khi phải xiết mà có khi cũng phải nới ra một chút. Thầy nói: “Thầy đó hút thuốc dữ lắm, hứa bỏ hoài mà bỏ không được. Đưa gói thuốc này nói ổng hút xong rồi cai luôn đi nghen!”

Tôi mang thuốc đi mà nghe như trong giọng thầy  có cái vẻ trách yêu độ lượng của một người cha hiền đối với đứa con hoang đàng nghịch ngợm.

Đó là chuyện chia sẻ và chung vui. Nhưng ít ra cũng có lúc và có chút riêng tư nào đó dành cho mình. Nếu không có sự chung vui thì sẽ không bao giờ có được cái vui riêng một cách hể hả sung sướng. Vào hôm mà giỏ đồ mẹ tôi đem lên cho tôi bị chia hết cho các chú tiểu chung vui, mẹ tôi đã xuống nhà bếp dặn dò rồi dúi gì đó vào tay dì Lệ, một trong những dì vải thường trực tại nhà bếp của viện. (Khu nhà bếp của viện lớn lắm. Các dì vải lúc đó có khoảng bốn, năm dì, mỗi dì lo mỗi việc, vậy mà cũng phải cần nhiều phật-tử đến giúp làm công quả thêm hàng ngày mới đủ sức và kịp  thì giờ để lo nấu nướng cho hơn hai trăm miệng ăn của viện). Mẹ tôi chỉ nói chuyện riêng với dì Lệ. Ngày hôm sau, tôi xuống bưng cơm dọn cho thầy thì dì Lệ  kêu tôi ra sau hiên bếp, đưa tôi một bịch chè và một trái chuối  già hương. Dì nói:

“Của mẹ chú gởi tôi mua đó. Ăn đi nghen. Mẹ nói chú ốm xanh quá, phải ăn thêm thứ này thứ nọ mỗi ngày cho có chất bổ.”

Tôi cầm bịch chè mà thầm cảm nhận tình thương của mẹ gói ghém gởi đến. Từ ngày tôi vào chùa, mẹ tôi đã không ôm hôn và biểu lộ tình cảm mẹ con đối với tôi như thuở trước nữa. Bà chỉ còn cách gởi đến tôi những món ăn, thức uống nho nhỏ như vầy. Ngày nào cũng vậy, dì Lệ dặn tôi là cứ vào giớ quý thầy ngủ trưa thì xuống bếp để dì đưa chè và chuối mẹ gởi. Có khi mẹ vắng nhiều ngày không lên chùa, những ngày ấy, tôi vẫn cảm nhận được bàn tay chăm sóc của mẹ qua cái bịch chè nhỏ đó. Tôi tìm một chỗ vắng–cả cái viện to lớn rộng rãi như vầy thi thiếu gì chỗ vắng–ngồi xuống hăm hở soạn cái bịch nhỏ mà tôi biết trước là có bịch chè và trái chuối già hương trong đó, chỉ khác là lúc thì chè khoai, lúc thì chè đậu mà thôi. Tôi không ăn vội. Tôi đâu có đói thiếu gì. Tôi ngồi một lúc để nhớ đến mẹ, rồi dốc ngược cái bịch chè xuống, bóp bóp một chút cho nước dừa được trộn đều; sau đó mới cắn một phát rồi rứt một góc đít của bịch ni-lông ra. Mút. Ôi, chè sao mà ngon mà ngọt đến thế!

Buổi sáng hôm đó, nhằm ngày mười bốn tháng năm, tức là lúc tôi vào chùa chỉ mới được mười bốn ngày, thầy gọi tôi ra hiên phòng thầy và cạo tóc chừa chỏm cho tôi. Tôi sung sướng vô cùng. Từ nay thì không ai chối cãi được rằng tôi đã thành một chú tiểu thực sự. Cái chỏm của tôi kéo dài từ giữa đỉnh đầu đến chân mày. Thầy tôi không cho để dài hơn. Thầy dặn hễ thấy dài hơn lông mày là phải cắt, tỉa bớt chứ để dài thì trông giống các tiểu ni lắm. Đầu mới cạo tóc trông xanh như có nhuộm mực.  Bấy giờ tôi mới nghĩ rằng chữ đầu xanh        phải áp dụng cho mấy chú tiểu mới cạo tóc chứ không thể dành cho những người có tóc đen  thui được. Tôi hân hoan xuống bếp để khoe với dì Lệ, nhờ dì nhắn với mẹ tôi là tôi đã trở thành chú tiểu. Dì Lệ và các dì vải khác dưới bếp, ai cũng vui và khen tôi có cái chỏm rất đẹp. Mấy thầy trẻ đi ngang  cũng cười vui, xoa đầu tôi. Chưa bao giờ, kể từ ngày vào chùa, tôi thấy mình vui mừng đến độ không kiểm soát được xúc cảm của mình như vậy. Dì Lệ chưa có dịp thông báo cho mẹ tôi thì ngay trưa đó, mẹ tôi đã có mặt. Mẹ tôi chỉ thấy nhớ tôi, muốn thăm tôi mà lên viện chứ chẳng biết gì. Thấy tôi cạo tóc rồi, mẹ cũng sung sướng, kêu tôi ra trước sân chánh điện, chụp nguyên một cuộn phim để lưu niệm.

Ngày đầu được cạo tóc, tôi tưởng như vậy đã là thành tựu lớn cho ý nguyện xuất gia của mình rồi. Nhưng buổi tối, trước khi ngủ, thầy tôi dạy rằng, tôi chỉ mới bắt đầu bước thứ nhất cho hành trình vạn dặm tiến đến mục tiêu tối hậu của người xuất gia. Không kiên cường dõng mãnh thì không sao đi trọn được con đường chông gai đó. Dù nghe thầy nói trước sự gian nan khổ nhọc của người xuất gia như vậy, tôi vẫn thấy tự tin trong lòng. Tôi cứ đưa tay sờ lên cái đầu láng bóng của mình. Thấy ngồ ngộ mà thích thú làm sao. Từ nay tôi đã biến dạng rồi, đã thành một con người khác rồi. Tôi mỉm cười nằm xuống ngủ. Trước khi vào giấc ngủ, tôi nghĩ, có lẽ cuối con đường vạn dặm mà thầy nói đó, là phương trời cao rộng mà tôi hằng mơ ước.

Hôm nay lại có một chú mới vào xin xuất gia nữa. Chú ấy tên là Sáng cũng quê ở Diên Khánh. Ba chú Sáng là một thầy tu hoàn tục. Có lẽ do ảnh hưởng của cha mà chú ấy đòi đi tu sớm (chú ấy nhỏ hơn tôi hai tuổi). Chú Sáng có khuôn mặt lanh lợi, khôi ngô với đôi mắt to và sáng. Phải cái là da chú quá đen mà lại mốc sần nên cũng giảm bớt đi phần nào nét dễ thương của chú. Ba chú Sáng có quen biết với thầy tôi từ trước nên chuyện xin thầy cho chú xuất gia cũng đơn giản. Chú chẳng bị thử thách gì như tôi. Nhưng vì gia đình chú có tổ chức tụng kinh hằng ngày như ở chùa, nên chú cũng thuộc khá nhiều những bài kinh sám ngắn. Sáng thông minh, học thuộc lòng rất giỏi nên chỉ thời gian ngắn là vượt qua các chú Dũng, Sung và Kính. Ba chú Sáng cũng chuẩn bị cho chú đầy đủ nên vào chùa chừng một ngày sau là chú đã có áo quần tu để mặc rồi.  Vải may cũng là loại trung bình, không sang mà cũng chẳng tệ lắm, nên chú cũng không bị thầy tôi bắt đem cho hay đổi với ai. Vậy là kể từ hôm nay, tôi không còn là đệ tử út của thầy nữa. Tôi đã được lên chức sư huynh rồi đó.

Chú Sáng cũng không có chỗ ngủ nên tối nào cũng cùng với chú Kính giăng mùng tại Tổ đường mà ngủ. Tôi vẫn ngủ trong phòng thầy, nhưng lúc này tôi không ngủ trên ghế xếp nữa vì thấy mất công, lại thêm phiền là mỗi lúc cựa quậy thì chiếc ghế lại kêu lên cót két vài tiếng, có thể làm mất giấc ngủ của thầy. Tôi thưa thầy là tôi ngủ ở khoảng trống ở giữa bàn viết và tủ thờ Phật trong phòng thầy (tức là chỗ ngủ của tôi và thầy cách nhau một cái tủ đứng lớn). Thầy đồng ý. Từ đó, mỗi tối tôi lau quét rồi ngủ dưới nền xi-măng cho mát và thoải mái.

Chú Sáng siêng năng học kinh luật, suốt ngày ngồi một chỗ mà học, chẳng biết đi chơi đâu. Khi nào buồn ngủ, chú ngồi xếp bằng trên ghế hoặc ngồi dựa vách mà ngủ. Đôi lúc chú ngồi nhắm mắt lim dim như một ông Phật con. Dũng, Kính và Sung có chọc ghẹo hay đụng tới thì Sáng chắp tay nói “mô Phật” khiến ba chú kia càng ghét thêm, cho rằng Sáng đạo đức giả. Buổi tối, Sáng ngủ ở Tổ đường cứ bị chú Kính chọc ghẹo, nào là thắt giây móc vào ngón chân cái rồi đem cột vào chân bàn chân ghế, nào là chờ Sáng ngủ say rồi hè nhau khiêng đi chỗ khác–có khi còn muốn tụt quần chú Sáng để đem giấu nữa. Nhưng Sáng đúng là chú tiểu hiền lành dễ thương, bị chọc hoài mà không đem lòng hờn oán ai, cũng không đem chuyện đó lên thưa thầy hoặc mét thầy quản chúng.

Vài hôm sau, thầy gọi Sáng vào phòng, bảo Sáng cùng tôi lau quét dưới đất mà ngủ. Công việc hầu hạ thầy từ đó có thêm Sáng phụ giúp nên tôi cũng vui và đỡ bận.

Mỗi tối trước giờ niệm Phật, hai đứa chúng tôi được thầy dạy cho pháp Tỳ ni. Phương pháp này, trích từ kinh Hoa Nghiêm, là một trong những pháp tu mà Thiện Tài đồng tử học được trên đường tham vấn năm mươi ba vị Phật và Bồ tát. Phương pháp rất đơn giản mà lúc đó chúng tôi chỉ học cách thực hành chứ không cần tìm hiểu nghĩa lý. Phương pháp này cũng được trích dẫn một số câu thông dụng để tạo thành cuốn Tỳ Ni Nhật Dụng, một trong bốn cuốn luật mà tôi đang học phần âm Hán–Việt.  Bây giờ, thầy dạy chúng tôi áp dụng bằng cách học phần nghĩa. Phương pháp rất dễ áp dụng. Chỉ cần học thuộc lòng một số bài thơ kệ (thường có kèm theo một câu thần chú) để đọc trong những sinh hoạt hằng ngày. Chẳng hạn khi rửa tay thì đọc:

“Lấy nước rửa tay
Cầu cho chúng sanh,
Được tay trong sạch,
Giữ gìn Phật pháp.

Án, phạ tất ba ra ma ni sa ha.”

Phương pháp này phù hợp với Chánh niệm trong Bát Chánh Đạo. Đó là cách để tập cho mình ý thức được mình đang làm gì, giữ cho tâm hồn luôn chú mục vào giây phút hiện tại để từ đó định lực phát sinh, định lực phát sinh thì trí tuệ mới tỏa chiếu. Thầy giảng cho chúng tôi nghe sơ qua như vậy. Mấy ngày đầu chúng tôi chưa quen, thầy cố tình đọc lớn tiếng để nhắc chúng tôi đọc theo. Thầy trò chúng tôi thường đọc chung các bài kệ chú áp dụng trong khoảng thời gian trước khi ngồi niệm Phật hay tham thiền tại chỗ nằm ngủ và nhất là khoảng ba giờ rưỡi khuya, lúc mới nghe tiếng báo chúng và đại hồng chung ngân vang để đánh thức cả viện thức dậy. Giấc khuya này có nhiều câu kệ để đọc lắm. Trước nhất là bài Tảo ngộ (thức dậy buổi sớm), thầy đọc trước câu đầu, chúng tôi giật mình, dụi mắt, cùng đọc theo các câu kế:

 “Ngủ mới thức dậy,
Cầu cho chúng sanh,
Được trí siêu việt,
Thấy khắp mười phương.”

Rồi đến bài Văn chung (nghe chuông):

“Nghe tiếng chuông phiền não nhẹ
Trí tuệ lớn, bồ đề sanh
Lìa địa ngục, xa hầm lửa
Nguyện thành Phật, cứu chúng sanh.

Án, dà ra đế da sa ha.” 

Xong bài Văn chung, ngồi niệm Phật nửa giờ mới bước xuống đất. Nhưng trước khi đặt chân xuống đất thì phải đọc bài Hạ đơn(xuống giường) – lúc đọc bài này, tôi thấy tức cười mà chẳng dám nói ra điều mình suy nghĩ với thầy, nhưng không ngờ lúc vui, thầy nói: “Hai đứa con nằm ngủ dưới đất thì đâu có cần phải đọc bài Xuống giường, phải không? Nhưng kệ, cứ đọc cho quen. Đâu phải nằm dưới đất hoài!”

Xỏ hai chân vào giép để bắt đầu cất bước chân thứ nhất có bài Hành bộ bất thương trùng (bước đi không tổn hại đến sinh vật dưới đất) – bài này tôi thấy tức cười cho trường hợp chúng tôi, vì phòng thầy lúc nào cũng lau sạch, giép đều để ở phía ngoài, có giép  đâu mà xỏ và đọc bài kệ cho bước chân thứ nhất! Bước ra khỏi nhà hay phòng lớn có bài Xuất hộ (rời nhà); vào nhà tiêu có bàiĐăng xí; rửa tay có bài Tẩy thủ; rửa mặt có bài Tẩy diện; súc miệng có bài Thấu khẩu; tắm rửa, thay quần áo, mắc áo tràng v.v… nhất nhất mọi cử động, mọi hành vi đều có những bài thơ kệ, hoặc thần chú thích hợp để đọc lên, nguyện cầu cho chúng sanh và cũng để tự lắng tâm mình. Tôi và Sáng tập áp dụng phương pháp này không mấy khó. Có thầy nhắc nhở luôn như vậy nên chúng tôi ít quên. Ban ngày ra ngoài không ở trong phòng thầy, chúng tôi cũng tự nhớ những bài kệ chú khác để áp dụng cho các sinh hoạt khác. Nhưng ở ngoài, chúng tôi đọc thầm chứ không đọc to như lúc ở trong phòng thầy. Mà thầy cũng chỉ đọc lớn tiếng để nhắc nhở chúng tôi trong thời gian đầu thôi. Đâu được vài tuần lễ, biết chúng tôi đã thuần thục, thầy không đọc lớn tiếng nữa. Bài học thầy dạy, phương pháp thầy nhắc, đơn giản chỉ có thế. Nhưng tôi nhớ mãi và đem áp dụng lâu dài về sau để trở thành một trong những công phu tu tập thường xuyên của đời mình.

Trong tháng đó, viện có tăng thêm nhân số vế phía bọn tiểu chúng tôi. Một chú tên Sướng, một chú tên Minh và một chú tên Thông. Sướng thì ở Cam Ranh ra, Minh thì ở xóm Bóng vào, Thông thì ở Diên Khánh lên. Chú Sướng và Thông thì xin làm đệ tử thầy quản chúng. Minh thì xin làm đệ tử thầy tôi. Vậy là tôi lại có thêm một sư đệ. Chú Minh này là chú nhỏ nhất trong đám tiểu chúng tôi. Không những nhỏ tuổi mà còn nhỏ xác nữa. Bé tí xíu mà lại ốm tong teo như con nai con mới lọt lòng mẹ. Ví chú ấy như con nai con là chính xác nhất ví chú còn có đôi mắt to, đen láy, hiền như mắt nai vậy. Hình như nhà chú ấy khá giả, may cho chú đồ sang lắm, may luôn một lúc bốn, năm bộ với loại vải đắt tiền. Chẳng hiểu sao thầy tôi không la rầy, cấm đoán chi chuyện đó. Đôi khi tôi tự hỏi không biết thầy có phải chỉ đặc biệt cấm đoán mình tôi thôi? Phải chăng đối với một đứa đệ tử nhạy cảm và dễ say đắm, thầy sẽ ngăn ngừa nó từ những bước đầu?

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.