Tu Theo Đạo Phật

Đối với đạo Phật, tùy duyên mỗi người chọn cho mình một đường lối tu, thích hợp với căn cơ, trình độ, hoàn cảnh, sở thích, tâm nguyện. Trải qua hơn hai ngàn năm, hiện nay, Phật giáo trên thế giới còn truyền lại ba tông phái chính là: Tịnh Tông, Mật Tông và Thiền Tông. Đó là ba tông phái có cách thực hành khác nhau. Ngoài ra, do sự truyền thừa theo địa lý, còn chia ra 2 dòng truyền gọi là:

1. Bắc truyền (còn gọi là Bắc Tông, hay Đại Thừa, hay Phát Triển)

2. Nam truyền (còn gọi là Nam Tông, hay Tiểu Thừa, hay Nguyên Thủy)

Từ đó, có sự tranh chấp trong phương cách tu tập giữa các Tông phái hay hệ phái truyền thừa nói trên. Thực ra chỉ có những người thành kiến cố chấp, kiến thức hẹp hòi, năng lực tu tập kém cỏi, dù tại gia hay xuất gia, mới lên tiếng khích bác hay công kích nhau mà thôi. Muốn tu thì phải học. Người tu theo đạo Phật cần nên ra sức tìm hiểu tất cả các tông phái, trước khi quyết định chọn cho mình con đường thích hợp để tu tập. Người thích niệm Phật thì chọn Tịnh Tông. Người thích trì chú thì chọn Mật Tông. Người thích tu thiền thì chọn Thiền Tông.

Tuy nhiên, tất cả các điều nói trên chỉ là các cách thực hành mà thôi. Trước khi thực hành, người tu theo đạo Phật phải nắm vững giáo lý (lý thuyết). Giáo lý đạo Phật bao gồm 37 phẩm trợ đạo (tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, và bát chánh đạo). Người nào chưa hiểu thấu rõ chánh đạo (giáo lý hay 37 phẩm trợ đạo) mà bàn chuyện tu hành, là người nằm mơ – chắc chắn sẽ lạc vào tà đạo.

Dù chọn con đường thực hành tu tập theo Tịnh Tông, Mật Tông hay Thiền Tông, người tu theo đạo Phật phải hiểu mục đích cứu cánh (hay cốt tủy của đạo Phật) là đạt được Bản Tâm Sáng Suốt, Chân Chánh và Thanh Tịnh (Giác Ngộ và Giải Thoát).

Khi thực hành việc tu tập, phải cố gắng với tất cả nổ lực để đạt được mục đích cứu cánh nói trên, chứ không thể thực hành qua loa 10 câu niệm Phật, trì chú hay ngồi thiền, rồi hẹn kiếp sau tu tiếp. Hẹn kiếp sau tu tiếp là cách của các nhà tu lười biếng (giải đãi) truyền lại cho những người tu ít, mà muốn hưởng nhiều tối đa: vãng sanh tây phương cực lạc. Tu ít mong hưởng nhiều tối đa biểu hiện lòng tham không đáy, cộng thêm tâm ngu ngơ, si mê. Nếu có ai khuyên giải hay chỉ rõ thì những người này nổi sân ghê gớm.

Tham sân si còn đủ, còn nhiều hơn khi chưa phát tâm tu nữa. Tại sao con người không nổ lực tu rốt ráo, nhìn rõ, dẹp bỏ tham sân si ngay trong kiếp này? Những người mang tâm cố chấp như vậy, dù sanh về cõi nào, dù theo pháp môn nào, cũng chỉ cảm nhận phiền não và khổ đau mà thôi, bởi chưa giác ngộ được gì và chẳng giải thoát được gì. Ví như cái đít ly bị dơ, dời đi nơi nào cũng làm dơ nơi đó – nếu không lau cho sạch trước khi dời đi. Tâm con người còn tràn đầy nghiệp chướng (tham, sân, si) cầu mong được lên cõi tịnh độ (chỗ sạch) cũng làm cho nơi đó trở thành uế độ (chỗ dơ).

Không nên hạ thấp giá trị của đạo Phật bằng cách nói năng hay suy nghĩ như sau: chỉ cần niệm Phật, trì chú hay ngồi thiền, là đủ rồi – không cần kinh sách (giáo lý). – Tại sao vậy? – Bởi lẽ, đức Phật Thích Ca Mưu Ni giảng dạy bao nhiêu kinh điển (giáo lý) – tất cả đều là vô dụng, không cần học hiểu sao? Thêm nữa, nếu không học hiểu sâu rộng giáo lý, làm sao người tu biết được chính xác đâu là lời Phật dạy, đâu là lời người sau thêm thắt, thêu dệt? Như vậy, làm sao phân biệt chánh và tà ? (chánh đạo và tà đạo, chánh kiến và tà kiến, chánh pháp và tà pháp) Nhiều nhà tu rao giảng: đây là lời Phật Thích Ca nói, chắc thật không sai, ai nghi ngờ phải mang tội. Người nào không rành giáo lý chắc chắn là tin ngay, không dám nghi ngờ, sợ mang tội. Thế là có người gạt gẫm (nhà sư) và có người bị gạt gẫm (tín đồ). Thật đáng tiếc. Thật đáng buồn.

Ngoài ra còn có vấn đề Phật giả, Pháp giả và Tăng giả. Nếu không có nghiên cứu, không học hiểu giáo lý (kinh điển), thì làm sao người tu nhận ra, đâu là Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) thật? Ngay trong Phật giáo, có những điều, có nhiều điều, tông phái này công nhận, các tông phái khác không công nhận. Đâu là chân lý? Đâu là gạt gẫm?

Tóm lại, con đường tu tập không phải quá khó khăn, nhưng không dễ nhận ra chân lý (chánh pháp). Tùy tâm con người, sẽ có phương pháp tu tập (pháp môn) tương ứng, thích ứng. Tâm con người chân thật sẽ gặp Tam Bảo thật, pháp tu thật (tu tâm). Tâm con người giả trá điêu ngoa, lười biếng, tham lam ích kỷ, tức sẽ gặp tam bảo giả (tu tướng).

Con người lắng lòng, gạn lọc thân tâm, quán sát nội tâm, tìm được chân lý (chánh pháp, hay lẽ phải). Đạo Phật phải hội đủ hai yếu tố: Từ Bi và Trí Tuệ. Thiếu một trong hai điều này, chưa phải, hay không phải là đạo Phật.

Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ

http://phathoctinhquang.chuaphat.com

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.