Tìm Bình An Trong Phiền Não

Dưới ánh nắng rực rỡ của một buổi trưa giữa mùa Xuân, những con đường hướng về Long Beach Convention Center trở nên nhộn nhịp đông đúc một cách khác thường.  Xe chạy càng đến gần Convention Center, càng lúc số lượng xe tăng lên một cách đáng ngạc nhiên. Khi xe chúng tôi đang đậu chờ đèn đỏ đến lần thứ ba mà vẫn chưa qua khỏi cái ngã tư gần nơi hội trường Long Beach, bổng có một chiếc xe sport khá đắt tiền trờ tới đậu ngang với xe tôi. Một người đàn ông Mỹ, còn khá trẻ, có vẻ là một người khá giả, chở trên xe một phụ nữ rất trẻ, đẹp, thò đầu ra hỏi tôi buổi giảng của Đức Dalai Lama. Câu hỏi của ông ta làm tôi hơi bất ngờ vì sự quan tâm của ông tới một vị tu sĩ Phật Giáo. Tôi cũng vui vẻ trả lời câu hỏi và chỉ cho ông tòa nhà Convention Center đã thấy từ xa. Ông gật đầu cám ơn tôi. Đèn xanh bật lên, cả hai xe đều nhấn ga hối hả lao tới vì sợ trễ giờ.

Gần đến nơi, tôi thấy hai bên đường bóng dáng những nhà sư Tây Tạng có, Việt Nam có, Nguyên Thủy có, Bắc Tông có tùy theo y phục của các sư mặc mà tôi đoán thầm. Nhìn dòng xe, dòng người đổ vào tòa nhà to lớn kia, tôi ước lượng chắc phải hơn năm ngàn người tham dự. Nhưng khi vào đến hội trường, nghe lời giới thiệu, tôi bất ngờ về số lượng tham dự quá đông, đủ mọi sắc dân đều có mặt. Trong giây phút ấy, tôi cảm thấy hãnh diện Về những gì Phật Giáo đang đóng góp cho nhân loại. Tôi sung sướng mỉm cười khi bước vào tòa nhà vĩ đại.

Trong hội trường Long Beach Convention Center có đến gần mười ngàn người tề tựu ngồi chật kín hội trường.  Sân khấu được trang hoàng khá đơn giản, không có bàn thờ nghi ngút khói hương. Một bức tranh rất lớn được treo lên ở chính giữa. Hai bên là những chậu hoa tươi rất đẹp được chưng bày dọc theo sân khấu, chiếu sáng bởi những bóng đèn gắn trên trần hội trường.  Ở giữa sân khấu là một chiếc ghế lớn bọc nhung đỏ mà Ngài thường hay ngồi khi thuyết pháp. Gần đó, có một cái ghế nệm nhỏ dành cho người thông dịch. Không khí trong hội trường khá nhộn nhịp vì mọi người đang ổn định chỗ ngồi. Một lúc sau, một vị trong đoàn Tây Tạng đứng lên giới thiệu Về buổi nói chuyện của ngài Dalai Lama. Không khí hội trường bắt đầu lắng xuống. Một Vị sư Tây Tạng bước ra giới thiệu về buổi thuyết pháp của Ngài Dalai Lama. Sau đó, cả khán đài tràn ngập một chuỗi âm điệu trầm hùng vang lên từ một cái kèn rất dài đặc trưng của dân tộc Tây Tạng, do một nghệ sĩ Tây Tạng biểu diễn, làm cho không khí hội trường đang ồn ào trở nên trầm mặc hơn. Mọi tiếng động dường như lắng dần xuống, rồi im lặng hẳn, dù rằng trong hội trường có gần mười ngàn người đang náo nức chờ nghe lời Ngài thuyết giảng.

Sau những lời mở đầu của vị thị trưởng thành phố Long Beach, Và một số người  trong ban tổ chức, vị tài tử Mỹ nổi tiếng Richard Gere xuất hiện. Ông là người đệ tử trung thành của Đức Dalai Lama từ nhiều chục năm nay. Trong bộ đồ suit giản dị, ông nói rằng: mặc dù đang tham dự một buổi họp ở Universal Studio với một đoàn làm phim, ông cũng phải bỏ buổi họp chạy xuống Long Beach để có mặt đón tiếp Đức DaLai Lama. Trên đường đi bị traffic rất nhiều, nhưng ông đã cầu nguyện để có thể đến kịp lúc. May thay, ông đã đến hội trường Long Beach đúng giờ. Sau một vài lời giới thiệu ngắn ngủi về hoạt động của Ngài trong bao nhiêu năm nay qua việc vận động cho chủ quyền của Tây Tạng, cũng như cổ võ một thế giới không chiến tranh, ông trân trọng lên tiếng giới thiệu Đức Dalai Lama.  Ngài xuất hiện trên sân khấu, tất cả mọi người trong hội trường đồng loạt đứng dậy, vỗ tay hoan hô Ngài vang dội. Đức Dalai Lama chấp tay xá mọi người theo lễ nghi Phật Giáo thật khiêm cung.  Ngài đi vòng vòng sân khấu, cúi đầu xá chào mọi người trong hội trường.  Sau đó, Ngài đi lại chiếc cẩm đôn màu đỏ và ngồi lên.  Khi Ngài vừa ngồi lên chiếc ghế, liền xếp chân theo kiểu bán già như các vị sư Phật Giáo. Thú vị nhất là cái nón màu đỏ mà Ngài đội trên đầu. Cái nón ấy được may rất giống như những cái nón casket mà người ta hay đội trong các buổi xem các trận đấu thể thao. Nó chỉ có một miếng che trước trán, dùng để che nắng, và một cái vòng bao quanh đầu. Nón không có chóp, hoàn toàn màu đỏ. Đội cái nón đó, Ngài trông thật là “dễ thương”, bình dân và yêu đời.

Ở Ngài không có vẻ toát ra hình ảnh của một Vị Phật sống cao xa và huyền bí, trái lại Ngài còn có vẻ thật gần gũi với mọi người có khi còn hơn cả một số các nhà sư Phật Giáo mà tôi có dịp diện kiến.

  Buổi thuyết giảng bắt đầu bằng tiếng cười thoải mái của Đức Dalai Lama. Dường như tiếng cười vô tư của Ngài có một năng lượng vô cùng lớn khiến cho cả hội trường mang một tâm trạng sảng khoái. Và thế là cả hội trường cùng cất tiếng cười vang nối đuôi tiếng cười của Ngài.  Dường như ai cũng có một cảm giác như nhau: đó là cảm giác ấm áp thật sự từ trong tâm.  Ngài cất giọng trầm ấm bằng tiếng Anh lai lái pha giọng Tây Tạng. Bên cạnh Ngài luôn luôn có một thông dịch viên giúp Ngài thông dịch các chữ Anh Ngữ khó từ tiếng Tây Tạng nào mà Ngài muốn nói.

Hôm nay, Ngài giảng về đề tài: “Peaceful mind in trouble time.” (Giữ tinh thần bình yên trong giai đoạn khó khăn). Bắt đầu bằng một tiếng cười thoải mái. Ngài hỏi mọi người:

–  Chắc quí vị nghĩ rằng tôi không bao giờ biết buồn, biết lo lắng, đau khổ phải không?

Cả hội trường lặng yên. Ngài mỉm cười nói tiếp:

–  Quí vị tưởng thế là lầm to đấy! Tôi là người chứ có phải gỗ đá đâu mà không biết lo, biết buồn, biết đau khổ.

Bằng một giọng dí đỏm, Ngài nói tiếp:

–  Nói thật chứ, hồi xưa khi tôi còn nhỏ, bị thầy đánh đòn, tôi còn khóc to hơn ai hết đấy chứ!

Cả hội trường vỡ òa trong tiếng cười, cùng với tiếng cười của Ngài khúc khích trên sân khấu.  Không khí trở nên ấm cúng không còn vẻ long trọng như lúc đầu.  Ngài nghiêng người cùng cười với mọi người, rồi đưa tay dở cái nón trên đầu ra gãi gãi.  Sau khi đội nón vào, Ngài nói tiếp:

–  Sở dĩ tôi nói với quí vị điều này là vì: có rất nhiều người có những ngộ nhận cho rằng những vị sư Phật   Giáo khi đã tu đắc đạo thì sẽ không còn có cảm giác nữa. Họ không vui, không buồn, không cười, không khóc, không thất vọng, không đau khổ….Ấy là sự hiểu lầm hoàn toàn đấy. Tất cả chúng tôi (Ngài ám chỉ Ngài và các nhà sư Phật Giáo) vẫn có những cảm giác như quí vị đây, không có gì khác cả.

Ngài im lặng một chút rồi kể một câu chuyện của Ngài khi còn nhỏ:

–  Hồi còn bé, khi tôi đã được chứng nhận là người kế thừa của Vị Dalai Lama thứ mười ba. Tôi và các anh tôi được đưa vào một chương trình đặc biệt để giáo dục. Vì thân phận tôi khác với anh tôi nên vị thầy của chúng tôi đã sắm hai cái roi khác nhau. Một cái roi được gọi la “Holy Wheep” dùng để phạt tôi khi tôi làm điều gì sai. Cái roi kia thì bình thường dùng để phạt người anh của tôi.

Ngài hắng giọng rồi kể tiếp:

–  Thầy tôi rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ chúng tôi. Mỗi khi tôi hay anh tôi làm điều gì sai, chúng tôi đều bị thầy trừng phạt như nhau. Thầy  tôi giải thích rằng: Vì thương yêu chúng tôi, muốn chúng tôi học hành nghiêm túc và luôn tấn tới, nên thầy phải cứng rắn, kỷ luật chúng tôi nếu chúng tôi làm sai lời thầy đạy. Nhưng tuyệt nhiên thầy không bao giờ giận chúng tôi cả.

Ngài hóm hỉnh, gãi gãi cái đầu không tóc của mình, rồi tiếp:

–  Ngay từ nhỏ tôi nhận ra rằng, mỗi khi thầy đánh thì tôi cũng thấy đau như anh tôi bị đánh vậy. Tức là cái đau của một Vị Lat Ma thì chẳng khác gì cái đau của một người bình thường. Hồi đó, tôi cứ tưởng cái roi “Holy Wheep” đánh, tôi sẽ không thấy đau, Vì nghĩ rằng tôi khác anh tôi. Nhưng mỗi lần bị ăn đòn xong, anh tôi nhìn tôi hỏi “Có đau không?” Tôi cũng gật đầu trả lời:” Đau chứ sao không đau!”.

Hội trường lại òa ra trong tiếng cười hòa vào tiếng cười khà khà hồn nhiên của Ngài.

Bất chợt Ngài nghiêm giọng:

–  Điều đầu tiên tôi muốn nói với quí vị là Giáo Lý Phật Đà luôn dạy chúng ta áp dụng lòng Từ Bi (Compasion) và sự tha thứ (Tolerance) trong việc tu tập và giải quyết những khó khăn trong đời sống. Nhưng chúng ta cần phân biệt rõ lòng Từ Bi và sự tha thứ phải được áp dụng một cách đúng đắn. Trong mỗi sự việc, chúng ta cần phân biệt hành động (action) và người thực hiện hành động đó (Actor). Chúng ta cần phải hiểu rõ rằng: chúng ta dùng lòng Từ Bi để không chấp người có hành động sai (actor), chúng ta tha thứ cho ngừơi làm sai, nhưng chúng ta không chấp nhận hành động sai (Wrong action).

Ngài ngưng một chút rồi nói tiếp:

– Có rất nhiều người ngộ nhận về lòng Từ Bi và sự tha thứ khi phải đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống. Tôi xin đưa ra một ví dụ: có một người luôn lợi dụng lòng tốt của quí vị để làm những điều sai trái, có khi gây hại cho quí vị chỉ vì mục đích riêng của họ. Với lòng Từ Bi, chúng ta sẽ tha thứ cho người (actor)gây ra hành động sai trái ấy. Họ có thể vì vô minh mà tạo tác ra những hành động sai lầm. Nhưng chúng ta không thể chấp nhận hành động sai lầm (Wrong doing) ấy tiếp tục mãi được. Cần phải ngăn chặn hành động ấy càng sớm càng tốt, càng cương quyết càng tốt. Cho nên Lòng Từ Bi và sự tha thứ cần phải áp đụng đúng chỗ thì nó mới phát huy tối đa hiệu lực của nó. Trên con đường tìm kiếm sự bình an trong tâm hồn, chúng ta cần phải phát triển lòng Từ Bi một cách bền bỉ, can đảm.  Chính nhờ lòng Từ Bi, chúng ta mới trải rộng tâm yêu thương, không phân biệt đến mọi loài, mọi chúng sinh, thì sự bình an trong tâm hồn sẽ ngày càng lớn hơn và vững chắc hơn.

Trầm giọng một chút, Ngài nói:

–  Tâm Từ Bi đều có sẳn trong mỗi chúng ta. Tôi và quí vị đều bình đẳng trong hạt giống Từ Bi. Chỉ có khác là ai cố gắng gieo trồng và tưới tẩm hạt giống Từ Bi thì nó sẽ nảy mầm và lớn nhanh trong tâm hồn chúng ta. Người không chịu kiên trì thực hiện điều đó thì hạt giống Từ Bi sẽ bị chôn sâu dưới sự vô minh trong suy nghĩ và hành động.  Bắt đầu của lòng Từ Bi là tình thương. Mà tôi tin rằng bất cứ ai trong chúng ta đều được trang bị “Tình Thương” ấy trong lòng mình.

Ngài nở một nụ cười và nhắc về mẹ Ngài bằng một giọng nói ấm áp:

–  Mẹ tôi là một người đàn bà hiền lành và tử tế với tất cả mọi người.  Bà đối xử với người nào cũng tử tế như nhau. Tôi nhớ khi còn nhỏ mẹ tôi rất thương tôi. Tôi rất thích được cưỡi lên lưng bà mỗi khi muốn đi đâu với bà. Bà thường hay chiều theo ý thích của tôi. Bà cõng tôi lên lưng. Khi tôi ngồi lên lưng bà, tôi thích chơi trò cưỡi ngựa bằng cách nắm hai cái tai của bà để điều khiển bà quẹo phải hay quẹo trái.

Ngài cười khà khà rồi lại nói tiếp:

– Chưa bao giờ mẹ tôi mắng tôi về cái trò tai quái của tôi. Bà luôn chiều tôi, nhưng bà thường nói với tôi bằng cái giọng nửa đùa nửa thật: “Mai mốt lớn rồi thì phải đàng hoàng, đứng đắn đấy nhé. Bởi không có ai chịu cho con cưỡi lưng mà làm như vậy đâu.”

Tôi biết chính vì tình thương của người mẹ dành cho con mà bà chịu đựng hết được những trò chơi nghịch ngợm, trẻ con của tôi.

Ngài sửa tư thế ngồi trên ghế một chút. Cả hội trường im phăng phắc, lắng nghe từng lời giảng của Ngài. Đức Dalai Lama làm một cử chỉ phác họa một tình yêu to lớn, Và nói tiếp:

–  Hầu hết chúng ta được sinh ra trong tình yêu thương của cha mẹ và gia đình. Ngay từ nhỏ, chúng ta đã được tưới tẩm tình yêu ấy. Điều rõ ràng rằng chúng ta rất sợ sự cô đơn, sợ bị ghét bỏ. Những người kém may mắn sinh ra trong một bầu không khí đây sự thù hận, ghét bỏ, thì thật đáng thương. Cái hạt giống Từ Bi trong họ chưa được tưới tẩm đầy đủ, đã bị những hành động thù hận, ghét bỏ làm cho nó tàn héo vì sự sợ hãi và nghi kị. Chỉ có tình yêu chân thật mới xóa được sự thù hận, sự sợ hãi, lòng nghi kị của con người. Phát triển lòng Từ Bi không phải là điều dễ dàng, bởi hạt giống ấy cần phải được thử thách trong khó khăn, đau khổ, thì khi lớn lên nó mới cắm sâu vào tâm mình vững chắc.  Vì vậy, chúng ta cần có lòng can đảm, và sự dấn thân để theo đuổi mục tiêu đó đến cùng.

Ngài dứt lời, cả hội trường vỗ tay vang dội. Ngài giơ hai tay lên cao khỏi đầu, chấp tay vái chào khán thính giả ở dưới. Hành động của Ngài thật tự nhiên và rất khiêm hạ. Tiếng vỗ tay vẫn kéo dài cho dến khi Ngài giơ tay lên, ra hiệu muốn nói tiếp:

–   Để theo đuổi mục tiêu phát triển tâm Từ Bi, ngoài sự can đảm, lòng kiên trì, bền bỉ, chúng ta cần phải có kỷ luật với chính mình.   Chúng ta cần phải tập điều khiển những cảm giác của mình, đừng để cho chúng (feelings) sai khiến mình. Quí vị cần phải huân tập sự thiền định trong từng giây phút. Kiểm soát suy nghĩ cũng như hành động mình trong mọi lúc, Và luôn luôn hướng tới sự phát triển Tâm Từ Bi thì mới mong gặt hái được kết quả. Thiền là một phương pháp rất tốt để giúp chúng ta kiểm soát được nội tâm Và hành động của mình.

Ngài lại đưa tay giở cái nón casket đỏ lên một chút, gãi gãi đầu, rồi đội nón lại. Bằng giọng dí dỏm, Ngài kể chuyện tiếp:

–  Tôi nhớ có một lần tôi thân hành đến Nhật Bản Với một phái bộ Tây Tạng theo lời mời của một tổ chức Phật Giáo Nhật. Hôm đón tiếp tôi, có những vị cao tăng Nhật Bản đến tham dự. Trong buổi nói chuyện, tôi để ý các vị sư đều đeo trên tay một tràng hạt dài. Các ngài ấy vừa tiếp chuyện với tôi, nhưng vẫn không quên lần hạt.  Bất ngờ, tôi thấy một vị đang lần tràng hạt, thì sợi tràng hạt đó đứt giây.  Các hạt văng ra vương vãi khắp nơi. Nhưng tôi thấy vị sư ấy vẫn ngồi điềm nhiên, mắt không hề nhìn những hạt đang vương vãi dưới đất. Tay ngài vẫn lần sợi tràng hạt vô hình không hề giao động. Ngay các vị sư ngồi bên cạnh cũng không tỏ ra bối rối gì cả.

Cả hội trường vang lên tiếng cười trước cái tình cảnh “dở khóc dở cười” của vị thiền sư Nhật Bản đó. Đức Dalai Lama cũng mỉm cười, Ngài hài hước tiếp:

–  Thông thường phản ứng tự nhiên của một người bình thường như chúng ta mà gặp trường hợp như vậy, chắc hẳn là chúng ta sẽ rất lúng túng, ngượng ngập. Rồi ta sẽ bò xuống sàn nhà mà lo chụp cho bằng hết các hạt đang văng khắp nơi, phải không?- Tiếng cười lại vang lên. Ngài tiếp:

–  Thế nhưng các vị ấy đã kiểm soát được hành động của mình, vẫn ngồi yên như không có chuyện gì, Và tiếp tục câu chuyện với chúng tôi. Thú thật, tôi vô cùng kính phục sự tập trung của các vị thiền sư ấy. Các ngài đã huân tập cho mình một công năng rất lớn kiểm soát được thân và tâm mình thật tuyệt vời. Phải có một tinh thần bền bỉ, kiên định và kỷ luật lắm thì mới làm được điều đó.

– Con người chúng ta rất thường vướng mắc một điều. Ngài hắng giọng nói tiếp – Đó là tâm phân biệt.  Chúng ta thường đem “cái nhìn của ta” để so sánh, đánh giá người khác, mà ít ai nghĩ được rằng có chắc “cái ta” của họ đã là đúng, là chính xác, là đẹp đẽ….Chẳng hạn, người này chê người kia là xấu, nhưng chẳng bao giờ họ tự hỏi họ lấy tiêu chuẩn từ đâu để cho người kia là xấu. Nếu xét thật sâu thì lời chê ấy phải nói như thế này mới chính xác: “Người đó xấu hơn tôi.” Tức là, họ thật ra đã đem chính họ làm tiêu chuẩn để đo sự xấu đẹp, hay dở…của người khác. Chẳng hạn như người Trung Quốc thường chê bai người Mỹ có tinh thần thực dụng, vật chất. Nhưng họ lại không nhận thấy rằng chính họ cũng đang đi theo con đường đó.

Tiếng cười trong hội trường vang lên, cùng lúc Ngài nói thêm một cách rất chân thật:

–  Người Nga không thích chế độ độc tài ở Trung Quốc, nhưng ở nước Nga hiện nay, quyền lực cũng tập trung vào một số người thôi. Đó là điều không nên khi có quá nhiều quyền lực (too much power) nằm trong tay một số người.

Bằng những nhận định tinh tế và dí dỏm, Ngài đã tạo nên những tràng cười thoải mái lan tỏa khắp hội trường. Những thông điệp Ngài gởi đến thính chúng đều là những thông điệp hòa hình, không khơi gợi thù hận, phân biệt. Ngài nói về Trung Quốc cũng như nói về các nước khác đều mang một âm điệu như nhau. Ngài nói đến cái đẹp, cái tốt cũng như cái xấu, cái dở hoàn toàn không mang sự phân biệt. Với Ngài, đẹp cũng như tốt, xấu cũng như dở, đều cần phải có mặt trong cuộc sống này, và chúng cũng cần thiết với chúng ta như hơi thở, như tia nắng mặt trời.

Buổi nói chuyện được chuyển qua những câu hỏi mà thính chúng đặt cho Ngài. Đức Dalai Lama ngồi trên ghế rất thoải mái, sẳn sàng lắng nghe những câu hỏi đặt ra để hỏi Ngài. Một vị thông dịch viên ngồi gần Ngài là người đọc các câu hỏi.

Ông đọc một câu hỏi:

Câu hỏi 1: Thưa Ngài, điều gì quan trọng nhất để giúp ta có sự bình yên trong tâm hồn?

Trả lời: Điều quan trọng nhất giúp cho ta có sự bình thản trong tâm hồn là lòng Nhân Ái (compassion), tâm không phân biệt (no distinguise), Tâm không sở hữu (no possession). Nếu chúng ta thực tập được điều đó, chúng ta sẽ bình an.

Câu hỏi 2: Hạnh Phúc là gì, thưa Ngài?

Trả lời: Hạnh phúc là sự bình an trong tâm hồn. Hạnh phúc không dựa trên vật chất, tiền bạc…Nó dựa trên sự hài lòng của chúng ta về những giá trị tinh thần mà chúng ta đóng góp cho cuộc sống. Hạnh Phúc được tạo ra từ sự cống hiến (give), chứ không phải từ sự nhận lãnh(receive).

Câu hỏi 3: Điều gì Ngài thích Và ghét giữa Tây Phương (Western) và Đông phương (Eastern)?

Trả lời: Điều đầu tiên mà tôi không thích trong câu hỏi này là sự phân biệt giữa Tây Phương và Đông phương (cả hội trường bật cười vang, bất ngờ và thích thú trước câu trả lời hóm hỉnh và thật thông minh của Ngài). Với tôi, chẳng có Tây phương và Đông phương nào cả. Mọi người đều bình đẳng như nhau.  Người nào cũng đều có cái hay và cái chưa hay cần phải thay đổi để tiến bộ.

Câu hỏi 4: Người ta thường đi tìm cái mục đích tối hậu của hạnh phúc (happiness), nhưng dường như họ chỉ toàn nhìn thấy sự đau khổ (suffering). Kính mong Ngài giải thích điều đó?

Đức Dalai Lama nghiêng người hỏi lại câu hỏi này một lần nữa. Người thông dịch viên đọc lại câu hỏi. Ngài lắng nghe chăm chú, rồi Ngài bật cười, trả lời thật ngắn gọn:

Trả lời: Thì quí vị đừng đi tìm hạnh phúc nữa! và ngay khi quí vị chấm dứt việc đi tìm hạnh phúc, thì hạnh phúc sẽ có mặt ngay tức khắc.

Hội trường lại cười vang trước câu trả lời rất đơn giản của Ngài.

Ngài lại nói tiếp:

–  Khi quí vị mê mải theo đuổi bóng hạnh phúc thì làm sao quí vị có thời giờ nhận biết những điều quanh ta. Tâm quí vị đang xao động vì sự mong cầu hạnh phúc, thì quí vị không thể có sự bình an trong tâm hồn. Hạnh phúc chính là sự bình an trong tâm hồn vậy.

Buổi nói chuyện của Ngài diễn ra chỉ vào khoảng hai tiếng đồng hồ. Nhưng tất cả gần mười ngàn người ngồi nghe một cách say mê và kính cẩn.  Buổi thuyết giảng chấm dứt, Ngài đứng lên chấp tay cúi chào mọi người, thốt lên lời cám ơn chân thành về việc mọi người đã đến đây lắng nghe Ngài. Quay sang ban tổ chức, Ngài cám ơn họ đã cho Ngài cơ hội được tiếp xúc với thính chúng một lần nữa và quàng tấm khăn trắng vào cổ họ theo phong tục Phật Giáo Tây Tạng. Sau đó, Ngài từ từ bước đi xuống chỗ giảng. Tất cả hội trường đứng lên, vỗ tay đưa tiễn Ngài rời sân khấu.  Mọi người cùng nhìn theo bước chân Ngài.  Theo dõi những bước chân không còn vững chãi của Ngài trên mặt đất, cái se thắt đến trong lòng  tôi vì biết rằng Ngài cũng không tránh khỏi qui luật “Sinh, lão, bệnh, tử” của con người.  Dẫu là một vị Phật sống, Ngài vẫn phải chịu sự chi phối của một trong những định luật vũ trụ khắc nghiệt: Định Luật Sinh Diệt, Vô Thường biến đổi.

Khi tôi bước ra khỏi hội trường thì đã vào khoảng hơn sáu giờ chiều. Vừa đi, tôi vừa thầm tiếc là tiếng Anh mình không đủ để nghe trọn những lời Ngài chỉ dạy.  Nắng hanh vàng rực rỡ của buổi chiều Xuân chan hòa khắp mọi nơi làm sáng lên những khuôn mặt thư thái, rạng rỡ nụ cười.  Gió biển Long Beach hiu hiu thổi, hòa cùng với ánh nắng vàng buổi chiều làm tôi thấy lòng mình phơi phới. Ngoài đường, dòng người, dòng xe tấp nập cho một buổi chiều cuối tuần. Trên trời cao, những cánh chim hải âu bay lượn tự do.  Thỉnh thoảng, chúng sà xuống cái hồ nước trong khuôn viên hội trường rồi đậu ở đó để rỉa lông, tắm nắng, thật vô tư lự. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi bình an, không lo lắng, không xúc động, chẳng vui, chẳng buồn tôi thấy mình hạnh phúc thật. Đó là thứ Hạnh Phúc được biết mình còn mạnh khỏe, còn hít thở không khí trời, còn được nhìn thấy đời sống đang rộn ràng quanh mình. Cuộc sống sẽ tuyệt vời dưới mắt ta nếu ta không đòi hỏi gì ở nó. Nếu ta chấp nhận những gì mà đời sống này đang dâng tặng bằng tấm lòng rộng mở, và nhất là nếu ta đóng góp vào cuộc sống này bằng những giây phút bình an, tự tại của Ta, thì đời sống quả là một món quà quí giá.

Trong giây phút bình an đó, có một niềm hy vọng chưa thành hình chợt nhen nhóm trong lòng, tôi đã thầm lên tiếng:” Xin cám ơn cuộc đời!”.

Thu Hà – California 2-1-2013

http://www.phatgiaovietnamhaingoai.org/D_1-2_2-78_4-625_5-15_6-1_17-57_14-2_15-2/

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.