Xưa có một con mèo, sinh ra các con mèo con, ngày đêm chăm lo nuôi nấng, dần dần mèo con lớn lên, nó hỏi mẹ nó rằng:
– Mẹ ơi! Sau khi thôi bú sữa mẹ, thì con ăn bằng thức ăn gì? Xin Mẹ bảo con.
Mèo mẹ đáp:
– Đã có người ta sẽ bảo con.
Một hôm, mèo con lân la sang nhà hàng xóm, lẻn vào sau cái chum trong góc nhà chợt có người trông thấy, người ấy bảo cho tất cả mọi người khác rằng:
– Trong nhà có mèo đấy, vậy có những niêu thịt cá gì phải đậy cho kỹ, còn gà con thì phải cất cho cao, cẩn thận kẻo mèo nó ăn đấy!
Mèo con nấp ở trong nghe rõ mồn một trong bụng biết là các thức ăn ấy là món ăn chính của mình.
Đây là một tỷ dụ cũng như Phật hết lòng thương chúng sanh, dạy bảo cho chúng sanh, biết rõ nhân quả tội phước, báo ứng phân minh không sai một chút.
Nhưng có khi chúng sanh vì mê chấp những lý sai lầm khác, nên không chịu tin giáo lý của Phật dạy, thì khi nào gặp phải những trường hợp, những cơ hội được báo ứng rõ ràng mới biết lời Phật dạy là đúng. Đại khái như không tin làm ác là phải tội, sanh ra phóng túng làm càn, tới khi tội mới biết rõ, làm thiện cũng thế.
Lại như cha mẹ dạy con, muốn cho con tránh những điều độc ác tội lỗi, nhưng dù hết lòng nói kỹ đến đâu, người con vẫn không hiểu hết, nên phải tuỳ tiện đến đâu dạy lần đến đấy. Tức là phải dạy bằng cách thực hành, chứ không căn cứ cả vào lý thuyết mà đã đủ.
Trí Hải
Nuôi con chả dạy chả răn.
Thà rằng nuôi lợn cho ăn lấy tiền.
Ấm trà phúc đức
Tương truyền 500 năm về trước, tại huyện Mỹ Nùng có một vị tu hành đức hạnh tên là Chánh Thông pháp sư, nhân muốn lập một tòa tùng lâm tại nơi này, đã đặt chân khắp nơi để tìm địa điểm mà vẫn chưa tìm thấy.
Có một đêm, pháp sư ra suối tắm, khi trở về qua khu rừng, dưới ánh trăng trong vằng vặc, bỗng nghe có tiếng nho nhỏ gọi:
– Lão Pháp sư! Lão Pháp sư!
Người dừng bước trông chung quanh không thấy một bóng ai cả, trong lòng lấy làm kỳ quái tưởng là mình nghe lầm nên cứ thản nhiên tiến về thảo am. Nhưng vừa đi được vài bước, lại nghe có tiếng gọi:
– Pháp sư! Lão Pháp sư!
Chánh Thông pháp sư liền theo hướng tiếng gọi phát lên mà tìm đến coi thử thì thấy trong đám cỏ dại um tùm trước hoang viện, hiện ra một người giống hệt dáng hồ ly, chắp tay vái pháp sư.
Pháp sư hoan hỷ hỏi:
– Thế ra nhà ngươi gọi ta?
– Dạ đúng! Người đó trả lời.
– Vậy ngươi có chuyện gì muốn nói cùng ta Pháp sư hỏi. Người đó chớp chớp đôi mắt nói :
– Có phải lão Pháp sư định tìm một địa điểm để xây dựng tu viện?
– Làm sao ngươi lại biết?
– Dạ, con là người ở xứ này, có biết một chỗ rất thích hợp cho việc kiến trúc tu viện. Nếu Pháp sư bằng lòng con xin đưa Pháp sư đi coi.
Pháp sư nở một nụ cười sung sướng:
– Nguyên lai như thế. Vậy địa điểm ở nơi nào, xin ngươi đưa ta coi một phen!
Thế là hai bóng đen, ngay trong đêm đó, một trước một sau, thoăn thoắt băng rừng lội về nẻo Châu Quán Lâm, ở đây có một khu rừng rộng lớn, cây cối u nhàn, cảnh sắc tuyệt đẹp. Chánh Thông pháp sư rất lấy làm mãn ý quyết định lập một tòa Tùng Lâm tại chốn rừng này, lấy tên là Mậu Lâm Tự.
Sau khi thành lập ngôi chùa Mậu Lâm rồi, người khách chỉ đường ấy lại đến nói với Chánh Thông pháp sư:
– Con hy vọng được ở chốn này với Pháp sư để tu học Phật, vậy xin lão Pháp sư mở lòng từ bi thu làm đệ tử, phổng có được không?
Lẽ dĩ nhiên là Chánh Thông pháp sư gật đầu ưng ngay và đặt tên người đó là Thủ Hạc. Từ đó, Thủ Hạc ngày ngày quét chùa, lên hương, tụng kinh, thổi cơm, sớm hôm chăm chỉ thật là tinh tiến.
Quang âm thấm thoát trôi mau. Chánh Thông pháp sư cũng viên tịch, kế đến vị Hoà Thượng thứ hai, thứ ba… vị nào cũng là bậc cao tăng đại đức kế tiếp trụ trì chùa nầy, tới vị thứ sáu lên Niết bàn thì Nguyệt Chu pháp sư thay thế là vị thứ bảy mà Thủ Hạc vẫn thường thọ và mạnh khỏe như xưa tưởng chừng sống mãi không chết. Thủ Hạc đối với bảy vị Hòa Thượng, thủy chung vẫn tỏ rất trung thực, thành kính một lòng, không hề xao lãng một phút những việc quét tước chùa, lên hương, tụng kinh, thổi nấu ăn, nhất là đối với khách thập phương cùng dân làng chung quanh, Thủ Hạc thường thường hết lòng giúp đỡ những việc khốn khó.
Năm đó vào năm Phật lịch 2113 pháp sư Nguyệt Chu sửa soạn cử hành một đại quy mô pháp hội tại Mậu Lâm Tự, dự ước tín đồ thập phương lại nghe giảng có tới ba, bốn ngàn người, và lúc này tiết trời về tháng hạ, tất nhiên phải lo vấn đề về nước uống cho chu toàn. Pháp sư bù đầu suy nghĩ chưa tìm đâu ra được chiếc ấm trà nào to, dung lượng có thể thỏa mãn nước uống cho bấy nhiêu người.
Thủ Hạc nhìn thấu tình hình ấy liền nói với Nguyệt Chu pháp sư:
– Thưa Pháp sư! Ấm đựng trà trong chùa chỉ có thể đủ 50 người uống thôi. Ngày mai có thể tới mấy ngàn người thì làm thế nào?
– Đúng, đúng! Ngày mai nhất định có nhiều người mà ta chưa chuẩn bị được đủ số ấm đựng nước… (Pháp sư thở dài tiếp) không biết tính sao đây???
– Nếu vậy con xin đến xứ Giang Hộ, mượn một chiếc ấm trà thật lớn về đây, sư phụ tính sao?
– Đến xứ Giang Hộ, cha chả! Đường xa mấy ngàn dặm, làm sao mà tới được trong một đêm? Vả chăng, dù có đi tới xứ Giang Hộ đi nữa, chắc gì đã mang được ấm trà về?
– Xin pháp sư phóng tâm! Nhất định con mang về được. Bây giờ còn sớm con xin đi ngay, kẻo muộn không kịp.
Thủ Hạc nói xong, mặc giầy cỏ vào chân, thoắt một cái đã bước ra khỏi chùa. Còn pháp sư trong lòng vẩn vơ nghĩ, nếu Thủ Hạc có mượn được ấm cũng chẳng thể đem về kịp ngày mai…
Sớm hôm sau, Nguyệt Chu pháp sư còn đang tọa thiền trong phòng bỗng cánh cửa phòng hé mở, thấy Thủ Hạc đã chắp tay bạch:
– Bạch Pháp sư, con đã về.
Pháp sư trông qua song cửa ra ngoài hiên thấy chiếc ấm to lớn để thù lù ngăn cả lối đi thì kinh ngạc chưa kịp hỏi, bỗng Thủ Hạc đã trỏ ấm trà cười bảo:
– Có chiếc ấm này rồi, tất không còn sợ nhiều khách hay ít khách nữa.
Nguyệt Chu pháp sư tấm tắc khen ngợi Thủ Hạc:
– Thật là chiếc ấm khổng lồ, to quá! to quá!
– Chắc vác về vất vả lắm đấy!
Thủ Hạc đem ấm trà xuống phòng, đổ nước vào đun sôi thì lạ thay trong ấm bốc ra một hương thơm lạ lùng, ai uống vào cũng thấy nhẹ nhàng, dễ chịu, mà chẳng còn nóng nực chút nào. Nhân thế, người người xúm lại xin nước uống lấy uống để:
– Cho tôi một chén!
– Tôi… tôi… một chén nữa!
Thực ra, Thủ Hạc đem chiếc ấm trà nầy về chẳng khác gì đem về một ngọn suối, cứ việc đậy chặt nắp lại là nước tuôn ra bất tuyệt, dùng bao nhiêu cũng không hết và uống xong là hết khát liền. Các người thấy lạ, thì cho là chuyện hết sức huyền bí liền hỏi Thủ Hạc:
– Thủ Hạc sư phó! Ấm trà này thật là kỳ diệu, tại sao lại được như thế, hở sư phó?
Thủ Hạc nở nụ cười vui sướng nói với quần chúng:
– Ấm trà này gọi là Phúc Đức Hồ, trong có tám món công đức nên khi uống vào thấy:
1/ Không sanh bệnh.
2/ Thêm sức
3/ Không sợ sệt.
4/ Sanh trí tuệ.
5/ Có nhân duyên.
6/ Được người tôn kính.
7/ Trừ tai nạn; và sau hết.
8/ Được trường thọ. Nhân có công đức như vậy Phật tử nên uống nữa đi! Uống nhiều càng tốt.
Sau khi pháp hội viên mãn, chiếc ấm trà này trở nên một vật trân bảo của chùa Mậu Lâm.
Thủ Hạc với một tuổi thọ phi thường dài lâu, ông còn sống tới vị trụ trì thứ 10, là pháp sư Thiên Nam, mà thân thể vẫn tráng kiện như còn trẻ. Tất cả người trong vùng ai cũng tỏ vẻ cung kính ông. Nhất là bàn đến chiếc ấm Phúc Đức Lồ, tức ấm trà không ai là không ngớt tán tưởng và nổi lên nghị luận xôn xao.
– Thủ Hạc sư phó chẳng phải là người tầm thường phổ thông như ai!
– Đúng, đúng! Nếu không giỏi thì sao một mình mang nổi chiếc ấm to như thế?
– Theo ý tôi, sống tới hơn 100 năm không chết mà còn mạnh khỏe như thế, tất nhiên là hồ ly…
Tới năm Phật lịch thứ 2130, ngày 28 tháng 2, một buổi nọ trời xuân ấm áp, trăm hoa đua nở, con hoàng oanh trong bụi cất tiếng hót líu lo làm thức tỉnh cảnh u tĩnh của chùa Mậu Lâm. Thủ Hạc ngồi tắm ánh dương quang ở hành lang chùa, trong lòng cảm thấy khoan khoái êm đềm, bất giác ngủ đi lúc nào không biết. Vừa lúc đó, có một vị Sa di đi tới, bỗng hoảng nhiên trông thấy một chú cáo già đang ngon giấc, phát lên tiếng ngáy khò khò, thì thất kinh tán đảm kêu lên:
– Hồ ly! Hồ ly!…
Thủ Hạc bị Sa di làm kinh động liền tỉnh dậy chưa kịp thu hình thì tứ phía đã xúm lại đông nghịt cùng xỉa xói xỉ vả:
– Bây giờ mới rơi mặt nạ nhé! Thì ra mi là một con hồ ly! Cứ tưởng mi lại đây nương nhờ Chánh Thông pháp sư giáo huấn tu hành học Phật để thoát cái nghiệp chướng súc sinh nào ngờ ngày nay hồ lại hoàn hồ!!! Thôi nhé! Từ nay trở đi biết đường biết nẻo thì cút, nghe chưa!
Tiếng lao xao vang đến tai Pháp sư trụ trì. Người liền ra tận nơi, Thủ Hạc thấy Pháp sư liền cung kính bạch:
– Bạch Pháp sư cùng chư đồng đạo! Đã từ lâu, tôi được ơn dầy chiếu cố, thật cảm kích bội phần. Nay vì báo đáp từ ân đem lực thần thông ra diễn một đoạn việc xưa, vậy toàn thể hãy nhìn vào phía rừng rậm kia.
Mọi người nghe xong liền trông thẳng vào rừng, thấy hiện ra một cảnh giới trang nghiêm không đâu sánh kịp, trong đó có hình ảnh Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trên núi Linh Thứu đang thuyết pháp, tại tọa có tới 1250 cao cấp đệ tử và mấy nghìn vạn Thiên Long Bát Bộ, ai cũng tâm niệm niệm nghe Phật thuyết pháp. Mọi người thấy thế đều kinh lạ phép Phật thì cùng thụp lạy.
Thủ Hạc đợi mọi người ngẩng đầu lên, liền cất tiếng từ biệt:
– Giờ đây, tôi xin từ biệt quý vị. Chiếc ấm trà Phúc Đức Lồ lưu lại chùa này để làm kỷ niệm, dám xin quí vị bảo vệ cho! Thôi, xin chào quí vị ở lại!
Nói xong, Thủ Hạc lao thân như chớp vào rừng biến mất.
PHẠM NGỌC KHƯ
Tuy mang xác thân cầm thú mà tư tưởng đầy lòng từ bi, vị tha… Đó tức là người… Trái lại, hình hài là người mà tâm địa đầy dẫy lòng ích kỷ, tham lam độc ác, dã man vô nhân đạo, kẻ ấy đã là thú.
Ngày gặp phụ vương
Sau khi gặp Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo, Ngài thuyết pháp ở vườn Lộc Uyển xong, lần lần đi truyền giáo các nơi, rồi thuận đường hành hóa Đức Phật đến nước Ca Tỳ La Vệ.
Được tin trước, vua Tịnh Phạn cảm mừng vô hạn, rồi tất cả Hoàng gia cũng như toàn dân Ấn Độ đều sửa soạn rước Phật trong niềm hân hoan đặc biệt.
Từ khi vượt thành xuất gia, cho đến ngày thành đạo, thấm thoát hơn hai mươi năm, hôm nay Ngài trở về, với một tấm cà sa, một bình bát đất, Đức Phật khoan thai để chân lên đất nước thân yêu. Đức độ từ bi của Phật cảm thông cả ngọn cỏ ngàn cây, nên Ngài đặt chân đến đâu thì hoa lá tươi thêm cây cối xanh tốt. Còn từng rừng người, từng loạt sóng người đã nấc lên vì cảm động trong lúc người đi ngang qua.
Thế là chiều hôm đó, vua Tịnh Phạn thỉnh Phật thuyết pháp tại Hoàng cung. Ngài ngự trên pháp tọa cao, dung nghi đĩnh đạc, hào quang của Phật chiếu tỏa một màu sáng dịu.
Khi ấy vua Tịnh Phạn liền đứng dậy đến trước Phật đảnh lễ rồi bạch:
– Kính cẩn bạch đấng Vô Thượng Sư! Tôi nay già cả xin Ngài chỉ cho một phương pháp tu hành để được giải thoát các khổ lão, bệnh, tử.
Đức Phật bùi ngùi khi thấy Phụ Hoàng đầu bạc da nhăn, chân bước run run. Than ôi, tất cả khí tượng hiên ngang của vị Đế vương oanh liệt lúc thiếu thời, nay còn đâu nữa. Thế Tôn thương xót, Ngài đứng dậy đỡ Phụ hoàng ngồi xuống và ôn tồn bảo:
– Kính tâu Phụ hoàng, từ khi Tất Đạt Đa xuất gia cho tới ngày thành đạo, trên đường truyền giáo Pháp đệ A Nan thường bị ngoại đạo phỉ báng: “Thầy ngươi bất hiếu, bạc tình, chúng ta không phục”.
– Kính tâu Phụ hoàng, ngoại đạo vô tri chỉ thấy cái hiếu tầm thường cạn cợt, không biết Như Lai quyết đi tìm một món quà vô giá để dâng Phụ hoàng và ban khắp chúng sanh, mà Da Du cũng có một phần trong đó. Món quà vô giá chính là câu Phụ hoàng hỏi đấy.
– Kính tâu Phụ hoàng! Tất cả các pháp đều vô thường, công danh như bọt, tình ái như mây, tuổi trẻ qua mau như làn điện chớp, thế mà chúng sanh chỉ bám víu theo các pháp vô thường, mà quên cái thường còn của mình là “Phật tánh”. Tâu Phụ hoàng, chúng sanh đều có Phật tánh, nên ai cũng có thể phát triển khả năng thành Phật cả. Nhưng những phương pháp để phát triển khả năng thành Phật có nhiều lối, song chỉ có Pháp môn niệm Phật là thuận tiện và dễ dàng hơn hết. Như Lai khi thành Chánh giác đã dùng Phật nhãn xem khắp thế giới trong mười phương, thì chỉ có thế giới “Cực Lạc” là an vui hơn cả. Đấng Chánh biến tri ở nước Cực Lạc hiệu là A Di Đà từ kiếp xa xưa, trong lúc tu nhân Ngài đả phát 48 lời nguyện, trong ấy có lời nguyện: “Nếu chúng sanh trong tất cả mười phương, người nào phát tâm tin tưởng, phát chí tâm niệm danh hiệu ta, người ấy khi lâm chung chắc chắn được vãng sanh, nếu không như nguyện ta thề không thành Chánh giác”.
Tâu Phụ hoàng! “Cực Lạc” là một thế giới an vui, chúng sanh về bên ấy chẳng những không còn bị khổ: già, bệnh, chết, oán tắng hội, ái biệt ly, cầu bất đắc… mà cũng không bao giờ thấy khổ, nghe khổ. Cõi nước thanh tịnh đầy đủ trợ duyên để chúng sanh tu hành chóng được thành tựu đạo quả.
Kính tâu Phụ hoàng! Thập phương Như Lai tu hạnh thành Phật, nói lời đúng đắn lợi ích chúng sanh. Vậy Phụ hoàng và tất cả Thích chủng nên tin tưởng, thật hành Pháp môn niệm Phật, thì chắc chắn sẽ được thoát các khổ: sanh, lão, bệnh, tử…
Khi vua Tịnh Phạn, Di mẫu và Da Du Đà La cùng tất cả Thích chủng được nghe pháp âm của Phật đều phát tín tâm mạnh mẽ, liền chứng “Vô sanh pháp nhẫn”.
Thế Tôn mỉm cười thuyết bài kệ:
“Thích chủng có trí tuệ, nghe pháp của Như Lai phát tâm chuyên niệm Phật, người ấy khi mạng chung, quyết sanh về Cực Lạc, được thấy Phật A Di Đà, Quan Âm cùng Thế Chí, chắc chắn thành Bồ Đề”.
Thích nữ CÁT TƯỜNG
Cung phụng cha mẹ sung sướng một đời chưa gọi là hiếu, làm cho cha mẹ đời đời an vui mới là chí hiếu.
Thầy THÍCH MINH CHIẾU sưu tập
http://4phuong.net/ebook/32252207/120348047/tap-ii-12.html