Con Đường Tâm Linh Của Người Phật Tử

Có thể nói từ khi loài người hiện hữu trên trái đất này, hầu như ai cũng nghĩ về đời sống tinh thần và cội nguồn của mình. Vì thế, con đường tâm linh đã được nhiều người lý giải, triển khai theo nhiều hướng khác nhau. Từ thời xa xưa, cuộc sống của con người chưa văn minh tiến bộ, mà phải đối đầu với sức mạnh của thiên nhiên, người ta dễ dàng cảm nhận thân phận con người nhỏ bé trước thế giới bao la, dẫn đến nảy sanh những tư tưởng hoài nghi, thắc mắc lớn lao như con người từ đâu đến thế giới này và tại sao người ta phải có mặt trên trần gian này, tại sao người ta phải gánh chịu những điều bất như ý, tại sao có quá nhiều bất công trong cuộc sống này, v.v… Nhiều giải đáp được đưa ra, nhưng tựu trung đa số người đều cho rằng có một vị thần sáng tạo sanh ra loài người và toàn quyền quyết định số phận của muôn loài sinh sống trên trái đất này. Đó là tư tưởng của nhất thần giáo và kế thừa truyền thống tâm linh này là Do Thái giáo, Ky Tô giáo, Chánh thống giáo, Hồi giáo, v.v… Những tôn giáo này, hay nói chung các tôn giáo theo khuynh hướng nhất thần giáo đã thờ đấng sáng tạo với những tôn danh khác nhau, nhưng đều có cùng một chủ trương rằng đấng sáng tạo khai sanh ra con người và định đoạt sự sống của con người, của muôn loài. Khởi đầu sự suy nghĩ của nhân loại về con đường tâm linh là như vậy.

Thử xem Phật giáo có suy nghĩ về tâm linh giống với các tôn giáo thuộc nhất thần giáo hay không. Chúng ta theo Phật có tin đấng tạo hóa toàn năng hay không. Chúng ta thấy rõ khi Đức Phật hiện hữu trên cuộc đời, Ngài đã bắt đầu thực nghiệm con đường tâm linh. Thật vậy, xã hội Ấn Độ thời Phật tại thế chịu ảnh hưởng sâu nặng truyền thống tâm linh của đạo Bà-la-môn. Vì thế, khi nghe nói có trời Phạm Thiên, trời Đế Thích, hay thần Visnu, thần Siva, v.v… làm chủ vạn vật, nắm quyền sinh sát muôn loài, Đức Phật đã trải thân thực nghiệm để biết rõ ràng, chính xác những vị trời hay những vị thần này như thế nào, ở đâu và mối quan hệ của các vị này với loài người ra sao, con người cứ phải cúi đầu khuất phục trước đấng tạo hóa hay có khả năng chuyển đổi cuộc sống cho tốt đẹp hay không, v.v… Và khi đạt được quả vị Vô thượng Bồ-đề, với tuệ nhãn thấy đúng như thật, Đức Phật đã thấu tỏ tận cội nguồn chủ nhân của loài người, hay của muôn loài, cho nên Ngài đã khẳng định rằng không nên tin theo những điều do người trước để lại. Chỉ tin những gì mà chúng ta thể nghiệm trong cuộc sống và thành tựu một cách tốt đẹp, lợi ích cho bản thân và cho nhiều người. Ở thời đại xa xưa, mà Đức Phật đã đưa ra lời dạy vô cùng sáng suốt, không dễ dàng chấp nhận những gì do con người tự tưởng tượng ra.

Tuy Đức Phật đã tìm học và thực tập truyền thống tâm linh có trước, nhưng Ngài đã nhận thấy sự sai lầm của hệ thống tư tưởng tâm linh ấy, nên Ngài đã xây dựng một con đường khác hẳn các tôn giáo khác; những gì Đức Phật chỉ dạy thì chính Ngài đã thiết thân thể nghiệm và thành tựu tốt đẹp trong cuộc sống. Đức Phật không nói suông, không dựng lên một đấng vô hình mà không ai biết, để buộc mọi người tin theo, tôn kính, thờ phượng. Điểm đặc sắc là Đức Phật đã phát hiện ra con đường tâm linh đích thật nhất, con đường dẫn chúng ta đi thẳng đến Niết-bàn, đến Tịnh độ, đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tức con đường hoàn toàn an lạc, giải thoát, thông đạt với chư Phật mười phương. Con đường thánh thiện này hoàn toàn khác với con đường mà loài người nhận lầm sẽ dẫn vào thế giới của ác ma tràn ngập thù hận, khổ đau, sát hại và chết chóc. Vì vậy, con đường tâm linh cũng có hai ngả, con đường từ bi và con đường thù hận, hay con đường thiện và con đường ác. Và Đức Phật khuyên chúng ta cắt đứt đường ác để đi vào đường thiện. Đó chính là truyền thống tâm linh mà ba đời mười phương chư Phật đều tiến bước trên con đường thánh thiện này.

Có thể thấy đường chánh và đường tà cũng đều phát xuất từ con người. Đức Phật dạy rằng con người đứng ở vị trí trung tâm, tiến lên đường thiện hay đi xuống đường ác là tùy ở sự lựa chọn của chính mình. Con đường ác độc, khổ đau của A-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh cũng là con đường tâm linh. Người thù hận nhiều, ham muốn nhiều, bực tức nhiều, si mê nhiều sẽ bị thế lực ác ma tác động, dẫn vào những con đường ác xấu này. Đức Phật khuyên chúng ta diệt trừ lòng tham muốn, tâm sân hận thì ác ma không thể thúc đẩy chúng ta vào những đường ác đó.

Để bước vào con đường thiện, Phật dạy phải thực hiện mười điều thiện. Đó là Thập thiện nghiệp đạo, tức con đường tâm linh của chúng ta được xây dựng theo hướng đi lên, bằng cách chuyển đổi việc làm của thân, khẩu và ý cho tốt đẹp. Theo Phật, sát sanh, gian tham trộm cắp, tà dâm là ba nghiệp của thân sẽ dẫn chúng ta vào con đường ác. Không làm ba việc ác này, chắc chắn chúng ta có được cuộc sống an lành ngay trên cuộc đời này. Hôm nay Phật tử về chùa tu một ngày, sống tịnh hạnh, không sát sanh hại mạng, không mua bán gian tham, trộm cắp, là đã cắt đứt được những ác nghiệp của thân; đó là một trong những nguyên nhân chánh để đưa chúng ta lên Niết-bàn, Cực lạc. Trong một ngày tu, phải nhận ra và trân trọng điều tốt đẹp này, chúng ta đã bước được một chân vào con đường lành của Phật dạy. Nhờ ngày tu này mà chuyển đổi được thân nghiệp của chúng ta trở thành thanh tịnh và khi trở lại cuộc sống đời thường, chúng ta không còn những tánh xấu ác chỉ đạo mình thực hiện những việc làm xấu ác.

Ngoài việc chuyển đổi thân nghiệp, chúng ta cố gắng tu sửa khẩu nghiệp, không nói dối, không nói thêm bớt, không nói đâm thọc, không nói lời độc ác, không nói chơi. Ngày hôm nay tu, nên nói thực lòng; nhưng lỡ lòng chúng ta nghĩ quấy thì không nên nói, vì nói mà làm mất lòng, nói gây đau khổ, thù nghịch thì không nói tốt hơn. Một số Hòa thượng thường áp dụng tịnh khẩu, như Hòa thượng Huệ Hưng mà tôi rất kính trọng, ba năm ngài không nói. Thiết nghĩ không nói thì không lỗi; vì lời nói nào cũng có giá trị nhứt định ở mặt nào đó mà thôi. Không nói, thiên hạ không phê phán chúng ta nói đúng hay nói sai; nhờ vậy mà khẩu nghiệp chúng ta được thanh tịnh. Nói sai thì quả báo sẽ tới, nhưng nói đúng cũng làm cho người buồn giận; vì thế, tốt nhất là không nói. Nói thật mất lòng, nên mình ưa nói tránh đi, nhưng nói tránh một lúc sẽ trở thành đụng chạm tất cả mọi người. Nói để vừa lòng người này thì người khác không thích, là chúng ta phạm tội thêu dệt; vì nói thêm cho người vừa lòng tất nhiên cũng có cái giá phải trả. Nếu cắt đứt được bốn nghiệp ác của miệng, chúng ta diệt trừ được con đường ác, con đường chiến tranh, thù hận, chia rẽ, sát hại và bước thêm bước nữa vào con đường thiện.

Thực hiện được ba nghiệp của thân và bốn nghiệp của miệng theo Phật dạy là được bảy điều bên ngoài mà người trông thấy và đánh giá ta tốt. Sau cùng là ba nghiệp của ý là tham, giận và si mê mà người ngoài không thấy, nhưng ta tự biết rõ lòng mình còn ham muốn, bực tức, mê mờ. Tự kiểm soát để đoạn trừ ý nghiệp bên trong sao cho hoàn cảnh chung quanh không tác động được tâm mình. Thấy cảnh chướng tai gai mắt nhưng lòng mình không bực tức, không buồn phiền; thấy việc cám dỗ, nhưng mình không bị sa đọa; như vậy là tiến thêm một bước nữa trên con đường thiện.

Và khi tâm không khởi tham lam, bực tức, vô minh sẽ theo đó cắt dần, tâm được khai sáng, chân lý bắt đầu ló dạng ở cuối đường hầm sanh tử, chúng ta theo tia sáng đó mà tiến bước lên con đường thánh thiện cao hơn. Thật vậy, thực hiện được trọn vẹn ba nghiệp của thân, bốn nghiệp của miệng và ba nghiệp của ý đúng như Phật dạy, tuy thân còn ở thế gian, nhưng tâm chúng ta đã thăng hoa. Con đường tâm linh lên đến tầng này rồi, chúng ta sẽ gặp gỡ ai trước? Đoạn được tham và sân, chúng ta sẽ thấy ông bà tổ tiên cha mẹ quá khứ của mình đã từng tu tạo mười điều thiện, tức đã đi con đường tâm linh tốt đẹp này, nên chúng ta thấy họ ở cõi trời. Như vậy, con đường thiện mở ra cho chúng ta cũng từ con người bình thường đã đoạn trừ việc ác và thành tựu việc thiện. Bước thứ nhất, gặp được ông bà cha mẹ hiền lành biết tu thiện được ở cõi trời và từ con đường trời, một cấp bậc thấp nhất của thế giới tâm linh, chúng ta tiến lên gặp được Tam thừa giải thoát Tăng, tức những vị đã đắc quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán và hàng Bồ-tát chứng quả vịThập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi hướng, Thập Địa. Từ đây, chúng ta đi vào thế giới thanh tịnh thực sự.

Giai đoạn trước, chúng ta mới vào thế giới chư Thiên không còn sát hại, đánh giết, không còn sân hận, phiền não, khổ đau. Thế giới này là thềm thang để chúng ta bước vào thế giới của Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát và chỉ có ba thế giới này mới là nền tảng duy nhất đưa chúng ta đến thế giới của chư Phật. Thật vậy, phải đắc được quả vị tối thiểu là Tu-đà-hoàn mới bước vào con đường tâm linh của thế giới Phật, tức con người phải trọn lành, đã đoạn trừ tất cả ác nghiệp của thân khẩu ý, hoàn thiện được đời sống tinh thần, ít nhất không còn lệ thuộc ba việc là ăn, mặc, ở, không kẹt phú quý lợi danh, hoàn toàn thanh thản trước mọi biến động của sự việc bên ngoài. Tu hành hơn nhau ở những thành quả này. Người đã thâm nhập vào thế giới tâm linh ở tầng thứ nhất, không tranh cãi, hơn thua với bất cứ ai, không còn ham muốn bất cứ thứ gì trên cuộc đời.

Đầu tiên chúng ta sống trong càn khôn hỗn độn này, vì còn nhiều ác nghiệp, nên mối quan hệ giữa chúng ta và mọi người luôn bị ác xấu, phiền muộn, bực tức. Nhưng bước theo dấu chân Phật, dần dần tâm chúng ta đoạn trừ được ác nghiệp tham sân si, thâm nhập vào cõi trời. Và tiến thêm bước nữa vào cõi Phật thì tuy còn là Sa-môn sống ở Ta-bà, nhưng nếp sống của chúng ta không giống người đời; vì chúng ta đang sống với các vị đã đắc quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán. Nói cách khác, những bậc Thánh giả này đã hiện hữu trong thế giới tâm linh của chúng ta. Tôi thể nghiệm điều này, khi thâm nhập được thế giới hiền thánh, thực sự cảm thấy an lạc vô cùng; nhưng trở lại thế giới loài người liền bị tác động của phải trái. Có thể thấy rõ hành giả còn ở tầng thấp này thường đi ra đi vô hai thế giới thanh tịnh và uế trược. Sống trong thiền định thì thâm nhập thế giới hiền thánh; nhưng xả thiền, nghe tranh cãi là tâm bị dao động; vì thế, trên bước đường tu, chúng ta đi lên đi xuống cả trăm ngàn lần giữa hai thế giới này.

Thực sự an trú được thế giới hiền thánh, trở lại cuộc sống này sẽ có điều kỳ diệu là người trước kia đối xử tệ xấu với mình, nhưng nếu mình từ thế giới hiền thánh bước ra, họ tự động trở thành tốt với mình. Tôi đã một lần cảm nhận điều này. Sau thời gian nhập thất, tôi luôn nghĩ đến Phật, Bồ-tát, hiền thánh, không nghĩ đến thế gian, một hôm đến thời giảng kinh ở chùa Xá Lợi, tôi gặp một gia đình Phật tử không quen biết từ chùa đi ra, họ thấy tôi đã sụp lạy. Suy nghiệm lại, lúc đó tâm mình đang ở thế giới hiền thánh, nên người trông thấy mình cũng liên tưởng đến hiền thánh, mới kính trọng. Điều này nên cẩn thận. Nếu nghĩ mình tu lâu và chấp ngã, tự cho rằng mình ở thế giới hiền thánh, muốn người khác tôn kính là rơi vào điên đảo vọng tưởng. Phải vô tâm đi vào thế giới Phật mới được. Và vào thế giới Phật rồi, chỉ có Phật và Thánh chúng, tâm mình hoàn toàn an lạc; người mới thấy chúng ta giống Phật. Đó là thế giới tâm linh ở tầng thứ nhất gần với loài người, được rồi mất, chúng ta phải cố gắng tiếp tục tu hành.

Các đạo hữu tu một ngày, cần nỗ lực đi vào thế giới Phật, như đã nói phải thực hiện mười điều lành thực sự tốt đẹp, mới vào thế giới tâm linh đầu tiên, gặp được Tu-đà-hoàn. Những Thánh giả này không còn vướng mắc với cơm ăn, áo mặc, chỗ ở, cho nên các ngài không bao giờ tranh chấp với mình, tâm mình an lạc vô cùng. Mình muốn đủ thứ, còn các ngài sẵn sàng nhường, khiến cho mình thức tỉnh ngay, không khởi tâm tham đắm nữa. Thực tế cho thấy khi gặp được vị chân tu, vì tâm mình nhiều ham muốn, trong khi tâm các vị này đã buông xả sẽ kích động mình cũng buông xả theo. Ngài Nhật Liên dạy rằng gặp Phật, Bồ-tát, Thánh tăng là gặp những bậc giải thoát, nhờ vậy mình cũng được giải thoát. Còn lạc vào con đường tâm linh của quỷ thần đầy dẫy tranh giành hơn thua sẽ tác động tâm mình tranh giành hơn nữa.

Bước vào thế giới của Tu-đà-hoàn, đầu tiên mình cũng muốn gom góp những gì các ngài vứt bỏ, nhưng thân cận với các ngài một thời gian, hạnh buông xả cũng thấm qua tâm hồn mình. Điển hình là tâm trạng của Ưu Ba Ly. Lúc còn tại gia, ông là thợ hớt tóc cho các công tử họ Thích. Khi các vị này xuất gia theo Phật,ông rất vui mừng được nhận lấy các đồ trang sức của họ ban tặng cho. Nhưng sau đó, ông cũng xả bỏ, vì tâm giải thoát của các vị này đã xóa bỏ được lòng tham của ông.

Phật tử tu một ngày được sống gần các bậc tôn túc giải thoát, không còn kẹt ăn, mặc, ở; nên tâm của quý vị cũng nhờ đó được thanh tịnh lần, mới đi xa hơn trên con đường tâm linh. Nói cách khác, nương vào hiện thân của chư Tăng trên cuộc đời này, hướng dẫn quý vị thăng hoa tâm linh qua những thời khóa tụng niệm, lễ sám, để tâm thanh tịnh liên tưởng đến các vị Hiền Thánh Tăng ở cảnh giới thánh thiện của các ngài, tạo thành lực hấp dẫn đưa quý vịthâm nhập đến thế giới hiền thánh. Đi vào thế giới tâm linh của hiền thánh thì từng bước tâm linh mình mới được sáng lên. Đầu tiên, đọc danh hiệu Phật, Bồ-tát để tác động tâm chúng ta thanh tịnh, Phật sẽ hiện ra trong tâm thức chúng ta, không phải hiện ra trên cuộc đời này. Vì vậy, trên bước đường tu, người có niềm tin mới thấy Phật, người không thấy Phật vì thiếu niềm tin.

Bước sang giai đoạn thứ hai của thế giới tâm linh, chúng ta nhìn đâu cũng thấy Phật, nhìn mây núi biển trời cũng là Phật; vì chúng ta luôn nghĩ đến Phật. Nghĩ đến Phật, Bồ-tát, A-la-hán thì các Ngài xuất hiện trong tâm ta; từ đó mặc dù chúng ta vẫn sống trên trần gian này, nhưng đã thâm nhập thế giới Phật bằng con đường tâm linh.

Bước cuối cùng, nhờ tụng niệm, lễ bái, tham thiền, quán tưởng, tâm hoàn toàn vắng bặt, hành giả thâm nhập được Tịnh độ của chư Phật. Chính Đức Phật sau bốn mươi chín ngày tham thiền nhập định dưới cội Bồ-đề, Ngài đã an trụ được pháp giới chỉ có chư Phật hiện hữu và tương thông với nhau.

Tóm lại, quý vị thực tập một ngày tu để xây dựng và phát triển thế giới tâm linh bằng cách nỗ lực thực hiện mười thiện nghiệp của thân khẩu ý và gia công tu tập tụng niệm lễ bái. Vì đạo tràng chúng ta chưa có điều kiện tham thiền, nhưng thiết nghĩ thực hiện được Thập thiện nghiệp đạo và tinh tấn tụng niệm lễ bái đúng như pháp cũng đã gặt hái được những thành quả rất quý báu.

Thế giới tâm linh theo Đức Phật dạy là con đường an toàn thực sự mà tất cả hàng đệ tử Phật cần dấn thân thể nghiệm trong cuộc sống của chính mình cho đạt được kết quả tốt đẹp, mới không cô phụ lời giảng dạy và sự hộ niệm của Đức Phật, của Bồ-tát, của Long thiên Hộ pháp và của chư vị giáo thọ sư cho chúng ta một ngày tu, nhiều ngày tu, nhiều đời tu luôn an lạc.

HT. THÍCH TRÍ QUẢNG

http://www.chuahuenghiem.net/bai-giang/phat-phap-va-doi-song

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.