Đất Khách Quê Mình

Thấy chúng tôi vừa đến chùa, thầy Thiện Niệm niềm nở tiếp và nói vui: “ Hôm nay là lễ đầy tháng..”, sau đó thầy tất bật lo công việc. Chúng tôi , những lữ khách từ quê nhà, lần đầu tiên đến thăm chùa Khuông Việt sau khi dự lễ Phật đản tại Huế, cười vui với thầy và vô cùng hoan hỷ dự lễ Phật đản một lần nữa tại ngôi chùa thân thương của người Việt tại thủ đô Paris của Pháp.

Chẳng mấy ai nghĩ rằng, ngày lễ trọng đại, thiêng liêng nhất của môt tôn giáo, chính là lễ giáng sinh của một đấng giáo chủ, lại đuợc cử hành chệch ngày, lùi lại về sau. Chỉ có Phật giáo, ít nhất là tại nơi tôi đứng đây, và trong năm 2010 này, Đại lễ Phật đản được cử hành chậm chín ngày so với ngày rằm tháng Tư âm lịch, ngày thống nhất kỷ niệm Đản sanh của Đức Phật trên thế giới.Tôi cũng đucợ biết thêm: không chỉ có chùa Khuông Việt, mà chùa Trúc Lâm ở Paris đã tổ chức Đại lễ Phật đản chậm hai ngày, và chùa Vincennes của Hội Phật tử Pháp cử hành Đại lễ sau chùa Khuông Việt sau 1 tuần.

Vì sao có chuyện làm lễ không đúng ngày như thế? Đó chẳng qua là vì, nếu chùa tổ chức đúng ngày rằm tháng Tư âm lịch, và ngày đó lại không phải là thứ Bảy hoặc Chủ nhật thì đa số Phật tử bận làm việc, không thể đến chùa dự lễ. Cho nên hằng năm, nhà chùa phải coi ngày, không phải chọn ngày tháng tốt như kiểu bên ta, mà chọn ngày nghỉ (thứ Bảy, Chủ nhật, hoặc ngày lễ có nghỉ) kế cận ngày chính thống để tổ chức lễ cho Phật tử tại chùa mình; và riêng hai chùa Trúc Lâm và Khuông Việt, thì hai chùa chọn ngày tránh nhau để Phật tử có thể dự lễ ở hai nơi. Với cách như thế, Đại lễ Vu-lan sắp đến sẽ tổ chức tại chùa Khuông Việt vào một ngày Chủ nhật, chậm hơn so với ngày rằm tháng Bảy âm lịch. Phật tử không ai là không hưởng ứng lối chọn ngày như thế; tuy nhiên, Tăng chúng trong chùa, ngoài việc tổ chức đại lễ cho Phật tử, vẫn cứ hành lễ nội bộ theo đúng ngày chính thống.

Không ngờ ngày Phật đản đối với chúng tôi lại kéo dài tới như vậy.Vừa mới rộn rã niềm vui với bảy đóa sen hồng trên sông Hương, với con đường quê nào bí nào bầu  tươi xanh quả lủng lẳng, nào ớt rực đỏ, mồng tơi khiêm tốn, đu đủ trĩu quả, chuối trổ bông, nào mảnh ao con thuyền độn rơm…quá đổi thân thương; vừa mới dự một tuần Văn hóa Phật giáo đầy ấn tượng với nội dung phong phú; nhất là vừa mới dự đại lễ Phật đản trang nghiêm tại Tổ đình Từ Đàm cũng như thành kính đi trong đoàn rước Phật…Tôi lại gặp cảnh chùa Trúc Lâm và Khuông Việt trên cùng ngoại ô của Paris, cũng trong niềm thành kính và dạt dào tình cảm mùa Phật đản.

Con đường đèo đưa đến Trúc Lâm thiền viện thật tuyệt đẹp; hai bên đường cây cối xanh um, lẩn khuất trong đó các ngôi biệt thự thanh lịch. Chùa nằm lưng chừng trên một ngọn đồi của thành phố Villebon sur Yvette, phía Nam cách Paris khoảng 20 km, tựa lưng vào vách nui giữa trời mây bao la. Càng đi vào chùa, tính cách chùa Việt Nam càng thấy rõ: cũng chánh điện thờ đầy đủ các tượng Phật, Bồ-tát, các vị A-la-hán, sau chánh điện thờ Tổ, rồi cũng gian thờ vong, cũng câu đối, cũng hai bên chánh điện có trống, chuông, khánh, hầu như tất cả tượng và pháp khí đều xuất xứ từ quê nhà; bên ngoài tượng Đức Quan Thế Âm tôn trí trong vòm núi, tọa lạc trên dòng nước uốn lượn qua các tảng đá cạnh hoa thơm cỏ biếc; tháp Tổ thờ cố Hòa thượng Thiện Châu khai sơn chùa- với màu xanh trắng nhẹ nhàng; đặc biệt con đường lên núi thật ngoạn mục với hàng trúc vươn thẳng thân quen và trên cao là Thích Ca Phật Đài lồng lộng mây trời.

Trong không gian vắng lặng của một vùng đồi núi, chùa như là một chốn ẩn tu, bình thường xao xác tiếng gió, lá reo, chim hót nào mấy khi nghe tiếng người. Tuy thế vào cuối tuần, Phật tử về thăm chùa lạy Phật, nghe kinh, đảnh lễ hòa thượng trụ trì, làm sống dậy một không gian Việt, âm thanh giọng nói Việt giữa lòng thủ đô nước Pháp. Đặc biệt những ngày quan trọng như Tết Nguyên đán, Phật đản, Vu-lan, chùa là nơi tụ hội của những người Việt Nam, không những để dự lễ và lạy Phật mà còn tìm hơi ấm quê nhà qua câu kinh tiếng kệ, qua gặp gỡ mừng vui, qua trò chuyện với tình quê hương và đồng đạo.

Không có được cảnh thiên nhiên bao la thơ mộng như chùa Trúc Lâm, Phật đường Khuông Việt (vung2 Orsay, phía Nam Paris) ở bên ngọn đồi nhỏ, gần với khu dân cư. Nhưng Khuông Việt lại ở vào vị tri thuận lợi cho mọi người đến chùa. Do rất gần với trạm tàu nhanh, nếu đến chùa lần đầu, chắc ai cũng bất ngờ: Ô hay, mới ra khỏi tàu, đi bộ ít phút mà mình đã tới chùa? Ô hay, cổng chùa “to” như thế sao? Ngó lên phía trên mươi bậc cấp với lối đi hẹp là cánh cổng kiểu như tranh tre nứa lá, đứng vững nhờ hai cây tre. Thế mà quen, mà lạ, mà có duyên. Cái duyên đó đưa khách vào giang sơn của chùa. Cũng vẫn ngạc nhiên, đất đai chẳng có bao nhiêu mà sao phong phú quá chừng: chánh điện, nhà khách, trai đường, thư phòng, nhà bếp, nhà nghỉ vãng lai… rồi tượng đài Quan Thế Âm với vườn cỏ, suối róc rách, cây cao bóng cả hài hòa với hàng rào cây xanh, cây tạo thế bên cạnh cây hoa nở rộ mùa xuân, rồi giàn bí, giàn bầu…

Tất cả giang sơn thật khéo sắp đặt trên thế đất nhấp nhô, bình dị, nhẹ nhàng, nhất là kiến trúc chẳng có nhiều bê tông, và ai cũng thấy rõ những vật liệu cỡ như tre nứa, gỗ, vật liệu nhẹ, kể cả những thứ tận dụng. Tất nhiên, đất đai ít nên bên trong chánh điện chỉ được vài chục mét vuông, không đủ chỗ cho Phật tử dự Đại lễ. Nhưng chẳng sao, Phật tử tự sắp đặt lấy, vả chăng trong những ngày lễ như Phật đản, Vu-lan, thời tiết Paris thuận lợi cho tổ chức ngoài trời, khung cảnh trang nghiêm được đầm ấm hơn với hoa nắng trên đầu, trên vai mỗi người.

Trong khung cảnh như thế tôi đã dự Phật đản cùng với vài trăm người, già trẻ lớn bé, có người đi riêng, có người đi cả gia đình, có người thuần Việt, có người Việt “một nửa”, “một phần tư”, lại có dâu Tây, rể Tây, có người lững thững trầm tư bên cạnh người chào đón tay bắt mặt mừng, có người lại đem theo bạn Pháp đến chung vui, …vẫn áo lam quen thuộc, vẫn áo tràng như Phật tử bên nhà, vẫn áo dài truyền thống, bên cạnh những bộ âu phục đứng đắn, và không hiếm những thời trang quen thuộc nhưng không lố lăng. Giọng nói thì đủ cả 3 miền, kể cả giọng nói có phần ngọng ngịu của những người sinh trưởng bên Tây. Đúng là một ngày lễ hội. Phần lễ đã qua, phần hội là phần mọi người thăm hỏi lẫn nhau. Chuyện thăm hỏi trong những dịp lễ như thế này  là rất quan trọng vì bình thường mỗi người một nơi, xa nhau về địa lý, nếu có thăm hỏi chăng là trên điện thoại, qua thư điện tử. Phần hội cũng thêm phần đậm đà vì mọi người được dự cơm chay. Thực đơn phong phú và ngon đáo để, nấu theo kiểu Huế, lại còn được tráng miệng bằng chè sâm bổ lượng, một loại chè miền Nam mà quá lâu rồi tôi mới được thưởng thức.

May mắn tôi đi đến thủ đô Paris mới thấy chùa là vô vàn thân thiết đối với người Việt xa quê. Những người Việt ở Pháp mà tôi quen biết, tất cả đều có lối sống ổn định, không những thế, còn có địa vị khả quan trong xã hội người ta, nhà cửa rất đàng hoàng, phòng khách thanh lịch với tranh tượng nghệ thuật, với đàn piano, có nơi treo đàn tranh và các đàn khác trong hệ thống nhạc cụ dân tộc, vườn cây, ghế bàn ngoài trời, đám cỏ xanh tươi, …nhưng chẳng mấy dịp khách đến chia sẻ vui buồn, uống trà, ngắm hoa. Đời sống tự do cá nhân bên Tây là như vậy, công việc bận rộn, khoảng cách địa lý bắt buộc như vậy. Nhu cầu gặp nhau tay bắt mặt mừng, nhu cầu về tình cảm không phải là không có, nhưng phải nuốt vào tâm can. Vậy thì, còn gì quý hơn được gặp nhau ở chùa? Ngoài ra biết dạy con phải biết về quê hương, về tiếng nói, về văn hóa…thì cha mẹ chọn môi trường ở đâu bằng ở chùa? Tôi được biết mới đây, mấy gia đình có con đậu BAC (tú tài Pháp) loại giỏi, đã họp mặt tại chùa, làm lễ tạ, và tất cả cha mẹ con cái đều được dự cơm chay vui vẻ, đầm ấm. Một trường hợp đặc biệt mà Thầy Tịnh Quang cho tôi biết: một người Pháp lấy vợ Việt có 5 người con, chẳng may chị mất đi; trong niềm đau tưởng nhớ vợ hiền, ông vẫn tiếp tục học tiếng Viet56m dạy con tiếng Việt, và đưa con đến chùa hàng tuần để con thấm nhuần đạo Phật và văn hóa Việt theo gương mẹ chúng.

Cuộc sống của người Việt trong xã hội phương Tây cũng phải nhanh, trong đi lại, trong công việc, cho nên có nhu cầu tìm về nơi chốn thảnh thơi, và xa hơn, một không gian tâm linh, nơi có thầy hướng dẫn, nơi có người đã gặp duyên may với Phật trước mình, để chính mình nhận ra ý nghĩa cuộc sống và con đường tu tập. Không ít người đã về chùa, đã tìm thấy thanh thoát nhẹ nhàng trong câu kinh tiếng kệ, với chắp tay A-di-đà-phật, trong hạnh lắng nghe Bồ-tát Quán Thế Âm, trong đó có những Phật tử,bằng cấp có thừa, nghề nghiệp từng trải, đã gắn bó với chùa bằng công quả, và không từ nan công việc gì. Vui thay, trước khi cử hành Đại lễ mừng Phật Đản, một buổi lễ quy y rất cảm động được tổ chức tại chùa Khuông Việt cho những Phật tử đã thấm nhuần đường đạo.

Chủa Khuông Việt luôn luôn gắn bó với quê hương, với Phật giáo bên nhà, đặc biệt qua những dịp đón tiếp quý bậc tôn túc: Hòa thượng Thích Chơn Thiện, Hòa thượng Thích Trung Hậu, Hòa thượng Thích Hải Ấn, Chùa không những là nơi tu tập, nơi thường xuyên tổ chức những buổi lễ đáp ứng  nguyện vọng tâm linh của Phật tử, mà còn là địa chỉ văn hóa, văn nghệ, một số nhà trí thức đã đến nói chuyện, trong đó có các giáo sư: Trần Văn Khê, Nguyễn Quang Riệu, Phạm Xuân Yêm, Vĩnh Sinh, Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách, đạo diễn Đặng Nhật Minh, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, biên đạo múa Ea Sola…Chùa có tổ chức lớp khí công vào buổi sáng Chủ nhật cho mọi người ( có cả người Pháp tham dự). Chùa không quên làm từ thiện, cứu trợ đồng bào trong nước bị thiên tai. Trong niềm kính trọng và biết ơn sâu xa Bác sĩ Erich Wulff, ân nhân của Phật giáo Việt Nam trong Pháp nạn 1963, chùa Khuông Việt đã làm lễ tưởng niệm và cầu siêu nhân kỷ niệm 49 ngày mất cố Bác sĩ, với sự hiện diện của bà Wulff và gia đình.

Được đến thăm Trúc Lâm thiền viện và Phật đường Khuông Việt, tôi càng cảm nhận câu thơ của cố Hòa thượng Mãn Giác: “ Mái chùa che chở hồn dân tộc”. Không những mái chùa trên khắp  mọi miền của Tổ quốc, mà hơn thế nữa: tại nơi đất khách xa xôi, quê mình là đây, dưới mái chùa này!

CAO HUY HÓA – Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 111

http://vanhoaphatgiaoblog.com/canh-chua/dat-khach-que-minh.html

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.