Potala tọa lạc ở “trái tim” thủ đô Lhasa của Tây Tạng là cung điện được khởi công từ thời vua Songtsen Gampo. Ngày nay công trình nguy nga này là không chỉ là viện bảo tàng sống động nhất cho văn hoá Tây Tạng, mà còn mang biểu tượng quyền lực gắn liền với các đời Tạng Vương và Đạt Lai Lạt Ma.
Một lần đến cung điện Potala, ngắm nhìn vẻ đẹp tráng lệ nơi đây bạn sẽ hiểu vì sao cung điện Potala được bình chọn là một trong bảy kì quan thế giới mới.
Nằm phía Tây thành phố Lhasa, dựa vào núi Hồng Lĩnh, bao quanh lâu đài Potala còn có những cánh đồng, làng mạc và sông ngòi.
Lâu đài Potala bắt đầu được xây dựng năm 1645 thời kỳ Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 và phải mất hơn 50 năm mới hình thành quy mô công trình như hiện nay.Potala được xây dựng trên núi Mabuge (Núi Đỏ), có độ cao hơn thành phố Lhasa tới 91 m. Do đó từ bất cứ hướng nào cách xa vài kilomet du khách đều có thể chiêm ngưỡng vẻ uy nghi của công trình này.
Cung Potala là cung điện cao nhất so với mực nước biển của thế giới, là trung tâm của thánh thành Lhasa, Tây Tạng Trung Quốc vì thế du khách luôn có được cảm giác hứng khởi, rợn ngợp khi đến chiêm ngưỡng khu cung điện sừng sừng trên đỉnh Himalaya này.
Lâu đài Potala được xây dựng vào thế kỷ thứ 7, đánh dấu cuộc hôn nhân gắn kết hai dân tộc Hán – Tạng giữa quốc vương Thổ phồn Songzanganbun và Văn Thành công chúa con gái của vua Đường Thái Tông.
Lâu đài Potala cao 117 mét, gồm 13 tầng, còn được coi là biểu tượng của thành phố Lhasa. Lâu đài chiếm diện tích khoảng 130.000 mét vuông với 1.500 gian phòng, chứa hơn 10.000 Phật điện, 20.000 tượng điêu khắc lăng mộ của 8 vị Lạt Ma cùng rất nhiều bức tranh quý. Toàn bộ kiến trúc lâu đài đều làm bằng đá và gỗ. Tường của lâu đài dày từ 1 mét trở lên, có chỗ dày đến 5 mét, dùng những hòn đá to để khảm vào. Trên những vách của lâu đài đều có các bích họa với những màu sắc rực rỡ, nghệ thuật phong phú nhiều chủng loại.
Đá và gỗ là những vật liệu chính làm nên kiến trúc của toàn bộ lâu đài. Nhưng điều đáng khâm phục chính là những vật liệu xây dựng đó được vận chuyển hoàn toàn thủ công, men theo những bậc cầu thang gấp khúc lên đến độ cao 300 m. Đường đi lên nhà những bậc cầu thang gấp khúc nhuốm màu năm tháng.
Cung Potala gồm 3 bộ phận: khu cung thành phía trước núi, khu cung thất trên đỉnh núi và khu hồ phía sau núi. Nằm ở phía Đông của khu kiến trúc này là Bạch cung (Cung điện trắng) với tường trát bằng đất sét trắng. Đây là nơi các Đạt Lai thực hiện các hoạt động tôn giáo, chính trị quan trọng.
Trong khi đó bên phía Tây là Hồng cung (Cung điện đỏ) trát đất sét màu đỏ. Kiến trúc chủ thể của Hồng cung là điện Linh Tháp dát vàng lộng lẫy. Ngoài ra trên nóc lâu đài Potala còn có 8 tháp Vàng biểu tượng cho mỗi Lạt Ma, có tháp phải dùng đến 9 vạn lượng vàng. Trong, ngoài điện và nóc điện có nhiều tháp, tượng phật, tượng linh vật, chuông cổ quý báu nạm vàng.
Khu vực phía sau của cung điện lại là một không gian lãng mạn nên thơ với sự hài hòa của cỏ cây và hồ nước.
Mỗi năm, các tín đồ Lạt Ma giáo đi bộ quanh lâu đài ít nhất một lần. Họ phải đi theo chiều kim đồng hồ để lúc nào Thánh điện Potala cũng ở bên tay phải họ, vì đây là phía tốt và may mắn nhất.
Đến Potala ngoạn cảnh vào mùa xuân, du khách mới có thể cảm nhận hết được sự bình yên, ấm áp lan tỏa trong không gian ở bảo tàng văn hóa đặc sắc nhất Tây Tạng này.