Giáo Dục Nhận Thức Về “Nhân – Quả” Qua Môn Văn Trong Nhà Trường

“Nhân-Quả” (因果) là một quan niệm phổ biến của Phật giáo chỉ mối quan hệ qua lại giữa các sự vật và hiện tượng trong thế giới, nguyên nhân này sẽ dẫn đến kết quả kia.

Một xã hội tồn tại và phát triển phải dựa trên nền tảng giáo dục con người. Ở thời đại nào cũng vậy, con người luôn là trung tâm của mọi hoạt động. Nhưng con người khác xa thế giới đông vật ở khả năng tư duy và hành động theo lợi ích sống còn của mình trong mối quan hệ với đồng loại và thiên nhiên. Nhờ có giáo dục làm cho con người chuyển hoá và ngày càng hoàn thiện về bàn tay và khối óc. Đời sống vật chất ngày càng cao, đời sống tinh thần ngày càng phức tạp, do đó hoạt động giáo dục phải có một lộ trình thích hợp để hướng tới tương lai. Song không có tương lai nào nằm ngoài hiện tại và quá khứ. Giáo dục chuẩn bị cho tương lai cũng chính là khám phá học tập, đúc rút những tinh hoa từ quá khứ và bài học từ hiện tại. Trong các tri thức lịch sử về quá khứ, văn học truyền thống của mỗi quốc gia dân tộc như nguồn nước và ánh sáng cho thế hệ trẻ. Một khi con người thiếu giác ngộ về truyền thống sẽ đem lại những hậu họa cho hiện tại. Điề u đó đã được chứng thực qua thực tiễn các bài học giao lưu và hội nhập với thế giới bên ngoài. Dường như mọi hoạt động sống của con người trên trái đất này luôn gắn với quan niệm về nhân quả.

“Nhân-Quả” (因果) là một quan niệm phổ biến của Phật giáo chỉ mối quan hệ qua lại giữa các sự vật và hiện tượng trong thế giới, nguyên nhân này sẽ dẫn đến kết quả kia. Trong các sách nhà Phật đề cập tới Quả báo, nghĩa: báo ứng, cái nhân kiếp trước tạo ra kiếp sau báo lại. Về Quả kiếp nhân duyên: quả kiếp là cái kiếp bởi quả báo đời trước mà thành, nhân duyên là bởi cái này sinh ra cái kia; nghĩa chung là sự ràng buộc đời trước với đời sau. Nhân quả luôn có mối liên hệ quá khứ, hiện tại với tương lai. Giác ngộ điều đó con người càng bớt đi sai lầm và có nhiều hạnh phúc hơn. Tục ngữ có những câu: Con dại cái mang, Nhà dột từ nóc, Ở hiền gặp lành, Đời cha ăn mặn đời con khát nước, Có làm thì mới có ăn v.v… đã thành tiềm thức của nhân dân. Phật giáo tồn tại ở nước ta trong nhiều thế kỷ đã đồng hành cùng dân tộ c trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước. Từ văn học dân gian đến văn chương trung đại, các sinh hoạt cộng đồng đều thấm đẫm tinh thần đạo Phật. Mặc dù có những sắc thái nhận thức khác nhau nhưng tư tưởng của đạo Phật hầu như chi phối các cộng đồng dân tộc ở mọi vùng miền đất nước.

Trong Thời biểu ca của đồng bào Tày: Ông Bụt là biểu tượng cho Đức Phật khai sinh ra hạnh phúc, sự sống, nguồn vui: “Tháng Giêng Ông Bụt mở cửa bạc, tháng hai ông Bụt mở cửa ngà, tháng năm mở cửa nước uống, tháng sáu mở cửa gió, tháng bảy mở cửa chay, tháng chín mở cửa sương…”(Bươn chiêng po Bụt khay táng ngần, po Bụt khay táng ngà, Bụt khay táng nặm bồn chầu, Bụt khay táng lầm, Bụt khay táng moóc…)(1). Ông Bụt là nhân vật cao cả mở ra mọi biến đổi của vũ trụ, thời gian. Quan niệm về nhân quả xuyên thấm sự vận động của thiên nhiên và xã hội. Trong bài Then Bách điểu (Tày) cho thấy Đức Phật còn là cán cân công lí ban phát sự công bằng vầ hạnh phúc cho dân: “Thong dong Đức Phật trên toà – Phán cho hai chị được là chim quan ” (Đức Phật dú nửa giường phán cạ – Phong chức hở thoong cá hết quan). Quan sát hoạt động xã hội, đồng bào các dân tộc thiểu số đề cao giá trị con người qua lao động. Đồng bào Mông nhận thức: Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu – Trai khoẻ không biết làm nương rẫy cũng hèn”. Đồng bào Pà Thẻn có câu: “Chăm chỉ mới có cái ăn- Không chăm chỉ không có ăn ”; đồng bào Cao Lan nói: “Giàu sang cũng có ngày hết của – Hoa đẹp sẽ có ngày héo khô ”. Đồng bào Dao có câu: Người lười cỏ mọc quanh nhà – Người chăm quanh nhà hoa nở”(6) … Từ thực tiễn đời sống, đồng bào các dân tộc tìm ra mối quan hệ tương tác về hoạt động của con người với con người, con người với thiên nhiên, không tách rời nhân quả. Trong quan hệ gia đình hầu như tục ngữ các dân tộc đều có quan niệm gần gũi nhau: Trẻ cậy cha, già cậy con; con cái là kết quả sinh thành của cha mẹ và phải có nghĩa vụ với mẹ cha…Các truyện cổ dân gian đều cho thấy đạo Phật là hiện thân của cái thiện đối lập với cái ác cái xấu. Trong Thạch Sanh, Tấm Cám, Cây khế (Kinh), Nàng ba lấy chồng rắn (Cao Lan ), Ý ưởi Ý Noọng (Tày) những kẻ có hành động độc ác gian tham, sau đều bị trừng phạt, những người lương thiện cuối cùng đều được hưởng hạnh phúc. Câu chuyện Sự tích chim quí quí (Thái) hình tượng Đức Phật ẩn mình trong dân dã để giám sát lòng người. Một người từ hai bàn tay trắng, nhưng tốt bụng, cần cù đã có được sắt để lao động và trở nên no ấm. Trong Sự tích Hồ Ba Bể (Nùng), Đức Phật giấu mình trong một cụ già đói rách để thực hành nhân chính. Kết cục kẻ tham lam phải chết vì nạn hồng thuỷ, người có lòng vị tha lại được sống yên ổn hạnh phúc. Nhân quả còn được nhận thức trong mối quan hệ giữa sự sống và cái chết. Có cái sống đẹp và sống xấu, có cái chết đẹp và cái chết xấu: Lí Thông (Truyện Thạch Sanh) chết hoá thành bọ hung; người chị độc ác trong Nàng ba lấy chồng rắn thành con giun… Vấn đề nhân quả còn thể hiện trong việc giác ngộ của cá nhân trong truyện Thánh Gióng (Kinh): Giặc ngoại xâm đến Gióng tự giác xin đánh giặc, đánh xong giặc không màng danh lợi bay về trời; trong Cái chiêng Thần (Mường) một anh đại lãn chờ sung, nhưng khi giác ngộ về sự sống đã ra sức lao động, tu thiện, từ lúc ở trong túp lều rách nát đến chỗ được sống trong một lâu đài nguy nga tráng lệ có vợ đẹp con khôn…Nhân quả còn thể hiện ở trách nhiệm với đất nước. Truyện Nỏ Thần cho thấy, mặc dù An Dương Vương có công dựng nước nhưng giây phút lơ là mất cảnh giác dẫn đến cơ đồ đắm biển sâu. Đó là bài học xương máu muôn đời truyền mãi.

Quan niệm nhân quả còn chi phối kết cấu các truyện cổ dân gian theo các mô tuýp như: Trước khổ sau sướng, kẻ ác bị trừng phạt người thiện được hạnh phúc; kẻ giàu thành nghèo, người nghèo thành giàu; kẻ lương thiện thành tiên, kẻ ác thành vật… để chứng cho quan niệm nhân nào quả nấy. Những điều đó quan hệ mật thiết với các thuyết: luân hồi, truyền kiếp lưu truyền ở dân gian.

Giáo dục là nhu cầu bảo tồn xã hội, người xưa đưa tư tưởng đạo Phật vào văn học dân gian để truyền dạy quan niệm về nhân quả qua hình thức truyền miệng; mặt khác nhiều tác phẩm văn học dân gian cũng chứa đựng tinh thần nhân quả một cách tự nhiên. Trong đó có tinh thần vị tha bác ái. Hình tượng Đức Phật trong dân gian không mang sức mạnh về vật chất hay thanh thế lực lượng mà ở hạt nhân tâm thiện để con người soi chiếu trong mình làm đẹp cho cuộc sống. Cái tâm của đạo Phật là giác ngộ con người chứ không phải là trừng phạt hay ban phúc như có người ngộ nhận. Cái thiện tiềm tàng trong tất cả các quan hệ: người với người từ gia đình đến xã hội và bản thân mỗi con người; cá nhân với cộng đồng, cộng đồng với thiên nhiên mà con người soi vào đó để xa lánh cái ác và cái xấu. Các thành ngữ, tục ngữ, ca dao dân ca và truyện cổ dân gian đã đúc kết những quy luật về cuộc sống thể hiện qua lao động sản xuất, quan hệ gi a đình và xã hội, những vấn đề về đạo đức lẽ sống từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đó là những kiến thức bách khoa của của mỗi cộng đồng dân tộc, trong đó gồm các mối quan hệ trước sau, trên dưới, mất còn, sáng tối, gốc ngọn, gần xa… đều được soi chiếu bằng cái nhìn nhân quả.

Giáo dục tư tưởng đạo Phật trong dân gian xét về tính qui mô có thế mạnh hơn các loại hình giáo dục khác bởi tính chất hồn nhiên của văn học dân gian và thực tiễn đời sống được phản ánh sinh động, nó không bị ràng buộc bởi các yếu tố qui phạm học đường, ý chí cá nhân, rào cản ngôn ngữ, quyền lực giai cấp hay các thể chế ngặt nghèo. Văn học dân gian vốn mang trong mình những tình cảm thẩm mĩ, nhiều khi đối lập với cả những mặt trái của Nho giáo (luật tam tòng). Giáo dục quan niệm nhân quả qua văn học dân gian xuất phát từ nhu cầu thẩm mĩ và đạo đức dân gian mang tính chất bình dân và bản sắc dân tộc. Từ xa xưa các câu chuyện cổ về đức Phật sống bền bỉ trong đời sống dân gian như Sự tích Bà chúa Ba cho thấy: Phật năng xuống trần và can thiệp vào nhân sự, che chở cho những người bất hạnh hoặc giải thoát u mê tăm tối để con người cải tà quy chính. Giáo dục lẽ nhân quả trong văn học dân gian vốn tự nhiên, tự giác ở mọi lúc mọi nơi, nhưng hiệu quả là “mưa lâu ướt áo” theo các hình thức diễn xướng dân gian. Giáo dục đạo Phật qua văn học dân gian đã góp phần mở mang trí tuệ cho những tâm hồn trẻ hiểu rõ cuộc sống và biết thương yêu đồng loại.

Cùng với thơ ca và truyện cổ dân gian, văn học viết bằng chữ Hán và chữ Nôm cũng thể hiện tư tưởng đạo Phật ở nhiều phạm trù giáo lí khác nhau như: “chân không”, “diệu hữu”, “hữu hình”, “thực quyền”, “thường lạc”, “hồi hướng”, “sa giới” “trúc càn”… nhưng “nhân quả” là một phạm trù bao quát nhất. Trong Văn bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc (1107) có câu: “Quả nhân nan hủ” (果 因 難 朽 ). Nghĩa: Nhân, quả khó mà mất được. Phạm vi “nhân, quả” mà Lí Thừa Ân viết vừa mang quan niệm Phật giáo vừa chứa đựng ý nghĩa hiện thực về vấn đề bảo toàn vận nước gắn với hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của quốc gia Đại Việt thuở bấy giờ: Sau loạn 12 xứ quân, tiếp đến là hành động xâm lược nước ta của nhà Tống. Vấn đề gắn kết cộng đồng; sự giàng buộc giữa vua cha và bề tôi của Tổ Quốc luôn đặt ra; giữa triều đình trung ương và các vùng biên ải. Nhà Lí đã thực hành chính sách: “Dĩ man di trị man di”, “ban lộc, phong tước” và “hôn thú” (nghĩa: cho người thiểu số tự cai quản, kèm cho hưởng lộc và phong tước cho con vua kết hôn với tù trưởng,) để thu phục nhân tâm các thủ lĩnh và cư dân vùng “phên dậu” của đất nước. Việc làm đó đã tạo ra những mối hoà hảo hợp lí hợp tình, sự bền vững trong ngoài, trên dưới, xa gần, lớn nhỏ, trước sau về con người với con người; giữa cố đô Thăng Long với vùng biên viễn nhằm giữ yên vận nước như Thiền sư Pháp Thuận (914-990) đã phát ngôn trong bài “Quốc tộ”: Quốc tộ như đằng lạc- Nam phương lí thái bình (Nghĩa: Vận nước như vị thuốc quý- Trời Nam được thái bình)(2). Các nỗ lực trị nước của vương triều nhà Lí có thể xem là cái nhân đã dẫn đến mục đích cao đẹp nhất: Giữ yên vận nước là cái quả. Đó là diệu pháp để giữ nền thái bình muôn thủa là bài học lịch sử cho các triều đại nhà Trần và nhà Lê sau này. Xây dựng chùa chiền phát triển đạo Phật là phương lược giữ nước của vương triều nhà Lí. Trong Văn bía chùa Bảo Ninh Sùng Phúc có nói đến tác động giáo hoá từ chốn Phật đường: “Hương trầm nghi ngút, bốc tới trời mây chuông khánh hài hoà, vang xa hang động. Hoa thông tươi tốt, chiếm mãi gió từ; già trẻ quy y, bỏ xa nhà lửa” (3. Xây dựng chùa chiền để giảm bớt nhà tù là nhận thức có ý nghĩa nhân quả từ xưa của cha ông ta được chứng nghiệm ở lịch sử nhờ tiềm năng của đạo Phật. Giác ngộ về nhân quả nên vị thủ lĩnh vùng “phên dậu” đất nước đã thi hành nhân chính: “Thuế thu chín phần lấy một, thóc lúa đầy kho, khách khứa ba nghìn cửa nhà như chợ”(3). Để có một nền độc lập phải lấy dân làm gốc. Trước phút qua đời, Trần Hưng Đạo đã trăng trối lại cho hậu thế câu nói thành một bài học lớn: “Phải khoan nới sức dân, lấy đó làm kế sâu rễ bền gốc”. Đến thời Lê, Nguyễn Trãi cho rằng: Làm lật thuyền mới biết dân như nước (Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ). Câu cuối bài từ đền Hạ cũng viết: Vận nước ở lòng dân (Quốc tộ tại dân tâm). Như vậy lòng dân là cội nguồn của mọi sức mạnh giữ nước và dựng nước. Trong mối quan hệ lớn lòng dân là cái nhân nền độc lập là cái quả. Vận nước đồng hành cùng nhân quả. Từ những nguyên lý đó mới hình thành quan niệm: dân giàu nước mạnh. Nhưng cần phải nói thêm rằng, vấn đề dân giàu nước mạnh phải được giác ngộ về vận nước: An Dương Vương có thành trì mạnh rồi nhưng phút giây không cảnh giác mà mất nước? Cái chính: vận nước ở lòng dân. Trong sự phồn vinh phải thấm nhuần nhân quả: Nước mất thì nhà tan. Ba triều đại Lý-Trần-Lê sáng chói bởi những vị minh quân đã ý thức sâu sắc về hiện tại với tương lai trong việc định đô, xây dựng chùa chiền, khoan nới sức dân, bảo toàn lãnh thổ… Giao nhân tốt cho hiện tại để giành quả phúc cho mai sau, cho nên các đề từ như: Diên trường, vạn thế, cửu trường, vạn cổ, vô cùng… xuất hiện ở nhiều danh lam thắng cảnh nước nhà. Trong Chiếu dời đô, cho thấy: Lí Công Uẩn lo chọn đất định đô để vận nước được dài lâu; trong Văn bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, Lí Thừa Ân tìm người chọn đất dựng chùa để cái thiện được trường tồn mãi mãi…

Trong tiến trình lịch sử, quan niệm nhân quả của đạo Phật từng lúc từng nơi cũng giao thoa với Nho giáo do nhu cầu thực tiễn. Nho giáo thiên về hành động thì đạo Phật chủ đích khai tâm để đi đến cái chân thiện mĩ. Trong Thiên Nam vân lục liệt truyện của Nguyễn Hàng (thế kỉ XVI) cho thấy những bài học về nhân quả qua nhiều thiên truyện đặc sắc như Hà Ô Lôi, Trưng nữ Vương… Quan niệm về nhân quả đặt trong quan hệ về dục tính: Ô Lôi có tài nhưng háo sắc quá độ dẫn đến cái chết bi thảm (bị bỏ vào cối giã), một biểu tượng của phúc họa tương phùng, gợi ra cảm giác trong nhân quả trong quả nhân. Trong Trưng nữ Vương, sự hi sinh của hai bà được hiển ứng thành sức mạnh tâm linh cho con cháu muôn đời. Sự hiển linh của hai bà giúp vua Lý Anh Tông “cầu đảo khi hạn hán gặp mưa”. Trong nhận thức của người Việt, nhân quả còn nằm trong mối quan hệ âm dương, sự sống với cái chết, phần xác với phần hồn. Sự qui hoá của hai bà Trưng phần xác là nhân còn phần hồn là quả mãi mãi phù trợ cho dân nước.

Nhân quả không riêng mối quan hệ giữa các sự vật khác nhau, mà có khi mối quan hệ của nó nằm ngay trong một sự vật hiện tượng. Đó là hành động tự giác của các anh hùng, dũng sĩ phản ánh trong văn học: Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương), Trưng Trắc, Trưng Nhị (Trưng nữ Vương). Nhân quả còn thể hiện trong quan hệ đạo đức gia đình. Trong Bia Hậu xã Tình Húc, nêu một tấm gương về tấm lòng hiếu thảo với mẹ cha, có đoạn viết: “Lửa sao không nóng, nước sao không lạnh, hoa sao không ở đài, lá sao không rụng về gốc? Làm một người con phụng dưỡng mẹ cha, bổn phận có hạn nhưng lòng hiếu thảo vô cùng” (Hà hoả bất nhiệt, hà thuỷ bất hàn, hà hoa bất phu ngạc, hà diệp bất qui căn? Nhân tử sự thân, phận hữu hạn nhi tâm tắc vô cùng dã!) (4). Quan hệ thế hệ trong gia đình và xã hội tương ứng với quan hệ của thiên nhiên luôn phụ thuộc giàng buộc với nhau. Trong Thần tích Đền Ông cũng có câu: “Sông có nguồn nước mới chảy, cây phải có gốc có ngọn, lá xanh tươi nhờ rễ ăn sâu. Sông dài bể rộng vẫn nhớ về nguồn, hoa trái thơm ngon phải nhớ về đất, lá rụng phải về cội. Con người lại quên ơn Thánh nhân với tổ tiên sao?”(Giang thuỷ hữu nguyên dĩ động; mộc hữu bản mạt, mậu diệp thâm căn. Tràng giang đại hải kì thuỷ tư nguyên, quả hoa nhiên hương tưởng do bản thổ, diệp tất qui căn. Hà nhân sự hựu vong Thánh nhân tiên tổ chi ân)(5). Qua những cơn dâu bể cha ông ta nhìn rõ các mối quan hệ nhân quả từ thiên nhiên đến xã hội. Mọi sự tồn tại đều có nguồn gốc và phụ thuộc vào nguồn gốc. Cho nên con người không được quên quá khứ. Hiện tại sinh thành từ quá khứ, trong quá khứ có hiện tại và trong hiện tại đã có mầm mống của tương lai. Do đó có sự gần gũi giao thoa giữa quan niệ m nhân quả của Kinh Phật và quan niệm âm dương trong Kinh Dịch. Nhìn chung nhận thức của dân tộc ta từ xa xưa đến ngày nay là một sự hài hoà tự nhiên và thống nhất giữa nhân quả với âm dương; giữa quá khứ và hiện tại, hiện tại với tương lai; quá khứ với tương lai; giữa sống và thác. Trong các tác phẩm mang tên Thần phả, Thần tích, Ngọc phả cho hay, các vị anh hùng dân tộc khi kết thúc sự nghiệp đánh giặc cứu dân cứu nước đều để lại những quả phúc lớn lao. Đó là những tên tuổi gắn với đình chùa đền miếu được ngàn đời hương hoả như Ngọc phả Đình Sở xã Thọ Vực (Sơn Dương); Thần phả Phép tế lễ ở bản Minh Cầm xưa (Yên Sơn); Thần phả Đền Bắc Mục (Hàm Yên); Sự tích Thánh Gióng… Các nhân vật trong truyền thuyết và lịch sử như Cao Sơn, Ất Sơn, U Sơn; Quý Minh; Hai Bà Trưng; Trần Quốc Tuấn khi giặc ngoại xâm tới đều dấn thân sống thác để cứu nước, khi giặc tan không màng danh lợi hiến dâng hết tiền tài và trí lực cho đồng bào rồi hoá chỉ để lại niềm thương tiếc, khâm phục của nhân dân cùng tên tuổi của mình trong cõi trường tồn bất tử. Chết mà không mất là như vậy! Do đó giáo dục lòng yêu nước thương nòi qua văn chương nghệ thuật truyền thống là diệu pháp khai minh nhân quả. Trong các Truyện đường rừng đầu thế kỉ XX như: Dưới miệng Hùm, Con bò dưới Thuỷ Tề, Gò Thần, Rừng khuya, Tiếng gọi của rừng thẳm, Dấu ngựa trên Sương, Suối Đàn… của Lâm Tuyền Khách cho hay con người đốt rừng, giết hại cầm thú sẽ đem lại những tai họa khôn lường; con người bị bần cùng hoá và sống trong môi trường tăm tối dễ hoá thành muông thú. Muốn có hạnh phúc con người phải giác ngộ về bản thân và thế giới quanh ta để làm đổi thay hoàn cảnh sống. Nhân quả là một quan niệm phổ biến quan hệ thống nhất với thời gian. Giác ngộ về nhân quả chính là khám phá, phát huy cái thiện và cái đẹp tiềm tàng trong mình và nhân loại.

Trong hoàn cảnh giao lưu và hội nhập với thế giới đang diễn ra hiện nay, về khách quan cho thấy có một phần cái nhân xấu bên ngoài gieo vào trong nước, về chủ quan xã hội chưa có một chương trình chuẩn bị thích ứng, tổ chức sàng lọc có kế hoạch sát sao, nên đã xuất hiện những quả báo đầy tai hại, đi ngược lại truyền thống nhân văn của dân tộc. Sự xuất hiện nhiều cái ác, hiện tượng sống mất gốc, thái độ vô cảm trước con người, các dục vọng tham, sân si trỗi dậy làm huỷ hoại môi trướng sống tốt đẹp. Đó là các bài toán đang đặt ra cần lời giải đáp!? Giáo dục trong thời đại ngày nay cho thấy không thể có công nghệ nào thay thế được sự tích luỹ trong lịch sử. Đó là những tinh hoa văn hoá truyền thống làm cái nhân cho văn hoá hiện đại thành cái quả. Riêng nhà trường là một nhân tố tích cực, nhưng chưa đủ sức làm ra cái thiện mà cần cả một xã hội khơi nguồn, cổ vũ hướng tới những giá trị chân thiện mĩ. Tư tưởng nhân văn của đạo Phật cần thầm sâu hơn nữa vào các trang sách văn chương và nếp sống học đường để có những thế hệ hiền tài làm “nguyên khí” cho đất nước. Vấn đề nhân quả phải trở thành hạt nhân của một nền giáo dục văn minh. Có trở lại nguồn xưa mới tìm ra dòng mới được. Nhiều hình tượng nghệ thuật trong văn học truyền thống là những cái nhân quí giá vẫn vẹn nguyên cho cuộc đời này và mãi mãi về sau.

PGS.TS TRẦN MẠNH TIẾN – Hà Nội ngày 05/ 10/ 2011 – Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội

http://www.daophatngaynay.com

_____________________________________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Lan Khai – Tác phẩm Nghiên cứu, Lí luận và Phê bình văn học. NXB Văn hóa Thông tin. 2002, tr 251-254. Rút từ Những câu hát xanh của Lâm Tuyền Khách. Tạp chí Tao Đàn. 1939

2. Nguyễn Đăng Na. Bài “Quốc tộ” của Quôc sư Pháp thuận. Hội thảo Khoa học Quốc tế. Quốc sư Khuông Việt và Phật giáo Việt Nam đầu Kỉ nguyên độc lập. 18/ 3/ 2011 Tác giả có tiếp thu cách hiểu câu 1 của PGS.TS Nguyễn Đăng Na, tr 567

3. Tổng tập Văn học Việt Nam tập I. NXB. Khoa học xã hội. 1992, tr 286

4. Tình Húc xã Hậu bi (Chữ Hán) chùa Phật Sâm Sơn xã Chàng Đà huyện Yên Sơn. Tuyên Quang.1835

5. Trần Quang (An phủ) – Nhữ Văn Phúng. Thần tích Đền Ông (Đền Bắc Mục).năm Mậu Ngọ (1738). Tuyên Quang

6. Trần Mạnh Tiến. Địa chí Văn hóa Tuyên Quang. Sở Văn hoá Thông tin Tuyên Quang. 2011

This entry was posted in Giáo Dục, Đời Sống. Bookmark the permalink.