Nhân quả là một định luật tất yếu trong sự hình thành nhân sinh quan và vũ trụ quan qua liên hệ duyên khởi của cuộc sống con người, mà qua đó nhân quả được coi như là một luật tắc không thể thiếu được khi hình thành một xã hội nhân bản đạo đức.
Nhân quả vì thế không chỉ có riêng của Phật giáo, mà trước đó và ngay trong thời kỳ đức Phật còn tại thế, các luận sư ngoại đạo cũng đã lập thành luận thuyết chủ trương rõ ràng rồi, nhưng cũng vì kiến giải quá nhiều về nhân quả, nên mọi kiến giải trở thành đa thù sai biệt và chống đối nhau trên quan điểm nảy sinh ra bốn loại mà đức Phật gọi là tà chấp. Đức Phật, chỉ kết hợp lại những gì khế cơ khế lý mà thành lập nhân quả Phật giáo. Nhân quả Phật giáo vì thế đã trở thành hai hệ thống qua Phật giáo phát triển của các hệ phái sau này, đó là nhân quả Tiểu thừa và nhân quả Đại thừa trong việc kết hợp với định thức duyên khởi tùy thuộc vào thời gian và không gian mà hình thành cơ sở lý luận cho tất cả mọi quan hệ duyên khởi trong thế giới.
– Nhân quả tiếng Sanskrit goi là hetu-phala, chỉ cho nguyên nhân cùng kết quả. Cũng chỉ cho luật nhân quả, là thể của giáo nghĩa Phật giáo, dùng để thuyết minh làm cơ sở lý luận cho tất mọi quan hệ của thế giới. Bởi vì sự hình thành của tất cả các pháp, thì Nhân là “Năng sinh” quả là “Sở sinh”, có nghĩa là pháp nào có khả năng dẫn sinh đến kết quả, thì pháp ấy là Nhân, và do được nhân sinh ra thì đó chính là Quả. Nhân quả như thế chỉ có được qua lệ thuộc thời gian tính có thể quan niệm theo Phật giáo Tiểu thừa, nhưng không phải vì thế mà nhân quả được nhìn một cách nhất quán. Ngay đến trong Phật giáo cũng tùy thuộc vào căn cơ chúng sinh mà đức Phật thuyết về nhân quả của thời và không cho thích hợp với căn cơ của họ, nên nhân quả cũng vì thế mà có sự sai khác về quan niệm và giải thích giữa các nhà Tiểu thừa và Đại thừa về mặt chủ trương. Và vào lúc bấy giờ nhân quả cũng được nhìn từ nhiều nhãn quan qua các chủ trương của các nhà luận sư trước đó và vào lúc bấy giờ tại Ấn Độ khi đức Phật ra đời. Những chủ trương nhân quả của ngoại đạo vào lúc bấy giờ và trước đó tại Ấn Độ có thể phân ra làm bốn loại, và đức Phật liệt họ vào bốn loại tà chấp như dưới đây :
1. Số luận (Skt: Sāṃkhya) chủ trương: Tất cả pháp là “một”, chủ trương tất cả chỉ là một, nhận hai tướng “ngã” cùng “giác” bất khả phân ly, nhân quả đồng nhau, cũng là chủ trương của luận sư Tăng Khư ngoại đạo.
2. Thắng luận (Skt: Vaiśeṣika, Pāli: Vasesika) chủ trương: Tất cả pháp là “khác”. Chủ trương này cho rằng tất cả pháp là khác nhau, giữa “ngã” cùng “trí”, “ năng” cùng “sở” chúng khác nhau, cũng là chủ trương của luận sư Tuỳ Thế ngoại đạo.
3. Ni-kiền Tử (Skt: Nirgrantha-jñātapatra, Pāli: Nirgaṇṭha-nātaputta) chủ trương: Tất cả pháp vừa “một” vừa “khác”. Chủ trương này cho rằng tất cả các pháp vừa tồn tại trong một mà cũng vừa tồn tại trong khác, chúng cùng nghĩa với nhau.
4. Nhã-đề Tử cùng Tà Mạng ngoại đạo chủ trương: Tất cả pháp chẳng phải “một” chẳng phải “khác”. Chủ trương này cho rằng tất cả các pháp không liên hệ với nhau (bất câu), không cùng tồn tại, mà chỉ có tính tương đối.
– Và chủ trương của các phái ngoại đạo ở Ấn Độ cổ đại về các vấn đề như một khác, thường vô thường, nhân quả có không… Theo Tứ tông luận Tiểu thừa, ngoại đạo, dẫn xuất của Bồ-tát Đề-bà Ấn Độ, và Bồ-đề Lưu Chi dịch sang Hán thời hậu Ngụy thì, Ngài dùng Tông kính luận Đại thừa để phá tứ chấp của ngoại đạo cùng Tiểu thừa.
– Theo các nhà ngọai đạo cổ đại Ấn độ, có thể phân chia làm bốn lọai luận điểm về quan hệ nhân quả, mà Phật giáo liệt họ vào bốn loại chấp:
– Tà nhân tà quả: Họ chủ trương đem nguyên nhân sinh khởi ra vạn vật vũ trụ qui về năng lực do trời Đại tự tại.
– Không nhân, có quả: chủ trương này, họ thừa nhận sự tồn tại của thế giới hiện tượng là quả, chỉ vì cái nhân của cái quả này khó mà tham cứu, nên họ phủ nhận nguyên nhân khởi lên quả này.
– Có nhân, không quả: Chủ trương này, họ thừa nhận sự tồn tại của thế giới hiện tượng cho là nhân, chỉ vì kết quả của nhân này khó mà tham cứu, cho nên họ phủ định kết quả của nhân này.
– Không nhân, không quả: Chủ trương này, họ phủ định cả nhân lẫn quả.
– Ngoài bốn loại nhân quả trên ra, Phật giáo còn nhận thấy có hai thứ luận thuyết về nhân quả nữa:
– Trong nhân có quả: Chủ trương này, thừa nhận mọi hiện tượng trong thế giới đang hiện hữu qua quả chúng đã có sẵn đầy đủ trong nhân, đây là chủ trương của các nhà tư tưởng Bà-la-môn giáo cùng học phái Số luận; tức là họ chấp nhận trong nhân luôn luôn đầy đủ tánh quả, cho nên tính chất của nhân cùng quả tương đồng.
– Trong nhân không có quả: Chủ trương này cùng với học phái Thắng luận, họ không chấp nhận chủ trương trong nhân có quả và đối lập lại chủ trương trên. Họ đề xướng cần phải kết hợp nhiều yếu tố căn bản độc lập mới có thể sinh khởi ra thế giới hiện tượng, vì vậy trong nhân ắt đã không có quả, mà cần phải vay mượn nhiều tướng nhân để hỗ tương hòa hợp mới có thể sinh ra quả được; do vậy, tính chất nhân cùng quả không tương đồng. Luận thuyết này cũng có thể gọi là trong quả đã có nhân.
– Còn nhân quả của Phật giáo đại để phân ra làm hai hệ thống Tiểu thừa và Đại thừa. Tiểu thừa lấy Câu xá luận 6 (Đ. 29. No: 1558, tr. 30a-36a) làm điển hình đề xuất ra thuyết tứ duyên, lục nhân, ngũ quả; còn Đại thừa thì lấy Duy thức tông của Thành Duy Thức luận 8 (Đ. 31, No: 1586, tr. 41b) làm đại biểu, dùng tứ duyên, thập nhân, ngũ quả làm nội dung chủ yếu để luận về nhân quả.
– Về Tứ duyên, tức chỉ cho Nhân duyên (Skt. hetu-pratyaya), Đẳng vô gián duyên (Skt. samanantara-pratyaya), Sở duyên duyên (Skt. ālambana-pratyaya), Tăng thượng duyên (Skt. adhipati-pratyaya) thì Đại thừa và Tiểu thừa đều nói về chúng tuy có khác nhau; nhưng về lục nhân tức là Năng tác nhân, câu hữu nhân, đồng lọai nhân, tương ưng nhân, biến hành nhân, dị thục nhân, mà chủ yếu là Phát Trí luận 1, 15, Đại Tỳ Bà Sa luận 10, 11, 16 cùng Câu Xá luận 6 của các bộ luận Tiểu thừa chủ trương. Theo các nhà Tiểu thừa thì Năng tác nhân gồm thâu cả Đẳng vô gián duyên, Sở duyên duyên, Tăng thượng duyên trong tứ duyên, còn Nhân duyên thì đem khai diễn xếp vào hạng đầu của ngũ nhân. Nếu đem ba học thuyết Tứ duyên, lục nhân, ngũ quả mà nói thì, đó chính là tư tưởng luận hòan chỉnh về nhân quả của Phật giáo.