A.-Mở Ðề
Sau khi quy y Tam bảo phải sống đúng theo quy luật mà Ðức Phật đã chế ra, để tiến bước trên đường Ðạo. Quy luật ấy là Ngũ Giới. Người theo đạo Nho phải sống đúng theo Tam cương, Ngũ thường, thì người theo Ðạo Phật cũng không thể chỉ thọ Tam Quy mà không trì Ngũ Giới.
Người đã phát tâm quy y Tam Bảo là đã bước chân lên nấc thang giải thoát, nhưng nếu không giữ năm giới là chỉ mới bước một nấc đầu rồi dừng lại, không thể tiến đến giải thoát thật sự được. Năm Giới này không những đưa người mạnh tiến trên đường giải thoát, mà còn đem lại trật tự, an vui, hòa bình cho gia đình, Quốc gia, xã hội nữa. Ngũ giới chính là giềng mối chắc thật tạo hạnh phúc cho cá nhân và đoàn thể, chính là ông thầy ngăn ngừa chúng ta làm điều xằng bậy trong thời mạc pháp. Vì thế, Ðức Phật Thích Ca đã có lời di chúc khẩn thiết sau đây trước khi Ngài nhập Niết bàn:
– “Sau khi ta diệt độ, các người tu hành phải tôn kính giới luật làm thầy; dầu cho ta còn tại thế để dạy dỗ cho các người mấy ngàn đời đi nữa, ta cũng thêm điều nào ngoài giới luật.” giới luật Phật chế ra rất nhiều, vì cần phải áp dụng cho nhiều hạng người tu hành: – Tỳ kheo,- Tỳ kheo ni,- Sa di, -Sa di ni. Riêng đối với hàng Phật tử tại gia, thì chỉ có 5 giới mà thôi. Nhưng nếu giữ được 5 giới ấy thì lợi ích cho mình, cho người không xiết kể.
B.- Chánh Ðề: I.- Ðịnh Nghĩa
Ngũ giới là năm điều ngăn cấm mà Phật đã chế ra, để ngăn những tưởng niệm ác, nói năng chẳng lành, hành động bất chính. Năm điều răn ấy là: – Không được giết hại, – Không được trộm cướp, – Không được tà dâm, – Không được nói dối, – Không được uống ruợu. Năm điều này y cứ trên tâm từ bi, bình đẳng trên phương diện dứt trừ tội lỗi cá nhân và đem lại trật tự, an vui cho xã hội mà thành lập. Ðức Phật không bắt buộc chúng ta phải triệt để tuân theo và cũng không hăm dọa nếu chúng ta không tuân theo thì phải bị Ngài trừng phạt. Sự giữ hay không giữ giới là do chúng ta hoàn toàn tự liệu lấy. Ðạo Phật khác với các Tôn giáo khác chính là ở điểm Ðức Phật không phải là một quan tòa tối cao giữ quyền thưởng phạt. Một ý nghĩ, một lời nói, một hành động tốt hay xấu chính đã mang theo nó một mầm thưởng phạt rồi. Ðức Phật chỉ là một vị dẫn đường rất từ bi, và rất sáng suốt. Ngài chỉ cho chúng ta con đường nào là con đường sáng và con đường nào là con đường nguy hiểm không nên đi. Nhưng nếu chúng ta không theo con đường sáng mà lại muốn đi vào con đường nguy hiểm, thì tất nhiên chúng ta sẽ gặp tai họa tự nhiên, chứ Phật không tạo ra tai họa để trừng phạt chúng ta. Tòa án chính là luật nhân quả. Ta làm ác thì ta chịu quả xấu; ta làm thiện thì ta được qủa tốt. Năm giới chính là năm thành trì ngăn chặn cho ta đừng đi lạc vào đường ác, là năm hàng rào ngăn chặn cho ta khỏi rơi xuống vực sâu, trong khi ta đi trên con đường giải thoát.
II.- Năm Giới 1.- Không được giết hại. Ðiều ngăn cấm thứ nhất mà Phật khuyên chúng ta, là không được giết sanh mạng, từ loài người cho đến loài vật. Sanh mạng là một gía trị qúy báu, nhất là sanh mạng người; giết hại sanh mạng kia để tô bồi cho sanh mạng này là một điều ác, không hợp lý đạo.
Phật giáo cấm sát sanh bởi nhiều lý do: a) Tôn trọng sự công bằng. – Chúng ta coi sanh mạng mình là quý, là một của báu tuyệt đối. Nếu ai mưu hại, là mình chống trả triệt để bảo vệ sanh mạng. Mình đã biết quý trong thân mạng mình, tại sao lại muốn chà đạp sanh mạng người? Suy rộng ra, các loài vật cũng biết quý trọng mạng chúng. Như một con bò hay một con heo sắp bị đập đầu, thọc huyết, ta thấy sự phản kháng mãnh liệt, sự đau thương cùng cực của chúng, bằng những tiếng kêu gào, những cái dãy dụa thoát chết! Theo lẽ công bình, đìều ta không muốn ai làm cho ta, thì ta cũng đừng làm cho người khác, hay loài khác. Phật dạy: “Ai ai cũng sợ gươm dao, ai ai cũng sợ sự chết. Vậy nên lấy lòng mình suy lòng người, chớ giết! Chớ bảo giết!”.
b) Tôn trọng Phật tánh bình đẳng. – Chúng ta mỗi loài tuy thân hình khác nhau, mà vẫn đồng một Phật tánh. Phật tánh đã bình đẳng thì không thể viện lý do gì để nói rằng Phật tánh ở người giá trị hơn ở vật, ở giai cấp này màu da này gía trị hơn giai cấp kia màu da kia. Sát hại một sanh vật là sát hại Phật tánh.
c) Nuôi dưỡng lòng từ bi. – Lòng từ bi của Ðức Phật xem mọi loài như con, nên Ngài không đồng ý cho đệ tử Ngài sát hại sanh vật, bất cứ trong trường hợp nào. Bởi vì đem tâm giết hại sanh mạng là lòng độc ác đã cực thịnh, tâm từ bi bị bóp chết. Nhẫn tâm vô cớ giết một con vật, tính bạo ác không kém giết một con người. Nhẫn tâm làm cho kẻ khác hay vật khác phải dãy dụa, rên siết, quằng quại trong máu đào, trong lệ nóng trước khi trút hơi thở cuối cùng, là tự giết lòng từ bi của mình, là bóp chết cái mầm thương yêu rất quý báu trong tâm hồn chúng ta. Như thế, khó mà tu hành để thành chánh quả được. Ðức Khổng Tử có dạy: “Văn kỳ thanh bất nhẫn kiến kỳ thực, kiến kỳ sanh bất nhẫn kiến kỳ tử”. (Nghe tiếng kêu la của con vật, không nỡ ăn thịt nó; thấy nó sống không đành thấy nó chết). Như vậy người có tâm từ bi hay lòng nhân đều không nỡ giết hại người hay loài vật.
d) Tránh nhân qủa báo ứng oán thù. – Khi ta giết một người hay một con vật thì sự oán hận của họ tràn trề khó dập tắt được. Họ vì cô thế, vì yếu sức nên bị ta giết hại. Trong khi ấy, họ ôm lòng căm hận, chờ gặp dịp báo thù, hay con cái thân nhân họ sẽ báo thù lại. Cứ thế mỗi ngày ta đều gieo căm hờn cho người và vật, tích lũy lâu ngày, khối oan gia ấy to hơn sức ta, chừng ấy ta bị nó sát hại lại. Càng tạo nghiệp sát, càng lao mình vào đau khổ. Phật dạy: “Người thường sanh tâm sát hại, càng tăng trưởng nghiệp khổ, mãi xoay vần trong sanh tử, không có ngày ra khỏi” (Kinh Lăng Già).
Lợi ích của sự không sát hại.
– Vì những lý do trên, Ðức Phật cấm Phật tử không giết hại. Không giết hại, sẽ có những điểm lợi sau đây:
a) Về phương diện cá nhân. – Một người không tàn nhẫn sát nhân, hại vật, không độc ác làm đổ máu, không lóc da, xẻ thịt, chặt đầu, thắt cổ, thì trong lòng không bức rứt, hối hận, thân tâm được nhẹ nhàng, thơ thới, giấc ngủ được an lành, nét mặt được hiền hòa, trong sáng.
b) Về phương diện xã hội. – Nếu tất cả nhân loại trên thế giới này đều giữ đúng giới thứ nhất của Phật dạy đây, thì chiến tranh sẽ không có, mà các nghiệp sanh tử luân hồi cũng được giải thoát. Cho nên Tổ xưa có dạy:
”Hết thảy chúng sanh không nghiệp giết, Mười phương nào có nổi đao binh. Mỗi nhà, mỗi chốn đều tu Thiện. Lo gì thiên hạ chẳng thái bình.”
Hạn chế: Vẫn biết giết hại là tạo nhân khổ, nhưng người tại gia còn ăn mặn, còn làm công việc kia nọ, thì khó tránh khỏi phạm giới sát. Ở đây không bắt buộc chúng ta phải giữ triệt để như thế, chỉ cần giữ phần quan trọng là không giết người, và những con vật lớn như: Trâu, bò, ngựa, chó, heo, gà v.v… Còn những con nhỏ nếu tránh được bao nhiêu quý bấy nhiêu. chúng ta nên đi từ từ thì chắc ăn hơn. Nhất là không nên giết hại sinh vật một cách vô lý, giết để thỏa lòng thích giết. Trong khi giữ giới sát, ta nên đề phòng hai đều sau đây:
a) Không nên để cho ác ý sanh khởi. Giết một con vật lớn mà vì vô ý hay tự vệ, thì cái qủa của nó còn nhẹ hơn là giết một con chuồn chuồn với cái ác ý muốn giết cho vui tay.
b) Nên tránh sự huân tập trong hoàn cảnh giết hại: Những đứa bé lên 3, lên 5 ra sân gặp chuồn chuồn, bươm bướm chụp bắt rồi ngắt cánh, rứt đầu nếu cha mẹ thấy mà không rầy la; đến 12,13 tuổi, chúng sắm ná, giàng thun bắn chim, đến 20,25 tuổi, chúng đâm họng heo, giết chó, vẫn không bị ngăn cấm thì sau này, quen với tánh hung bạo, trong cơn giận dữ, chúng có thể giết người không gớm tay. Vậy chúng ta không nên để tự do cho con cái quen cái sự giết hại sinh vật, mà cũng không cho chúng mục kích những cảnh chém giết ở các rạp chiếu bóng hay ở giữa đời.
2. – Không được trộn cướp. Ai cũng biết trộm cướp là lấy những tài vật thuộc quyền sở hữu của người, mà không có sự ưng thuận , hay cưỡng ép người ta ưng thuận bằng võ lực hay quyền hành. Những vật quý giá như nhà cửa, ruộng vườn, tiền bạc, ngọc ngà… cho đến vật hèn mọn như lá trầu, trái ớt… người ta không cho mà mình tự lấy đều là trộm cướp. Trộm cướp có nhiều hình thức: Ỷ mạnh bè đảng giựt ngang của người là ăn cướp; cậy thế ỷ quyền làm tiền kẻ yếu là ăn cướp; bắt chẹt người ta trong lúc túng thiếu để cho vay nặng lời, cầm bán gía rẻ mạt là ăn cướp; tích trữ đầu cơ để bán giá chợ đen là ăn cướp. Dùng mưu mẹo rình rập, lén lút lấy của người là ăn trộm; cân non, đong thiếu, trốn xâu, lậu thuế, được của người ta mà không tìm cách trả lại là ăn trộm. Có thể nói tóm một câu là; Bất cứ hình thức nào, do lòng tham lam lấy của người bất chính đều là trộm cướp cả. Nếu vì nghèo nàn thiếu thốn, vợ ốm con đau, thiếu gạo thiếu thuốc, nên phải buộc lòng gian xảo, thì tội còn được châm chế; chứ đã giàu có, ăn sung mặc sướng, lên xe xuống ngựa mà còn lường gạt người lấy của, cướp công, để sống một cách vương giả trên mồ hôi nước mắt của kẻ nghèo đói, thì tội ác thật nặng nề!
Vì lý do gì Phật cấm trộm cướp? Phật cấm trộm cướp vì những lý do sau đây: a) Tôn trọng sự công bằng: Chúng ta không muốn ai lấy của mình, tại sao mình lại chăm chăm muốn đoạt của người? Quyền sở hữu cá nhân của ta, ta biết tôn trọng, thì tại sao ta lại chà đạp lên quyền sở hữu của người? Làm như thế là trái lẽ công bằng. Một xã hội mà thiếu công bằng thì không thể tồn tại lâu dài được.
b) Tôn trọng sự bình đẳng. – Mỗi người đều có Phật tánh như nhau, tại sao ta lại muốn làm khổ người khác để ta được sung sướng? Tại sao ta lại muốn hưởng những đặc ân bất chính trong khi ta cũng chỉ là một con người như bao nhiêu con người khác?
c) Nuôi dưỡng lòng từ bi. – Một khi vô ý đánh mất một vật gì hay một số tiền, ta dàu dàu buồn khổ, ăn không ngon, ngủ không yên, tại sao ta lại nỡ tâm lấy của người để cho người phải khóc than, đau khổ vì ta? Người ta thường nói: “Tiền tài là huyết mạch”. Như vậy, kẻ cướp đoạt của người tức là cướp đoạt xương máu người, sát hại sinh mạng người vậy. Chỉ những người không có lòng thương người, tán tận lương tâm mới làm những việc đen tối như vậy. Còn ta, đã là Phật tử, đang cố gắng nuôi dưỡng lòng từ bi, ta không thể trộm cướp của ai được.
d) Tránh nghiệp báo oán thù. – Trong xã hội có tổ chức, tôn trọng lẽ công bằng, thì tội trộm cướp bao giờ cũng bị trừng trị. Ăn trộm là bị đưa ra tòa án tiểu hình, ăn cướp thì ra tòa án đại hình. Khi chưa bị bắt, kẻ trộm cướp phải tìm trăm phương ngàn kế để trốn tránh. sống chui rúc trong bóng tối. Khi bị bắt, người trộm cướp phải bi trói buộc, tra khảo, ngồi tù, nhốt khám. Phận mình đã đành cực thân khổ trí, lại làm cho gia đình mình, cha mẹ, vợ con cũng buồn rầu xấu hổ, và mất hết cả hy vọng ở tương lai.
Nhưng nếu luật pháp thế gian không trừng trị, thì người trộm cướp cũng không thoát khỏi luật nhân quả nghiệp báo. Trộm cướp của người thì sẽ bị người trộm cướp lại, gây bao thù oán khổ đau. Phật dạy: “Người tham luyến sắc tài không chịu rời bỏ, cũng như đứa bé luyến tiếc một chút mật trên lưỡi dao, thè lưỡi liếm, phải bị cái họa đứt lưỡi” (Kinh Tứ Thập Nhị Chương). Chính thế, vì tham tiền của, lắm người đã tự gieo mình vào khám đường, vào địa ngục. Chúng ta hãy lắng nghe bài kệ cảnh tỉnh của vua Trần Thái Tông:
Khoét vách xoi tường chí những đâu, Ngàn mưu trăm kế luống tham cầu; Của người dầu có đời nay được, Ðời khác luôn luôn kiếp ngựa trâu.
Vì những lý do trên nên Ðức Phật cấm các để tử trộm cướp.
Lợi ích của sự không trộm cướp. a) Về phương diện cá nhân. – Người không gian tham thì đời sống hiện tại được an ổn, không bị đòi hỏi, giam cầm, tù tội, đi đâu cũng được người khác tin cậy, giao phó cho mình những địa vị quan trọng. Người không gian tham thì đời sau được hưởng phước báu giàu sang, an vui, và con cháu nhiều đời cũng nhờ thừa hưởng âm chất của ông bà, cha mẹ để lại mà được vinh hiển.
b) Về phương diện đoàn thể. – Nếu một ngày nào trong xã hội không ai có tâm gian tham, trộm cướp thì nhà không cần đóng cửa, của khỏi lo gìn giữ, vật đánh rơi không mất, thật không còn gì sung sướng hơn! Người ta khổ bởi không có của, nhưng kẻ có của nhiều cũng vẫn khổ, vì phải lo gìn giữ. Người không trộm cướp tức là đã âm thầm ban cho người khác sự an ổn rồi. Nhà Nho có câu: “Nhơn phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thủ”, Huống chúng ta là Phật tử lại đi trộm cướp hay sao?