Thở chánh niệm rất dễ. Hãy thử nhé. Ngồi cho thẳng lưng và để hai bàn tay lên bụng của bạn. Thở vào, cảm thấy bụng phình lên, thở ra bụng xẹp xuống. Thở thật tự nhiên. Đừng để ý vào việc gì khác ngoài hơi thở vào ra. Thở vào thở ra như vậy 10 lần. Ta bận rộn và mệt nhọc phần nhiều vì bận tâm. Có cơ hội ngồi yên để thở giúp ta khoẻ và nhẹ. Mỗi buổi sáng, bạn nên dành cho mình năm phút để ngồi yên và thở. Bạn cũng có thể tập thở như vậy trong tư thế nằm.
Tôi có lần về thăm gia đình người em ở Mỹ, thấy bức tranh có hai dấu tay của đứa cháu trai, phía trên có những hàng chữ sau(1):
Đôi khi ba mẹ buồn,
Vì con còn nhỏ quá
Lại luôn để dấu tay
Trên tường và bàn ghế
Nhưng mỗi ngày mỗi qua,
Con sẽ thành người lớn
Những dấu tay ngày cũ
Tìm lại đâu bây giờ
Đây thêm một dấu nữa
Dấu tay con hôm nay
Để cho ba mẹ nhớ
Dấu tay của con thơ.
Thương ba mẹ
Tôi không biết ai là tác giả của bài này, có lẽ là người mẹ viết cho con mình. Tôi nghĩ tới hình ảnh người mẹ – khi dọn dẹp nhà cửa, thấy những dấu tay của con khắp tường và bàn ghế – đã dừng lại nhìn kỹ những dấu tay đó. Năm trước, những dấu tay này còn nhỏ, bây giờ đã lớn hơn nhiều. Năm sau, năm sau nữa, con sẽ lớn, nó không còn làm dơ tường và bàn ghế nữa, có muốn lau cũng không được. Người mẹ trân quý những giây phút trẻ thơ của con rồi thủ thỉ: Con cho thêm vài vết dấu tay trên tường nữa, để ba mẹ biết rằng con đang có mặt cho ba mẹ và ba mẹ cũng đang có mặt cho con.
Sự hồn nhiên của trẻ thơ toát ra năng lượng bình an, làm cho ta cảm thấy nhẹ nhàng và hạnh phúc khi tiếp xúc với trẻ. Người lớn cũng có năng lượng bình an nhưng những tính toán, lo âu và phiền muộn trong cuộc sống làm ta đánh mất sự hồn nhiên nên không tiếp xúc được với sự yên tĩnh đó.
Hằng ngày tôi thực tập hơi thở chánh niệm để làm cho thân tâm thư giãn và tĩnh lặng, qua đó tôi có thể tiếp xúc với niềm hạnh phúc sẵn có trong tôi. Chánh niệm là nhớ, nhận diện việc, vật gì ta đang để ý đến. Chánh niệm hơi thở là để ý và nhận diện được từng hơi thở vào ra. Nhiều người khi nghe nói đến thiền tập là nghĩ đến điều gì cao siêu, khó hiểu và cần thực tập lâu mới có hiệu quả. Theo tôi thì thiền tập không khó và đem lại lợi ngay cho hành giả. Thiền là phương pháp thực tập, dùng hơi thở làm dây neo để đem thân với tâm về một mối. Nhờ thân với tâm ở một mối, ta có thể ý thức được những gì đang xảy ra trong thân tâm và chung quanh ta, qua đó có những hành động thích hợp cho những tình huống của cuộc sống. Thiền ngồi là khi ngồi, ta ý thức đang ngồi và chỉ tập trung vào việc ngồi, không làm gì cả. Thiền đi bộ là khi đi bộ, ta ý thức ta đang đi bộ, chỉ tập trung vào việc đi bộ, không suy nghĩ gì hết. Thiền ăn là khi ăn, ta ý thức là ta đang ăn cơm và thức ăn mà không ăn các dự án. Điểm chính ở đây là hơi thở, ta có ý thức đem tâm trở về với thân nên ta biết đang nghĩ và đang làm gì.
Trung bình mỗi người thở khoảng 15 lần một phút, mỗi lần thở vào khoảng 500ml không khí. Khi thở vào, không khí được hút vào qua mũi (hay miệng), khí quản, hai phế quản để vào hai lá phổi rồi theo những đường dẫn không khí nhỏ đến các túi khí tí hon. Tại các túi khí này, dưỡng khí được chuyển đến các tế bào qua những mạch máu nhỏ và thán khí (hình thành khi các tế bào tiêu thụ chất bổ dưỡng) được các mạch máu nhỏ chuyển về túi khí và được đẩy ra ngoài khi thở ra. Tổng diện tích của các túi khí tí hon này lớn bằng một sân banh quần vợt. Thông thường mỗi lần thở, ta chỉ dùng khoảng 1/20 diện tích này thôi. Nếu đem được nhiều dưỡng khí cho các tế bào trong mỗi lần thở, thì cơ thể sẽ được nuôi dưỡng thêm.
Ta có thể đem thêm dưỡng khí trong mỗi lần thở bằng cách thở bụng thay vì thở ngực. Khi còn là em bé ta thở bụng, không hiểu vì sao khi lớn lên lại thở ngực. Quan sát em bé đang ngủ, khi hít vào thì bụng em phình lên, khi thở ra thì bụng em xẹp xuống. Ở giữa ngực và bụng, có một bắp thịt lớn gọi là cơ hoành (diagphragm). Với thở bụng thì khi hít vào bụng phình lên, cơ hoành co lại làm cho không gian vùng ngực tăng, áp suất ở vùng ngực giảm xuống, nhiều không khí được đem vào phổi hơn. Khi thở ra bụng xẹp xuống, cơ hoành giãn ra làm cho không gian vùng ngực giảm, áp suất vùng ngực tăng, nhiều thán khí được đẩy từ phổi ra hơn.
Khi lo lắng, căng thẳng hay phiền muộn hệ thần kinh giao cảm làm cho tim ta đập mạnh hơn, hơi thở ngắn và dồn dập hơn, các bắp thịt cũng căng lại và tạo ra năng lượng bất an trong ta. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến bệnh áp huyết cao, sưng, đau nhức bắp thịt… Đây là những biểu hiện của tâm bệnh qua thân bệnh. Hơi thở chánh niệm có thể giúp ta chữa những cơn bệnh này. (Xem hộp tr.61)
Tâm mình vọng động như con khỉ, luôn nhảy từ cành này qua cành khác. Thân đang ngồi yên, nhưng tâm có thể là chạy lung tung với vận tốc nhanh hơn vận tốc ánh sáng. Để giúp tập trung vào việc mình đang làm, tôi thực tập theo những câu kệ cho việc đó. Ví dụ như bài kệ về hơi thở dưới đây:
Thở vào tâm tĩnh lặng
Thở ra miệng mỉm cười
An trú trong hiện tại
Giây phút đẹp tuyệt vời
Bạn có thể thở với bài kệ này bất cứ lúc nào. Lúc đang làm việc, đang đợi xe buýt, hay đang nấu ăn… căn bản là mình phải thở khi làm những việc đó. Thở vào, tâm trở nên tĩnh lặng vì ta chỉ tập trung vào hơi thở. Thở bằng mũi chớ đừng thở bằng đầu. Thở ra, mình mỉm cười để thư giãn thân. Thở vào mình tiếp xúc với giây phút hiện tại, nhận ra rằng sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại “Quá khứ đã qua rồi, tương lai thì chưa tới.” Thở ra mình nhận thấy giây phút hiện tại thật đẹp, thật mầu nhiệm.
Đi thiền là phương pháp tĩnh tâm hữu hiệu trong đời sống năng động. Thở vào ta bước hai hoặc ba bước, thở ra bước ba hay bốn bước, tùy theo độ dài của hơi thở. Để ý vào hơi thở và bước chân. Ta cảm thấy vững chãi khi chân ta chạm vào mặt đất. Cả trái đất đang nâng đỡ ta. Đi như vậy, con đường từ nhà ra chợ, từ bãi đậu xe lên văn phòng, những cầu thang trở thành thiền đường cho ta thực tập.
Người mẹ khi chùi những vết dấu tay của con trên tường và bàn ghế – có thể nói là đang thực tập thiền chùi dấu tay – nhờ tâm đang tĩnh lặng mới có thể nhận diện được sự có mặt của đứa con nhỏ qua những dấu tay đó và cảm thấy hạnh phúc. Trong trường hợp đang bực bội mà phải dọn dẹp nhà, những dấu tay đó có thể sẽ làm cho bà mẹ khó chịu và có thể la mắng con. Khi bực bội thì năng lượng có khả năng phá hoại xuất hiện. Đừng phản ứng gì cả. Hãy thở những hơi thở chánh niệm để chuyển hoá năng lượng phá hoại đó thành năng lượng thanh thản của hơi thở.
Con mình không chỉ có mặt cho mình khi còn nhỏ. Các bậc cha mẹ không nên quyến luyến các “Dấu tay của con thơ” quá mà không tiếp xúc được với con cái khi chúng đã lớn. Ở tuổi nào cũng có những cái đáng yêu và phiền muộn của nó. Tuổi thanh thiếu niên là tuổi người trẻ đang tạo cá tính cho riêng mình, nên ta có thể có cảm giác là người trẻ hơi khó hiểu và khó gần gũi. Ở Mỹ, khi được cha mẹ chở đi học, các em thiếu niên thường xuống xe khi cách trường khoảng hai ba trăm mét rồi đi bộ tới trường vì muốn chứng tỏ là mình đã lớn, không còn phụ thuộc vào cha mẹ! Tiếp xúc được với giây phút hiện tại, các bậc cha mẹ cũng tiếp xúc được với sự thật là con mình ngày càng lớn để có những hành động yêu thương thích hợp cho con.
“Dấu tay của con thơ” sẽ thành dấu tay của thanh thiếu niên, rồi thành dấu tay của người lớn. Những thế hệ “Dấu tay của con thơ” khác sẽ được sinh ra. Phẩm chất sống của các thế hệ kế tiếp phụ thuộc vào phẩm chất sống của thế hệ hiện tại. Trong cuộc sống nhanh của xã hội hiện đại, hạnh phúc của gia đình bị giảm sút nhiều. Cha mẹ và con cái ít có thì giờ cho nhau hơn. Giới trẻ bây giờ phải đối phó với nhiều áp lực tinh thần trong cuộc sống hơn là các thế hệ trước. Nội áp lực trong việc học cũng đủ làm các em mệt mỏi. Các em ít được chơi như là thế hệ cha anh. Chúng ta cần để ý thêm về đời sống tinh thần cho người trẻ. Kinh nghiệm cho thấy các bạn trẻ học và áp dụng các phương pháp hơi thở chánh niệm, ăn cơm im lặng, đi thiền… rất hay.
Đứa cháu tôi bây giờ đã 12 tuổi. Cháu hết làm dơ tường và bàn ghế. Mẹ nó có những điều khác để mỗi khi nhìn đến là thấy sự hiện diện của con và cũng có những mối quan tâm khác cho con. Hai mẹ con chỉ cần biết “An trú trong hiện tại, giây phút đẹp tuyệt vời” là mọi việc sẽ tốt đẹp.
Hằng Nguyễn
http://www.daophatngaynay.com