Mặt trời lên cao, ánh nắng chói chang rọi vào tận phòng ngủ, cô bé muốn nằm nướng thêm cũng không được, lũ chim ca hát líu lo trên giàn hoa thiên lý, bé tung mền chạy ra khỏi phòng.
– Dì, dì ơi, dì đâu rồi?
Có tiếng người cất lên từ phía sân.
– Chuyện gì vậy con?
– Hôm nay con có hẹn với hai bạn của con đi tắm biển và leo núi ở phía sau khe.
– Bọn nhỏ chưa tới, ăn sáng rồi đi.
Cô bé đến sát bên người dì đang quét lá cây, ôm choàng và tựa đầu vào sau lưng dì nhõng nhẽo.
– Tụi con hẹn ăn sáng ở ngoài bãi biển.
– Biển có gì mà ăn?
– Bí mật! Cho con xin mấy củ khoai lang sống nha dì.
– Lấy đi! Nhà nhiều trái cây, lấy đem theo ăn.
Cô bé chạy vào trong nhà, nghe tiếng bà dì nói vọng theo.
– Phải xếp mền gối tử tế, thay quần áo đàng hoàng mới được ra đường.
– Dạ, con làm liền.
Mỗi năm cô bé đều được gia đình cho về quê ở cùng người dì trong những ngày hè. Bà Bảy lớn tuổi rồi mà không có chồng, nghe đâu rồi hồi còn trẻ cũng yêu đương dang dở sao đó nên nay vẫn ở vậy, bà to người, nước da bánh mật nên dù có tuổi trông vẫn khỏe mạnh.
Như đã hẹn, trong 3 người ai rảnh thì ra biển trước lo lượm củi, lấy những hòn đá có con hào bám vào để sẵn. Đường ra biển phía sau làng có hai lối, một là đi đến cuối làng kẹo rẻ trái đến biển, hai là lối đi ở phía sau những ngôi nhà băng qua các luống đất trồng đủ loại rau củ, đến chân núi rồi theo khe suối cạn là tới biển. Những cô con gái nhỏ thường chọn đường số một, gần hơn và đi trên đường cái lớn
Sáng nay cũng có một người thanh niên ngủ dậy thật sớm, muốn khám phá nơi mình được nghĩ phép 10 ngày ở đấy. Huy, tên anh, đến đây cùng ba mẹ để thăm người chú. Anh được gia đình cho đi du học ở Pháp, dự định sẽ học một nghề như gia đình mong muốn nhưng khi ngồi máy bay đến Pháp, anh đổi ý vì say mê nghề phi công. Bây giờ anh đã ra trường, đã được hãng hàng không của Pháp nhận và ký hợp đồng, anh về thăm nhà 1 tháng rồi trở lại Pháp, bắt đầu công việc mà anh ưa thích. Vừa qua khỏi khe suối sắp đến biển, bỗng Huy nghe có tiếng hát thật trong trẻo vọng lên.
Tiếng Việt mẹ rủ mềm trên môi.
Cho con nằm ngủ ở trong nôi
Giấc ngủ đầu đời êm đềm đó
Con đã yêu rồi tiếng nước tôi.
Cánh cò lướt gió nhẹ nhàng bay
Tiếng Việt hò vang nhánh sông đầy
Lời ru câu hát còn vang vọng
Theo mãi cánh diều cuối chân mây …v..v.
(Thơ do Quách Vĩnh Thiện phổ nhạc)
Anh nhìn quanh quất tìm phương hướng của tiếng hát. Ồ! Một cô gái! Xa quá anh nhìn không rõ mặt, chỉ thấy tóc chấm ngang vai, áo cột ngang bụng, quần xắn lên cao đang lội xuống nước tay ôm một chồng đá sỏi li ti. Sợ làm mất hứng cô gái, anh tìm gốc cây ngồi xuống. Không biết vì đối diện với biển trời xanh biếc xa khơi, những con sóng xô bờ bọt tung trắng xóa trong buổi sáng yên bình của miền thôn núi lan tỏa trong Huy, hay vì bài hát tiếng Việt thiêng liêng mang đậm truyền thống quê cha đất tổ mà trái tim Huy hoàn toàn bị cuốn hút theo giai điệu mộc mạc chân tình.
Tiếng Việt mẹ ru bằng thi ca
Tình quê duyên thấm quá đậm đà.
Bóng cò rõi cánh bên đồng lúa
Mang cả hồn ta về quê xa.
Tiếng Việt chợt buồn lời mẹ ru
Âm vang rung động cả thiên thu
Nỗi đau còn nợ tình non nước
Đất Việt càng xa khỏi sương mù.
Cô gái vừa lội nước trên biển vừa hát rồi im bặt, anh đưa mắt tìm không thấy người con gái nơi đâu. Đứng dậy anh trố mắt tìm. Ô kìa! Sao cô gái lênh đênh trên mặt nước, cô bị gì sao? Thân hình cô đang nhấp nhô theo làn nước trôi dạt ra vào, anh hốt hoảng nhảy ào xuống biển, chỉ kịp bỏ đôi giày, anh bơi thật nhanh và bế được cô gái lên bờ.
Thảo và Hương cũng vừa đến, hai cô ngạc nhiên nhìn người con trai lạ và cười thầm trong bụng, anh chàng này lầm to rồi! Thu Thu, tên cô bé, là tay vô địch nằm trên mặt nước. Thu Thu có thể nằm trên nước thật lâu như chiếc lá nổi trôi trên mặt nước hằng giờ. Anh để nhẹ cô gái xuống và thân vừa chạm cát là cô liền ngồi bật dậy, Huy giật mình nhảy vội ra xa.
Họ bắt đầu biết nhau và bốn người ăn sáng bằng những con hào nướng chín vắt chút chanh, cho thêm muối tiêu vào thơm phứt. Khoai lang, bắp vùi dưới than hồng được chiếu cố không còn lại gì hết.
Huy khen ngon chẳng tiếc lời. Ba cô gái đều trạc tuổi 16 và 17 được khen nên thích chí tình nguyện làm hướng dẫn viên đưa Huy đi thăm những địa điểm nổi tiếng của vùng này.
Ăn xong họ cùng leo núi tìm trái cây rừng. Nơi đây có cây dủ dẻ mọc rất nhiều ở chân núi, trái nhỏ bằng ngón tay thành từng chùm và chín vào mùa hè, rất ngọt, trẻ con rất thích.
Bỗng nghe tiếng dì của Thu Thu gọi về ăn cơm, có lẻ bà ra biển tìm không thấy nên đi về mé núi. Thu Thu từ trong bụi cây chạy ào ra ôm lưng dì.
Hương và Thảo đẩy anh chàng Huy bước tới, hai cô bé núp lại trong bụi rậm. Huy vừa bước ra nghe tiếng nói thật to của dì bảy.
– Anh kia đứng lại. Anh từ đâu đến ?
– Dạ, từ Saigon.
– Tôi không cần biết Saigon hay Phan Thiết gì cả. Có phải anh ở một mình trên núi với con bé nhà tôi không?
– Dạ phải, dạ …. không.
Nghe giọng nói nghiêm trọng của dì, Thảo và Hương không dám đùa nữa, đồng xuất hiện và la to.
– Có tụi con cùng đi.
Sau lưng dì, Thu Thu ló mặt ra nheo mắt nhìn Huy. Một buổi sáng thôi mà Huy bị cô gái này chọc quê hai lần. Biết lý lịch Huy rồi, dì bảy vui vẻ kêu 4 người về nhà dùng cơm trưa.
Huy và Thu Thu bắt đầu thân nhau. Bây giờ anh mới nhìn rõ mặt cô gái mang nét duyên dáng hiền thục mặn mà, cô rất tự nhiên, đẹp và ngây thơ, hai má lúm đồng tiền mỗi khi cười làm anh ngây ngất.
Anh đã yêu. Anh hơn cô bé đến 10 tuổi, nhưng anh cứ chờ vì mộng tung mây lướt gió của anh chỉ mới bắt đầu. Hôm từ giã trở về Saigon, hai kẻ yêu nhau rất buồn và từ đó họ thư từ thường xuyên qua lại. Đến quốc gia nào, việc đầu tiên là Huy đi mua một tấm thiệp gởi về cho Thu Thu kèm theo những món quà nho nhỏ như dấu ấn những nơi anh đến. Tình cảm họ kéo dài trắng trong thanh khiết theo thời gian bề bộn của Huy. Mỗi năm họ chỉ gặp nhau vài lần cũng đủ theo tháng năm đợi chờ Thu Thu chửng chạc.
Hôm nay là chiều ba mươi tết, chị người làm xin về quê, nhà vắng vẻ quá, từ ngày mẹ mất Thu Thu thấy mình không còn hồn nhiên nữa. Mười năm rồi từ ngày quen Huy, lúc nào Thu Thu cũng muốn mình là bóng mát cho Huy mõi cánh quay về ẩn náu, là ngọn núi để một lúc nào đó Huy cần chỗ dựa lưng. Trong nhà chưng đầy những món quà đều có hình bóng Huy trong đó, trong tâm em cũng đầy ấp bóng hình anh, nhưng sao như thiếu vắng một cái gì mà em không biết.
Thu Thu sửa soạn đi lễ chùa, đó là lệ mà ngày còn mẹ đã làm, giao thừa bao giờ chùa cũng đông, chùa trên đồi cao, trụ trì là một sư bà lớn tuổi, chỗ quen thân với mẹ.
Vào chánh điện lễ Phật xong, người đông và khói nhang nghi ngút. Thu Thu bước ra ngoài, đất thật rộng, cây cảnh được cắt tỉa vô cùng mỹ thuật và rất nhiều tượng Phật chung quanh như
tượng Phật Thích Ca đang ngồi thuyết pháp cho 5 anh em Kiều Trần Như, tượng Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền. Lần dò đi lên cao hơn một chút, Thu Thu thấy một chỗ đang làm nền dang dỡ, có một thùng gỗ rất to mở ra hai phía, Thu Thu tò mò đến nhìn, đó là tượng Quán Thế Âm bằng đá trắng to và đẹp quá. Thu Thu bước đến thật gần đưa tay chạm vào tay Quán Thế Âm, hơi mát từ tượng đá truyền sang cảm giác nào đó thật an bình hạnh phúc. Thu Thu nghĩ Bồ tát Quán Âm tu hạnh từ bi đối với muôn loài chúng sanh và hạnh nhẫn nhục Ba-la-mật. Từ và bi cùng với hỷ và xả là bốn đức tính cao đẹp mà đạo Phật gọi là tứ vô lượng tâm. Từ bi là thương yêu không phân biệt, không điều kiện và không có giới hạn, chứ không phải như tình yêu nam nữ hay là tình bạn hoặc tình thương cha mẹ dành cho con cái.
Tại sao em không tu hạnh như Ngài?
Lòng thương yêu và hạnh nhẫn nhục có sự tương quan mật thiết với nhau, tuy hai mà một, tuy một mà hai, trong thương yêu đã có nhẫn nhục và trong nhẫn nhục đã có chất liệu thương yêu.
Phải thương yêu chính bản thân mình mới thương yêu được người khác. Thương yêu bản thân mình có nghĩa là những gì chưa hoàn thiện thì không buồn khổ chán ghét, đối với những gì đã hoàn thiện thì không tự cao, ái ngã.
Cành dương liễu yếu mềm dẻo dai biểu trưng cho đức nhẫn nhục nhu hòa. Tu tập theo hạnh nhẫn nhục của Ngài, chúng ta phải giữ tâm bình lặng trước thuận cảnh hay nghịch duyên, chứ không chỉ nhẫn trước những những nghịch cảnh, oan trái như mọi người thường hiểu về hạnh nhẫn nhục. Trước những thuận cảnh như được mọi người tôn kính, ca ngợi, cung phụng thì lòng không tự mãn, không để cho tâm kiêu căng, tự đắc phát sinh.
Nhẫn nhục cũng là giữ tâm bình lặng trước mọi điều đến với mình. Nhưng khi nhẫn nhục thì trong lòng không hề có sự oán ghét, thù hận, không có sự dồn nén hay gồng ép mà luôn cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản, tràn ngập lòng bao dung, thương yêu và tha thứ.
Thu Thu bừng sáng ra, lâu nay em chỉ lo thương yêu một người, em từ bi nhẫn nhục chỉ cho một người, sao em không tu hạnh của ngài Quán Thế Âm.
Phút nào tỉnh thức em ngồi lại
Nhìn ra thế giới, nghĩ về mình.
Thấy chăng một thứ chi thường tại
Chập chờn mộng, thực kiếp nhân sinh.
(Thơ Như Nhiên)
Thu Thu nhớ có đọc ở đâu đó nói về tình yêu. Tình yêu muôn thuở vẫn chỉ là tình yêu nhưng vượt lên trên đó, nó có một sứ mệnh thật cao cả khi người ta nhìn ra cái đẹp của nó và sống với cái đẹp của tình yêu.
Quán Thế Âm, Ngài yêu cả chúng sanh, thật là hạnh nguyện tuyệt vời, tại sao em không nghĩ ra. Bây giờ em còn khỏe, còn trẻ sức sống tràn đầy lại có chút học thức, tại sao không phụ sư bà một tay để lo việc giúp đỡ mọi người. Nhìn sư bà, già rồi mà vẫn mỗi tuần giảng pháp.
Tu đâu phải là chán đời mới đi tu, tu không phải là hết yêu, lúc trước em chỉ yêu mình anh thôi, nay em yêu tất cả mọi người. Trước em muốn là bóng mát cho anh, nay em là bóng mát cho tất cả mọi người, trước em muốn làm ngọn núi cho anh dựa lưng vào khi mệt mõi, nay em sẽ là bóng mát cho chúng sanh trú xứ. Nếu chúng ta sống cùng nhau có thể một ngày vì lý do nào đó mình xa nhau, còn bây giờ không bao giờ mình mất nhau trong tương giao hoàn hảo.
Cứ ngỡ nhà tu không biết yêu
Sống không tình cảm sống cô liêu
Tháng ngày chỉ biết câu kinh kệ
Chôn đời trong kiếp sống cô liêu
Vỡ lẽ nhà sư cũng biết yêu
Mà không yêu một, lại yêu nhiều.
(Thơ Như Nhiên)
Thu Thu đã xin thôi việc, lên ở chùa sư bà để trải qua thời gian thử thách. Bây giờ nàng không còn người thân, ba mẹ và dì bảy đã mất, Thu Thu muốn ngày mình xuất gia có Huy và hai cô bạn ngày thơ bé vào dự lễ, họ đã có chồng con đùm đề nhưng tình bạn vẫn như xưa.
Huy về đến và được chị giúp việc đưa thư của Thu Thu viết cho anh. Huy ra biển ngồi sau khi đọc thư xong. Anh nghĩ Thu Thu nói đúng. Phải mừng là em đã tìm được em, em đã nhìn ra em và em biết em muốn gì, phải làm gì.
Những khi bay lên cao đến độ an toàn, Huy cài số và chấm tọa độ xong, anh để tầm mắt ra ngoài nhìn những đám mây phản chiếu mặt trời thành một màu hồng nhạt, anh nghĩ đến em, đến tuổi hồng của em phải chờ đợi, anh thấy thương em thật nhiều. Nhưng cái tôi của anh quá lớn, mộng tung mây lướt gió vẫn còn đam mê cuốn hút anh, rồi anh tự nhủ lòng mình, hai đứa còn quá trẻ và nhiều thời gian. Nhưng những đám mây đã lướt qua và không bao giờ quay lại.
Anh không thể ích kỷ, anh cũng vì làm theo mộng của mình bất chấp sự phản đối của mẹ cha, nhưng cái anh thích và mơ ước là hình thức bên ngoài, còn Thu Thu đã tìm lại chính mình, đã phá vỡ cái vỏ bọc ngoài của mình rồi, tại sao anh lại buồn.
Mở hộp ra nhìn chiếc nhẫn chiếu lóng lánh như tia mắt tinh nghịch của em ngày nào, anh đã đi không biết bao nhiêu cửa tiệm mới vừa ý và chọn chiếc nhẫn này, anh cũng đã thấm mệt thời gian 10 năm bồng bềnh trên mây trời, anh muốn có một mái nhà, một gia đình nhỏ, thì Thu Thu muốn có một đại gia đình lớn, thân bằng quyến thuộc là chúng sanh. Thu Thu nói tình yêu sẽ không mất mà trái lại càng phát triển thênh thang, lúc nào cần anh cứ về lại và Thu Thu sẽ là nơi anh nương tựa tinh thần. Nhìn biển, anh nghĩ đến tấm lòng của mẹ bao dung rộng lớn, nay Thu Thu cũng là biển là nước là trời, những tình thương Thu Thu trao cho mọi người cũng như vậy, cũng bao la như biển như trời, đường bay anh ẩn vào mây trắng, cũng ẩn trong trái tim em vời vợi bao la.
Anh vẫn yêu em và yêu em nhiều hơn Thu Thu ơi, em nói đúng, mình không mất nhau, anh sẽ dự lễ xuất gia của em và sẽ trao chiếc nhẫn này cho em để có thể dùng nó trong việc hoằng pháp độ sanh hay giúp những người mà em cho là đáng giúp.
Anh không hiểu nhiều về Đạo Phật nhưng nay thấy em chọn con đường tu, anh nghĩ em yêu anh như vậy thì đạo Phật phải có cái gì đó tuyệt đối tốt đẹp hơn nhiều nên em mới chọn, anh sẽ tìm hiểu về Đạo Phật thật tường tận rõ ràng.
Diệu Ngọc