BÙM! BÙM! BÙM!
Tiếng trống làng vang lên báo hiệu buổi lễ trao bằng khen cho làng tôi (làng văn hoá) sắp bắt đầu.
Sau hai năm chính phủ Ngô Đình Diệm ra lệnh xóa nạn mù chữ và mở lớp bình dân học vụ, bây giờ làng tôi không còn một người nào mù chữ kể cả người già, họ còn làm được những bài toán thông thường.
Hôm nay trên quận đại diện chính phủ phát thưởng cho học sinh giỏi và đãi ăn cả làng, người dân cũng góp phần mang đến những món lạ ngon. Gần bên trụ sở được che 2 cái rạp, 1 cái để quan khách và dân làng ngồi, còn cái nhỏ làm nơi nấu nướng. Chị bếp xin phép me:
– Thưa bà, tôi đến trụ sở để tiếp tay chuẩn bị cho buổi đãi ăn.
– Ừ, chị đi trước đi, nhớ đem theo áo dài vì chị lên lãnh thưởng đó.
– Dạ
Mọi người ăn mặc chỉnh tề, phái nữ đằm thắm dịu dàng trong chiếc áo dài đoan trang tha thướt, trẻ con cũng vui mừng tíu tít khoác những bộ đồ lịch sự mới toanh, khung cảnh trang nghiêm nhưng thật vui vẻ và thân mật. Dân làng bắt đầu có cái nhìn sâu sắc, họ đầu tư vào sự học cho con.
Ngày trước con gái chỉ học đến lớp nhất (lớp 5) là nghỉ ở nhà giúp cha mẹ, buôn bán hay lấy chồng. Con trai thì đến trung học (lớp 9) hay tú tài, chỉ có vài gia đình cho con học đến nơi đến chốn. Hiện giờ giới trẻ trong làng đều hoàn tất đại học và ai học không nổi mới tính sau.
Hồi đó Nha Trang chưa có đại học trừ Dalat, Huế, Sài Gòn. Dân làng tôi chọn lên Sài Gòn, các anh chị thuê nhà ở chung, nếu đông quá thì thuê 2 nhà ở gần, trai riêng, gái riêng nhưng tụ họp ăn uống chung. Họ nương tựa, che chở, bảo bọc, giúp đỡ nhau như những cây non quây quần chung sức hưởng những cơn mưa, giọt nắng, để mau lớn thành một rừng cây che bóng mát cho đời.
Những năm sống gần nhau một số anh chị đã thành vợ chồng. Nhưng cũng có nhiều người yêu nhau mà không giám nói dù chỉ một lời, đối diện gần bên mà vẫn âm thầm thương nhớ, để lúc chia xa vẫn là bao ngập ngừng cháy đỏ con tim, bởi các anh thi rớt phải đi nghĩa vụ. Phái nữ đến tuổi 25 mà không ai mở lời thì coi như ế, nên có người cầu hôn là các chị đồng ý liền. Chỉ một người duy nhất là chị Hồng Sen mãi độc thân dai dẳng kín đáo một tình yêu, chị học về y, cứ tiếp tục và thi lại cho đến khi chị tốt nghiệp ngành Y.
Lệ làng mỗi năm vào ngày cúng Đình, Miếu, ai có con cháu ở xa thì gia đình nhắc nhở, thuận tiện trở về hoặc bận rộn thì gởi chút tiền về phụ cúng hay gởi vài lời thăm hỏi. Năm nay đông đủ, chỉ vắng mặt những anh trong quân ngũ đồn trú ở xa.
Con gái làng tôi, nơi thị thành đi học cũng ngọc ngà lung linh kiều diễm, nhưng về đến làng là áo bà ba quần đen xăn cao lên phụ mẹ cho heo ăn hay giúp việc nhà, con trai thì làm ruộng rẫy. Hôm nay các anh chị phụ trách bếp núc để nấu những món dâng cúng, cho các bậc lớn tuổi được nghĩ ngơi.
Anh Chiến là nhân vật đầu tiên trong số những người lính đi học ở xa, ai cũng biết chị Hồng Sen thương anh Chiến. Lúc trước hai người học cùng ngành nhưng anh thi rớt, mặc cảm mình không bằng ai nên anh ấp ủ tình cảm riêng mình. Hôm nay anh về làng dự lễ cúng Đình, trên tay bế một đứa bé trai 6 tháng tuổi, kết quả của những lần ở thành phố dưỡng quân, nên hôm nay anh đem con về gởi mẹ và em gái nuôi giùm.
Các chị đon đả:
– Chào anh Chiến, anh mới về hả ?
– Anh giúp gì cho các em đây?
– Anh qua bên nhóm con trai giúp đi.
– Chào Hồng Sen, em khỏe không ? À quên, bác sĩ là phải khỏe chứ, anh xin lỗi.
– Anh lúc nào cũng vậy, gió nào đưa anh về đúng ngày cúng Đình vậy?
– Thì nhờ thư của bà già nhắc, anh có ghé qua nhà ở Sài Gòn thấy cửa đóng, biết Hồng Sen đã về làng rồi. Chừng nào khao anh đây ?
– Khao gì ?
– Tiệc mừng của em đó.
– Vậy thì ra trường thi năm nay. Anh có đến dự lễ không? Các bạn đều nhắc anh.
– Anh không giám hứa, đời lính mà, nay đây mai đó.
Năm sau có một người đàn bà tìm về làng nói là vợ Chiến, cô ấy bế theo đứa con gái 1 tháng, cả nhà đều vui mừng nhìn nhận cô dâu, nhưng cô ấy ở được 2 tuần rồi trốn đi, bỏ lại đứa con gái baby.
Hồng Sen làm ở một ty y tế tỉnh, chị mở thêm phòng mạch khám ngoài giờ, những khi có dịp trở về chị săn sóc sức khỏe cho bà con trong làng. Dân làng cùng các bạn ngày xưa thân mật gọi chị là gái già, chị không giận mà còn cười vui vẻ làm chị nhớ đến mối tình câm, đến kỹ niệm ngày còn cấp sách đến trường, bạn bè chung nhà luôn giúp đỡ chị, cùng nhau thức khuya dậy sớm học hành. Chiến hay giảng những bài chị không hiểu, giờ đây anh đã trở thành người lính mũ nâu oai hùng cấp bậc với huân chương đầy ngực, vợ thì chưa có mà đã có hai con.
Ngày 30 tháng 4 năm 75 tất cả các công việc đều dừng lại, những đứa con của làng đều quay về, những người con gái có chồng xa cũng đưa chồng về, họ ôm nhau vui mừng nhắc lại chuyện xưa, ai thành công hay học vấn dở dang cũng đều là những công chức hay quân nhân trong chế độ cũ.
Ngày được gửi quà đầu tiên cho những người cải tạo, Hồng Sen, cô gái già thuê xe chở về đầy các thứ cá, mực, tôm khô, lạp xưởng, mắm ruốc, thịt, thuốc lá, thuốc tây đủ loại, mè, các loại đậu v.v… Các cô cùng tụ lại ở nhà cô gái già vì nhà Hồng Sen có hai người đi cải tạo.
Các anh đã đi tù và ngày gặp lại không biết bao giờ nên các chị mới bày tỏ thật lòng mình rằng ngày đó thương anh… nhưng không thấy anh biểu lộ gì nên phải …… đi lấy chồng. Lúc ấy cùng nhau kiểm điểm lại tại sao làng mình có nhiều anh chưa vợ và biết ra thì các anh cũng thương các chị mà không giám nói, khi các chị lấy chồng xa thì tiếc nuối.
Các anh nào chỉ được nhận quà và không cho thăm nuôi thì chẳng kể, nhưng các anh đã lập gia đình nếu ở cùng trại tù với các anh độc thân, khi các chị thăm nuôi chồng luôn mang theo quà trao giùm cho các anh độc thân, để mẹ già không vất vả đường xa vì sức yếu, vì tình làng nghĩa xóm như anh em thân tộc.
Chị Hồng Sen là người không bị ảnh hưởng về kinh tế dưới chế độ mới nhiều, chị đi học tập 3 ngày và bị nghĩ làm ở ty y tế nhưng phòng mạch chị lại đông khách hơn, phần nhiều những gói quà để gởi đi cho các anh là tiền của chị, gia đình chỉ phụ những gì ở quê có.
Anh trai chị Hồng Sen ở cùng trại với anh Chiến nên chị và chị dâu cùng đi. Hoa nở muộn bao giờ cũng quí và đẹp, 9 năm mối tình xưa được nối lại từ người trong tù và người thăm nuôi. Bây giờ họ muốn cầm tay nhau thì lại không được phép, chỉ có ánh mắt nhìn nhau thay trăm nghìn lời từ đáy lòng muốn nói.
Từ lâu đôi bàn tay ấy
Tôi quên cầm lấy một lần
Ôi bàn tay….thương biết mấy
Dịu dàng, độ lượng, từ tâm.
(Thơ Như Nhiên)
Ngày làm giấy tờ qua Mỹ, anh Chiến năn nỉ Hồng Sen đi cùng, nhưng chị từ chối vì anh và em trai chị phải đi để tương lai cho các cháu, ba má chị già rồi không muốn bỏ mồ mã ông bà, không muốn rời làng xóm nên chị phải ở lại để lo cho cha mẹ.
Cả làng tiễn đưa, từ giả nhau dù nói gì rồi cũng chia tay, ai cũng bồi hồi xúc động. Trước khi lên xe 2 đứa con anh Chiến ôm chị Hồng Sen không muốn rời.
– Cô Hồng Sen ơi, con muốn kêu cô bằng mẹ được không ? Mẹ…. mẹ…..
Nước mắt mọi người đều chảy, chị ôm hai con của người tình mà thấy lòng mình trẻ lại và vui sướng như ngày còn đi học được nhiều lời khen từ thầy cô giáo.
Điều ta cho là hạnh phúc
Nào phải cứ là bên nhau
Dẫu hai phường trời cách biệt
Vẫn vui ý hợp tâm đầu.
(thơ Như Nhiên)
Diệu Ngọc