Chúng tôi đến hội trường vào đúng 6.30 chiều thứ bảy 11 tháng 11, có lẽ người Việt chúng ta đã quen với ‘giờ giây thun’, một thói quen gần như trở thành một tập quán xấu, đến nhiều hội đoàn, ban tổ chức thường trừ hao, trung bình 30 phút, chẳng biết bao giờ chúng ta mới thực hiện đúng giờ. Thôi cứ tạm nghĩ thời gian phải chạy theo chúng ta….
Mỹ Hiền, Mỹ Phước hai MC của chương trình đã khởi đầu bằng những lời chào hỏi duyên dáng đánh dấu cho một đêm ca nhạc trữ tình của các danh ca địa phương và nữ ca sĩ lừng danh gốc ‘Đà lạt mộng mơ’ Thanh Tuyền.
Thượng Toạ trụ trì Thích Phước Tấn khai mạc buổi lễ với lời chào đón chư tôn Thượng toạ, Đại Đức, Tăng Ni cùng sự hiện diện của quý vị quan khách, đặc biệt với sự hiện diện của ông bà Trần văn Quản, Người đã giúp cho chúng ta có được mãnh đất để xây dựng trung tâm giáo hội khi còn là đương kim chức Hội trưởng Trung Tâm dưỡng lão Mê kông. Thựơng toạ sau đó cùng Thựơng toạ Thích Thiện Tâm – Giáo Hội trưởng GHPGVN tại UĐL và TTL liên tục giải thích tầm quan trọng cũng như hoài bão của Cố Hòa Thựơng trong việc xây dựng trung tâm giáo hội và khu tịnh dưỡng cho tăng già. Tiếp đến Bác sĩ Phạm Phúc Nhân tuyên bố bắt đầu đợt Văn nghệ gây quỹ xây dựng với một con số hấp dẫn mà chúng ta đã có đựơc trước đợt vận động này là 1 triệu một trăm ngàn đô la, số tiền này bao gồm tiền cho mựơn lẫn cúng dường, và tiền đặt chỗ linh cốt. Thật là một con số khích lệ và đáng tán thán công sức của ban vận động cũng như lòng hảo tâm của quý vị Phật tử đã và đang đóng góp tài sức cho công trình.
Chương trình ca nhạc đựơc khởi đầu với tiếng hát của các ca sĩ địa phương: ca sĩ Nghiêm Lê, 2 ca sĩ quán quân và á quân của dòng nhạc bolero 2017: ca sĩ Tâm Nguyễn, ca sĩ Nguyễn Tùng.
Kiến trúc sư Châu Lê và anh Kỹ sư Hưng Trương – Giám đốc công trình xây dựng cũng cho khán thính giả Hội trường biết sau những khó khăn, công trình cũng đã tiến hành tốt đẹp, và nếu tài chánh không trở ngại, công trình có thể hoàn tất vào cuối năm 2018.
Và giờ phút mong đợi đã đến, một bài hát đã như đựơc thuộc nằm lòng của tuổi học trò trước 1975, với giọng ca cao vút: ‘Mỗi năm đến hè – lòng man mác buồn, chín mươi ngày qua chứa chan tình thương…’ của nữ danh ca Thanh Tuyền, một giọng ca không bị lu mờ theo thời gian, mà gần như ngày càng chất chứa thêm sự điêu luyện, sự ngọt ngào, thực tâm của Chị như đã thấm nhuần được cái cốt lỏi của đạo Phật. Tuy xuất xứ Đà lạt, nhưng những bài ca Cà mau, Thương về miền Trung của Chị Thanh Tuyền cũng mang đầy bản sắc, âm điệu của dân bản xứ, Phật tử quê quán Cà mau và Huế cũng đua nhau hoan hỉ đóng góp khi tiếng hát của Chị như động đến trái tim của người nghe, “Hò ơi! Phiên Đông ba buồn qua cửa chợ, ‘chớ’ bến Vân lâu thuyền vó đơm sâu. Hỡi hò, hỡi hò…” hỏi sao không động lòng phật tử tha hương, hỏi sao Chị không nhận đựơc sự mến mộ của Hội trường.
Chương trình đấu giá đựơc chen vào sau đó, dưới sự điều động của anh Hồng Ký, anh Tuệ, cùng MC Mỹ Phước, với tranh hoa sen, mặt ngọc, chuổi thạch 108 viên, v.v…thật hào hứng, rất cám ơn quý nhà hảo tâm đóng góp.
Rồi Chị Thanh Tuyền trở lại sân khấu với những ca khúc: Đường xưa lối cũ, Chiều mưa biên giới…cùng với những lời tâm sự của Chị như tâm đồng với phật tử trong hội trường, tiếng hát của Chị đã đi vào lòng của người nghe, tâm sự của Chị như đã được thấu hiểu, lời hẹn hò gặp lại sau khi công trình hoàn thành cũng như lời tạm biệt không hẹn ngày về, tất cả chỉ tuỳ vào một chử ‘duyên’, chúng tôi cũng cầu mong Chị luôn an lạc và sức khoẻ dồi dào, để năm tới đây Chị có thể về cùng Phật tử Melbourne để chiêm ngưỡng ngôi Bảo tự, để cùng tụng niệm, và để thêm một lần tiếng hát của Chị được âm vang, được thánh thót trong mái Chùa, để chuyên chở những hoài niệm, ưu tư khắc khoải của người Việt tha hương về lại những nẻo đường trên quê hương yêu dấu của chúng ta, ‘đường xưa lối cũ, có bóng tre, bóng tre che thôn nghèo, đường xứ lối cũ, có ánh trăng, ánh trăng soi đường đi…’, tiếng hát của Chị vẫn âm vang…dẫu đêm văn nghệ đã tan dần trong đêm tối.
Xê Hát 11-11-2017