Đưa Vào Mật Tông – Chương 10-12

10 – DẪN NHẬP TỐI THƯỢNG DU GIÀ

THÂN KIM CUƠNG VÀ TÂM THƯỜNG TRỤ

Theo pháp du già cao nhất của mật tông, thì thân tâm chúng ta không chỉ hiện hữu trên bình diện thô như ta thường quen thuộc, mà còn trên những tầng mức vi tế mà phần đông chúng ta hoàn toàn không biết đến. Cái thân vật lý thông thường của chúng ta, làm bằng những yếu tố vật chất, thì phải chịu những đau khổ không thể tránh về bệnh, già và chết: nội một chuyện có cái thân này đã trói buộc ta vào những nỗi khổ không ngừng tái diễn của kiếp tồn sinh. Nhưng ở trong biên giới hay bầu khí của cái thân này, có một thân khác vô cùng vi tế hơn, gọi là thân kim cương, “kim cương” bao hàm ý nghĩa bất khả hoại. Cũng như hệ thần kinh lan khắp cái thân vật lý thô sơ khả hoại, thân kim cương vi tế cũng đầy những kinh mạch hay huyệt đạo (nadi) qua đó những luồng khí lực (prana) và giọt tinh chất (bindu) tuôn chảy. Đây là suối nguồn phúc lạc vô cùng quan trọng trong pháp hành trì cao cấp của mật tông.

Cũng như chân tâm thanh tịnh và đầy phúc lạc, thân tâm lý vi tế bây giờ cũng đang hiện diện trong ta, và công việc của hành giả mật tông là khám phá để xử dụng nó. Một khi nhờ thiền quán ta bắt liên lạc được với cái thân tâm lý bằng ánh sáng này, thì thân vật lý thô trọng của ta không còn là một vấn đề đối với ta nữa, vì ta đã siêu việt nó. Những giới hạn vật lý chỉ là một triệu chứng khác của sự chấp thủ bản ngã. Khi đã hòa nhập với bản tính thanh tịnh của mình, thì mọi sự hạn chế ấy sẽ được vượt qua. Đến lúc ấy, sự chứng đắc cái thân sáng chói của vị thần không còn là một mục tiêu phải được quán tưởng, mà trở thành một thực tại.

Ở đây không phải chỗ để bàn về kim cương thân với những huyệt đạo, tinh chất và khí của nó, song ít nhất nên nói qua về huỵệt đạo trung ương vì nó quan trọng đặc biệt. Luồng huyệt đạo này chạy một đường thẳng tắp từ đỉnh đầu xuống đến một vùng ở trước đáy cột sống của ta, dọc theo đó có bảy huyệt gọi là luân xa hay bánh xe năng lượng. Mỗi luân xa có một nhiệm vụ khác nhau trong pháp hành trì mật tông. Tùy loại mật điển ta đang tu, tùy giai đoạn tu tập, hoặc tùy đối tượng quán, mà ta xoay sự tập trung chú ý vào một luân xa đặc biệt. Vấn đề không phải là đoán mò nên chọn luân xa nào, những điều này được nói chi tiết trong các bản kinh luận mật tông, sẽ được vị thầy giải thích cho hành giả nào đủ tiêu chuẩn xứng đáng.

Nhưng luân xa quan trọng nhất là luân xa nằm ở tim, vì đấy là chỗ trú của cái tâm rất vi tế của ta, kho tàng vô giá đối với tất cả hành giả mật tông. Từ khi nhập thai ta đã mang theo cái tâm rất vi tế này, nói đúng ra, từ vô thủy đời kiếp, dòng tương tục tâm cùng với luồng khí lực nâng đỡ nó vẫn theo ta không rời. Vì căn bản thức ở trung ương trái tim ta suốt đời này, nên cái tâm rất vi tế ấy đôi khi còn được gọi là tâm thường trú. Mặc dù tâm này đã tuôn chảy liên tục từ đời này sang đời khác, song nó hiếm khi có cơ hội để vận hành. Sở dĩ nó không khởi động được, không thi hành nhiệm vụ quý báu nhất của nó được- nghĩa là thâm nhập bản chất phổ quát (hay tính bất nhị- DG) của thực tại- là vì quá nhiều tâm trạng thô động của ta không ngừng sinh khởi. Những tâm thô này giống như những khách du lịch, những kẻ tham quan liên tục đến và đi, hoàn toàn tràn ngập, khỏa lấp cái tâm thường trú tĩnh lặng.

Hoạt động của tất cả loại tâm thô cũng như tế, tùy thuộc vào những luồng khí lực nâng đỡ chúng, và tùy thuộc những luồng khí này đang du hành ở đâu. Khi chúng chảy qua bất cứ kinh mạch nào trong hàng ngàn kinh mạch, ngoại trừ huyệt đạo trung ương, thì những luồng khí ấy khởi động những tâm thô như du khách, luôn luôn làm phát sinh mê tín và rối ren, những kinh nghiệm trong đời sống phàm tình. Nhưng khi những khí lực này đi vào, an trú và tan vào trong huyệt đạo trung ương – như điều xảy ra vào lúc chết chẳng hạn – thì những tâm thô động kia lắng xuống, và cái tâm rất vi tế của ánh sáng thuần tịnh sẽ khởi lên.

Khi những khí lực tan vào huyệt đạo trung ương, thì cái bối cảnh trong đó những tâm thô của ta thường vận hành tự động biến mất, sở du lịch đóng cửa và những ý tưởng mê tín của ta không còn có thể tiếp tục qua lại. Trong cái yên tĩnh theo sau đó, bản tâm nguyên ủy của ta – tâm thường trú – bừng dậy.

Toàn thể tiến trình này tự động xảy ra trong lúc chết, nhưng rất ít người được huấn luyện để tận dụng cái tâm vi tế rất trong sáng này khởi lên vào thời điểm khẩn trương ấy. Sự thực là, ngay cả chuyện nhận ra được nó cũng khó có người. Nhưng những nam nữ hành giả mật tông thì tu luyện không những để nhận ra được tâm thức vi tế đầy phúc lạc này vào lúc chết, mà còn dùng thiền quán để có thể đánh thức cái tâm trong sáng ấy ngay trong khi sống, và nhờ vậy hoàn toàn làm chủ được nó. Nhờ đào luyện một định lực sâu xa, tập trung vào thân kim cương nói chung và huyệt đạo trung ương nói riêng, họ có thể cắt đứt những tầng lớp thô của sự vận hành tâm thức và tiếp xúc thẳng với bản tâm thanh tịnh. Họ có thể xử dụng cái tâm tập trung mãnh liệt này để thiền quán về tính không (hay vô tự tính) của mọi sự, thâm nhập bản chất tối hậu của thực tại và nhờ thế tự giải thoát mình ra khỏi mọi mê lầm vọng tưởng. Ngay lúc hoàn toàn thể nhập vào khoảng không trong sáng của bất nhị, họ cảm nghiệm được một sự bùng vỡ của năng lượng phúc lạc tràn trề khôn tả. Sự hợp nhất giữa kinh nghiệm đại lạc và chân không (mật tông gọi là mahamudra, đại ấn, hay biểu tượng vĩ đại) là con đường nhanh nhất đưa đến toàn giác.

CHUYỂN LỐI NHÌN CỦA CHÚNG TA VỀ CÁI CHẾT

Sự tan hòa luồng khí lực của kim cương thân vào huyệt đạo trung ương là việc thiết cốt đối với hành giả mật tông thượng thừa. Vì quá trình tan hòa này xảy ra một cách tự nhiên vào lúc chết, nên ta cần phải làm quen càng nhiều càng tốt với tiến trình chết ngay bây giờ.

Thế mà phần đông chúng ta lại vô cùng miễn cưỡng khi quán xét cái chết, ta lại còn không muốn nghĩ đến nó. Ta kinh hoảng, và cho là toàn thể đề tài ấy thực khó ưa kinh khủng. Nhưng điều cốt tủy đối với ta là phải biết tâm mình vận hành thế nào không những trong ngày mà cả trong lúc ta ngủ và vào lúc chết. Muốn thế ta cần phải tự giáo dục mình về những vấn đề mà bấy nay ta vẫn thường né tránh. Nếu xét kỹ những vấn đề này, ta sẽ thấy cái chết không phải là một hố sâu đen ngòm kinh khủng đang chờ để cuốn hút chúng ta vào trong đó mà ngốn ngấu. Trái lại đấy là một nguồn an ủi tiềm tàng, và ngay cả hỉ lạc lớn lao.

Ta thường nghĩ chết là tiêu cực, nhưng đấy chỉ là tưởng tượng. Kỳ thực chết có thể vô vàn tốt hơn những kinh nghiệm ta thường cho là lạc thú, vì những kinh nghiệm thường tình này không thể đem lại cho ta phúc lạc bình an tuyệt đối. Chẳng hạn một đóa hoa đẹp có thể cho ta một cái gì thực đấy, nhưng không phải là niềm bình an phúc lạc kỳ diệu mà sự chết có thể đem lại. Một người bạn trai hay bạn gái có thể đem lại cho ta một ít lạc thú, nhưng không thể giải quyết giùm ta bất cứ một vấn đề căn bản nào, bất quá họ chỉ tạm thời giải quyết được một vài vấn đề nông cạn thuộc cảm xúc của ta. Nhưng vào lúc chết, tất cả những vấn đề cảm xúc và tất cả lo âu của ta đều chấm dứt. Và tất cả những khái niệm đối nghịch đây kia tự động tan biến vào hư không, mở đường cho ta kinh nghiệm được tuệ giác sâu xa kỳ diệu. Bởi thế, điều ta cần nhận chân là, cái chết không phải một sự hủy diệt đột ngột kinh hoàng, mà là một tiến trình tuần tự trong đó tâm ta càng lúc càng trở nên vi tế nhỏ nhiệm. Nếu muốn thực hành mật tông thượng thừa, hay ít nhất, muốn chuẩn bị cho điều mà tất cả chúng ta cuối cùng đều phải chạm mặt, thì ngay bây giờ ta nên làm quen càng nhiều càng tốt với tiến trình tuần tự ấy. Nếu chờ tới lúc chết mới làm quen thì sẽ quá muộn.

CHẾT, TRUNG ẤM VÀ TÁI SINH

Giáo lý trong kinh điển và mật điển chẩn đoán những vấn đề của vòng sinh tử luân hồi theo nhiều cách, và cũng đưa ra những lối giải quyết khác nhau. Theo kinh điển, gốc rễ của khổ luân hồi là sự chấp thủ bản ngã, cái tà kiến bám giữ niềm tin có một “cái tôi” tự hữu biệt lập còn gọi là ngã kiến. Liều thuốc chữa trị quan niệm ngu si này là đào luyện một cái nhìn hoàn toàn ngược lại. Thay vì dại dột biểu đồng tình với niềm tin bản năng của ta vào sự tự tồn của bản ngã, kinh giáo dạy ta nên phát sinh một tri kiến về chân không, sự phủ nhận hoàn toàn tất cả những quan niệm về thực hữu độc lập của các pháp. Như vậy kinh giáo nhấn mạnh nhiều đến việc tẩy trừ tà kiến (thấy sai) và thay vào đó bằng chính kiến (thấy đúng).

Con đường chớp nhoáng của mật tông không phủ nhận những gì kinh nói, nhưng lại đưa ra một phương pháp quyết liệt hơn để giải quyết những vấn đề của cuộc đời. Theo giáo lý cao cấp này, mọi khó khăn đều do không kiểm soát được những kinh nghiệm trong lúc chết và những gì xảy ra sau khi chết. Vì không kiểm soát được tiến trình chết, ta bắt buộc phải đi vào một trạng thái trung gian (bardo hay trung ấm thân) cũng không được kiểm soát, và từ đấy ta lại kinh quá một sự tái sinh không được kiểm soát, để lại đưa đến một sự sống chết không được kiểm soát khác nữa. Cứ thế bánh xe tiếp tục lăn, lôi chúng ta từ một hiện hữu bất toại ý này đến một hiện hữu bất toại ý khác.

Cần nhấn mạnh lần nữa rằng cái chết tuyệt nhiên không phải là một vấn đề, mà là một cơ hội quý báu. Đối với người đã chuẩn bị tốt, thì tiến trình chết đem lại cơ hội ngàn năm một thuở để kinh nghiệm cái điều từ lâu họ luôn tìm kiếm, đó là tâm trong sáng đầy phúc lạc. Mặc dù tâm ấy tự động khởi lên khi chết, phần đông chúng ta không thể lợi dụng nó được chút nào. Cái chết của chúng ta, cũng như sự sống của chúng ta, trôi qua không được sự kiểm soát của cái tâm sáng suốt có ý thức, cho nên cái đáng lẽ là cửa ngõ giải thoát thì lại trở thành lối vào một đời sống mê muội khác.

Cách chữa trị vô minh tái diễn ngoài tầm kiểm soát như thế là một loại thiền quán trong đó ta chuyển hóa những kinh nghiệm thông thường về chết, trung ấm và tái sinh thành ra kinh nghiệm giác ngộ của một vị Phật. Phương pháp của Mật tông bởi thế không tương phản với vấn đề – như trí tuệ Tính không tương phản với vô minh chấp ngã – mà tương tự với vấn đề. Vì thuốc giống bệnh, nên những năng lực thường đưa đến rối ren đau khổ có thể được xử dụng để đem lại ánh sáng và thành tựu bản thân. Đây là một trong những lý do khiến mật tông là một pháp tu thần tốc, nhưng nếu hành sai thì lại là một con đường nguy hiểm.

BA KHÍA CẠNH CỦA PHẬT QUẢ

Để hiểu cách mật tông xử lý các vấn đề chết, trung ấm và tái sinh như thế nào, ta cần biết qua ý nghĩa ba thân Phật. Khi tất cả những tấm màn vô minh che lấp tâm ta đã được cởi bỏ, khi tất cả tiềm năng tốt đẹp trong ta đã được phát triển đến cùng, thì có sự thành tựu đồng thời ba thân Phật là pháp thân, báo thân và ứng hóa thân. Pháp thân là tâm vô hạn, vô chướng ngại của một đấng giác ngộ, còn hai thân kia là hai tầng mức biểu hiện của pháp thân ấy để lợi lạc cho người khác. Pháp thân được xem là thân tự thọ dụng, biểu trưng sự thành đạt cho mình nhờ chứng đắc các thần thông, còn báo ứng thân là thân tha thọ dụng – biểu trưng sự thành đạt cho người, do hóa thân của một vị Phật để đem lại lợi ích cho chúng sinh chưa giác ngộ.

Sự chứng đắc ba thân là kinh nghiệm của toàn giác. Vì chưa giác ngộ chúng ta chưa có được kinh nghiệm này, nhưng ta có thể có cái gì tương tự với nó. Không những ta có thể có ba thân, mà theo con đường quả thừa của mật tông, ta nên có ngay ba thân ấy! Một thái độ tham lam như thế rất hợp thời trang; người ngày nay muốn “được cái tốt nhất, và được liền tức thì !” Chỉ khác là thường ta theo đuổi vật chất, còn khi hành mật tông, ta cố đem kinh nghiệm hỉ lạc của ý thức thắp sáng mọi khía cạnh đời sống, để đưa vào thực chứng.

TẬN DỤNG THÂN NGƯỜI

Chuyển kinh nghiệm chết, trung ấm và tái sinh thành con đường giác ngộ không phải là chuyện huyền hoặc. Nhờ cái thân hiện tại mà ta có thể hoàn thành được mục đích lớn lao này. Theo Kinh giáo, thân xác vật lý của ta là một chướng ngại. Nó đang tàn tạ từng sát na, dễ đau ốm và lôi cuốn khổ như nam châm hút sắt. Quả vậy, diệu đế đầu tiên được định nghĩa ngắn gọn như sau: Khổ chính là thân này. Nhưng theo cái nhìn mật giáo thì ngược lại. Hoàn toàn không phải chướng ngại, thân người được xem như báu vật quý nhất vì nó chứa đựng tất cả sự trang bị cần thiết cho việc đạt giác ngộ ngay trong một đời người. Thân này làm bằng bốn đại đất nước lửa gió và những năng lượng (khí, prana) liên hệ. Và vì nó sinh từ bào thai, nên có chứa những tinh chất đỏ và trắng hấp thụ của cha mẹ; đây là yếu tố cần thiết để khơi dậy năng lượng phúc lạc của kinh nghiệm kundalini.

Chúng ta thật may phước có được loại thân này, bởi thế không nên phí phạm cơ hội quý báu nó đem lại để thực hiện tiềm năng toàn vẹn của ta. Đừng như những người không biết xử dụng tài nguyên thiên nhiên của mình cho đúng cách. Chẳng hạn tôi nghe nói những trại chủ ở Nepal chặt hết những cây xoài để làm củi. Một cây xoài cần biết bao nhiêu năm để lớn và sinh quả ngon ngọt, thế mà người Nepal dường như không biết thưởng thức. Thay vì tận dụng những gì mình có, họ lại chặt phá hết những cây quý nên đất bị xoáy mòn, rốt cuộc không còn gì cả. Nếu không xử dụng năng lượng quý báu của thân mình để đạt giác ngộ, mà lãng phí nó vào những theo đuổi vô nghĩa của đời này, thì ta lại còn ngu ngốc hơn các trại chủ kia. Ta nên làm như những khoa học gia biết rút năng lượng từ mọi thứ – ánh sáng mặt trời, thủy triều, gió v.v..- và lại còn biết cách xử dụng năng lượng này cho những mục tiêu xây dựng. Nói cách khác, ta phải thiện xảo, và sự thiện xảo cao nhất là chuyển cái thân hiện tại của ta, vốn là gốc khổ, thành một con đường hỉ lạc đưa đến hạnh phúc vô biên cho mình và người. Đây là mục đích tối hậu của mọi phương pháp mật tông.

TIẾN TRÌNH CHẾT

Khi đạt toàn giác, ba thân phật (Pháp thân, báo thân, ứng thân) đồng thời thành tựu. Nhưng theo pháp hành mật tông, ba thân ấy tuần tự hình thành theo một tiến trình mô phỏng tiến trình tự nhiên diễn ra lúc chết, lúc ở trạng thái trung ấm và lúc tái sinh. Bởi vậy như đã nói, trước hết ta cần biết tiến trình ấy thường xẩy ra như thế nào, rồi mới có thể hiểu cách chuyển ba giai đoạn ấy thành ba thân giác ngộ.

Chết là tâm tách lìa khỏi xác. Quá trình tách lìa có thể xảy ra nhiều giờ, nhiều ngày, như cái chết tự nhiên do già bệnh; hoặc xảy đến đột ngột như do tử nạn. Nhưng ở cả hai trường hợp, cái chết đều có những bước tiến nhất định. Thân xác không phải đột ngột mất ngay khả năng duy trì tâm thức, mà nó mất từ từ, mỗi đại trong 4 đại (địa, thủy, hỏa, phong) tuần tự mất khả năng nâng đỡ thân xác.

Kinh điển mật tông mô tả 4 giai đoạn đầu của sự chết bằng những từ ngữ sống động. Trước hết địa đại chìm hay tan vào thủy đại, rồi thủy đại tan vào hỏa đại, hỏa đại tan vào phong đại, phong đại tan vào thức đại. Một sự mô tả như thế giúp ích cho thiền quán, nhưng ta không nên hiểu theo danh từ. Ví dụ nói địa đại “chìm” vào thủy đại có nghĩa là những phần rắn chắc của cơ thể dần dần mất khả năng vận hành của chúng, không còn liên lạc mật thiết với tâm thức người chết như trước; trong khi ấy thủy đại (hay chất lỏng) có vẻ thắng thế và rõ rệt hơn.

Khi những yếu tố vật lý nói trên tuần tự thắng lướt nhau như vậy, thì người sắp chết cảm nghiệm một vài dấu hiệu hay triệu chứng bên ngoài (trên cơ thể) và bên trong (tâm lý) liên hệ đến từng giai đoạn của tiến trình tan rã. Những triệu chứng này được nói rõ trong nhiều sách, nên ở đây miễn bàn. Tuy nhiên cũng sẽ ích lợi để nêu vài hình ảnh điển hình thường xảy đến.

Khi chết, thường người ta mất hết sự tự chủ. Vì đã không tu tập khi còn sống, họ bị cái chết tràn ngập, họ choáng váng khi các “đại” hay yếu tố của thân xác bị mất quân bình, không còn hoạt động điều hòa nữa. Họ cảm như đang bị nạn động đất dữ dội, không thể giữ bình tĩnh trước những gì xảy đến. Cái chết diễn ra với họ như một loạt ảo tượng kinh hoàng, một cơn ác mộng tàn phá. Nhưng với một người đã chuẩn bị, thì chính những cảnh gợi khủng khiếp ấy có thể đem lại niềm bình an kỳ diệu. Và với những hành giả thượng thừa, những người đã luyện tâm thuần thục, thì mỗi giai đoạn của tiến trình tan rã đem lại cho họ một sự sáng suốt và tuệ giác càng lúc càng tăng.

Theo tâm lý học Phật giáo, một đối tượng có đem lại sự thỏa ý hay không, tùy thuộc vào quyết định mà tâm ta đã có từ trước. Trước khi trông thấy một điều gì hay một vật gì, tâm bạn đã quyết định : “Điều này sẽ làm cho tôi sung sướng.” Rồi khi thực sự tiếp xúc với vật ấy bằng mắt, bạn mới nghĩ : “Ồ, thật tuyệt !” Đối với một phản ứng xấu cũng vậy. Nếu tâm bạn đã có thành kiến hay quyết định bạn không thích người nào, thì khi thực sự gặp người ấy bạn chỉ thấy họ khó ưa. Nói cách khác, tất cả mọi sự có vẻ tốt, làm ta ưa, và có vẻ xấu làm ta ghét, kỳ thực chỉ là những tạo tác của chính tâm ta.

Tất cả điều này dính dấp gì đến kinh nghiệm chết chóc của chúng ta ? Đạo phật dạy rằng cái cách để trải qua một đời sống hạnh phúc và một cái chết hạnh phúc, là hãy nhận chân sự việc xảy ra một cách như thật, không bị đánh lạc hướng, làm cho tâm rối bời vì những tướng bên ngoài. Trong đời chúng ta gặp hết nỗi bất mãn này đến bất mãn khác, chỉ vì ta lầm tin rằng cái gì ta thấy tốt là thực sự tốt, cái gì ta cho xấu là thực sự xấu; do vậy ta dành trọn cuộc đời và năng lực của mình để chạy theo cái này, tránh xa cái nọ. Vì suốt đời ta đã tích lũy một thói quen mạnh mẽ nhìn mọi sự việc bằng thái độ hoặc tham đắm hoặc sợ hãi như thế, nên vào lúc chết, khi mọi sự dường như tan tành theo mây khói, đương nhiên tâm ta sẽ rơi vào một trạng thái hỗn loạn tơi bời.

Giải pháp là, cần phải tập nhìn mọi sự chỉ là do tâm ta biến hiện, không có một chút xíu nào hiện hữu biệt lập. Ta cần hiểu, vì do tâm biến ra nên mọi sự chỉ như huyễn ảo. Tri kiến ấy cũng phải được áp dụng khi ta thấy những cảnh tượng lũ lượt hiện ra vào lúc tâm ta trải qua tiến trình chết. Ta nên làm quen với những gì ta sẽ gặp vào lúc chết, để có thể đối phó với những ảo cảnh này thay vì bị chúng tràn ngập và làm cho tâm ta hoảng hốt rối ren. Then chốt của vấn đề, lúc sống cũng như lúc chết, chính là nhận rõ ảo tưởng là ảo tưởng, tưởng tượng là tưởng tượng, huyễn hóa là huyễn hóa. Với cách ấy ta sẽ được giải thoát.

CHẾT VÀ PHÁP THÂN

Trước hết ta hãy xét những gì xảy đến nếu ta phải chết trong một tâm trạng lo lắng kinh hoàng tột độ, lúc ta không chuẩn bị, và cũng chưa từng tu tập. Khi bám víu vào cái “tôi” mà ta tưởng là vững chắc, để được an ninh bảo đảm, thì ta sẽ kinh hoàng khi thân xác nền tảng của cái “tôi” ấy, khởi sự phân tán. Khi địa đại suy thoái, thủy đại thắng lướt, tâm ta đầy những ảo tượng lung linh màu xanh bạc. Ta cảm như bị vướng bẫy, bị ngột ngạt, thân xác bị chôn dưới đất hay bị vùi lấp dưới cơn đá lở. Rồi khi thủy đại tan vào hỏa đại, ảo tượng khói xuất hiện. Khi điều này xảy đến, ta thấy như bị chết đuối, bị nước lũ cuốn trôi. Kế tiếp, hỏa đại tan rã, thân xác ta dần giá lạnh; ta thấy ảo tượng là một đống lửa giữa trời đêm với những tia lửa nhảy múa. Trong lúc tiến trình này xảy đến, nhiều người sắp chết gào lên vì tưởng thân mình đang bị những ngọn lửa thiêu rụi. Cuối cùng khi phong đại phân tán, hơi thở hào hển, ta cảm thấy mình bị thổi tung như lá vàng trước cơn gió lốc. Đồng thời, tâm ta “thấy” một ngọn lửa loé sáng lên rồi tắt như ở trong một phòng tối mịt; cũng như khi ngọn nến sắp tắt, bỗng sáng rực lên đột ngột như thể bùng vỡ đợt năng lượng cuối cùng. Hơi thở ta đang dồn dập hào hển, bỗng ngừng hẳn lại. Đối với mọi người, lúc ấy dường như ta đã chết (và đây là triệu chứng làm cho những người thân tụ họp xung quanh khởi sự khóc òa).

Nhưng ta chưa chết hẳn. Bốn đại thô phù và những tâm phân biệt tương ưng với chúng đã ngưng hoạt động, nhưng tầng tâm thức vi tế vẫn còn vận hành bên trong. Điều này xảy đến khi giọt vi tế trắng hấp thụ của cha vào lúc nhập thai và trụ ở đỉnh đầu ta lúc sống, cùng giọt đỏ nhận của mẹ nằm ở rốn, tiến về gặp nhau ở tim. Khi giọt trắng đi xuống, hình ảnh trong tâm ta là không gian trống rỗng trắng xóa; khi giọt đỏ đi lên, ta thấy khống gian màu đỏ. Khi cuối cùng 2 giọt gặp nhau làm nên một hình cầu bao bọc căn bản thức vô cùng vi tế cùng với luồng khí tương ứng ở tim; thì ta kinh quá màu đen của một căn phòng tối mịt. Màu đen này càng lúc càng đậm đặc cho đến khi cuối cùng ta rơi vào trạng thái hoàn toàn bất tỉnh.

Nhưng ta cũng vẫn chưa chết. Trong hình cầu giữa trái tim, an trú cái bản tâm rất vi tế của ta và khí lực vi tế tương ứng. Sau một thời gian – có thể 3 ngày hay hơn, với người không tu luyện – trái cầu này mở ra, và tâm thức ta được soi sáng. Cái bản tâm rất vi tế bừng tỉnh dậy và nó chỉ thấy một không gian trống rỗng, trong suốt và sáng ngời. Tâm trong sáng này là tâm cuối cùng và vi tế nhất trong những loại tâm mà ta kinh nghiệm trong suốt cuộc đời này.

Đối với một người phàm, tất cả những kinh nghiệm này – từ khi ảo tưởng hiện ra cho đến khi xuất hiện ánh sáng trong suốt – đều không được kiểm soát, chúng lần lượt xảy đến song chúng ta hoàn toàn không biết, vì tâm ta quá tán loạn rối ren. Nhưng những người đã khéo tu luyện từ trước thì giữ được ý thức sáng suốt về mọi sự xảy đến trong suốt tiến trình này. Họ biết ảo ảnh nào sắp diễn ra kế tiếp, và hiểu rằng mọi cảnh tượng chỉ là tướng trạng diễn ra trước cái tâm đang chết của mình, chúng hoàn toàn không có thực tính khách quan ngoài tâm. Vì hiểu như vậy, họ không bị kinh hãi bởi những điều trông thấy. Thay vì thế, khi tâm họ càng trở nên vi tế thì họ càng ý thức về tính phi thực một cách sâu xa. Cuối cùng, khi ánh sáng trong suốt khởi lên, thì cái tâm vô cùng vi tế hòa nhập với Tính không trong một kinh nghiệm phúc lạc tràn trề khôn tả. Đối với một người như vậy, cái chết đã trở thành cơ hội quý báu để kiện toàn trí bất nhị. Nhờ trí giác trong suốt vô chướng ngại này mà một hành giả khéo tu luyện chuyển hóa được tiến trình chết thông thường thành ra kinh nghiệm của pháp thân giác ngộ.

Kinh nghiệm pháp thân về tính bất nhị này vượt ngoài ngôn từ khái niệm mô tả. Bởi thế, khi người nào nói về kinh nghiệm này, họ luôn dễ bị hiểu lầm. Vậy bạn không nên tin lời tôi nói, đấy chỉ là những vọng ngôn do sự mê tín của tôi thôi. Dù nói khéo đến đâu, ngôn từ cũng chỉ phát xuất từ cái tâm phân biệt có giới hạn, và cũng chỉ được thấu hiểu bằng cái tâm hạn cuộc. Điều cần thiết là phải tiếp xúc được với chính kinh nghiệm, vượt ngoài danh ngôn dùng để diễn đạt kinh nghiệm ấy. Đó là lý do khiến mật tông đặt nặng hành động hơn lý thuyết.

Mặc dù cũng nên nghiên cứu kinh luận và phân tích phê phán, song có những lúc phương pháp phân tích chỉ có hại. Một bậc thầy về thiền quán có lần bảo tôi :”Vào một lúc nào đó, ông cần phải từ bỏ lối hiểu mọi sự theo kiểu triết lý. Ông phải vượt ngoài tranh biện, luận lý.” Điều ấy làm tôi kinh ngạc. Hồi đó tôi còn là một sinh viên trẻ, hăng hái, thích phân tích phê phán mọi sự mà tôi nghe được. Nhưng cuối cùng tôi hiểu ngài muốn nói gì : nếu cứ vướng vào thành kiến tri thức, ta không thể đi vào những kinh nghiệm thiền quán sâu xa. Vậy thực quan trọng để biết lúc nào nên buông xả, thư dãn để cho tâm an trú trong trạng thái trong sáng tự nhiên của nó.

Những bậc chân sư thuộc mọi truyền thống luôn nhấn mạnh rằng có những lúc bạn không nên làm một hoạt động tri thức phân tích nào cả. Ví dụ, sẽ là một lỗi lầm lớn nếu vướng vào ý tưởng phân tích trong khi bước vào giai đoạn tu tập cao cấp của giai đoạn “Thành tựu”, là giai đoạn tối thượng du già ( sẽ bàn sau). Tại vì khi xử dụng tri thức thì tự nhiên đủ mọi thứ quan niệm mê tín sẽ khởi lên. Tâm bạn trở nên quá bận bịu và rung động theo năng lượng cục bộ của những khái niệm ấy. Rồi vì mỗi trạng thái tâm đều tương ưng với khí lực của nó, nên hệ thần kinh vi tế của bạn cũng rung động vì những luồng khí lực chống nhau. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công việc của bạn – kiểm soát hệ thần kinh trong pháp hành ở giai đoạn Thành tựu – mà còn có thể dẫn đến một tình trạng đau đớn mà người Tây tạng gọi là “lung” nghĩa là năng lượng bị ứ nghẽn ở tim. Như với mọi giai đoạn của con đường tu tập, có lúc ta phải xử dụng tri thức, mà cũng có một lúc phải gạt tri thức qua một bên.

TRẠNG THÁI BARDO VÀ BÁO THÂN

Với người phàm tục, khi ánh sáng trong suốt chấm dứt, tâm họ kinh quá những ảo cảnh của kinh nghiệm pháp thân vừa mô tả, nhưng theo trật tự ngược lại, từ bóng tối vô thức đến diễn biến của ảo tượng. Khi tiến trình lộn ngược này bắt đầu, tâm ta lìa khỏi xác và cái chết mới thực sự xảy ra. Liền sau đó chúng ta đi vào trạng thái trung gian gọi là bardo, thân trung ấm, và ở đây cũng thế, tâm ta hoàn toàn ở ngoài tầm kiểm soát. Với tốc độ đi nhanh của tâm ý, ta bị đẩy từ cảnh này sang cảnh khác, như trong một giấc mộng. Nhưng mộng này thường là ác mộng. Khi thì do dấu ấn của ác nghiệp và vọng tưởng của ta trong quá khứ, những cảnh tượng kinh hoàng hiện ra làm cho ta cuống cuồng trốn chạy. Khi thì những hình ảnh quyến rũ khởi lên làm cho ta khát khao nồng nhiệt chỉ để thất vọng ê chề. Chung quy đấy là những gì đã từng xảy đến lúc ta còn sống và sở hữu một thân xác vật lý phàm tình: cuộc đời ta luôn luôn đi tìm an ổn, chạy trốn cái này, chạy theo cái khác. Nhưng bây giờ ta lâm vào trạng huống càng kinh khủng hơn. Vì cái thân trung ấm vô hình của ta chỉ làm bằng luồng khí lực vi tế nên nó có thể xuyên qua vật chất không bị chướng ngại, do vậy ta nhanh chóng nhập vào bất cứ trạng huống nào mà cái tâm sợ hãi tham đắm ném ta đến.

Đấy là kinh nghiệm thân trung ấm thông thường, nhưng ở đây cũng vậy, với hành giả có tu luyện, họ có thể chuyển kinh nghiệm ấy thành con đường đưa đến giác ngộ. Vì đã thuần thục trong pháp quán “thân huyễn như ráng cầu vồng”, nên khi ánh sáng trong suốt của sự chết vừa tắt, hành giả liền mang một thân trong suốt bằng quang sắc [ánh sáng do tâm tạo] thay vì cái thân trung ấm mê muội. Với cách ấy, họ chuyển hóa kinh nghiệm trung ấm phàm tình thành kinh nghiệm báo thân giác ngộ, hay thân phúc lạc.

TÁI SINH VÀ THÂN ỨNG HÓA

Hệt như tiến trình chết và trạng thái trung ấm đều bị thúc bách bởi năng lực vô minh chấp thủ, sự tái sinh của ta cũng vậy, ta không chủ động được. Cuối cùng ta bị những ngọn gió nghiệp thổi giạt đến nơi mà cha mẹ tương lai của mình đang giao hợp. Vừa ham muốn lại vừa ghê tởm, ta ngất xỉu và liền nhập vào thai mẹ. Từ khởi điểm bất tịnh ấy, một đời sống ô nhiễm đau khổ tiếp theo. Cái thân phối hợp từ tinh cha huyết mẹ phải chịu khổ sinh già bệnh chết, trong khi tâm ta tiếp tục dòng thức tâm đời trước, do tham sân si thúc đẩy, cứ tiếp tục tạo thêm nhân tố khổ đau và bất mãn.

Một hành giả tu cao có thể chuyển hóa kinh nghiệm tái sinh này, như đã chuyển hóa cái chết và trạng thái trung ấm. Thay vì bị hôn mê, bị chuyển từ trung ấm đến tái sinh do nỗi bám víu sợ hãi thúc bách, hành giả mật tông thiện xảo có thể chọn tái sinh một cách đầy ý thức. Nhờ đã tu luyện để vượt qua các tướng phàm tình, họ có thể xem cha mẹ tương lai như thần nam thần nữ, và chính mình cũng là một vị thần con. Tùy theo mức độ làm chủ và loại pháp mà họ tu luyện, họ còn có thể tái sinh vào một tịnh cảnh, cảnh giới trong đó mọi sự đều giúp cho việc chứng đắc giác ngộ. Ngay dù sinh vào địa cầu này, họ cũng có thể chọn hoàn cảnh thích hợp để tiếp tục tu hành cho đến khi đạt toàn giác. Với tâm hoàn toàn tỉnh giác, được kiểm soát, thì tái sinh thông thường có thể được chuyển hóa thành kinh nghiệm giác ngộ của thân ứng hóa, 1 trong 3 thân Phật.

Trên đây chỉ là mô tả ngắn gọn cách những hành giả mật tông chuyển hóa cái chết, trạng thái trung ấm và tái sinh thành ra ba thân của giác ngộ, nhưng cũng đủ cho ta một ý niệm rõ ràng về những gì nằm trong tầm của pháp hành trì mật tông tối thượng. Từ trước đến nay chúng ta đã bị tràn ngập bởi những năng lực vô minh, nghiệp và vọng tưởng mà hậu quả là ta phải luân chuyển mãi hoài trong vòng sinh, chết rồi tái sinh không được chọn lựa, không được kiểm soát. Khi ta chưa thay thế vô minh bằng trí tuệ để chuyển hóa ba sự cố tái diễn không ngừng này thành kinh nghiệm giác ngộ của một vị phật, thì ta vẫn phải tiếp tục xoay vần trong vòng lẩn quẩn ấy mãi mãi, đi tìm hạnh phúc mà chỉ có rước lấy tuyệt vọng khổ đau.

CẮT ĐỨT TÁI SINH

Không khó gì để hiểu rằng sự chết, trạng thái trung ấm và tái sinh là những kinh nghiệm đau đớn, căn nguyên mọi rắc rối của chúng ta. Vì sống, chết rồi tái sinh bằng một thân tâm không được kiểm soát, nên ta phải trải qua nhiều nỗi khổ vật lý và tâm lý trong đời sống thường ngày. Nói đơn giản, nếu trước hết ta đừng sinh ra đời, thì đâu có những rắc rối ấy ! Nhờ thực hành pháp mật tông thượng thừa, chúng ta có thể hoàn toàn tránh được sự sinh ra kiểu đó, cùng với tất cả mọi vấn đề do nó gây nên.

Nhiều người đâm ra thắc mắc khi nghe nói tu mật tông có thể cắt đứt tái sinh. Họ nghĩ : “Điều ấy có nghĩa lý gì ? Tại sao tôi phải từ bỏ cơ hội trở lại trần gian này? Có phải con đường tu tập ấy đưa tới chỗ hoàn toàn hủy diệt? Nếu thế thì tôi chả cần.”

Để khỏi thắc mắc, ta nên nhận chân rằng “cắt đứt luân hồi” có một ý nghĩa đặc biệt là giải thoát khỏi sự tái sinh không được kiểm soát. Ta có thể tu mật tông một cách thành công, mà vẫn trở lại cuộc đời này. Quả thật, với bồ đề tâm đầy bi mẫn, ta không thể nghĩ đến chuyện bỏ mặc mọi người. Bồ đề tâm giục ta phải trở lại để làm lợi ích cho họ. Chính đức Thích Ca Mâu Ni đã làm thế, cho nên sự sinh ra của ngài tuyệt nhiên không là vấn đề, mà lại là một nguồn lợi lạc vô biên. Trong khi đó, sự tái sinh của chúng ta lại xảy ra ngoài kiểm soát của mình, và chỉ có làm cho chu kỳ khổ đau tiếp tục mãi mãi. Chính chu kỳ đau khổ này mới cần cắt đứt. Về sự chết và thân trung ấm cũng vậy; chính cái kinh nghiệm không được kiểm soát về những tiến trình này mới cần trừ khử, cần chuyển hóa.

Cuộc đời không tự chủ của ta, bị tham sân si làm chủ, đương nhiên đưa đến cái chết không được kiểm soát. Trong tiến trình mê muội này, cũng những vọng tưởng tham sân ấy làm phát sinh những hỗn mang rắc rối lớn hơn. Tâm ta bị tràn ngập bởi những ảo cảnh liên hệ đến sự tan rã của từng yếu tố thân xác, và ta đi vào trạng thái trung ấm với nỗi hãi hùng, khát khao kinh khủng. Tại đấy, vì ta có một “thân do ý sinh” chứ không phải thân vật lý, nên những mê tín của ta càng có một ảnh hưởng lớn đối với ta hơn nữa. Cứ mỗi vọng tưởng nổi lên trong tâm là ta liền bị ném ngay vào hoàn cảnh mê vọng tương ứng. Điều này thật kinh hoàng, và khi cuối cùng ta thấy hình ảnh cha mẹ tương lai, thì khát vọng được an ổn thúc đẩy ta nhập thai để tái sinh, và thế là chu kỳ đau khổ bắt đầu trở lại. Ta không tìm được ở đâu một chốn an nghỉ thanh bình. Niềm an lạc hạnh phúc mà ta ao ước luôn luôn tuột khỏi tầm tay. Đây là triệu chứng của cuộc tồn sinh trong cõi luân hồi sinh tử .

Mục đích hành trì mật tông là giải thoát ta khỏi những rắc rối không ngừng tái diễn ấy bằng cách giúp ta rứt ra khỏi vòng lẩn quẩn. Nhờ luyện tâm vượt qua sự khống chế của các giả tướng mê muội thông thường, và nhờ chuẩn bị trước những gì mà cuối cùng ta sẽ phải gặp khi đời sống này kết thúc đời khác bắt đầu, ta có thể kinh nghiệm ba thân tỉnh giác thay vào ba trạng thái mê muội thường tình về chết, trung ấm và tái sinh.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.