Những Bài Học Bình Dị

Mảnh vườn của Pete

Có một góc đường phố nhộn nhịp bên cạnh một trạm xe buýt, nơi mà những đứa trẻ chuyển xe buýt trên đường đi học. Góc đường này không thể nào gọi là một địa điểm xinh đẹp được. Có rất nhiều tiếng ồn xe cộ và bên cạnh những tòa nhà màu xám khó ưa. Thật ra thì nó không được quan tâm, chăm sóc đúng mức. Tuy nhiên, ở đó có một mảnh vườn xinh đẹp. Mảnh vườn nhỏ ấy được gọi là “Mảnh vườn của Pete”, vì Pete đã tạo ra nó trong khoảng thời gian 9 phút rưỡi.

Pete là một trong những đứa trẻ phải đợi chờ 9 phút rưỡi mỗi ngày ở đấy để chuyển xe buýt. Mảnh vườn không phải là một chỗ thích thú và dễ chịu để có thể bước ra. Trạm xe buýt thì ồn ào và có mùi xăng xông lên. Ở đó từng có một khu vườn, nhưng bây giờ thì nó là nơi chướng mắt. Trẻ em và người lớn đã vứt những cái lon nước uống ở đó sau khi họ dùng xong, cùng với những giấy bọc bánh mì và những cái hộp đựng thịt gà rán. Ai đó đã viết những lời chửi rủa, những điều mà Pete cho là khá thô tục, lên các bức tường. Nó không phải là địa điểm tốt để trải qua 9 phút rưỡi vào mỗi ngày đi học khi tất cả các em học sinh muốn về nhà cho nhanh.

Nhưng Pete phải đứng đó. Cậu ta không có sự lựa chọn nào khác, nếu cậu muốn về nhà thì đây là con đường duy nhất.

Cậu cảm thấy như là cậu ta đang lãng phí cuộc sống của mình. Không có gì để nhìn, không có gì để suy nghĩ, không có gì để cầm, và ngồi bó chân như thế mỗi ngày khiến cho cậu muốn phát khùng. Cậu bé biết là cậu ta không thể làm gì để có thể thay đổi lịch chạy của công ty xe buýt, nhưng, cậu bé bắt đầu nghĩ, cậu có thể làm cho 9 phút rưỡi của mình trở nên có ý nghĩa hơn cho bản thân và cho người khác.

Cậu ta đã xin mẹ những cái túi đựng rác và những đôi găng tay làm vườn. Tuần đó, cậu mang đôi găng tay vào và lấp đầy 9 phút rưỡi mỗi ngày của mình bằng cách nhặt rác bỏ vào trong những cái túi.

– Này bạn, bạn điên hay sao vậy? – Những bạn cùng lớp của Pete trêu chọc. – Bạn sẽ thay đổi được gì nào? Tại sao bạn lãng phí thời gian như thế?

Họ không biết rằng Pete đã lãng phí thời gian rất nhiều khi ngồi không ở đó.

Vào cuối tuần, cậu nhờ bố chở đến đó và thu gom những cái túi rồi đem chúng đến bãi rác. Vào ngày thứ hai, mảnh đất trông sạch sẽ và đẹp hơn nhiều.

Và tuần tiếp theo đó, Pete bắt đầu nhổ những cây cỏ dại xung quanh các cây già cỗi, đã bị che khuất đằng sau những thứ rác rưởi và cỏ dại. Một trong những người bạn của Pete cũng cảm thấy chán khi phải trải qua chín phút rưỡi mỗi ngày mà không làm gì đã đến giúp. Mẹ và bố của Pete đã đến đó vào cuối tuần để thu gom một đống túi, cắt xén những bụi hoa hồng già đã nhiều năm không ai trông thấy, và đưa ra cho Pete một số gợi ý chăm sóc.

Không lâu sau đó mảnh đất ấy trông đẹp hơn nhiều, nhưng những lời chửi rủa, những chữ thô tục trên bức tường ở phía sau thật sự khiến Pete khó chịu. Chúng dường như làm giảm đi giá trị những gì cậu ta đã làm.

– Con có thể làm gì? Pete hỏi bố.

– Con muốn làm gì?

Bố cậu hỏi lại, đẩy vấn đề trở về cho Pete.

Pete nảy ra một ý tưởng. Cậu bắt đầu dành dụm túi tiền của mình. Rồi cậu nhờ bố đến xin với ông chủ của tòa nhà để sơn lại bức tường, và ông ấy đã nhanh chóng chấp thuận. Cậu đi đến tiệm bán đồ gia dụng để mua các thùng xịt sơn bằng chính số tiền đã dành dụm của mình. Ở trên tường, cậu đã phác thảo một bức bích họa bằng phấn để che tất cả những chữ nhơ bẩn, và khi cậu bắt đầu pha những bình xịt sơn để vẽ thì có nhiều bạn cùng trường của cậu cũng muốn tham gia trong 9 phút rưỡi mỗi ngày của họ.

Bây giờ thì cả nhóm trẻ con khá tự hào về mảnh vườn ấy, và họ tin chắc là sẽ không có những trẻ em hay người lớn khác làm bẩn mảnh đất ấy nữa. Chúng tưới những cây hoa hồng thường xuyên, chúng đã trồng những bông hoa tươi tắn, và một trong số những người bố của bọn trẻ đã cho chúng một chiếc xích đu cũ, chúng đã sơn lại và đặt ở mảnh vườn ấy. Chúng đi dạo trong mảnh vườn trong khi phải chờ đợi chuyến xe buýt tiếp theo. Chúng nhặt rác, nhổ một vài cây cỏ, và ngồi ghế xích đu. Và đôi khi bạn đi qua đó, bạn thậm chí có thể thấy có cả người lớn đang ngồi ghế xích đu giữa những cây hoa hồng.

Tuy nhiên, vào một ngày chủ nhật nọ, khi đang ngồi trên xe buýt đến trường, Pete đã rất lấy làm ngạc nhiên. Như thường lệ, cậu ta nhìn về phía mảnh vườn. Có cái gì đó đã thay đổi. Có một biển hiệu ở trước mảnh vườn. Những người bạn của cậu đã làm nó, trên đó viết: “Mảnh vườn của Pete”.

George W. Burns

Nguồn: 101 Healing Stories for Children and Teens. – George W. Burns, John Wiley & Sons Publisher, Canada, 2005.

 

 


 Tòa lâu đài cát

Hôm nọ, một người giáo viên nổi tiếng quay trở về nhà sau bài thuyết trình quan trọng mà ông vừa trình bày trước một nhóm các đồng nghiệp đáng kính của mình. Đang đi nhưng lòng ông say sưa với những lời tán thưởng mà thính giả đã dành tặng cho ông. Thói quen đã đưa ông đến con đường đi bộ dọc theo bờ biển.

Đang tản bộ trên bờ biển thì ông bắt gặp một cậu bé. Em bé đang xây một tòa lâu đài cát trên bãi biển, đấy là tòa lâu đài cát lớn nhất và công phu nhất mà từ trước đến giờ ông từng được thấy. Em bé trịnh trọng dùng đôi tay của mình xúc cát lên rồi nắn cát cho thật chắc, sau đó nhẹ nhàng đặt vào vị trí thích hợp. Em bé cẩn thận và miệt mài xây đắp những tòa tháp, những gác canh, đào hào, cắm cờ…

Khi em bé hoàn thành tác phẩm nghệ thuật đầy ấn tượng, em đứng dịch lùi một tí để thư giản và ngắm nhìn tuyệt tác của mình. Rồi đột nhiên em nhảy về phía trước, bước lên trên tòa lâu đài, đạp phá nó, banh nó ra trên bãi cát, rồi ngắm nhìn khi những con sóng nối đuôi nhau vỗ lên mặt biển, xóa nhòa dấu tích tòa lâu đài của em, như thể là tòa lâu đài của em chưa hề tồn tại.

Người giáo viên cảm thấy sốc khi chứng kiến cảnh tượng đó. Thật là lãng phí! Tại sao thành quả ấy lại bị phá hủy? Tại sao một người tự tạo ra rồi tự phá hủy thành quả của chính họ? Ông đi đến bên em bé và hỏi:

– Tại sao cháu đã bỏ ra nhiều thời gian và công sức để xây nên tòa lâu đài to lớn và đẹp đẽ đến vậy mà lại đập phá nó?

Em bé đáp lại:

– Cha mẹ của cháu cũng đã hỏi cháu câu đó. Mẹ cháu nhìn thấy những điều rất ý nghĩa từ tòa lâu đài cát. Mẹ đã nói với cháu rằng, mỗi hạt cát có thể xem như là mỗi khía cạnh của nhân loại. Người ta có thể tạo nên những điều rất ấn tượng khi biết đoàn kết với nhau, nhưng khi chúng ta lãng quên đi những mối quan hệ của mình với người khác và cố gắng tồn tại như một hạt cát đơn lẻ thì sẽ khiến cho nhiều thứ bị hủy hoại như cháu đã phá hủy tòa lâu đài cát vậy đó, hoặc là bị sóng biển phá tan, phân hủy nó ra hàng tỷ mảnh nhỏ và phát tán dọc theo bờ biển. Còn cha cháu thì bảo rằng, đấy là một cách để học về cuộc sống. Không có gì tồn tại mãi mãi. Giống như những tòa lâu đài cát, mọi thứ được tạo ra rồi lại bị phá hủy, tồn tại rồi lại biến mất. Hết thảy đều không thường còn. Khi chúng ta ý thức được điều này thì chúng ta bắt đầu biết trân quý thời gian mà chúng ta đang có. Bố cháu còn bảo rằng, xây dựng những tòa lâu đài cát là một cách giúp cho trẻ em học những bài học quan trọng ấy bằng trực quan sinh động.

Em bé nói tiếp:

– Còn với cháu, cháu chỉ biết rằng cháu đang chơi. Cháu chỉ muốn hòa mình với những gì cháu đang làm và vui với công việc đó.

Người giáo viên nghe xong thì lặng lẽ mở dây buộc giày và cởi chúng bỏ qua một bên, cởi bỏ đôi tất của mình, xăn quần lên, tháo cả cà-vạt rồi ngồi xuống bên em bé và nói:

– Chú có thể ngồi lại và chơi chung với cháu được không?

Nguồn: 101 Healing Stories for Children and Teen, George W. Burns, John Wiley & Sons Publisher, Canada, 2005. 

 


 Gia đình nhà gấu

Ngày xưa, có một gia đình nhà gấu có năm thành viên: gấu em bé nhỏ, gấu anh, gấu bố, gấu mẹ và gấu ông. Gấu ông đã già, lông của ông đã ngã sang màu xám, mỗi khi ăn thì chân của ông bị run, còn đôi vai thì bị chúi về phía trước như thể là mệt mõi lắm mỗi khi đứng.

Gấu cháu bé nhỏ rất thương yêu gấu ông. Gấu ông luôn luôn lắng nghe đứa cháu bé nhỏ của mình trong khi những thành viên khác đang quá bận rộn và gấp gáp trong việc tìm kiếm mật và những loại thức ăn khác. Gấu ông không bao giờ từ chối khi gấu cháu muốn được ngồi yên lặng trong lòng gấu ông và nghe gấu ông kể chuyện. Gấu ông thường kể cho gấu cháu nghe những câu chuyện rất ý nghĩa.

Gấu cháu bé nhỏ cảm thấy đau lòng mỗi khi nhìn thấy đôi chân của ông run quá đến nỗi cái muỗng của ông có thể bị chệch ra ngoài miệng và làm cháo đổ đầy trên lông. Đôi khi gấu ông làm rơi cái bát của mình trên sàn nhà, làm vỡ bát và khiến cho nền nhà trở nên bẩn thỉu.

Gấu bố và gấu mẹ cảm thấy bực mình vì điều đó. Mỗi lần như thế là họ phải làm vệ sinh căn nhà và than phiền rằng: “Chúng ta đã khó nhọc chưa đủ hay sao mà còn gây ra những phiền toái này nữa?”

Gấu anh cũng nói lên những điều khiếm nhã và cười chế giễu gấu ông. Gấu em biết là gấu anh chỉ đùa với gấu ông, nhưng điều đó cũng khiến cho gấu ông đau lòng. Vì điều này mà gấu em ghét gấu anh. Gấu cháu bé nhỏ muốn giúp đỡ gấu ông, nhưng không biết làm thế nào.

Một hôm, gấu con bé nhỏ thấy gấu bố đang ngồi dán lại cái bát mà gấu ông đã làm vỡ. Gấu con hỏi:

– Thưa bố, bố dán cái bát lại để làm gì thế?

Gấu bố trả lời:

– Để cho ông của con ăn. Chứ đưa bát lành cho ông thì ông làm vỡ hết.

Nghe vậy, trầm ngâm một lúc, gấu con thưa:

– Bố ơi, bố có còn keo dán không vậy? Nếu có thì cho con xin một ít.

– Con xin keo để làm gì?

– Con cũng muốn đi lượm những cái bát vỡ để dán chúng lại và để dành, sau này lúc bố mẹ già, tay bố mẹ bị run thì con đưa chúng cho bố mẹ dùng.

Gấu bố lặng người trước câu nói của con mình. Lúc đó gấu mẹ cũng đang có mặt. Gấu bố và gấu mẹ nhìn nhau mà không nói nên lời.

Kể từ đó gấu con bé nhỏ nhận thấy rằng mọi người đối xử tử tế hơn với gấu ông. Họ đưa cho gấu ông một cái bát bằng nhựa thật đẹp và rất đặc biệt, nó khó bị nghiêng đổ ở trên bàn, và nếu có bị đánh rơi cũng khó vỡ. Và họ dường như không còn bực mình khi gấu ông làm đổ thức ăn trên thân thể hoặc là làm vương vãi thức ăn trên khăn bàn nữa. Họ nói chuyện với gấu ông nhiều hơn và lắng nghe những câu chuyện mà gấu ông kể, thậm chí là những câu chuyện mà trước đấy họ đã từng nghe.

Nguồn: 101 Healing Stories for Children and Teens, George W. Burns, John Wiley & Sons Publisher, Canada, 2005.

 

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.