Pháp Khí Và Pháp Phục

6. Bát:

Xuất xứ: Trong kinh Phật bổn hạnh có nói: Khi đức Phật còn tại thế, có hai thương gia là Đế ly phú bà và Bạt ly ca đều đều ở phía bắc Ấn độ; hai vị nầy, một hôm đem sữa cúng dường đức Phật, nhưng đức Phật không có đồ đựng. Lúc bấy giờ có bốn vị thiên vương đem bốn cái bát bằng vàng đến dâng cúng đức Phật để đựng sữa, ngài không nhận. Bốn vị thiên vương ấy lại trở về đem bốn cái bát khác bằng những thứ quý: ngọc, ngà, xa cừ, … để dâng cúng đức Phật, ngài cũng không nhận. Sau cùng bốn vị ấy đem dâng cúng bốn cái bát khác bằng đá, đức Phật rất hoan hỷ.

Ý nghĩa: Chữ Bát, tiếng phạn gọi là Bát đa la, Tàu dịch là Ứng lượng khí. Nghĩa là đồ dùng để chứa đựng các thực phẩm chỉ đủ vừa sức ăn cho một người.

Bình bát chỉ được làm bằng đá, bằng sành, bằng đất sét nung thật chín rồi tráng men bên trong cho khỏi rĩ nước, chứ không được làm bằng vàng bạc hay tất cả những kim khí quý, … Nếu dùng bằng kim khí quý thì không đúng phẩm hạnh của bậc xuất gia. Các vị đã phát tâm xuất gia tức là tập hạnh xả bỏ tất cả, kể cả thân mạng nếu cần và đúng với chánh pháp, nghĩa là xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo.

Đặc biệt bình bát không nên làm bằng gỗ, vì đây là loại bát của Bà la môn đã thường dùng.

Ở các nước Tiểu thừa Phật giáo, chư Tăng thường đi khất thực nên thường dùng bình bát. Các nước theo Đại thừa Phật giáo thì không đi khất thực nên chỉ dùng bình bát trong ba tháng an cư kiết hạ, có nơi còn ba tháng kiết đông nữa; đồng thời, thỉnh thoảng có quý thí chủ phát tâm cúng dường trai tăng thì cũng dùng bình bát để cúng Phật trước khi thọ trai. Sau khi các vị đã đắc giới, chư giới sư trao truyền bình bát và bắt đầu trì bình từ đó. Mỗi khi dùng bình bát, tâm thường niệm:

Thiện tai Bát đa la,
Như lai ứng lượng khí,
Phụng trì dĩ tư thân,
Trưởng dưỡng trí huệ mạng.
Án, chỉ rị chỉ rị phạ nhựt ra hồng phấn tra (3 lần)

Nghĩa là:

Lành thay bát đa la,
Ứng lượng khí của Phật,
Vâng giữ để tu thân,
Nuôi lớn thân và trí,
Án, chỉ rị chỉ rị phạ nhựt ra hồng phấn tra (3 lần)

Mỗi lần đi khấc thực, tay nâng bình bát đang còn trống không, đức Phật dạy đệ tử của ngài không phiền muộn, không lo lắng mà phải an tịnh và thầm nguyện:

Nhược kiến không bát,
Đương nguyện chúng sanh,
Cứu cánh thanh tịnh,
Không vô phiền não.
Nghĩa là:
Nếu thấy bát không,
Xin nguyện chúng sanh,
Rốt ráo thanh tịnh,
Trống không phiền não.

Và, sau đó thí chủ đã cúng dường phẩm vật đầy đủ, thầm nguyện tiếp như sau:

Nhược kiến mãn bát,
Đương nguyện chúng sanh,
Cụ túc thạnh mãn,
Nhất thế thiện pháp.
Nghĩa là:
Nếu thấy bát đầy,
Xin nguyện chúng sanh,
Chứa đựng đầy đủ,
Tất cả pháp lành.

Mỗi lần dùng bình bát trước và sau khi khất thực hay trước và sau khi thọ trai do tín chủ cúng dường đều phải lau chùi sạch sẽ. Thứ nhất là bát phải sạch sẽ để chứa đựng phẩm vật dâng cúng Tam bảo, kế đến la mình dùng; thứ hai là sau khi dùng xong cũng phải rửa sạch, lau khô để cất giữ cho hợp vệ sinh, cũng thầm niệm bài kệ tẩy bát như sau:

Tẩy bát:
Dĩ thử tấy bát thủy,
Như thiên cam lộ vị,
Thí dữ chư quỷ thần,
Tất giai hoạch bảo mãn
Án, ma hưu ra tất tóa ha (3 lần)

Nghĩa là:

Rửa bát:
Lấy nước rửa bát nầy,
Như nước vị nước cam lồ
Đem cho các quỷ thần,
Được no đủ tất cả.
Án, ma hưu ra tất tóa ha (3 lần)

Cũng như trên, mỗi khi rửa bình bát hoặc là nhận phẩm vật thì cũng phải mở ra; mỗi lần mở ra như vậy, cũng thầm đọc câu kệ chú như sau:

Triển bát:
Như lai ứng lượng khí,
Ngã kim đắc phu triển,
Nguyện cọng nhất thế chúng,
Đẳng tam luân không tịch
Án, tư ma ma ni tóa ha (3 lần)

Nghĩa là:

Mở bát:
Ứng lượng khí của Phật,
Con nay được giải mở,
Nguyện cùng với mọi người,
Ba vầng đều vắng lặng.
Án, tư ma ma ni tóa ha (3 lần)

7. Tích trượng:

Xuất xứ: Theo kinh Tích trượng có chép: Này các Tỳ Kheo, các ngươi nên thọ trì tích trượng, vì rằng tích trượng là một pháp khí mà ở đời các Như Lai đã có thọ trì.

Ý nghĩa: Tiếng Phạn gọi là Khiết khí la. Tàu dịch là Tích trượng, tức là cái gậy của các vị Tỳ kheo dùng để đi đường hay đi khất thực.

Tích trượng còn có tên là Đức trượng, nghĩa là chiếc gậy trí huệ và đức độ nầy mà người xuất gia học đạo giải thoát được vững tiến và hướng đến quả vị giải thoát. Trong kinh Tích trượng có chép:

Ngài Ca Diếp bạch Phật:

Bạch đức Thế Tôn, thế nào gọi là tích trượng? Đức Phật dạy các ý nghĩa sau đây:

– Tích có nghĩa là Khinh, có nghĩa là nhờ chiếc gậy đức hạnh và trí tuệ nầy mà phiền não được nhẹ đi và sớm ra khỏi cảnh sanh tử luân hồi.

– Tích cũng có nghĩa là Minh, nghĩa là được trí huệ sáng suốt, là hết khổ não.

Đường kính của chiếc tích trượng thì vừa đủ cho vòng tay của người xử dụng. Cũng còn được gọi với những tên: Thỉnh trượng hay Minh trượng. Vì, trong khi đến nhà ai, vị sa môn cần gõ tích trượng xuống đất để người trong nhà biết. Trên đầu tích trượng có bốn cái gọng và 12 cái vòng. Đó là biểu tượng cho tứ diệu đế và thập nhị nhơn duyên., buộc các tỳ kheo luôn luôn phải nhớ nghĩ, luôn luôn phải thực hành. Ngoài ra còn có loại tích trượng trên đầu chỉ có hai cái vòng và sáu cái khâu, thì nó tượng trưng cho chơn đế, tục đế và lục độ. Tích trượng nầy do đức Phật Ca Diếp chế ra. Tất cả hai loại tích trượng ấy đều không cao quá đầu người.

Các tích trượng của Bà la môn thì có bảy mắt và có ba bậc: sơ, trung và thượng. Theo phái Bà la môn thì cái gì cũng ở trong số bảy: * Bảy bậc tu, bảy quả đức, bảy sức linh.

Bảy bậc tu gồm:

– Tu tại gia,

– Tu vái các thần thánh thông thường,

– Tu biết biến hóa,

– Tu biết thần biến, linh thiêng,

– Tu cần thần thánh, không mặc quần áo,

– Tu thiền định,

– Tu bậc thượng, làm thầy cả các phép tu trên, là vì nối gót đại diện cho đức Phạm thiên.

Ngày xưa ở Ấn độ, họ thường quan trọng con số bảy, họ cho là huyền vi đến với con người. Cái gì họ cũng dùng và nghĩ đến số bảy như:

– Bảy vị tiên (Sapta-Rchirs),

– Bảy cảnh tiên (Sapta-Poura),

– Bảy hòn đảo tiên (Sapta-Douita),

– Bảy biển (Sapta-Samudra),

– Bảy sông linh (Sapta- Nady),

– Bảy núi linh (Sapta-Pariatta),

– Bảy chúng (Sapta-Coula),

– Bảy cảnh giới từ hạ đến thượng (Sapta-Loca),

– Bảy loại gồm cả trời đất thần thánh như: Jyus, Naranari, Viradji, Brahma, Vischnou-Siva

Riêng trong Phật giáo, ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát đã dùng tích trượng để đi vào địa ngục hướng dẫn cho thập loại chúng sanh đang bị đọa trong các cỏi ấy được hiểu rõ chánh pháp, được giải thoát lên các cảnh giới sung sướng hơn hay trực chỉ đến cảnh giác ngộ thành Phật. Mỗi khi ngài vào trong địa ngục, ngài dùng tích trượng gõ xuống đất thì các cửa ngục được mở ra, cho nên trong kinh có day: Chấn khai địa ngục chi môn.

Những vị sau khi đã đắc giới, liền được thừa truyền tích trượng. Trong khi nhận lãnh, các vị giới tử thầm niệm kệ chú sau đây:

Thiện tai khiết la,
Trí huệ công đức bổn,
Như pháp thọ trì giả,
Siêu đăng niết bàn ngạn.
Án, na lật thế, na lật thế, na lật tra, bát để, na lật đế, na dạ bát nễ hồng phấn tra (3 lần)

Nghĩa là:

Lành thay chiếc tích trượng,
Gốc công đức, trí huệ,
Thọ trì chư chánh pháp,
Sớm lên bờ niết bàn.
Án, na lật thế, na lật thế, na lật tra, bát để, na lật đế, na dạ bát nễ hồng phấn tra (3 lần)

Trên đây là kệ nhận tích trượng. Còn khi dùng đến thì câu chú y như vậy, nhưng câu kệ thì như sau:

Chấp trì tích trượng,
Đương nguyện chúng sanh,
Thiết đại thí hội,
Thị như thiệt đạo.
Nghĩa là:
Cầm giữ tích trượng,
Xin nguyện chúng sanh,
Thiết đại hội thí,
Chỉ đạo như thật.

8. Đãy lọc nước:

Xuất xứ: Ngày khi đức Phật chứng thành đạo quả, ngài dùng huệ nhãn, xem thấy trong nước có vô số vi trùng (cũng là chúng sanh), ngài liền truyền dạy cho hàng đệ tử, nhất là hàng xuất gia đều phải có một cái túi bằng vải để lọc nước trước khi uống.

Định nghĩa: Đạo Phật là đạo từ bi. Đạo Phật tôn trọng mạng sống. Vì khi uống nước mà không dùng đãy lọc nước để lọc thì mắc phải tội ăn thịt chúng sanh. Chúng sanh được tôn trọng, trên từ bậc thánh nhơn chư Tăng, loài người, dưới đến các loài có chân, không chân hay có cánh, không cánh được giữ gìn, bảo vệ mà không nên sát hại.

Bởi thế cho nên, hàng xuất gia phải dùng những vật thực không liên hệ đến mạng sống của chúng sanh. Một khi đã phát tâm xuất gia, đã được thọ giới thì cần phải có đãy lọc nước. Tàu dịch là Lự thủy nang. Khi nhận thọ thì thầm nguyện:

Thiện tai lự thủy nan,
Hộ sanh hành tự cụ,
Xuất nhập thường đới dụng,
Phương hợp Bồ tát đạo.
Án, phạ tất ba ra ma ni tóa ha (3 lần)

Nghĩa là:

Lành thay đãy lọc nước,
Vật bảo trợ mạng sống,
Ra vào thường dùng đến,
Mới hợp đạo Bồ đề.
Án, phạ tất ba ra ma ni tóa ha (3 lần)

9. Ngọa Cụ:

Ngọa tức là nằm. Dụng cụ dùng để ngồi nằm. Quý vị xuất gia thường dùng hằng ngày cho nên trong luật Trường hàng gọi là Nhật dụng.

Ngày xưa khi đức Phật còn tại thế, chư Tăng sống không lập chùa, viện, tịnh thất như ngày nay. Trong tay chỉ có bình bát, ba chiếc y, một tích trượng, một đãy lọc nước và một ngọa cụ mà thôi. Đi đâu mang tất cả những pháp phục ấy theo bên mình.

Ngày nay chư Tăng có chùa, có tòng lâm, có Phật học viện, có tu viện, tịnh thất, … nên ít dùng đến ngọa cụ và tích trượng trừ khi tấn đàn truyền giới và trao giới cho giới tử phát tâm đăng đàn cầu giới pháp để tu. Ngọa cụ cũng được dùng trong lúc đăng đàn chẩn tế, nhưng được gọi là tọa cụ chứ không gọi ngọa cụ như trong luật tiểu. Khi dùng ngọa cụ thì thầm nguyện câu kệ và chú như sau:

Ngọa cũ ni sư đàn,
Trưởng dưỡng tâm miêu tánh,
Triển khai đăng thánh địa,
Phụng trì Như Lai mạng.
Án, a mật lật đế hồng phấn tra (3 lần)

Nghĩa là:

Ngọa cụ (tên) ni sư đàn,
Nuôi lớn lúa tâm tánh,
Mở ra lên đất thánh,
Phụng giử mạng Như Lai,
Án, a mật lật đế hồng phấn tra (3 lần)

Trên đây là những pháp khí và pháp cụ có từ thời đức Phật đã được tổ tổ thừa truyền cho đến ngày nay. Những gì được viết ra trong bài nầy hoàn toàn gần như chỉ dành riêng cho hàng xuất gia, nhưng phải cần cầu giới pháp, có thọ giới và đã đắc giới. Và tùy theo giới mà thọ dụng khác nhau như: Y, Bát, Tích trượng và Ngọa cụ, …. Ngoài ra, những pháp khí khác thì những vị tân xuất gia và Phật tử tại gia đều có thể dùng được như nhau. Vậy bài nầy quý vị nào trong hàng tại gia được phước báo thọ dụng thì cũng nên tuân theo lời Phật dạy để hành trì đúng như pháp; nếu không thông thuộc, nên y chỉ chư Tăng.

Thượng Tọa Thích Tín Nghĩa

http://chuaminhthanh.com/web/phapkhi/p2_articleid/154

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.