Ngày Đầu Măm Đi Lễ Chùa, Hái Lộc Xuân

Đã thành thông lệ của nhiều gia đình Việt, đêm 30 tết, sau khoảnh khắc giao thừa vừa điểm, mọi người bắt đầu chuẩn bị đi lễ chùa, hái lộc, cầu phúc, cầu may cho bản thân, gia đình. Đi chùa đầu năm là việc làm ý nghĩa không thể thiếu và cũng là một nét đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt.

Đi chùa đầu năm là một nét đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt  (ảnh:tienphong)

Ở Việt Nam, đi lễ chùa vào thời khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới được gọi là “Tống cựu nghinh tân” (tiễn năm cũ, đón năm mới). Theo tín ngưỡng của người Việt, đi chùa vào đêm giao thừa để cầu phúc cầu may, để xin Phật, Thần phù hộ độ trì cho bản thân và cho gia đình. Thông thường, sau khi vãn bữa cơm chiều tất niên, những người phụ nữ trong gia đình sẽ chuẩn bị lễ đi chùa. Nải chuối, một lễ trầu cau, thêm mấy đồng tiền mới, xôi hoặc oản… tất cả được bày lên mâm sẵn sàng. Khi đã chuẩn bị xong mâm lễ, các cụ, các bà khăn áo tươm tất đi trước, con dâu, con gái đi sau bê lễ cùng đến một ngôi chùa gần nhà cầu phúc. Cũng có rất nhiều Phật tử cao tuổi thường đến chùa từ sớm để cùng nhà chùa sửa sang, dọn dẹp cho đẹp để đón những du khách đến cửa chùa.

Trong đêm giao thừa, tại các đình, chùa rực sáng ánh của đèn, nến, vào sâu bên trong, hương khói nghi ngút tỏa ra từ các ban thờ. Trong khói hương mờ mịt, tiếng đọc kinh lúc bổng, lúc trầm, tất cả cứ thực thực, hư hư… Ngoài kia, vạn vật như đang dần dần chuyển động tiến về phút giao thời giữa 2 năm. Mọi người chờ đợi đến thời khắc đó rồi chắp tay thành kính và thì thầm lời nguyện cầu cho năm mới. Tất cả đều thành kính cầu trời khấn Phật phù hộ độ trì cho gia đình mình. Người già cầu sức khỏe và bình an cho con cháu, người buôn bán cầu ăn nên làm ra, con trẻ cầu mong học giỏi và thanh niên thì cầu đủ thứ, tiền tài, may mắn, sự nghiệp và cả tình duyên… Ai cũng tin tưởng vào năm mới tốt đẹp vì lời khấn nguyện thành tâm đã đến được các đấng linh thiêng…

Theo quan niệm của người xưa, đi chùa phải mang lộc về tận nhà, mang những điều may mắn khi bước qua cửa. Trước cửa đình, cửa chùa, thường có những cây đa, cây đề, cây si cổ thụ… khách đi lễ vào đêm giao thừa, lúc trở ra sẽ bẻ một nhánh mang về với ngụ ý là lấy lộc của Trời đất Phật Thần ban cho. Lộc là một nhành cây bởi vì người xưa quan niệm, không có loài nào sinh sôi nảy nở và có sức sống mãnh liệt như loài cây. Mỗi độ xuân về, những chồi non nhú lên thể hiện sức sống tràn đầy sinh lực. Mọi người xin lộc đêm giao thừa là để cầu mong có được sức sống dẻo dai, mạnh khỏe và có ích như loài cây.

Đi chùa đầu năm mà hái lộc mang về nhà một cành lộc đẹp chính là mang về những cái mới tốt đẹp, xua đi những điều không may mắn trong năm cũ và tạo đà cho một năm mới đạt được nhiều thành tựu. Cành lộc được chọn thường là loại cây có phong cách, dáng dấp của người quân tử, thể hiện được sự bao dung và nhân ái. Cũng theo phong tục cổ truyền và quan niệm của người xưa, lộc xuân hái từ những cây như đa, sung, xanh, si sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp nhất. Còn hái lộc từ cây tùng, cúc, trúc, mai sẽ mang lại niềm vui, hạnh phúc và sức khỏe cho mọi người trong gia đình. Cành lộc này mang về được treo trước cửa nhà hoặc chưng trên bàn thờ gia tiên cho đến khi tàn khô, với niềm tin lộc hái về trong đêm giao thừa sẽ đem lại may mắn quanh năm.

Tuy nhiên, hiện nay, tục hái lộc đã đổi khác và có những nét mới mang tính tích cực. Những năm gần đây, người đi hái lộc đầu xuân thường hái lộc theo nhiều cách chứ không nhất thiết phải bẻ cành, bứt đọt cây nữa. Đây là việc làm mang nhiều ý nghĩa, để những cành lộc non được đâm chồi, nảy lộc, vươn mình lên giữa mùa xuân của môi trường trong lành. Lộc xuân có thể là mua một vài quả khế, cây mía hoặc một chậu cây nho nhỏ… đem về nhà trong ngày đầu năm.

Người Việt tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Đây cũng là lúc mỗi người tìm về với cội nguồn dân tộc. Bởi vậy, không chỉ đi chùa vào đêm giao thừa và sáng mùng 1 Tết, người Việt còn có phong tục đi chùa du xuân trong tất cả các ngày Tết Nguyên đán.

Nếu đi chùa vào đêm giao thừa mọi người thường chọn đi lễ tại những ngôi chùa gần nhà thì những ngày sau đó họ chọn đi những ngôi chùa ở xa và nổi tiếng linh thiêng để kết hợp đi chùa với du ngoạn cảnh đẹp ngày xuân. Vào những ngày này, các đình, chùa, đền, miếu đều rực sáng ánh đèn, nến, khói hương nghi ngút thơm ngát, người ra vào tấp nập. Người đứng, người ngồi chắp tay tâm niệm, khấn vái trang trọng, thiêng liêng. Thắp được nén nhang, thầm thì xong lời khấn nguyện, mùi khói nhang, sắc màu rực rỡ của đèn, hoa cùng với không gian thanh tịnh của chốn linh thiêng sẽ làm cho lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản. Vì vậy mà đi lễ chùa luôn khiến người ta có tâm thế thong dong.

Lên chùa, hái lộc vào những ngày Tết đã trở thành một thói quen ăn sâu trong tiềm thức người Việt, nhất là ở các vùng nông thôn. Tuy rằng càng ngày việc này đã khác đi nhiều so với ngày xưa nhưng người dân vẫn cố gắng giữ tục lệ này như một điều nên làm mỗi khi năm hết Tết đến. Tất cả những điều đó làm tôn lên vẻ đẹp văn hóa truyền thống của người Việt, tạo nên nét đa sắc trong bức tranh văn hóa Việt Nam.

Hồng Ngọc

Nguồn: cpv.org.vn

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.