Bố tôi là một cựu chiến binh từng chinh chiến ở chính mảnh đất Quảng Trị quê mình. Dù chiến tranh đã đi qua từ lâu lắm rồi, nhưng vết thương ở mạn sườn bên trái vẫn thường dằn vặt bố tôi mỗi khi trái gió trở trời hay lao động nặng nhọc. Nhưng đó chưa hẳn là vết thương duy nhất mà bố có.
Trên tấm thân hao gầy vì năm tháng ấy có không biết bao nhiêu vết sẹo lồi sẹo lõm vì trúng viên đạn, mảnh bom. Bố tôi chẳng quý gì cả, ngoài bộ quần áo bộ đội màu xanh lá đã bạc màu theo thời gian, năm tháng.
Chiếc áo lính cũng như cuộc đời bố, luôn có sự chắp vá để được lành lặn. Mẹ mất, bố quyết định “gà trống nuôi con”. Căn nhà thiếu vắng đi đôi bàn tay của người phụ nữ thật chẳng dễ dàng gì. Bố phải ngày đêm đạp xích-lô để kiếm tiền nuôi tôi ăn học. Dù bận đến đâu, mỗi lần họp phụ huynh ở lớp bố đều có mặt, chỉ “muối mặt” bởi tôi – thằng con hư đốn chẳng chịu học hành.
Hồi tôi còn nhỏ, bố rất hay đi làm xa. Nghe đâu bố đi bốc gạch cho một nhà máy ở trên huyện. Tôi được gửi cho bà ngoại đã già yếu. Vốn dĩ không còn mẹ để chăm sóc, dạy dỗ, lại thiếu vắng đi bóng dáng của người cha, tôi trở thành đứa trẻ khó bảo và ương ngạnh hết sức. Ở nhà, tôi thường phá phách linh tinh đủ thứ. Nào là phá hỏng dăm ba cái remote của ti-vi, khóa nhà trốn đi chơi ngồi quẳng luôn chìa khóa ở đâu chẳng biết,… “Ngốc xít” hơn cả, tôi và thằng Cún bạn thân thường có thú vui “tao nhã” là bắt gián rồi ngắt hết chân đi, cho chúng thi nhau bò… bằng bụng. Cuối cùng thì tay đứa nào đứa nấy đều hôi rình, bị bà mắng suốt mà chẳng chịu… nhét bông lại.
Từ hồi cắp sách đến trường, cái tính quậy phá, nghịch ngợm của tôi có đỡ hơn một chút, nhưng vẫn chưa ăn thua gì. Đến nhỏ lớp trưởng nổi tiếng “hắc xì dầu” cũng phải “bó tay” trước những trò tinh quái của một đứa như tôi. Đó là chưa kể, tôi còn hay đánh lộn với rất nhiều tên bạn cùng lớp đến nỗi bị chảy máu mũi và “mọc núi” trên trán vẫn cứ lì đòn.
Ngày bố về, cũng là một ngày mưa xối xả. Bố khoác tấm áo mưa màu xanh biển, đội chiếc mũ vải rộng vành và khoác trên vai cái ba-lô đã cũ kỹ. Đứng ở cửa trông ra, tôi cứ ngỡ là khách lạ đến nhà. Mãi khi nghe bà giục: “Này Bọ Cậy, gọi bố đi cháu!”, tôi mới sững người nhận ra. Nhưng ngay lúc đó, tôi chưa thể nào bật ra một tiếng gọi “bố ơi” được. Cổ họng cứ nghẹn lại như thể bị mắc xương.
Trước đây, tôi thường hay nghĩ về người bố trong mơ. Đó là một “ông Bụt” thật hiền hòa và luôn biết cách chiều theo mọi sở thích của tôi. Nhưng người bố thực tại thì lại trái ngược hẳn. Ông rất nghiêm khắc và luôn bắt tôi phải sống có khuôn phép, kỷ luật như một chàng lính trẻ. Tôi chán ghét điều đó. Chưa kể, những trận đòn như mưa của bố mỗi lần tôi trót nghịch dại hay đánh lộn với bạn bè luôn là nỗi sợ hãi lớn.
Sau những trận đòn, mông tôi lúc nào cũng chi chít những vết lằn xanh đỏ. Ngoại thương cháu nên cứ ôm tôi mà rơm rớm nước mắt:
– Cha bây, đi học mà không lo học, đánh bạn làm chi cho cha bây đập!
Rồi bà lại cầm chai dầu xoa đều lên những vết lằn đỏ hỏn trên cơ thể tôi.
– Cháu có muốn đánh lộn với bạn bè đâu. Ai bảo chúng nói cháu không có mẹ. Ai bảo chúng nói: “Mày hư quá nên cha mày đi lấy vợ khác rồi!” – Tôi ấm ức kể, tiếng nấc nghẹn ngào trong tiếng khóc.
Nghe vậy, bà xót. Bà thủ thỉ an ủi:
– Cha bây coi dữ rứa thôi, nhưng thương bây lắm! Ổng đập bây cũng vì thương. Bây không biết, cứ oán ổng. Chứ biết đâu ổng khổ tâm lắm, đánh bây xong ngồi buồn rười rượi.
Thấy tôi nằm im, bà hỏi:
– Có biết vì răng cha bây đặt tên bây là Bọ Cậy không?
Tôi không nói, chỉ nhìn bà lắc đầu. Hai mắt còn ướt đẫm.
– Bọ có nghĩa là cha, Cậy là tin tưởng, trông cậy. Cha bây muốn bây sau này lớn lên sẽ trở thành người thông minh, có ích, xứng đáng với lòng tin của ổng…
Giọng bà cứ chầm chậm, êm êm như ru. Tôi vùi đầu vào lòng bà, giả vờ ngủ. Nhưng từng câu, từng tiếng bà nói, tôi đều nghe rõ.
Lúc bà vừa gối đầu xuống ngủ, tôi thoạt nghe tiếng sột soạt rất khẽ ở chiếc rèm trước cửa buồng, không rõ là tiếng gió hay bước chân…
***
Dạo này, bố tôi bỗng hiền như một ông Bụt. Bố hay cười, lại còn ngày ngày chở tôi đến trường trên chiếc xe đạp cũ. Ngồi phía sau lưng bố, tôi cứ có cảm giác ngờ ngợ, bình yên và hạnh phúc.
Cũng chẳng biết tự bao giờ, tôi cảm thấy thương bố y như… thương bà, hoặc có thể hơn thế. Bố không chỉ suốt ngày làm lụng vất vả để nuôi tôi ăn học, mà còn luôn có gắng để đảm nhận thêm vị trí của người mẹ.
Những buổi chiều tà, sau khi đi làm về, bố thường chở tôi ra một bãi đất trống gần sông để tập xe. Một lần, hai lần, rồi ba lần… bị ngã, mắt cá chân của tôi bị trầy xước và rỉ máu. Đến lần thứ tư, thứ năm thì đầu gối và khuỷu tay cũng bị thương. Tôi cứ dặn bố: “Bố ơi, bố hãy luôn ở ngay đằng sau lưng con nhé! Con sợ ngã lắm!”. Bố luôn đáp lại: “Ừ!”, nhưng chỉ một lúc sau là bố lại buông tay.
Có lúc tôi định bỏ cuộc, nhưng bố kịp thời động viên:
– “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”. Hãy cố lên con trai, chắc chắn con sẽ làm được!
Nghe lời bố, tôi quyết tâm tiếp tục tập lái. Lúc đầu tôi đạp xe y như diễn xiếc. Nhưng dần dần, tôi đã có thể tự đi một mình, vững vàng như khi có bố vịn ở phía sau.
Khi thấy bố mệt, tôi hồn nhiên bảo:
– Bố ơi, lên đây để con chở bố về!
Nghe thế, bố cười giòn rồi xoa đầu tôi: “Ông cụ non ơi là ông cụ non!”
***
Ít lâu sau, bố ngã bệnh. Đúng hơn là những vết thương cũ tái phát, làm bố quặn đau. Bà đã già, lại bị lãng tai nên nhiều khi không thể biết bố cần gì. Tôi phải nghỉ học, ở nhà mấy hôm để chăm bố. Biết được, bố vừa mắng vừa lo:
– Con đi học đi! Sắp thi giữa kỳ rồi đấy!
– Không. Con nghỉ học vài hôm chăm bố. Bố đừng đuổi con! – Tôi nghẹn ngào.
– Cái bệnh nó theo bố cả đời, chẳng lẽ con lại ở nhà với bố mãi được sao?
Thấy tôi còn chưa dứt ý định, bố nói nặng:
– Bố nói mày có nghe không? Mặc bố. Ngày mai nhất định mày phải đi học.
Không cãi được lời bố, tôi đành lùi lũi ngồi vào bàn học chuẩn bị bài vở cho ngày mai. Ở đầu giường kia, bố vẫn liên tục trở mình vì những cơn đau quặn thắt…
Hai hôm sau. Trời mưa tầm tã. Lúc vừa về đến nhà, chưa kịp cởi chiếc áo mưa thì tôi nhận được tin dữ. Bố mất. Nghe bà nói, tôi gần như chết đứng. Hai dòng nước mắt nóng hổi tự trào ra, xô nhau rơi xuống.
Bà tôi cũng khóc. Nhưng tiếng khóc bật ra từ người mẹ già mất con không dữ dội. Chỉ kìm nén, thầm lặng thôi, nhưng lòng đau như cắt xé. Bà ôm chầm lấy tôi, nhưng không thể cất lên nổi một tiếng an ủi.
Tôi không muốn tin, cũng không thể tin bố đã đi thật. Có lẽ bố là một ông Bụt đã đến trong đời tôi, giúp tôi sống nên người. Và khi hoàn thành nhiệm vụ, bố sẽ ra đi. Chỉ đơn giản vậy.
Tôi đã quá ích kỷ khi chỉ muốn giữ bố cho riêng mình. Biết đâu đấy, ở một thế giới khác, có đứa trẻ nào đó còn đang cần sự giúp đỡ của “ông Bụt” nghiêm khắc hơn tôi?
Truyện ngắn của Dương Thị Phương
http://giacngo.vn