Giảng Giải Chú Đại Bi – Phần 2

21. Ca ra đế

Ca ra đế dịch là “Bi giả” là người có lòng từ bi rộng lớn, thường cứu giúp chúng sinh thoát khỏi khổ đau và thất vọng. Người mà có thể cứu giúp cho chúng sinh vơi bớt khổ đau là một người “đại bi”. Ca ra đế còn có nghĩa là “tác giả”. Người có thể làm cho đạo nghiệp sinh khởi, giúp cho mọi chúng sinh đều phát tâm bồ – đề, phát nguyện làm những việc khó làm như hành Bồ – tát đạo để tiến tới tựu thành Phật quả.

22. Di hê rị

Di hê rị dịch nghĩa là “Thuận giáo”. Khi quí vị trì tụng đến câu chú này, nghĩa là quí vị tự phát nguyện: “Con nhất quyết thực hành theo hạnh nguyện của Bồ – tát Quán Thế Âm, sẽ giáo hoá cho tất cả chúng sanh. Con nguyện nương theo giáo pháp Ngài đã dạy mà tu hành”.

Di hê rị còn có nghĩa là “Y giáo phụng hành”. Nương theo lời dạy của Bồ – tát Quán Thế Âm cũng như Quán Thế Âm của tự tâm để thực sự tu trì.

23. Ma ha bồ đề tát đoả

Ma ha có nghĩa là “đại” là to lớn.

Bồ – đề có nghĩa là “giác đạo”, là giác ngộ được đạo lý chân chính.

Tát đoả. Hán dịch là “đại dũng mãnh giả”. Câu này có nghĩa chư vị Bồ – tát là người phát tâm đại bồ – đề rất dũng mãnh và phát tâm tu hạnh Bồ đề. Phát bồ đề tâm nghĩa là gieo trồng nhân giác ngộ, tu bồ – đề hạnh là vun trồng, tưới tẩm cho hạnt giống bồ – đề đã gieo được nảy mầm, rồi mới mong gặt được quả giác ngộ, tức là quả vị Vô thượng bồ – đề.

Đây là ý nghĩa của câu chú Ma ha Bồ đề tát đoả. Câu chú này thuyết minh về công hạnh trang nghiêm viên mãn của chư vị Bồ – tát là do định huệ song tu. Khi Định đã lắng trong thì Huệ cũng được chiếu sáng. Khi Huệ đã viên mãn, thì Định viên dung. Vì Bồ – tát Quán Thế Âm đã đạt được định lực viên mãn, nên xuất sinh trí tuệ sáng suốt. Vì Bồ – tát đã đạt được trí tuệ viên mãn, nên Ngài mới đạt được định lực lắng trong. Không có Định thì chẳng có Huệ và không có Huệ thì chẳng đạt được Định. Nên gọi định huệ không hai là vậy.

Do nhờ tu tập vô số công hạnh mà Bồ – tát được trang nghiêm thân tướng nên chư vị không rời bỏ một pháp nào dù nhỏ bé hoặc vô cùng vi tế. Dù một việc thiện nhỏ nhất, cho đến lớn nhất, chư vị Bồ – tát đều hoàn tất chu đáo. Nên kinh có dạy”

“Chớ khinh việc thiện nhỏ mà không làm

Chớ xem thường việc ác nhỏ mà không tránh”.

Các vị Bồ – tát thường siêng năng làm các điều thiện và dứt khoát từ bỏ các việc ác, chư vị phát bồ – đề tâm và đạt được quả vị giác ngộ Vô thượng bồ – đề. Chư vị trang nghiêm pháp thân bằng vô số công hạnh. Chư vị phát đại bi tâm, thực hành đại pháp vô duyên từ tuỳ theo tâm lượng của chúng sinh mà làm Phật sự. Nhưng chính các vị Bồ – tát, tự bản tánh và bản thể của các Ngài không hề gợn một mảy may tướng trạng của chúng sinh tâm. Các Ngài tự thấy mình và toàn thể chúng sinh có đồng một thể tánh, không hề phân hai. Các Ngài không chỉ chịu khổ cho riêng mình, mà ước nguyện giúp cho chúng sinh thoát khỏi mọi khổ luỵ. Dù các Ngài chuyển hoá tất cả mọi sự thống khổ cho chúng sinh mà không hề dính mắc chút nào vào việc mình có độ thoát cho chúng sinh. Các Ngài không bao giờ tự cho rằng:

“Tôi đã cứu độ cho anh rồi, nay anh phải cám ơn tôi. Tôi đã giúp anh thoát khỏi mọi phiền não, anh phải tỏ ra biết ơn tôi”.

Chính vì chư vị Bồ – tát không có tâm niệm như vậy, nên các Ngài mới có thể ứng hiện ba mươi hai thân tướng, để kịp thời đáp ứng mọi tâm nguyện của mọi loài chúng sinh. Chẳng hạn như cần ứng hiện thân Phật để độ thoát chúng sinh, thì chư vị Bồ – tát liến ứng hiện thân Phật để giảng dạy giáo pháp cho chúng sinh khiến họ được giải thoát. Nếu cần thiết hiện thân Bích Chi Phật, thì các Ngài liền ứng hiện thân Bích Chi Phật để giáo hoá chúng sinh, giúp họ được giải thoát. Cũng như vậy, các Ngài có thể ứng hiện thân A la hán, vua chúa… để giúp cho chúng sinh được độ thoát. Chư vị Bồ – tát có khả năng hóa hiện thành ba mươi hai ứng thân để cứu độ các loài chúng sinh. Các Ngài cũng có được mười bốn pháp vô uý và bốn pháp bất khả tư nghì. Đó là bốn loại thần thông diệu dụng không thể nghĩ bàn. Các Ngài đã chứng đạt được quả vị chân thật viên thông, đã thành tựu quả vị Vô thượng bồ – đề. Đó là sự thành tựu quả vị của Bồ – tát Quán Thế Âm.

24. Tát bà tát bà

Tát bà tát bà. Hán dịch là “nhất thiết lợi lạc”. Câu chú này bao hàm cả Bảo thủ nhãn ấn pháp, nghĩa là mang đến mọi thứ lợi lạc cho mọi người.

Bằng cách hành trì ấn pháp này, quí vị có khả năng đem sự an vui lợi lạc đến cho hết thảy mọi loài chúng sinh. Thiên vương, Diêm vương, Quỷ vương đều chấp hành theo người trì tụng ấn chú này. Quí vị bảo họ: “Hãy thả tội nhân này ra” thì Diêm vương liền tức khắc thả ra liền. Vì sao vậy? Vì quí vị đã có được Bảo ấn này.

Bảo ấn này cũng như ấn của vua vậy. Trên chiếu thư có ngọc ấn của vua thì khắp thiên hạ, ai có trách nhiệm gì cũng phải tuân theo chiếu thư mà thi hành, không ai dám chống lại. Với Bảo ấn, quí vị có thể làm lợi lạc, an vui cho mọi loài chúng sinh. Quí vị có thể chỉ bảo cho họ biết sự lợi lạc để phát nguyện hành trì. Và sẽ đạt được sự an lành. Vì vậy nên gọi là “Nhất thiết lợi lạc”.

Người Trung Hoa đều biết có một vị Tiên, biết sử dụng một ấn chú gọi là “Phiên thiên ấn”. Người con của Quảng Thành vương cũng có một phiên thiên ấn. Chính là ấn này vậy. Đạo Lão gọi là “Phiên thiên ấn”. Bồ – tát Quán Thế Âm gọi là “Bảo ấn”.

Nếu quí vị dụng công hành trì thì nhất định sẽ thành tựu Bảo ấn này. Khi thành tựu rồi, nếu có người vừa mới chết hoặc sắp chết, quí vị chỉ cần trì ấn này vào một tờ giấy, và viết vài dòng cho Diêm vương: “Hãy tha cho người này sống lại ngay. Hãy tha cho anh ta trở về dương gian”. Diêm vương không dám từ chối. Diệu dụng của Bảo ấn có thể giúp cho người chết sống lại. Nhưng để sử dụng được Bảo ấn này, trước hết quí vị phải thành tựu công phu tu tập đã. Nếu công phu chưa thành tựu thì chẳng có kết quả gì.

Thế nào nghĩa là thành tựu công phu tu hành? Cũng giống như đi học. Trước hết, quí vị phải vào tiểu học, rồi lên trung học, rồi thi vào đại học. Rồi cuối cùng có thể được học vị Tiến sĩ.

Tu tập để thành tựu Bảo ấn này cũng như đạt được học vị Tiến sĩ vậy. Nhưng tạm ví dụ vậy thôi, chứ Bảo ấn này không có gì so sánh được.

Tát bà tát bà nghĩa là “lợi lạc cho tất cả mọi loài chúng sinh”. Quí vị thấy sự diệu dụng vô biên đến như thế. Nên gọi ấn này là Bảo ấn. Nếu quí vị muốn sử dụng được Bảo ấn này thì phải công phu tu trì qua cả bốn mươi hai thủ nhãn. Tát bà tát bà chỉ là một trong bốn mươi hai ấn pháp ấy mà thôi.

Có người nghe tôi giảng như vậy sẽ khỏi nghĩ rằng: “Ta sẽ tu tập Bảo ấn này ngay để bất kỳ lúc nào có người sắp chết, ta sẽ sử dụng ấn này, ra lệnh cho Diêm vương không được bắt người ấy chết”. Quí vị cứ thực hành, quí vị có thể giúp người kia khỏi chết, như ng đến khi quí vị phải chết, thì chẳng có người nào giúp quí vị thoát khỏi chết bằng Bảo ấn này cả.

Tôi đã có dịp sử dụng ấn này hai lần. Một lần ở Mãn Châu và một lần ở Hương Cảng. Lần ở Mãn Châu là trường hợp cứu một người sắp chết. Người này chắc chắn sẽ chết nếu tôi không sử dụng Bảo ấn này. Vào một chiều trời mưa ngày 18 tháng 4 âm lịch. Một người tên là Cao Đức Phúc đến chùa Tam Duyên, nơi tôi đang ngụ. Anh ta quỳ trước tượng Phật, cầm một cây dao bọc trong giấy báo, chuẩn bị sẵn sàng chặt tay để cúng dường chư Phật. Quí vị nghĩ sao? Anh ta khôn ngoan hay không? Dĩ nhiên là quá ngu dại. Tuy nhiên sự ngu dại của anh ta lại xuất phát từ lòng hiếu đạo. Quí vị biết không. Mẹ anh ta bị bệnh trầm trọng gần chết. Do vì thường ngày mẹ anh ta nghiện thuốc phiện nặng. Nhưng bệnh bà quá nặng đến mức hút thuốc phiện cũng không được nữa. Bà ta nằm co quắp, chẳng ăn uống gì. Đầu lưỡi đã trở sang màu đen, môi miệng nứt nẻ. Bác sĩ Đông, Tây y đều bó tay, không hy vọng gì còn chữa trị được. Nhưng người con trai của bà nguyện: “Lạy Bồ – tát rất linh cảm, con nguyện đến chùa Tam Duyên chặt tay cúng dường chư Phật. Với lòng chí thành, con nguyện cho mẹ con được lành bệnh”.

Ngay khi chàng trai sắp chặt tay, có người nắm tay anh ta lôi lại đằng sau rồi nói: “Anh làm gì thế, anh không được vào đây mà tự sát”.

Anh ta trả lời:

– “Tôi chỉ chặt tay cúng dường chư Phật, cầu nguyện cho mẹ tôi được lành bệnh. Ông đừng cản tôi”.

Chàng trai chống lại, nhưng người kia không để cho anh ta chặt tay nên liền cho người báo cho Hoà thượng trụ trì biết. Hoà thượng cũng không biết phải làm sao, Ngài liền phái cư sĩ Lý Cảnh Hoa, người hộ pháp đắc lực của chùa đi tìm tôi.

Dù lúc ấy, tôi vẫn còn là chú Sa – di. Tôi được giao nhiệm vụ như là tri sự ở chùa Tam Duyên, chỉ dưới Hoà thượng trụ trì. Tôi chỉ là một chú tiểu, nhưng không giống như những chú tiểu cùng ăn chung nồi, cùng ngủ chung chiếu. Tôi thức dậy trước mọi người và ngủ sau tất cả mọi người. Tôi làm những việc mà không ai muốn làm và chỉ ăn một ngày một bữa trưa, không ăn phi thời. Tu tập chính là sửa đổi những sai lầm vi tế. Nếu khi chưa chuyển hoá được những lỗi lầm nhỏ nhặt ấy, có nghĩa là mình còn thiếu năng lực trong công phu.

Hoà thượng trụ trì giao việc đó cho tôi. Tôi liền đến bạch Hoà thượng:

– “Phật tử đến cầu Hoà thượng cứu giúp. Nay Hoà thượng lại giao cho con. Hoà thượng làm cho con thật khó xử”.

Hoà thượng trụ trì bảo:

– “Con hãy đem lòng từ bi mà cứu giúp họ”.

Hoà thượng dạy những lời rất chí lý. Tôi vốn chẳng ngại khó nhọc, nên khi nghe những lời đó, tôi rất phấn khích, tôi thưa:

– Bạch Hoà thượng, con sẽ đi.

Tôi bảo chàng trai:

– Anh hãy về nhà trước, tôi sẽ theo sau.

Anh ta nói:

– Nhưng thầy chưa biết nhà con?

Tôi đáp:

– Đừng bận tâm về tôi. Hãy cứ về nhà trước.

Lúc ấy là vào khoảng năm giờ chiều, mặt trời vừa xế bóng. Anh ta đi theo đường lộ chính, còn tôi đi theo đường mòn. Nhà anh ta cách chùa chừng sáu dặm. Anh ta quá đỗi sửng sốt khi về đến nơi, anh ta đã thấy tôi ngồi đợi anh trong nhà.

– Bạch thầy, sao mà thầy biết nhà con mà đến sớm thế?

Tôi nói:

– Có lẽ anh vừa đi vừa chơi, hoặc anh ham xem bóng đá hay truyền hình gì đó.

Cậu ta đáp:

– Thưa không, con cố hết sức đi thật nhanh để về nhà.

Tôi nói:

– Có lẽ xe đạp của anh đi không được nhanh như xe tôi, nên tôi đến trước.

Ngay khi vào thăm bà mẹ, tôi thấy không thể nào cứu sống bà ta được. Nhưng tôi vẫn quyết định cố gắng hết sức để cứu bà. Tôi dùng Bảo ấn viết mấy dòng:

“Chàng trai này có tâm nguyện rất trí thành, nguyện chặt tay cúng dường chư Phật để cứu mẹ sống. Tôi đã ngăn cản anh ta chặt tay. Bằng mọi cách, xin cho mẹ anh ta được sống”.

Tôi gửi Bảo ấn đi, sáng hôm sau bà ta vốn đã nằm bất động suốt bảy, tám ngày nay, chợt ngồi dậy gọi con trai bằng tên tục.

– Phúc ơi… Phúc ờ… mẹ đói quá, cho mẹ tí cháo…

Chàng trai suốt bảy, tám ngày nay không nghe mẹ gọi. Nay cực kỳ vui sướng. Anh ta chạy đến bên giường nói với mẹ:

– Mẹ ơi, mẹ đã nằm liệt giường suốt tám ngày nay. Nay mẹ khoẻ rồi chứ?

Bà ta trả lời:

– Chẳng biết bao lâu nữa. Mẹ bị rượt chạy trong một cái hang tối đen thăm thẳm không có ánh sáng mặt trời, mặt trăng ánh sao hay đèn đuốc gì cả. Mẹ chạy và cứ chạy hết ngày này qua ngày khác để tìm đường về nhà mình. Mẹ có kêu, nhưng chẳng ai nghe. Cho đến đêm hôm qua, mẹ mới gặp một vị sư khổ hạnh mang y cà sa đã mòn cũ, vị này đã dẫn mẹ về nhà… Con cho mẹ ăn tí cháo loãng để cho đỡ đói.

Người con nghe mẹ nói đến vị sư, liền hỏi:

– Nhà sư mẹ gặp dung mạo như thế nào?

Bà đáp:

– Ngài rất cao. Nếu mẹ được gặp lại, mẹ sẽ nhận ra ngay.

Lúc đó tôi đang nghỉ trên giường. Anh ta liền đến bên tôi, chỉ cho mẹ và hỏi:

– Có phải vị sư này không?

Bà nhìn tôi chăm chú rồi kêu lên:

– Đúng rồi, chính thầy là người đã đưa mẹ về nhà.

Lúc đó, toàn gia quyến chừng mười người, gồm cả già trẻ, đều quỳ xuống trước mặt tôi thưa:

– Bạch Thầy, Thầy đã cứu mẹ con sống lại. Nay toàn gia đình chúng con cầu xin được quy y thọ giới với Thầy. Bất luận nhà chùa có việc gì, con nguyện đem hết sức mình xin làm công quả, và tuân theo lời chỉ dạy của Thầy để tu hành.

Về sau, dân cả làng này đều đến chùa xin quy y và cầu xin tôi chữa bệnh cho họ. Tôi bảo:

– Tôi chỉ có phép chữa bệnh bằng cách đánh đòn. Quí vị có chịu thì tôi chữa.

Họ đồng ý và tôi phải chữa. Có nghĩa là bắt người bệnh nằm xuống, đánh một người ba hèo bằng cái chổi tre. Đánh xong, tôi hỏi:

– Đã hết bệnh chưa?

Thật là ngạc nhiên. Họ lành bệnh thật!

Đó là một chuyện phiền phức xảy ra ở Mãn Châu. Lần thứ 2 tôi dùng Bảo ấn này là ở Hương Cảng. Khi bố của cô Madalena Lew 79 tuổi bị bệnh. Các vị bói toán đều bảo rằng ông ta chắc chắn sẽ qua đời trong năm nay. Ông ta đến gặp tôi xin quy y Tam Bảo để cầu nguyện gia hộ cho ông được sống thêm ít năm nữa.

Ông thưa:

– Bạch Thầy. Xin Thầy giúp cho con được sống thêm một thời gian nữa.

Tôi bảo:

– Thế là ông chưa muốn chết. Tôi sẽ giúp cho ông sống thêm 12 năm nữa? Được chưa?

Ông rất mừng vội đáp:

– Thưa vâng, được như thế thật là đại phúc.

Rồi tôi chú nguyện cho ông ta và ông ta được sống thêm 12 năm nữa.
Tuy nhiên, quí vị không nên dùng ấn pháp này để giúp cho người ta khỏi chết hoặc là cứu họ sống lại khi họ đã chết rồi. Nếu quí vị làm như vậy, quí vị trở nên đối đầu với Diêm vương. Lúc ấy Diêm vương sẽ nói:

– Được rồi. Thầy đã giúp cho người ta khỏi chết, nay Thầy phải thế mạng.

Đến khi quí vị gặp cơn vô thường; chẳng có ai dùng Bảo ấn này để giúp được cả. Nếu quí vị nghĩ rằng mình có thể sử dụng Bảo ấn để cứu mình khỏi chết là quí vị lầm. Diệu dụng của ấn pháp cũng giống như lưỡi dao, tự nó không thể cắt đứt được chuôi dao của chính nó. Nên khi quí vị gặp bước đường cùng, thì cũng giống như chuyện vị Bồ – tát bằng đất nung:

Bồ Tát bằng đất nung đi qua biển.

Khó lòng giữ thân được vẹn toàn.

Vậy nên nếu quí vị dù đã thông thạo trong khi sử dụng ấn pháp này, cũng phải công phu hành trì thêm. Vì lý do này mà tôi ít để ý đến việc riêng của người khác nữa.

25. Ma ra ma ra

Hai câu chú này, Hán dịch là “tăng trưởng”. Cũng có nghĩa là “như ý” hoặc “tuỳ ý”. Đó là công năng của Như ý Châu thủ nhãn, làm tăng trưởng phước huệ, làm cho mọi việc đều được tốt lành như ý.

“Như ý” nghĩa là tuỳ thuận với tâm nguyện mà được đáp ứng.

Quí vị có thấy lợi ích vô biên của ấn pháp này không? Vì vậy nên công năng ấn pháp này là thứ nhất trong bốn mươi hai thủ nhãn ấn pháp. Diệu dụng của Như ý Châu thủ nhãn vượt ngoài sự diễn tả bằng ngôn ngữ.

Nếu quí vị muốn giàu có, hãy hành trì theo thủ nhãn ấn pháp này. Một khi đã thành tựu rồi, thì quí vị sẽ có được mọi thứ và không còn bận tâm vì nghèo khổ nữa. Quí vị luôn luôn giàu có và được vô lượng phước lạc.

26. Ma hê ma hê rị đà dựng

Ma hê ma hê. Hán dịch là “Vô ngôn cực ý”

“Vô ngôn” nghĩa là không cần phải nói nữa.

“Cực ý” có nghĩa là ý niệm kia đã đạt đến chỗ tối thượng, đã đạt chỗ vi diệu rồi.

Ma hê ma hê cũng còn có thể dịch là “tự tại”. Tự tại như Đại Phạm Thiên Vương: không buồn, không phiền, không lo, không giận. Suốt ngày đều được tự chủ và an vui.
Đây là “ngũ sắc vân thủ nhãn”. Khi biết ấn này, sẽ làm lưu xuất ra mây lành ngũ sắc, và hành giả sẽ đạt được năng lực tự tại phi thường. Diệu dụng và năng lực tự tại của ấn pháp này thực là vô lượng vô biên.

Rị đà dựng là “Thanh Liên Hoa thủ nhãn”. Có nghĩa là “Liên hoa tâm”. Khi quí vị hành trì ấn pháp này thành tựu, sẽ được mùi hương hoa sen xanh toả ra, và được mười phương chư Phật tán thán. Sự vi diệu thật khó có thể nghĩ bàn. Đúng là:

Pháp Phật cao siêu thật nhiệm mầu

Trăm ngàn ức kiếp khó tìm cầu!

27. Cu lô cu lô yết mông

Cu lô cu lô. Hán dịch là “tác pháp”, hoặc dịch là “tác dụng trang nghiêm”, lại còn có nghĩa là “xuy loa giải giới”. Đây ta chính là Bảo loa thủ nhãn ấn pháp.

Nay chúng ta đang sống trong thời mạt pháp. Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần trì tụng chú Đại Bi là khế hợp với chân tinh thần Phật pháp rồi, nhưng thực ra không phải thế. Chú Đại Bi là gọi thay cho bốn mươi hai thủ nhãn ấn pháp và diệu dụng của chú Đại Bi là diệu dụng của bốn mươi hai thủ nhãn ấn pháp, đó chính là toàn thể của chú Đại Bi. Nếu quí vị chỉ biết trì niệm chú Đại Bi mà không hành trì bốn mươi hai thủ nhãn ấn pháp thì như người có tay mà không có chân, nên không thể đi được. Mặt khác, nếu quí vị chỉ biết hành trì bốn mươi hai thủ nhãn ấn pháp mà không trì niệm chú Đại Bi thì cũng như người có chân mà không có tay, không làm gì được cả. Cũng vô dụng mà thôi. Vậy nên để liễu triệt chú Đại Bi, trước hết quí vị phải thông đạt bốn mươi hai thủ nhãn ấn pháp rồi phải trì tụng chú Đại Bi nữa, mới được gọi là người thành tựu rốt ráo diệu pháp này của chư Phật.

Không phải chỉ vừa mới nghe pháp sư giảng về chú Đại Bi xong rồi liền nói:
– “à! Tôi đã hiểu được câu chú đó nghĩa là gì rồi”.

Hiểu như thế cũng chẳng ích lợi gì cả. Cũng giống như người có thân thể nhưng chẳng có tay chân gì cả. Quí vị đã có đủ cả thân thể, tay chân, phải giúp cho chúng hoạt động phối hợp với nhau mới làm nên phước đức được.

Bảo loa thủ nhãn ấn pháp là dùng để tác pháp khi quý vị kiến lập đạo tràng, quý vị nên dùng Bảo loa ấn pháp này. Khi quý vị tác pháp này thì những âm thanh vang lên tận cõi trời, thấu tận địa ngục. Khắp cõi nhân gian, và khắp mọi nơi đều có ảnh hưởng. Bất kỳ mọi nơi nào nghe đến âm thanh này đều ở trong sự điều khiển của người trì ấn pháp. Các loài yêu ma quỷ quái đều phải tuân phục, không thể xâm hại. Đây còn gọi là sự kiết giới.
ấn pháp này còn gọi là “tác dụng trang nghiêm”. Có nghĩa là dùng cơn lốc quang minh tâm lực của Bảo loa ấn pháp sẽ tạo nên một pháp âm vi diệu, khiến cho đất bằng hoá thành vàng ròng, đều được trang nghiêm bằng bẩy thứ châu báu. Thật là vi diệu khó thể nghĩ bàn. Quý vị Phật tử đang tu học Phật Pháp nên biết rằng trong 300 năm trở lại đây, không có ai hành trì được bốn mươi hai thủ nhãn ấn pháp và cũng chẳng có ai thông hiểu được các ấn pháp này.

Nay chúng ta đã hiểu được chú Đại Bi, chúng ta nên chí thành và phát tâm kiên cố hành trì bốn mươi hai thủ nhãn ấn pháp này. Rồi sẽ có được diệu dụng.

Yết mông là tiếng Phạn, vốn là ngôn ngữ của Đại phạm thiên, chứ không phải là ngôn ngữ của ấn Độ, nhưng văn pháp ngôn ngữ ấn Độ cũng căn cứ trên ngôn ngữ của Đại phạm thiên.

Yết mông là tiếng Phạn. Hán dịch là “biện sự”, cũng dịch là “công đức”. Có nghĩa là làm tất cả mọi việc có công đức lợi lạc cho mọi người. Làm việc lợi lạc công đức cho mọi người cũng chính là tạo công đức cho chính mình. Bồ – tát thực hành hạnh tư lợi và lợi tha, tự giác ngộ giải thoát cho mình và giác ngộ giải thoát cho người khác.

Câu chú này nói đến sự thực hành lục độ và vạn hạnh. Đó chính là Bạch Liên Hoa thủ nhãn ấn pháp. Hãy tưởng tượng quí vị đang cầm trong tay đoá hoa sen trắng. Tay quí vị cầm cành hoa sen và miệng trì niệm chú Yết mông yết mông…

Không những quí vị trì tụng chú mà còn hành trì mật ấn. Khi trì tụng cả hai pháp này, quí vị mới có thể tạo nên mọi công đức. Khi quí vị trì tụng chú Đại Bi, đồng thời cũng thông hiểu được cách hành trì bốn mươi hai thủ nhãn ấn pháp thì quí vị mới có thể thành tựu lục độ vạn hạnh. Diệu dụng bất khả tư nghì, không bao giờ nói hết được. Nếu có thể nói được chỗ nhiệm mầu ấy thì nó phải có ngần mé. Mà những điều mầu nhiệm thì không có hạn lượng, không có chỗ khởi đầu và kết thúc. Với sự trì niệm Yết mông, quí vị có thể thành tựu được vô lượng công đức. Trong nhiều đời sau, quí vị mãi mãi được trang nghiêm bởi hương thơm của hoa sen trắng và luôn luôn được hộ trì.

Sự vi diệu, mầu nhiệm của chú Đại Bi dù có tán thán cũng không bao giờ hết, không bao giờ cùng tận.

28. Độ lô độ lô, phạt già ra đế

Độ lô độ lô. Hán dịch là “độ hải” nghĩa là vượt qua biển khổ sinh tử. Còn dịch nghĩa “minh tịnh”.

Khi đã vượt qua biển khổ sinh tử rồi, quí vị sẽ đạt được trí tuệ sáng suốt, chứng nhập bản thể thanh tịnh, đến được bờ bên kia, tức thể nhập Niết Bàn. Từ trong bản thể sáng suốt thanh tịnh ấy, trí tuệ sẽ được lưu xuất, quí vị sẽ hiểu rõ được tất cả mọi pháp môn, chắc chắn quí vị sẽ chấm dứt được vòng sinh tử. Với đại định, tâm quí vị hoàn toàn thanh tịnh. Đó là định lực, khi quí vị có được định lực chân chánh thì có thể vãng sanh ở cõi tịnh độ tươi sáng, đó là thế giới Cực Lạc.

Đây là Nguyệt Tịnh Ma Ni thủ nhãn ấn pháp, là diệu pháp Đà – la – ni do Bồ – tát Nguyệt Quang tuyên thuyết. ấn pháp Nguyệt Tịnh thủ nhãn này có công năng đưa mọi người đến chỗ sáng suốt và an lạc.

Phạt già ra đế là Bàng Bi thủ nhãn ấn pháp.

Phạt Già Ra đế. Hán dịch là “Quảng bác trang nghiêm”, còn có nghĩa là “Quảng đại”. Cũng dịch là “độ sinh tử”. Nếu quí vị tu tập hành trì Bàng Bi thủ nhãn ấn pháp này thì quí vị có thể vượt qua biển khổ sinh tử, có nghĩa là giải thoát. Nếu quí vị không công phu hành trì ấn pháp bàng bi thủ nhãn này, thì không thể nào vượt thoát bể khổ sinh tử, đến bờ giải thoát, niết bàn được.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.