Kinh Thủ Lăng Nghiêm – Quyển 1 – 2

ĐOẠN VI – CHẤP TÂM HỢP VỚI CHỖ NÀO THÌ LIỀN CÓ Ở CHỔ ẤY

Ông A-nan bạch Phật: ” Tôi thường nghe Phật chỉ-dạy tứ-chúng: Do tâm sinh nên các thứ pháp sinh, do pháp sinh nên các thứ tâm sinh. Nay tôi suy-nghĩ thì tức cái thể suy-nghĩ đó thật là tâm-tính của tôi, hễ hợp với chỗ nào thì tâm liền có ở chỗ đó, chứ không phải ở trong, ở ngoài hay ở chặng giữa”.

Phật bảo ông A-nan: “Nay ông nói rằng : Do pháp sinh nên các thứ tâm sinh, hễ hợp với chỗ nào thì tâm liền có ở chỗ đó. Cái tâm ấy nếu không có tự-thể thì không thể hợp được; chứ còn nếu không có tự-thể mà vẫn hợp được thì giới thứ 19 cùng trần thứ 7 hợp lại được hay sao? Nghĩa ấy quyết không đúng. Còn nếu có tự-thể thì trong khi ông lấy tay tự gãi thân ông, cái tâm biết gãi của ông ở trong thân ra hay từ bên ngoài vào? Như ở trong thân ra thì lại phải thấy bên trong, còn như từ ngoài vào thì trước hết phải thấy cái mặt”.

Ông A-nan bạch Phật: ” Thấy là con mắt, còn tâm thì biết chứ không phải thấy như con mắt; nói tâm thấy là không đúng nghĩa”.

Phật dạy: ” Nếu con mắt thấy được thì khi ông ở trong phòng, cái cửa có thấy được không? Lại những người chết rồi, vẫn còn con mắt, lẽ ra phải thấy được vật; mà nếu thấy được vật thì sao gọi là chết. A-nan, lại nếu cái tâm hay-biết của ông phải có tự-thể thì có một thể hay có nhiều thể? Nay tâm ở nơi thân ông, thể ấy cùng khắp cả mình hay không cùng khắp? Nếu tâm có một thể thì ông lấy tay gãi một chi, lẽ ra cả tứ chi đều biết; mà nếu đều biết thì lại không biết gãi ở chỗ nào. Nếu biết chỗ gãi thì cái thuyết một thể của ông tự-nhiên không thể thành-lập được. Nếu như có nhiều thể thì thành ra nhiều người, còn biết cái thể nào là thể của ông. Nếu cái thể ấy cùng khắp cả mình thì lại như trước kia, không biết được chỗ gãi. Nếu còn như không cùng khắp thì khi ông chạm trên đầu, đồng-thời cũng chạm dưới chân, hễ đầu có biết, lẽ ra chân phải không biết, nhưng hiện nay ông lại không phải như thế. Vậy nên biết rằng hễ hợp với chỗ nào, tâm liền có ở chỗ đó, thật không có lẽ nào như vậy”.

ĐOẠN VII – CHẤP TÂM Ở CHẶNG GIỮA

Ông A-nan bạch Phật: “Thưa Thế-tôn, trong khi Phật nói thật-tướng với các vị pháp-vương-tử như ngài Văn-thù, tôi có nghe đức Thế-tôn cũng dạy rằng: Tâm không ở trong, cũng không ở ngoài. Theo ý tôi nghĩ: Tâm ở trong thân, sao lại không thấy bên trong; tâm ở ngoài thân thì thân và tâm không cùng biết. Vì tâm không biết bên trong nên không thể nói tâm ở trong thân, vì thân và tâm cùng biết nên nói tâm ở ngoài cũng không đúng lý. Nay thân và tâm cùng biết, lại tâm không thấy được bên trong thân thì tâm phải ở chặng giữa”.

Phật bảo ông A-nan: “Ông nói “ở chặng giữa” thì cái giữa ấy chắc không lẫn-lộn và không phải không có chỗ. Nay ông nhận-định cái giữa ấy ở chỗ nào, ở nơi cảnh hay ở nơi thân? Nếu ở nơi thân mà ở một bên thì không phải là giữa; còn nếu ở giữa thân thì cũng như ở trong thân. Nếu cái giữa ở nơi cảnh thì có thể nêu ra được hay không thể nêu ra được? Không nêu ra được thì cũng như không có cái giữa, còn nêu ra được thì lại không nhất-định ở giữa. Vì sao? Ví như có người lấy một cây nêu, nêu một chỗ làm cái giữa, thì phương Đông trông qua, cái nêu lại ở phương Tây; phương Nam nhìn ra, cái nêu thành ở phương Bắc. Cái giữa nêu ra đã lẫn-lộn thì tâm phải rối-bời, không rõ ở đâu”.

Ông A-nan bạch Phật: “Cái giữa của tôi nói, không phải hai thứ ấy. Như đức Thế-tôn thường dạy: Nhãn-căn và sắc-trần làm duyên, phát-sinh nhãn-thức. Nhãn-căn có phân-biệt, sắc-trần không hay-biết, nhãn-thức sinh ra ở giữa thì tâm ở chỗ đó”.

Phật dạy: “Nếu tâm ông ở giữa căn và trần thì cái thể tâm ấy gồm cả hai bên hay không gồm cả hai bên? Nếu gồm cả hai bên thì ngoại-vật và tâm-thể xen-lộn, còn biết tâm là gì? Ngoại-vật không phải có biết như tâm-thể; bên có biết, bên không biết, trái hẳn lẫn nhau thì lấy cái gì làm cái ở giữa? Gồm cả hai bên cũng không được và nếu không phải có biết và cũng không phải không biết thì tức là không có thể-tính, lấy gì làm cái tướng ở giữa. Vậy nên biết rằng ông nói cái tâm phải ở chặng giữa, thật không có lẽ nào như vậy”.

ĐOẠN VIII – CHẤP TÂM KHÔNG DÍNH-DÁNG VÀO ĐÂU TẤT-CẢ

Ông A-nan bạch Phật: “Thưa Thế-tôn, trước đây tôi thấy Phật cùng chuyển pháp-luân với 4 vị đại-đệ-tử là Đại-mục-liên, Tu-bồ-đề, Phú-lâu-na, Xá-lỵ-phất, Phật thường dạy: Cái tính của tâm hay-biết cũng chẳng ở trong, cũng chẳng ở ngoài, cũng chẳng ở chặng giữa, chẳng ở chỗ nào cả, không dính-dáng vào đâu tất-cả thì gọi là tâm. Vậy tôi lấy cái không dính-dáng của tôi mà gọi là tâm, có được chăng?”.

Phật bảo ông A-nan: “Ông nói tính của tâm hay-biết, không ở đâu cả. Vậy các vật-tượng thế-gian như hư-không và các loài thủy, lục, không, hành, gọi là tất-cả sự-vật mà ông không dính-dáng vào, là có hay là không có? Không, thì đồng như lông rùa, sừng thỏ, còn gì mà không dính-dáng? Đã có cái không dính-dáng thì không thể gọi là không. Không có tướng thì là không, không phải không thì có tướng; có tướng thì có chỗ ở, làm sao lại không dính-dáng được. Vậy nên biết rằng ông nói cái không dính-dáng vào đâu tất-cả gọi là tâm hay-biết, thật không có lẽ nào như vậy”.

MỤC II – CHỈ RÕ TÍNH-THẤY

ĐOẠN I – CẦU ĐI ĐẾN CHO CHÂN-THẬT

Khi bấy giờ ông A-nan, ở trong đại-chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trật vai áo bên phải, đầu gối bên phải chấm đất, chấp tay cung-kính mà bạch Phật rằng: “Tôi là em rất nhỏ của Như-lai, nhờ Phật thương-yêu, nay tuy được xuất-gia, còn ỷ-lại nơi lòng thương của Phật. Vì vậy nên tôi học rộng nghe nhiều mà chưa chứng-quả vô-lậu, không uốn-dẹp được chú Sa-tỳ-cà-la, bị nó bắt phải vào nhà dâm-nữ; nguyên-do là vì không biết đường tu-tập đi đến chỗ chân-thật. Cầu xin Thế-tôn đại từ thương-xót, chỉ-dạy cho chúng tôi đường tu Xa-ma-tha, cũng khiến cho những ngưòi không tin trừ-bỏ những tư-tưởng xấu”.

Ông A-nan nói như vậy rồi, năm vóc gieo xuống đất, cùng với đại-chúng, hết lòng mong được nghe lời Phật dạy.

ĐOẠN II  – PHÓNG HÀO-QUANG NÊU RA TÍNH-THẤY VIÊN-MÃN SÁNG-SUỐT

Khi bấy giờ đức Thế-tôn, từ trước mặt, phóng ra các thứ hào-quang, hào-quang ấy chói sáng như trăm nghìn mặt trời, khắp các thế-giới chư Phật, sáu thứ rung-động, như thật các cõi nước mười phương, nhiều như vi-trần, hiện ra trong một lúc. Oai-thần của Phật khiến các thế-giới  hợp lại thành một thế-giới. Trong thế-giới nầy, tất-cả các vị Bồ-tát hiện có, đều an-trụ nơi nước mình, chấp tay vâng nghe lời Phật dạy.

ĐOẠN III – CHỈ HAI THỨ CỖI-GỐC ĐỂ PHÂN-BIỆT MÊ VÀ NGỘ.

Phật bảo ông A-nan: “Tất-cả chúng-sinh từ vô-thủy đến nay điên-đảo nhiều cách, giống nghiệp tự-nhiên nhóm lại như chum quả ác-xoa. Những người tu-hành không thành được đạo vô-thượng Bồ-đề, đến nỗi lại thành Thanh-văn, Duyên-giác hoặc thành ngoại-đạo, chư Thiên, Ma-vương hay bà con Ma, đều do không biết hai chữ cỗi-gốc, tu-tập sai-lầm, cũng như nấu cát mà muốn thành cơm, dầu trải qua nhiều kiếp như vi-trần, rốt-cuộc vẫn không thể thành được. Thế nào là hai thứ cỗi-gốc? A-nan, một là cái cỗi-gốc sống chết vô-thủy, tức như ông ngày nay cùng các chúng-sinh dùng cái tâm phan-duyên mà làm tự-tính. Hai là cái thể bản-lai thanh-tịnh Bồ-đề Niết-bàn vô-thủy thì như hiện nay cái tính bản-minh thức-tính của ông, sinh ra các duyên ma lại bị bỏ rơi. Do các chúng-sinh bỏ rơi cái bản-minh ấy nên tuy cả ngày sống trong tính bản-minh mà không tự-giác, oan-uổng vào trong lục đạo.

ÐOẠN IV – NƯƠNG CÁI THẤY, GẠN-HỎI CÁI TÂM

A-nan, nay ông muốn biết đường tu Xa-ma-tha ra khỏi sống chết, tôi lại hỏi ông :

Liền đó đức Như-lai giơ cánh tay kim-sắc, co năm ngón tay, bảo ông A-nan : «Ông có thấy không?»

Ông A-nan bạch Phật : «Thấy».

Phật bảo: “Ông thấy cái gì?”

Ông A-nan bạch: “Tôi thấy Như-lai giơ cánh tay, co ngón tay thành nắm tay sáng-ngời, chói tâm và con mắt của tôi”.

Phật bảo: “Ông đem cái gì mà thấy?”.

Ông A-nan bạch: “Tôi cùng đại-chúng đều đem con mắt mà thấy”.

Phật bảo ông A-nan: “Ông trả-lời tôi rằng Như-lai co ngón tay làm thành nắm tay sáng-ngời, chói tâm và con mắt của ông; con mắt ông thì thấy được, còn ông lấy cái gì làm tâm để đối với cái nắm tay chói-sáng của tôi?”.

Ông A-nan bạch: “Như-lai hiện nay gạn-hỏi tâm ở chỗ nào, tôi thì dùng tâm suy-nghĩ tìm-xét: Tức cái biết suy-nghĩ ấy, tôi lấy nó làm tâm”.

ÐOẠN V – CHỈ CÁI BIẾT SUY-XÉT CÓ THỂ-TÍNH.

Phật bảo: “Sai rồi, A-nan, cái ấy không phải là tâm của ông”.

Ông A-nan giựt-mình, rời chỗ ngồi, chấp tay đứng dậy bạch Phật: “Cái ấy không phải là tâm tôi thì gọi là cái gì?”

Phật bảo ông A-nan: “Cái ấy là cái tưởng-tượng những tướng giả-dối tiền-trần, nó làm mê-lầm chân-tính của ông. Do từ vô-thủy cho đến đời này, ông nhận tên giặc ấy làm con, bỏ mất tính bản-lai thường-trụ nên phải chịu luân-hồi”.

Ông A-nan bạch Phật: “Thưa Thế-tôn, tôi là em yêu của Phật, vì tâm yêu Phật nên tôi xuất-gia. Tâm tôi chẳng những cúng-dường đức Như-lai, mà còn trải qua hằng-sa quốc-độ, thừa-sự chư Phật và các vị thiện-tri-thức; phát-lòng đại-dũng-mãnh, làm tất-cả những pháp-sự khó làm, là đều dùng cái tâm ấy. Dầu cho hủy-báng Phật-pháp, rời-bỏ hẳn thiện-căn, cũng nhân cái tâm ấy. Nay Phật phát-minh cái ấy không phải là tâm thì tôi thành không có tâm, như cây như đất, vì ngoài cái hay-biết ấy ra, tôi lại không còn gì nữa. Sao đức Như-lai lại bảo cái ấy không phải là tâm? Tôi thật kinh-sợ và cả trong đại-chúng này không ai là không nghi-hoặc, xin Phật rủ lòng từ-bi, chỉ-dạy cho những chỗ chưa giác-ngộ”.

Khi bấy giờ đức Thế-tôn chỉ-dạy ông A-nan và cả đại-chúng, khiến cho tâm được vô-sinh-pháp-nhẫn, nơi sư-tử-tọa, xoa đầu ông A-nan và bảo ông rằng: “Như-lai thường nói: Các pháp phát-sinh là duy-tâm biến-hiện, tất-cả nhân-quả, thế-giới, vi-trần, đều nhân cái tâm thành có thể-tính. A-nan, như trong các thế-giới, hết thảy sự-vật hiện có, cả đến ngọn cỏ lá, cây, sợi dây, thắt nút, gạn-xét cỗi-gốc, đều có thể-tính, dầu cho hư-không cũng có tên, có tướng; huống chi cái tâm sáng-suốt thanh-tịnh nhiệm-mầu, làm cho hết thảy sự vật có thể-tính mà tự mình lại không có thể-tính.

Nếu ông quyết-chấp cái tính hay-biết suy-xét phân-biệt là tâm của ông thì cái tâm ấy phải rời sự-nghiệp các trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, riêng có toàn-tính; chứ như hiện nay ông vâng nghe pháp-âm của tôi, đó là nhân cái tiếng mà có phân-biệt: dầu cho diệt hết tất-cả cái thấy, nghe, hay, biết, bên trong nắm-giữ cái u-nhàn, không biết, không nghĩ thì đó cũng còn là sự phân-biệt bóng-dáng pháp-trần mà thôi.

Chẳng phải tôi bảo ông chấp cái ấy không phải là tâm, nhưng ông phải, chính nơi tâm ông, suy-xét chín-chắn, nếu rời tiền-trần có tính phân-biệt, thì đó mới thật là tâm của ông. Nếu tính phân-biệt, rời tiền-trần, không còn tự-thể thì nó chỉ là sự phân-biệt bóng-dáng tiền-trần. Tiền-trần không phải thường-trụ, khi thay đổi diệt mất rồi, thì cái tâm nương vào tiền-trần ấy cũng đồng như lông rùa sừng thỏ và pháp-thân của ông cũng thành như đoạn-diệt, còn gì mà tu-chứng vô-sinh-pháp-nhẫn”.

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.