Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Giáo chủ của đạo Phật hiện nay, giáng sinh vào mùa sen nở, ngày Trăng tròn (Vesak) 15 tháng 4 Âm lịch. Tuy nhiên, theo truyền thống ngày xưa của Phật giáo Phát triển, thì ngày giáng sinh của Đức Phật lại được kỷ niệm vào ngày 8 tháng 4 mỗi năm, tại Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản. Từ trước tới nay, vào mùa Phật Đản, tôi thường nghe thấy các cháu nam nữ Gia đình Phật tử hát bài nhạc Hoa sen để dâng lên Đức Phật, đại ý như:
“Hoa sen xinh đẹp biết là bao!
Hoa ơi, hoa có tự thủa nào?
Mà người hằng nói: hoa quân tử
Gần bùn vẫn giữ vẻ thanh cao…”
Trong các chùa, không chỉ tại Việt Nam, mà còn cả các nước trên thế giới, các pho tượng Phật thường ngồi trên bông sen. Về mặt giáo lý Phát triển, hầu hết các kinh điển đều nhắc tới hai chữ Liên hoa (hoa sen). Đặc biệt kinh Thiền Định Hoa Sen (Pháp Hoa Tam Muội) đã được dịch đầu tiên tại miền Bắc (Việt Nam) vào giữa thế kỷ thứ III sau Tây lịch, từ chữ Phạn thành chữ Hán. Cứ theo thư mục Phật giáo của Bunyu Najio, thì ghi: “Tăng sĩ Chi Cương Lương Tiếp (Kalaruci), người nước Đại Nhục Chi (Indo-Scythe), đã dịch nhiều kinh Đại thừa tại Giao Châu (Bắc Việt), vào những năm 255-256. Trong những kinh này, có bộ kinh Đại thừa nổi tiếng, gọi là Pháp Hoa Tam Muội. Đồng thời có Tăng sĩ Việt Nam, tên là Thích Đạo Thanh, đã giúp Chi Cương Lương Tiếp cùng dịch bộ kinh Thiền Định Hoa Sen đó”. Cũng giống như Thích Tăng Duệ, Tăng sĩ Trung Quốc, đã giúp ngài Kumarajiva (Cưu Ma La Thập, Đồng Thọ), người xứ Quy Tư (Kucha), đến Trung Quốc dịch bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Saddharma-pundarika sutra), gồm 7 quyển, 28 phẩm, vào đầu thế kỷ thứ V, tức năm 406; và chúng tôi tạm dịch là kinh Hoa Sen Phép Mầu.
Tiếp theo phương Đông, ông Eugène Burnouf, người Pháp, đầu tiên ở phương Tây, cũng đã dịch kinh Diệu Pháp Liên Hoa, từ chữ Phạn thành chữ Pháp, mà ông dịch là “Le Lotus de la Bonne Loi”, Paris, năm 1852. Bộ kinh này nằm trong tập sách “Introduction à lõhistoire du Bouddhisme Indien”, Giới thiệu lịch sử Phật giáo Ấn Độ, mà ông đã biên soạn trước, năm 1844. Sau đó, tại Anh và Đức, lại có các học giả khác, cũng dịch kinh Pháp Hoa này thành chữ bản xứ. Do vậy, người phương Tây, Âu Mỹ Úc, thường gọi đạo Phật là Tôn giáo Hoa Sen (Religion of Lotus).
– Về biểu tượng, hoa sen là một loại hoa bình dị, tượng trưng cho đạo Phật và, thực tế, hoa sen lại phát sinh ở hồ, ao bùn, rồi vươn lên và tỏa ra hương sắc, làm đẹp thơm cho cả mọi người và môi trường sinh thái. Cũng vậy, đạo Phật là Trung đạo, vừa xuất thế vừa nhập thế, vừa vượt khỏi bùn vừa sinh ra từ bùn, xuất thế cho Tăng Ni, nhập thế cho các Phật tử, là một nếp sống hài hòa, cân đối; không thiên chấp, chẳng cực đoan. Nghĩa là, chẳng duy tâm, duy vật gì cả… Nói cách khác, mục đích của đạo Phật là giác ngộ và giải thoát, bình đẳng hạnh phúc và tự do, làm cho mọi người đều đạt tới đỉnh cao phẩm giá nhân bản. Vì thế, ngay từ đầu, đạo Phật đã công khai bác bỏ thẩm quyền của Thượng đế Phạm Thiên (Brahma) và xóa sạch xã hội bất công gồm 4 giai cấp của Bà La Môn giáo hay Ấn Độ giáo. Bởi lẽ Thượng đế, bất kể là gì, đều do sự tưởng tượng của con người tạo ra, hơn nữa, ai nghe theo Thượng đế, thì được lên Thiên đàng, hưởng hạnh phúc; trái lại, thì phải đọa xuống Hỏa ngục đời đời, đúng như lời dạy trong Thánh kinh. Như vậy, rõ ràng thân phận con người suốt đời chỉ là nô lệ, chẳng có quyền sống và càng chẳng có giá trị nhân phẩm gì hết.
Với đạo Phật, thế giới này là do nguyên lý Nhân duyên tương quan mà cấu thành; còn con người thì đều do quy luật Nhân quả tương xứng của con người mà được hạnh phúc hay bị khổ đau. Bên cạnh đó, ai nấy đều có Phật tánh bình đẳng, tùy theo mỗi người có biết tu dưỡng thân tâm hay không.
– Về ý nghĩa, nói chung theo giáo lý của Phật giáo Phát triển; nói riêng theo kinh Hoa Sen, kinh Diệu Pháp Liên Hoa, thì tất cả chúng sinh đều có Phật tính, đều có khả năng thành Phật, thành người giác ngộ và giải thoát, hạnh phúc và tự do, trong một thế giới thanh bình và an lạc. Ví dụ:
a)- Trong kinh Hoa Nghiêm, pháp hội đầu tiên mà Đức Phật giảng dạy cho các hàng Bồ tát, có Thiện Tài đồng tử được thụ ký thành Phật;
b)- Trong kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Sen, pháp hội Pháp Hoa và Niết Bàn cuối cùng mà Đức Phật giảng dạy cho các hàng Bồ tát Viên Giáo, lại có Long Nữ cũng được thụ ký thành Phật.
Tuy nhiên, hai bộ kinh kể trên đều mở đầu bằng Bồ tát Đại Trí Văn Thù và kết thúc bằng Bồ tát Đại Hạnh Phổ Hiền. Nghĩa là, muốn đạt được ngôi vị Giác ngộ và Giải thoát, thì mỗi người nam hay nữ phải tu dưỡng cả trí tuệ và đạo đức từ bi, cả giác ngộ và hành động viên mãn, hướng tới tự lợi và lợi tha, tự giác và giác tha, tự hành và tự nhiệm.
Vậy, mỗi năm Đại lễ Phật Đản trở về, để tỏ lòng thành kính tri ân và báo ân Đức Phật, một trong bốn trọng ân – ân cha mẹ, ân Tổ quốc, ân những người giúp đỡ và ân Phật Pháp Tăng, thì chúng ta hãy tích cực thực hiện chủ trương từ bi cứu khổ, cứu nhân độ thế của Đức Phật. Nghĩa là, chúng ta phải vận dụng giáo lý Đại thừa thành cụ thể như:
Về mặt trí tuệ:
Chúng ta phải hiểu rõ 5 pháp môn Ngũ minh:
– Nội minh: tất cả giáo lý nội điển trong đạo Phật – Kinh, Luật, Luận, Sớ, Lục và Sử Truyện;
– Nhân minh: triết học, luận lý học và biện chứng pháp;
– Thanh minh: ngôn ngữ học, cổ ngữ và sinh ngữ;
– Y phương minh: y dược học, Đông y và Tây y;
– Công xảo minh: khoa học và kỹ thuật.
Về mặt thực hành: Chúng ta ứng dụng những kiến thức nói trên vào các việc thực tế sau đây: – Từ thiện xã hội: góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng những nhà tình thương, cô nhi khuyết tật, đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực xã hội, xóa bỏ hủ tục, mê tín dị đoan…;
– Giáo dục Phật học và thế học: tham gia ngành giáo dục, từ sơ học, tiểu học, trung học, đại học và các trường dạy nghề chuyên nghiệp cho cả đạo và đời;
– Y tế: thực hiện cả Đông y và Tây y. Xây dựng các phòng khám bệnh, phát thuốc miễn phí, bệnh xá và bệnh viện. Đồng thời, đào tạo các y tá, y sĩ, dược sĩ và bác sĩ trẻ và ưu tú, bằng các Tăng Ni, nhằm phục vụ các bệnh nhân nghèo và thể hiện thiết thực lòng từ bi cứu khổ. Ngoài ra, với sứ mạng Như Lai sứ giả, chúng ta sẵn sàng dấn thân trên đường hoằng pháp lợi sinh, chia sẻ những nỗi niềm khổ đau, bất hạnh, tử biệt sinh ly, bằng những khóa lễ cầu an, cầu siêu và thăm viếng.
Vận động, động viên mọi Phật tử có lòng có sức, trong và ngoài nước, cùng nhau nhiệt tình phát tâm, kẻ ít người nhiều, tự nguyện, vượt ngoài lợi danh, thành lập Ban Từ thiện Phật giáo, nhằm tạo kinh phí trang trải cho ba việc công đức nêu trên. Được vậy, thì Phật tử chúng ta xứng đáng cúng dường ngày Đại lễ Phật Đản hàng năm với tinh thần: hoa sen nở ngát và sáng tỏa khắp đất nước Việt Nam yêu quý.
HT. Thích Đức Nghiệp – Báo Giác Ngộ, số Phật đản PL.2546
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/daoPhatvahoasen.htm