Những Câu Chuyện Thiền Môn – Hạt Giống

Như thường lệ sau giờ tịnh độ tối, hai huynh đệ ôn lại bài vở của mình đã học. Mỗi người đều có một căn phòng ngủ nghỉ riêng. Trong phòng trang trí rất đơn giản. Ngoài cái đơn để ngủ, còn có một vài vật dụng linh tinh khác. Như tủ sách, bàn viết và một cái tủ để đựng quần áo. Thầy Huệ Văn thì rất thích những bức tranh thủy mặc. Thầy chỉ treo trong phòng duy nhất một bức tranh trông rất thiền vị. Ngược lại, chú Huệ Minh thì thích tranh ảnh Bồ Tát Quán Thế Âm. Chú treo trên tường một bức hình Quán Âm Nam Hải trông rất đẹp mắt.

Sở dĩ chú thích chiêm ngưỡng hình ảnh Bồ Tát Quán Thế Âm như thế, có lần, chú đã kể rõ lý do cho thầy Huệ Văn nghe. Chú nói: Lúc mẹ chú còn sống, người có kể lại cho chú nghe về sự linh ứng mầu nhiệm của Bồ Tát Quán Thế Âm. Số là,  năm chú lên ba tuổi, có lần chú đau nặng thập tử nhứt sanh, nên ba mẹ của chú cả hai đều rất lo sợ. Một mặt, người lo chạy chữa thuốc thang, mặt khác, thì mẹ chú luôn hướng vọng về biển Nam Hải để hết lòng van lạy cầu nguyện Bồ Tát Quán Thế Âm hộ độ cho chú. Vì chú là đứa con đầu lòng duy nhất của hai người. Do đó, nên hai người đã đặt hết tình yêu thương ở nơi con mình. Nhờ vào sự van lạy cầu nguyện chí thành tha thiết của mẹ, nên bịnh tình của chú ngày càng thuyên giảm lần. Thời gian không lâu, chú lại được bình phục hẳn. Mẹ chú nói, chú rất có nhân duyên với đức Bồ Tát Quán Thế Âm. Nếu không có Ngài hộ độ cho, thì giờ nầy chắc chú không còn có mặt ở trên cõi đời nầy. Bởi thế, nên lúc nào chú cũng tưởng niệm và thường hay lễ bái Bồ Tát Quán Thế Âm. Ðó là lý do mà trong phòng của chú, chú treo bức ảnh Bồ Tát Quán Thế Âm Nam Hải tuyệt đẹp.

Theo quy chế của thiền môn, quy định giờ khắc đâu đó rất rõ ràng. Giờ nào ra giờ nấy không được lộn xộn. Giờ tu, giờ học, giờ ăn, giờ chấp tác và giờ ngủ nghỉ, giờ nào phải theo đúng giờ đó. Trong chúng dù nhiều hay ít, đã vào chùa tu học là phải tuân theo quy củ. Vì thế, nên vấn đề kỷ luật rất nghiêm khắc. Người xuất gia ngoài phần gìn giữ giới luật nghiêm minh ra, còn phải gìn giữ bốn oai nghi: đi, đứng, nằm ngồi rất cẩn thận. Một người khi mới cạo tóc xuất gia vào chùa, trước tiên là thầy cho học hai thời khóa tụng niệm. Hai thời khóa nầy bắt buộc phải học thuộc lòng. Buổi khuya thì tụng năm đệ Lăng Nghiêm và Ðại Bi Thập Chú. Buổi tối, thì tụng Kinh A Di Ðà. Trong thiền môn thường gọi hai thời khóa nầy là thời công phu khuya và thời Tịnh Ðộ tối.

Phần oai nghi, bắt buộc người mới vào chùa phải học thuộc và ghi nhớ rõ ràng. Sau khi học xong hai thời khóa tụng niệm, thầy lại bắt phải học phần oai nghi. Thầy Huệ Văn trước khi thọ giới Tỳ kheo, sư phụ dạy cho chú về oai nghi. Thầy học trong quyển Oai Nghi Tỳ Ni Nhật Dụng Yếu Lược. Quyển nầy có nhiều bài kệ và những câu chú. Mỗi một việc làm hằng ngày trong thiền môn đều kèm theo có một bài kệ. Như ngủ nghỉ, thức dậy, súc miệng, tắm rửa, đi cầu v.v… Mục đích là tập cho người mới vào chùa lúc nào cũng sống trong chánh quán, chánh niệm. Nhờ thế, nên tâm của hành giả mới được an lạc. Người xuất gia ngay từ buổi đầu đã phải thực tập chánh niệm như thế rồi.

Sau khi học rành về giới luật và oai nghi, thầy mới cho học những phần giáo lý căn bản. Khi có trình độ học lực khá, thì thầy mới cho đi thụ học ở các nơi khác. Như phải thi vào trong các Phật Học Viện. Tùy theo trình độ học lực mà thi vào những Phật Học Viện có những cấp bậc trình độ khác nhau.

Thầy Huệ Văn tuy trình độ nội điển có khá, nhưng vì sư phụ muốn dạy thêm cho thầy những phần giới luật căn bản. Nhất là phần giới luật của một vị Tỳ kheo. Do đó, nên sư phụ chưa muốn cho thầy vào Phật Học Viện sớm.

Buổi sáng hôm nay, sau giờ chấp tác thường lệ, hai huynh đệ cắp sách đến phòng sư phụ để nghe sư phụ giảng giải về môn Duy Thức. Duy Thức học là một môn học chuyên sâu vào việc phân tích hiện tượng tâm lý của con người. Có thể nói đây là khoa tâm lý học tuyệt vời của Phật giáo. Môn học nầy tuy rất lý thú, nhưng cũng rất khó khăn. Không phải khó vì lý giải mà khó vì những danh từ hay những thuật ngữ pháp số chuyên môn. Những danh số nầy bắt buộc người học phải ghi nhớ thuộc lòng. Có thế, thì người học mới có thể hiểu được.

Chú Huệ Minh học thuộc lòng rất hay. Vì còn nhỏ tuổi nên trí nhớ của chú rất minh mẫn bén nhạy. Trí nhớ của chú cũng không kém thua gì trí nhớ của thầy Huệ Văn bao nhiêu. Chỉ khác nhau về trình độ nhận thức mà thôi. Vì thầy Huệ Văn trước khi xuất gia, thầy là một sinh viên y khoa năm thứ hai. Do đó, thầy có trình độ học lực ngoại điển rất khá, nên thầy có một nhận thức sâu sắc hơn chú Huệ Minh. Có lần, thầy Huệ Văn trắc nghiệm thử trí nhớ của chú Huệ Minh. Thầy hỏi về những danh từ pháp số. Như Tam tánh, Tam lượng, Bát thức tâm vương và 51 món tâm sở v.v… Thầy hỏi tới đâu, thì chú Huệ Minh trả lời vanh vách tới đó. Chính vì thế, mà vị sư phụ rất hài lòng về hai vị đệ tử của mình.

Mở đầu buổi học hôm nay, Sư phụ nói, những buổi học trước, thầy có đề cập phớt qua về các loại chủng tử, nhưng thầy chưa có giảng kỹ. Hôm nay, thầy sẽ giảng giải phân tích kỹ cho các con hiểu. Hạt giống tiếng Hán gọi là chủng tử. Chủng là giống, hạt là tử. Chủng tử là tên khác của tập khí, của phiền não và nghiệp thức. Hạt giống có rất nhiều loại. Nhưng đại khái thì có hai loại căn bản: thiện và ác. Nhưng những hạt giống thiện, theo các nhà Duy Thức cho biết, thì nó có rất ít. Như hôm trước, thầy có nói đến và phân tích hiện tượng 51 món tâm sở. Trong 51 món tâm sở thì chỉ có 11 món thiện. Ngoài ra, thì có thêm 4 món bất định: Hối, Miên, Tầm, Tư. Nói bất định là vì bốn thứ nầy nó không hẳn thiện và cũng không hẳn ác. Tùy theo duyên mà nó khởi lên thiện hoặc ác. Như trong giờ học hay giờ nghe pháp mà các con lại ngủ gà ngủ gục, thì đó là ngủ ác. Vì ngủ trái giờ giấc đã quy định. Ðó là miên ( ngủ) mà miên không đúng thời, nên gọi là miên ác. Từ đó các con có thể suy ra  ba món kia cũng lại như thế.

Hôm qua, trong khi thầy với Huệ Minh ra ngoài vườn chăm sóc lại mấy liếp cải, lúc đó, Huệ Minh có hỏi thầy: Tại sao sư phụ lại nói khu vườn nầy giống như khu vườn tâm của mình? Và khi gieo giống mình phải chọn lựa loại hạt giống nào cho nó thích hợp với đất?

Khi ấy, thầy chỉ trả lời một cách đơn sơ thôi. Bởi thầy định hôm nay trong giờ dạy Duy Thức cho hai con, thì thầy sẽ giảng giải rõ hơn.

Như có lần thầy nói, tâm thức của mình trong kinh Phật thường dụ như mảnh đất. Cho nên gọi là tâm địa hay tâm điền. Nghĩa là lấy đất, hay ruộng mà dụ cho tâm. Tâm ở đây, là chỉ cho thức thứ 8, tức tàng thức hay A lại da thức. Vì thức nầy nó có công năng cất giữ các loại hạt giống không cho sót mất. Nó vừa có nghĩa là “sở tàng” mà cũng có nghĩa là “năng tàng” nữa. Các nhà Duy Thức muốn cụ thể hóa cho người ta dễ hiểu, nên dụ nó như là cái kho lẫm để chứa đồ. Ðó là nghĩa sở tàng. Nghĩa là cái kho bị chứa. Ðồng thời mọi hạt giống thiện ác …đều được nó cất giữ kỹ càng như ngươì ta lưu trử các thứ hồ sơ trong máy vi tính, nên nói nó là năng tàng. Nghĩa là nó có công năng duy trì gìn giữ các loại chủng tử trong kho. Cho nên nó còn có tên khác là A đà na thức. Còn nói “Ngã ái chấp tàng” là do vì thức thứ 7, tức Mạt na thức chấp thức thứ 8 nầy làm tự ngã. Nên nó cũng có nghĩa là ngã ái chấp tàng.

Thức nầy có khả năng dung chưa tất cả, nó không từ khước bất cứ hạt giống nào. Xấu tốt gì nó cũng huân chứa cất giữ hết. Vì vậy, khi gieo giống, các con phải cẩn thận nên chọn lựa giống tốt mà gieo. Các con khởi niệm một câu hiệu Phật, hay khởi một niệm lành, hoặc tụng kinh, nghe pháp, học kinh v.v… đó là các con khéo biết chọn lựa hạt giống tốt để gieo. Còn nếu khởi niệm ác, hoặc nói những điều ác, làm những điều ác… đó là những loại hạt giống xấu mà các con nên loại bỏ đừng để huân chứa vào trong kho. Các con nên nhớ rằng, khi mình huân tập những hạt giống xấu ác nhiều, thì đương nhiên nó sẽ khởi hiện hành những điều bất thiện làm tổn mình hại người. Bởi do huân tập nên nó trở thành thói quen, chính thói quen đó gọi nó là tập khí. Tập khí xấu ác nó có một năng lực rất mạnh thúc đẫy mình làm nhiều điều bất chánh tội lỗi.

Nghe thầy giảng đến đây, chú Huệ Minh chưa hiểu rõ về hai chữ tập khí, nên chú liền thưa hỏi:

– Bạch thầy, vừa rồi,  thầy có nói đến hai chữ tập khí, vậy con muốn biết rõ hơn về ý nghĩa của nó như thế nào? kính xin thầy giảng giải thêm cho chúng con được rõ.

– Ðược! thầy sẽ giảng giải phân tích kỹ về ý nghĩa của nó cho các con hiểu.

Tập khí là thuật ngữ của Phật giáo. Tiếng Phạn, Pali: Vàsana. Tập khí còn có những tên gọi khác như: phiền não tập, dư tập, tàn khí, chủng tử. Hai chữ nầy nguyên là từ ngữ Hán Việt. Trong quyển Hán Việt Tự Ðiển của cụ Thiều Chửu giải thích hai chữ tập khí như sau:

Chữ “tập” gồm có 5 nghĩa: 1. Học đi học lại, như giảng tập. 2. Quen thạo. Như tập kiến: thấy quen; Tập văn: nghe quen. 3. Tập quen. Phàm cái gì vì tập quen không đổi đi được đều gọi là tập. Như tập nhiễm. 4. Chim bay vi vụt. 5. Chồng, hai lần.

Chữ “khí” gồm có 6 nghĩa: 1. Hơi thở. 2. Cái gì không có hình chất mà cùng cảm ứng với nhau được gọi là khí, như khí vận, khí tượng, khí vị v.v… 3. Khí hậu. 4. Khí tức hơi. 5. Thể hơi. 6. Ngửi.

Như vậy hai chữ tập khí có nghĩa là những tập tánh được huân tập vào kho A lại da thức trở thành những hạt giống (chủng tử) thiện ác. Nói cách khác dễ hiểu hơn thì, tập khí có nghĩa là những kinh nghiệm, thói quen mà do con người tích lũy được.

Trong quyển Từ Ðiển Phật Học Huệ Quang tập 7 trang 6578 giải thích hai chữ tập khí như sau:

“Tập khí chính là phần tàn dư , khí còn sót lại của phiền não, dần dần kết chặt vào tâm, trải qua thời gian lâu xa tích tập thành tánh, rất khó phá trừ. Ví như đặt một thỏi hương vào hộp, khi lấy thỏi hương ra, trong hộp vẫn còn mùi thơm; tức là tuy đã diệt trừ chánh thể ( chánh sử ) phiền não nhưng vẫn còn khí phần tập quán. Trong kinh Phật có nói đến dâm tập của ngài Nan Ðà, sân tập của ngài Xá lợi phất và Ma ha ca diếp, mạn tập của ngài Tỳ lăng già bà bạt, khiêu hỷ tập của ngài Ma đầu ba tư tra, ngưu nghiệp tập của ngài Kiều phạm ba đề… Chỉ có Phật là đoạn trừ vĩnh viễn chánh sử và tập khí”.

Qua đó, chúng ta thấy rằng những tập khí phiền não như: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến v.v… nói chung là những thứ căn bản phiền não và chi mạt phiền não, thật không phải dễ trừ dễ đoạn. Bình thường các con không thấy bọn chúng ẩn trốn trú ngụ nơi đâu, giống như không khí bàng bạc khắp nơi, không thấy hình dạng của nó đâu cả, nhưng khi đối cảnh xúc duyên, trái ý nghịch lòng thì chúng sẽ xuất đầu lộ diện ngay. Tùy theo đối tượng nhận thức mà cường độ của chúng nổi lên có nặng nhẹ khác nhau. Như con thấy ( kiến phần ) một món đồ thật đẹp và có giá trị ( tướng phần ), liền đó tâm sở “tham” của con nổi lên muốn chiếm hữu món đồ quý giá đó. Hay như có người nào đó mắng chửi mình, thì tập khí sân hận, liền phát khởi hiện hành lên tức khắc. Các con nên biết rằng, người tu nhất là người xuất gia như chúng ta, phải luôn luôn đề phòng cẩn thận các thứ tập khí nầy. Bình thường nó như ngủ yên, nhưng khi đối cảnh xúc duyên thì nó liền hiện lên trên bề mặt của ý thức.

Vì thế, người tu hành sợ nhứt là lũ tập khí phiền não nầy. Chính bọn chúng luôn luôn khuấy động làm cho tâm mình không lúc nào yên cả. Tập khí, tùy theo sức huân tu  của mỗi người mà nó có sâu cạn hay nặng nhẹ khác nhau. Ngoài những thứ tập khí phiền não lâu đời ( bản hữu chủng tử ) như tham, sân, si …ra, còn có những thứ tập khí mà chúng ta mới huân tập  ( tân huân chủng tử) vào. Như những tập khí ( thói quen) xấu nghiện ngập: cờ bạc, rượu chè, đàng điếm, hút xách, nói nhiều, chửi thề, trạo cử run đùi v.v…

Những thứ tập khí nầy, tuy mới huân tập trong hiện đời thôi mà chúng ta thật còn khó bỏ thay, hà tất gì những thứ tập khí lâu đời lâu kiếp. Muốn dứt trừ chúng thật là thiên nan vạn nan. Ðòi hỏi người tu hành phải chuyên cần tinh tấn và phải có một quyết tâm mạnh mẽ luôn hành trì già dặn miên mật lắm mới được. Người tu hành hơn nhau là ở chỗ khéo dẹp trừ những thứ tập khí phiền não xấu ác. Những thứ tập khí nầy có thô tế, sâu cạn, nặng nhẹ khác nhau. Tu hành diệt trừ được phần thô cũng đã là khá lắm rồi. Còn những thứ phiền não vi tế, chỉ có Phật mới dứt sạch hết mà thôi. Tất cả những pháp môn Phật dạy đều nhằm mục đích duy nhất là để đối trị, đoạn trừ hoặc chuyển hóa những thứ tập khí phiền não nầy.

Chuyển hóa tập khí cũng chính là chuyển hóa nghiệp thức. Muốn chuyển hóa chúng, không phải các con chỉ biết nói suông mà được. Mà hằng ngày, các con phải nỗ lực tinh cần vận dụng công phu thiền quán, nhìn kỹ lại nội tâm, nhận rõ bộ mặt thật của chúng, có thế, thì các con mới có thể chuyển hóa chúng nó được. Cho nên sự tu hành, các con không phải chỉ tụng kinh, bái sám không là đủ. Tuy rằng, đó cũng là cách con huân tập hạt giống tốt, nhưng nó không đủ sức để có thể chuyển hóa được những thứ tập khí phiền não. Có người đang tụng kinh hay niệm Phật, nhưng bỗng có ai làm trái ý nghịch lòng họ, thì họ vẫn khởi tâm sân hận la ó chửi bới om sòm.

Như vậy, chứng tỏ họ chỉ biết tụng kinh, niệm Phật trên đầu môi chót lưỡi suông thôi, kỳ thật họ chưa sử dụng trí huệ để quán chiếu sâu vào tâm thức. Tu hành, các con không thể vẫn ngươi xem thường lũ tập khí phiền não nầy. Duy thức học dạy chúng ta phải nhìn kỹ những dòng thác biến trạng của tâm thức. Nó như những đợt sóng to nhỏ mà các con cần lặng sâu để nhận diện. Có thế, thì sự tu hành của các con mới mong giảm bớt dần những thứ phiền não thô trọng. Chính những thứ phiền não kiết sử nầy nó làm cho cuộc đời của các con chịu lắm điều trầm luân khổ lụy.

Hôm nay, thầy giảng đến đây thôi. Các con cố gắng chuyên cần học hỏi. Cái gì chưa hiểu thì khi học, các con nên nêu ra để hỏi, rồi tùy đó mà thầy sẽ giải đáp giảng giải cho các con hiều. Học mà không chịu khó cố gắng tìm hiểu để hỏi, thì các con khó có tiến bộ lắm.

Tuy nhiên, các con nên nhớ một điều: học và hành phải đi đôi với nhau. Học là để bổ túc cho sự thật hành. Thí như con mắt sáng là để thấy rõ cho đôi chân để đi. Chớ nếu có đôi mắt sáng nhìn xa thấy rộng, mà đôi chân thì không bước đi, như thế thì thật không có ích lợi gì. Chỉ tăng thêm phần kiến giải mà thôi! Mà sự kiến giải đó, dù cho các con có thông kim bác cổ, lão thông kinh sử, thì  nó cũng không thể nào cứu các con thoát khổ sanh tử được. Các con có nhớ không? Cả hai đều dạ! và hai huynh đệ đồng đứng lên cung kính xá chào thầy một cách thành kính nghiêm trang và rồi cả hai lặng lẽ trở về phòng…

Thích Phước Thái

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.