Phật Độ Người Lái Đò

Xin chia sẻ một câu chuyện nhỏ trong “Tuyển Tập Bách Duyên Kinh” thuộc “Đại Chánh Tạng” quyển 4 trang 215a~b.

Có một lần, đức Phật ở nước Ma Kiệt Đà dẫn các vị Tỳ-kheo du hành, đi đến bên bờ sông Hằng, muốn vượt sông sang bờ bên kia, có người lái đò ở đó nên đức Phật nói với ông ta: “Nhờ ông hãy đưa các vị Tỳ-kheo tới bờ bên kia”.

Người lái đò trả lời: “Đưa tiền trước, nếu không đưa tiền thì đừng bàn”.

Đức Phật nói với ông ta: “Ông là người lái đò, Ta cũng là người lái đò, ông lái đò cũng chỉ là đưa chúng sinh vượt qua dòng sông của thế gian đến bờ bên kia; nhưng Ta độ chúng sinh trong tam giới vượt qua biển lớn sinh tử, đến bờ Niết bàn. Cho nên ông lái đò Ta cũng là người lái đò. Giống như giết người nhiều như hạt mè, sân hận nhiều như Cưu Quật Ma La, Ta cũng độ ông ta vượt qua biển khổ sinh tử. Như Ma Na Đáp Đà là người vô cùng kiêu mạn (Ma Na Đáp Đà trong kinh Tập A Hàm Kinh số 92 dịch là kiêu mạn Bà La Môn, ông ta vô cùng kiêu mạn), người Bà La Môn kiêu mạn như thế Ta cũng độ vượt qua biển khổ sinh tử; lại còn Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp là người rất kém thông minh, không có trí tuệ, Ta cũng có thể làm cho khai mở trí tuệ, thoát khoải biển khổ sinh tử. Giống như vậy, không cần biết đó là người có rất nhiều sân nhuế, hoặc kiêu mạn, hoặc nhiều ngu si, ngoài ra còn có vô lượng vô biên chúng sinh, Ta đều độ họ thoát ly biển khổ sinh tử, đạt đến bờ giải thoát, Ta đều không lấy tiền của họ, tại sao ông chỉ đưa các vị Tỳ-kheo này qua dòng sông của thế gian thì nhất định lấy tiền? Tỳ-kheo chúng tôi không cất chứa vàng bạc.” Thế Tôn còn nói rất nhiều pháp với ông ta, nhưng ông ta nghĩ đến tiền nên tâm vô cùng cương quyết không đưa qua sông.

Lúc đó phía dòng sông cũng có những người lái đò khác, vừa nghe đức Phật khai thị, vô cùng hoan hỷ liền lại gần nói với Phật: “Đức Phật! Đức Phật! Ông ta không đưa Ngài qua sông, chúng tôi đưa quý vị qua sông, hãy lên thuyền của chúng tôi”. Đức Phật liền đồng ý.

Người lái đò liền chuẩn bị thuyền, nhưng lúc mời các vị Tỳ-kheo lên thuyền thì mới biết các vị ấy có vị có thần thông có vị chứng quả, thị hiện thần thông, người bay trên không trung, người trong dòng nước, người thì đã qua đến bờ bên kia.

Những người lái đò khác nhìn thấy Đức Phật cùng các vị Tỳ-kheo, hiện đủ các loại thần thông, đều tán thán việc hiếm có, đều cung kính lễ bái Phật và các vị Tỳ-kheo. Đức Phật vì họ thuyết pháp, những người lái đò đó rất rất vui mừng, liền chứng đắc sơ quả.

Người lái đò cứ một mực đòi tiền trước đó, nhìn thấy cảnh tượng vừa rồi: “Ái dà! đức Phật cùng các vị Tỳ-kheo vốn dĩ không cần ta đưa họ qua sông, thật ra họ chỉ tạo cơ hội cho ta trồng phước điền mà thôi, ta đã không biết nắm lấy cơ hội!” Ông cảm thấy rất xấu hổ nên liền thành tâm đảnh lễ sám hối Phật cùng các vị Tỳ-kheo, hy vọng có thể cúng dường chư vị buổi cơm trưa rất ngon để tạ tội, đức Phật liền đồng ý.

Ông cung thỉnh chư vị về nhà, chuẩn bị đồ ăn thức uống rất chu đáo, tự thân cúng dường. Cúng dường xong, thỉnh Phật thuyết pháp.

Sau khi nghe đức Phật thuyết pháp xong, ông ta liền phát nguyện: “Nguyện công đức cúng dường này, làm cho tôi đời sau được chứng quả chánh đẳng chánh giác, độ khắp tất cả chúng sinh, không khác gì đức Phật.” Ông phát nguyện như thế, đức Phật rất vui mừng, liền phóng hào quang, an nhiên mỉm cười.

A Nan liền thỉnh vấn đức Phật: “Vì duyên cớ gì đức Phật mỉm cười?”

Đức Phật bảo A Nan: “Ngươi nhìn thấy người lái đò này, đã tự sám hối và thiết lễ trai tăng cúng dường không?”

A Nan trả lời: “Vâng, chúng con đã nhìn thấy.”

Đức Phật liền bảo với ngài A Nan: “Người lái đò này đã có công đức của sự sám hối và cúng dường, trải qua mười ba kiếp trong tương lai, không đọa trong ba đường ác, thường sinh trong trời và người hưởng thọ phước lạc; thân người cuối cùng chứng quả Bích Chi Phật, đức hiệu gọi là “Độ Sinh Tử Hải”. Tuy Bích Chi Phật không chuyển pháp luân rộng lớn giống như Phật, nhưng hiện thần thông độ được rất nhiều người. Chính vì nhân duyên ấy mà đức Phật mỉm cười.

Chư vị Tỳ-kheo nghe Phật thuyết xong, đều rất vui vẻ nghe theo.

Như vậy chúng ta cùng nhau nỗ lực.

Phước Nghiêm, Thích Quán Như cùng nhóm bạn dịch  –  Trích Phước Huệ Tập 2

http://phapbao.org

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.