Hằng ngày trong cuộc sống tự nhiên có người khác đến hãm hại, mắng nhiếc, chửi bới, xỉ nhục…muốn phá hoại thanh danh của ta ,vì họ mưu cầu danh lợi thấp hèn, ta hãy bình tâm quán chiếu lại những lời đức Phật dạy để đối trị lại chuyện thị phi bằng nhiều cách.Ta hãy học theo gương của đức Phật dùng từ bi để chế ngự họ, ta tự nghĩ đức Thế Tôn còn tại thế, Ngài là bậc chứng đắc giác ngộ hoàn toàn, nhưng vẫn còn nhiều người ganh ghét phỉ báng phá hoại, thì ta là hàng phàm phu thì làm sao tránh khỏi những lời chỉ trích dèm pha, phỉ báng. Điều quan trọng là ta làm gì lợi ích cho Đạo cho đời, ta cảm thấy đúng luân thường Đạo lý thì làm, điều đó mới quan trọng. Còn những ai phỉ báng ta thì hay noi gương theo đức Thế Tôn để độ những kẻ ác như sau:
Quán chiếu giữa cho và nhận của người ác và người thiện
…Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), có người BALAMÔN sau khi đến, nói những lời nói không tốt đẹp, ác ngữ, phỉ báng và nhiếc mắng Thế Tôn.
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn liền nói bài kệ:
“Với vị không phẫn nộ,
Phẫn nộ từ đâu đến?
Sống chế ngự, chánh mạng,
Giải thoát, nhờ chánh trí.
Vị ấy sống như vậy,
Ðời sống được tịch tịnh.
Những ai bị phỉ báng,
Trở lại phỉ báng người,
Kẻ ấy làm ác mình,
Lại làm ác cho người.
Những ai bị phỉ báng,
Không phỉ báng chống lại,
Người ấy đủ thắng trận,
Thắng cho mình, cho người.
Vị ấy tìm lợi ích,
Cho cả mình và người.
Và kẻ đã phỉ báng,
Tự hiểu, lắng nguôi dần.
Bậc Y sư cả hai,
Chữa mình, chữa cho người,
Quần chúng nghĩ là ngu,
Vì không hiểu Chánh pháp” [1]…
Đoạn Kinh này cũng giống trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương đức Phật dạy giữa người cho và người nhận như sau: Ðức Phật dạy: “Có người nghe ta giữ đạo, thực hành tâm đại nhân từ, nên đến mắng ta; ta im lặng không phản ứng”. Người kia mắng xong, ta liền hỏi: “Ông đem lễ vật biếu người khác, người kia không nhận thì lễ vật ấy trở về với ông không?” Ðáp: “Về chứ”. Ta bảo: “Nay ông mắng ta, ta không nhận thì tự ông rước họa vào thân, giống như vang theo tiếng, bóng theo hình, rốt cuộc không thể tránh khỏi. Vậy, hãy cẩn thận, đừng làm điều ác” [2]
Câu chuyện có một người ghét một người bạn, người ấy chạy vào rừng hét lên: “Ta ghét ngươi” thì trong rừng cũng vang lại tiếng ấy “ta ghét người.” Như vậy giữa cho và nhận, người ấy cho những gì, người ấy nhận lại thứ đó. Nếu ta là Phật tử hãy quán chiếu giữa người cho và người nhận chia sẻ ở trên chúng ta sẽ thắng được cơn sân và dứt bỏ sự oán thù, và đối trị lại những kẻ ác phỉ báng muốn hãm hại ta
Quán chiếu hậu quả của người ác hại người hiền
Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha, Veluvana người Bà La Môn đi đến Thế Tôn; sau khi đến, giữ yên lặng, đứng một bên.
Rồi Thế Tôn, với tâm tư của mình, biết được tâm tư của Bà-la-môn Bilangika Bhàradvàja, liền nói lên bài kệ cho Bà-la-môn Bilangika Bhàradvàja:
Ai hại người hiền thiện,
Thanh tịnh, không cấu nhiễm,
Ác hạnh được chín mùi,
Phản lại hại người ngu,
Chẳng khác gì ngược gió,
Lại tung vãi bụi trần. [2]
Điều này: đức Phật cũng dạy trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, người ác muốn hãm hại, phỉ báng bôi nhọ người hiền thì khác nào tự mình ngửa mặt lên trời phun nước bọt, đứng ngược gió tung bụi.”Kẻ ác hại người hiền giống như ngước mặt lên trời mà nhổ nước miếng, nhổ không tới trời, nước miếng rơi xuống mặt mình. Ngược gió tung bụi, bụi chẳng đến người khác, trở lại dơ thân mình, người hiền không thể hại được mà còn bị họa đến bản thân”[3]
Cho nên ta không phải lo lắng gì cả, hãy im lặng, nhẫn nhục đừng để tâm nổi sân, đừng vì lời phỉ báng nhục mạ của người khác, bạn nổi tâm sân thì chính ta tự đốt rừng công đức của ta
Ví dụ: chỉ cần một ngọn lửa nhỏ bạn cũng có thể đốt cháy cả khu rừng. Vì thế hãy cẩn thận đừng lao đầu vào vòng thị phi tự giết chết bản thân mình . Còn những ai muốn hãm hại ta thì nhân quả nghiệp báo sẽ phán xét, đừng có bận tâm chuyện thị phi, hãy nên làm gì lợi ích cho chính bản thân và người khác. Nếu bạn thật sự là người thiện ta không lo sợ tâm lý vì hành vi của ta trong sạch, không nên ẩn danh, hay chạy trốn sự thật, đó là bậc trượng phu sống ở đời một cách oanh liệt. Chỉ có những kẻ xấu không trượng phu mới sợ hành vi của họ bại lộ, sợ mọi người chê trách, họ thường chơi trò ném đá dấu tay, thường nặc danh để hãm hại người khác, không dám xuất đầu lộ diện với sự thật. Như vậy, những kẻ không trượng phu thì lời nói của họ bao giờ cũng vô giá trị, còn riêng bản thân của ta .ta không làm việc gì sai trái thì chẳng ai hại được
Trong (Trường Bộ Kinh I. trang 649) và Kinh Pháp Cú 103 đức Phật dạy rằng:
Dầu tại bãi chiến trường
Thắng hàng ngàn quân địch,
Tự thắng mình tốt hơn,
Thật chiến thắng tối thượng.
Quán chiếu nguyên nhân của sự phỉ báng
Đức Phật dạy rằng: “Người ác nghe nói ai làm điều thiện thì đến để phá hoại. Khi gặp người như vậy, các ông phải tự chủ, đừng có tức giận trách móc. Bởi vì, kẻ mang điều ác đến thì họ sẽ lãnh thọ điều ác đó”.[4]
Bởi vì trong cuộc sống người ác luôn tìm mọi cách hãm hại người hiền có rất nhiều lý do, (1) chỉ vì lòng ganh tỵ (2) vì muốn bảo vệ cái bản ngã, (3) vì người ác không muốn người thiện nghịch ý với họ, (4) vì họ muốn phá Đạo, (5) vì tâm tham, hoặc ái dục dẫn đến sự xung đột phỉ báng sát hại lẫn nhau: Do vậy đức Phật dạy rằng: “Này các Tỳ kheo, do dục vọng làm duyên, nên anh em, bè bạn tranh chấp lẫn nhau. Khi chúng đã dấn thân vào sự tranh chấp, chúng đánh nhau bằng tay, ném nhau bằng đá, đập nhau bằng gậy và chém nhau bằng gươm. Do đó, chúng bị tử thương, hoặc ngắc ngư quằn quại” [5]
Vì những nguyên nhân ở trên cũng có thể những người ác luôn tìm cách tấn công người thiện. Bởi vì khi ta làm thiện phát khởi tâm thiện thì được nhiều người quý mến và theo đồng cảm với ta Thì ngược lại ta phải chịu cảnh của những người luôn tìm cách rình rập, chờ sơ hở của ta rồi tấn công để trả thù. Nếu vì lý do này ta nổi sân hận, thù oán, buồn phiền trách giận thì thiện pháp, phước đức của bạn sẽ tổn giảm vì “nhất niệm tâm sân khởi, bát vạn chướng môn khai.”
Ta hãy xem như là một món nợ nhiều đời nhiều kiếp đã vay của họ, hôm nay hãy hoan hỷ trả nợ ấy cho xong. Còn nếu mình trả đũa thù hận lại như họ, thì mình cũng đâu khác gì những kẻ ác như họ. Theo quy luật của nhân quả, thì ai gieo gió sẽ gặt bão, những người ác hại, phỉ báng ta thì chính họ tự hại bản thân và thanh danh của họ, một ngày nào đó họ sẽ bị đánh đổ gia tài của họ đã gây dựng và bị người khác khinh chê
Quán chiếu thị phi
Trong cuộc sống, đôi khi một sự việc bao giờ cũng có hai mặt của nó giữa cái thiện và ác, ghét và thương. Người thương bạn cho là đúng, người ghét bạn thì cho là sai. Như vậy bạn hãy xem:
Chữ thương, chữ ghét, chữ chê
Do ta vướng bận, si mê bám vào
Để tâm trong sáng ngàn sao
Ái biệt ly khổ ai nào dễ quên
Tiếng thương như gió diệu êm
Chữ chê tức giận nổi sân hãi hùng
Thôi thì hãy sống ung dung
Thương chi cho khổ, ghét chung thêm sầu (T. Trí Giải)
Trong cuộc sống tu hành ta đừng bao giờ chạy theo cái đúng, cái sai. Bởi lẽ cái đúng và cái sai là tùy theo quan điểm chủ quan của mỗi người: Mình đứng trên phương diện này cho là đúng, tuy nhiên người khác đứng trên quan điểm khác lại cho là sai. Vì vậy giữa cái đúng và cái sai đều giả tạm, ai ai cũng cố chấp cho quan điểm của mình là đúng do đó tạo ra sự xung đột lẫn nhau, làm mất đi sự bất hòa trong tinh thần học Phật tạo đau lòng người Phật tử. hãy tạo cái tâm mình như một tảng đá kiên cố không lung lay trước thị phi.
Như đá tảng kiên cố,
Không gió nào lay động,
Cũng vậy, giữa khen chê,
Người trí không dao động. (Pháp Cú, kệ số 81)
Học hạnh kham nhẫn
Nếu ta là người con Phật thì hãy luôn trang bị cho mình một chiếc áo giáp của lòng kham nhẫn, Trong tiến trình tu dưỡng thường gặp những nghịch cảnh xung quanh tác động vào tâm lý. Nếu không có một tinh thần vững chắc, dễ bị bất thôi tâm Bồ đề và làm nô lệ cho chúng ma:
Người tu học Đạo phải cho thông
Sai biệt chúng sinh, tâm bất đồng
Chữ “ghét” chữ “chê”, tâm học “Nhẫn”
Ba chữ vẹn toàn sống thong dong (T. Trí Giải)
Vì vậy, trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương đức Phật dạy người tu hành phải biết kham nhẫn: “Người tu hành theo Ðạo như một người chiến đấu với vạn người. Mặc áo giáp ra cửa, tâm ý hoặc khiếp nhược, hoặc đi nửa đường thối lui, hoặc chiến đấu đến chết, hoặc đắc thắng mà về. Người Sa môn học Ðạo (cũng vậy) phải có ý chí kiên cường, dũng mãnh tiến lên, không sợ cảnh tượng trước mắt (làm chướng ngại) phá tan các loài ma để đắc Ðạo thành đạo quả” [6]
Qua đoạn kinh này giúp cho tôi biết học cách kham nhẫn trở lại, tôi sẽ lặng im, giúp cho tôi ý chí kiên cường dõng mãnh để tiến lên bằng cách:
Dù cho gian khổ dặm đường
Sa môn kham nhẫn không vướng bụi trần
Dong ruổi góp nhặt cơn sân
Mang về vun bón chân tâm Bồ đề
Khi nào hoa quả sum sê
Hái tặng hạt giống Người về ươm tâm
Trồng trên mảnh đất hồng trần
Nhổ cỏ phiền não, quả tầm Thánh nhân (T. Trí Giải)
Qua sự quán chiếu cho bản thân để đối trị thị phi của những người khác muốn hãm hại. Ta có phương pháp để hóa giải sự xung đột trong các mối quan hệ trong cuộc sống của quý vị.
Vô thường lá rụng, ở bên sân
Nhặt lá vàng rơi, sạch cõi trần
Phiền não trong tâm, nhặt dứt bỏ
Tâm hồn thanh tịnh, khỏi trầm luân (T. Trí Giải)
Diệu Nhân sưu tầm ( Theo thientam.vn )