Có lẽ người duy nhất trong cuộc đời này chấp nhận chịu đựng mọi thói hư tật xấu của ta, nhẫn nhịn tột cùng chỉ có thể là mẹ ta.
Tôi đã từng quậy phá rất nhiều khi còn bé, từng thổi tắt đèn trung thu của bao nhiêu đứa trẻ trong xóm, giật dây pháo nhà người khác lúc đang nổ vứt đi trong đêm giao thừa… và còn bao nhiêu trò nghịch ngợm khác. Những lúc ấy có ai mách, mẹ chỉ mắng: “Mày coi chừng ốm đòn đấy!”. Cho đến khi đi học chữ để chuẩn bị vào lớp năm ngày ấy (tức lớp một bây giờ), tôi nhất định không đi. Và ngày đầu tiên đi học của tôi là một cảnh tượng khó quên trong trí nhớ nhiều người thân: bốn người gồm hai ông anh và hai thằng em con ông chú đô con khiêng tôi đi như một chú heo con ú ụ. Hồi đó, tôi sợ không được rong chơi, sợ phải khép mình trong bốn bức tường, sợ phải học bài, sợ… đủ thứ như tôi đã kể lại trong một bài thơ.
Thưa thầy vắng một chỗ ngồi
Vì con mê ngắm khoảng trời thơ xanh
Nên con đi học chưa đành
Sử kinh, thưa mẹ, để dành mai sau…
…
Dẫu khiêng con đến tận nơi
Vẫn không đọc nổi một lời, thầy ơi!
(Vì sao học trễ)
Nhưng tuổi nhỏ dễ “dụ” nên thầy hứa nếu tôi chịu đi học, không phải khiêng đến, sẽ cho hai đồng (một số tiền đủ để mua một món đồ chơi) và tôi cảm thấy đi học không quá căng như mình nghĩ. Sau hai bữa, thấy giảm xuống còn một đồng và hết tuần là không cho nữa. Lúc đó tôi cũng quen rồi, vui vẻ đi học thôi. Mãi về sau tôi mới biết chính mẹ là người đưa tiền cho thầy để khuyến khích tôi.
Và có những tình yêu vĩ đại trong cuộc đời mà ta không nhận ra, để rồi khi ta gặp nghịch cảnh hay bất trắc, lúc ấy ta mới biết mình thờ ơ biết mấy với một người luôn bên ta từ lúc còn nằm nôi, thậm chí cho đến khi người ấy qua đời, vẫn luôn dành cho ta tình yêu vĩ đại.
Bây giờ, mỗi đêm, khi giật mình tỉnh giấc vào lúc 3 giờ sáng, tôi vẫn bị ám ảnh vì những âm thanh như lúc mẹ chuẩn bị gánh hàng ra chợ bán. Chuyện mẹ bán hàng là từ thưở mới vào Nam nhưng ngày trước cuộc sống không đến nỗi quá cơ cực như những năm “bao cấp” sau ngày giải phóng. Những năm ấy cha lại ngã bệnh nằm một chỗ, hai em còn đi học. Tôi ra trường dạy mãi tận Nha Trang, lương quá thấp, sống còn không đủ lấy gì gửi cho gia đình được. Ông anh, cũng là nhà giáo, thì lo cho gia đình riêng với ba đứa con cũng tít mù cơm áo rồi. Không ai giúp mẹ được! Buồn nhất là những ngày mùa hè từ Nha Trang trở về nhà, nằm trên gác, mỗi khi trời chưa sáng, lại nghe tiếng mẹ lục cục đem hàng ra chợ. Lúc ấy, một cảm giác bất lực đến khó chịu.
Một hôm bức bối quá, tôi nói với mẹ: “Hay con dẹp cái hộ khẩu đi, không cần, bỏ về Sài Gòn đi bán thuốc tây ngoài chợ trời. Mấy đứa bạn con kiếm khá lắm. ” Mẹ lắc đầu, “Muốn làm thầy giáo hay muốn làm thằng chợ trời, suy nghĩ cho kỹ vào! Sông có khúc, người có lúc chứ!”. Cha tôi thì nhấn mạnh, “Con sẽ hư vì những đồng tiền phi nghĩa ấy. Hãy trở lại trường tiếp tục công việc dạy học”. Mẹ nhắc ngày cha làm thầu khoán ở Vũng Tàu cho Úc, có người khuyên cha mở mấy snack bar vì lúc đó quân viễn chinh nước ngoài rất nhiều, làm giàu nhanh chóng. Nhưng cha đã khẳng khái: “Tôi mở thì được, nhưng đám con trai của tôi thành ma cô hết, chẳng thành người được!”, và ông từ chối không chút đắn đo.
Tôi nghe lời khuyên, trở lại công việc giảng dạy và tiếp tục tìm thấy những niềm vui và… sự kính trọng! Mẹ luôn dặn dù buôn bán hay làm nghề gì phải lấy chữ tín và chữ tâm làm đầu. Làm ăn thiếu lương tâm thì sẽ thất bại. Hàng của mẹ được nhiều người mua vì họ thấy bà cụ thật thà, không gian dối, dù lời ít. Mặc cho chung quanh vẫn có những kẻ gièm pha, ghen ghét.
Một lần mẹ kể, hôm nọ mẹ đau một bên tai kinh khủng, tuyệt vọng quá, mẹ khấn Phật và hỏi, “Bao giờ mới hết khổ?” Mẹ đã nguyện rằng, nếu cha chết thì xin cho mẹ chết cùng. Đêm ấy mẹ nằm mơ thấy một cụ già râu tóc bạc phơ như ông Bụt trong truyện cổ đã cầm một bình nước đầy ắp đưa cho mẹ và nói rằng: “Con không chết được đâu. Con hãy lo cho chồng cho con. Của cải tiền nhân để lại cho con nhiều lắm, nhưng hãy còn ở ngoài khơi”. Sau đêm đó, mẹ tôi vững tin hẳn lên. Mẹ như được tiếp nhận năng lực vô hình từ cụ già trong giấc mơ ấy dù vẫn phải thức dậy từ 3 giờ sáng mỗi ngày để ra chợ, rồi sau đó về nhà chuẩn bị nấu nướng cho con, đem thức ăn cho chồng trong bệnh viện, và ở lại đó đến khuya mới về.
Cứ như thế, cha tôi qua cơn bạo bệnh với ý chí mãnh liệt cùng với sự nỗ lực tột cùng của mẹ. Gia đình tôi trong những ngày u ám nhất đã lấy Phật pháp làm điểm tựa, để tìm trong đó một niềm tin mãnh liệt để mà sống, nhất là khi hiểu ý nghĩa sâu xa của nghiệp lực. Chính mẹ, luôn đặt niềm kính tín sâu xa vào Đức Quan Âm Bồ-tát, và chú Đại bi, đã soi sáng những góc tối của bi kịch, giúp anh em tôi vững tâm an nhiên trước những tai ương, oan khổ. Niềm tin ấy đã làm hành trang cho chúng tôi vào đời, vượt bao trở lực, có lúc tưởng như làm mình sụp đổ, hiện thực hóa những mơ ước của mình. Từ đó tôi mới hiểu vì sao Đức Phật đã nhìn phiền não để thấy Bồ-đề.
Rồi chúng tôi vượt qua sóng gió, có được những ngày tháng bình yên. Anh em tôi đều có danh phận. Tôi dù phiêu lưu sang lãnh vực kinh doanh vì lý do bất khả kháng, không đủ sức khỏe làm nghề giáo, nhưng vẫn luôn nhớ lời mẹ dặn. Không bán hàng gian, hàng giả, làm ăn gian dối, kiếm lợi bất chính trên sức khỏe hay sự ít hiểu biết của người khác. Cho đến nay sau hơn 30 năm trên thương trường, châm ngôn ấy vẫn là lẽ sống.
Một hôm nhìn mẹ, chợt giật mình khi hiểu mẹ đã dành cho con gần hết cuộc đời, chẳng có mùa xuân:
Có lời ru nào buồn như tiếng thở,
Mẹ quẩy truân chuyên quang gánh một đời,
Che kín gian nan, con lớn thành người,
Mẹ mỉm cười ngắm trời xanh, giấu lệ.
(Mùa xuân nào cho mẹ-NC)
Cách đây ba năm, khi nằm trong bệnh viện, chuẩn bị giải phẫu tim, tôi đã nằm mơ thấy mẹ, dù trong thực tế, mẹ đã không còn tỉnh táo như xưa.
Đêm bệnh viện con bay trên mái ngói
Thầy mẹ ngồi trong bóng tối cô liêu
Đừng âu lo tóc sẽ bạc thêm nhiều
Đêm bệnh viện con về như ngọn khói!
(Đêm bệnh viện-NC )
Nhưng rồi sau khi tôi giải phẫu được vài tháng, chính mẹ mới “về như ngọn khói”. Mẹ đi nhẹ nhàng sau một ngày không ăn uống, bình yên, thanh thản… Và ta chợt hiểu ra thì đã muộn.
Có nghĩa gì một mai con thành đạt
Mẹ đã về trời như bóng mây?
Đóa hồng đau cắm ngập trái tim đầy
Những kỷ niệm một thời phiêu bạt.
…
Có nghĩa gì một mai con hạnh phúc
Mẹ lại nhạt nhòa sau khói hương bay?
Khoảng không nào trong ký ức hôm nay
Dành cho Mẹ chỗ ngồi trân trọng nhất.
(Có nghĩa gì-NC)
Hôm nay nhìn tờ lịch, biết rằng sắp đến Vu lan. Mẹ đã không còn trên cõi đời này nhưng nói như Thiền sư Nhất Hạnh “Khi nhớ đến mẹ cha, con hãy nhìn đôi tay mình, trong đó có chủng tử, DNA của mẹ của cha”. Người đã ban cho con thân xác và hình hài này, dạy cho con điều hay lẽ phải, vững bước làm người. Và khi tôi nhìn di ảnh mẹ, nhớ chuyện ông quan vào chùa tìm Phật, được vị Hòa thượng dạy: “Hãy về nhà, tìm ai mang nhầm dép trái sang chân phải thì đó chính là Bồ-tát”. Khi ông quan về thăm mẹ, bà mừng quá, xỏ nhầm dép chạy ra. Nhìn thấy mẹ, nhớ lời vị Hòa thượng, ông bật kêu lên: “Ôi, mẹ chính là Bồ-tát mà ta đi tìm bấy lâu!” Tìm đâu nữa? Các bạn hãy về nhà và tìm vị Bồ-tát trong bếp của mình đi, nếu bạn may mắn còn mẹ trên đời. Đừng hững hờ như lời anh bạn Nguyễn Chinh của tôi chia sẻ bài thơ trên Facebook hôm qua:
Có lúc ta quên màu tóc mẹ
Đã một thời dãi nắng dầm mưa
Có lúc ta quên nhìn mắt mẹ
Còn chờ ta mỏi ngóng đêm sâu
Có lúc ta quên nhìn dáng mẹ
Chợt quạnh hiu ngày ta bước vào đời.
… Mẹ thật gần sao ta quá xa!
(Nguyễn Chinh)
Riêng tôi, tôi sẽ ngồi một mình, yên lặng, nhìn đôi tay và nhớ… nhưng xin đừng ai hát bài “Mẹ tôi” (Nhị Hà) vì có người bạn, tuổi trên 70 khi tình cờ nghe bài hát ấy, đến câu “Nhưng nay con đã nên người, thì nay còn đâu bà mẹ hiền xưa. Chiều nay đốt hương tưởng niệm trước mộ, nhìn khói đau lòng tưởng nhớ năm xưa…” anh đã đóng cửa phòng lại và khóc một mình, thật nhiều, nức nở.
Con hiểu từ nay xa vắng thật rồi
Một bóng hình – một tình yêu vĩ đại
Con trách mình sao không còn bé dại
Nép vai gầy áo mỏng mẹ như xưa
Căn nhà nhỏ chỗ mẹ nằm trang trọng
Mà bây giờ…
Mẹ không còn ở đó
Mênh mông sao – nơi chiếc giường thân thuộc
Cả buổi chiều lạnh ngắt… chằng qua đi
Thân dẫu già mất mẹ hóa cô nhi
60 tuổi lòng đau như 6 tuổi!
(Những điều không thể-NC)
Hãy trở về thăm mẹ hôm nay, bây giờ, vì đó chính là cội nguồn phúc lạc của mỗi chúng ta.
Đâu có phải Vu lan con mới về báo hiếu
Mất mẹ rồi mới hiểu mẹ bao la
Hiểu mẹ thiêng liêng hơn một mái nhà
Góp mọi thứ tình gom vào vẫn thiếu!
(Đâu cứ là Vu lan-NC)
Hãy về ngay nhé!
Nguyên Cẩn
Theo daophatngaynay