Dẫu rằng, các lần kiết tập thứ nhất, hai và ba không đề cập đến tên các kinh điển của Phật giáo Đại thừa, chỉ đề cập đến 5 bộ Nikāya và 4 bộ A-hàm nhưng nội dung tư tưởng trong các kinh điển của Phật giáo Đại thừa đều có nguồn gốc từ các kinh trong A hàm và Nikaya.
Gần đây trên mạng có xôn xao thảo luận vấn đề: “Kinh điển Đại Thừa có phải do Phật thuyết hay không?”, có không ít người hỏi tôi vấn đề này và có ý nhờ tôi viết bài trả lời. Vì vậy, tôi viết bài này nhằm an lòng Phật tử trong việc tu học theo truyền thống Phật giáo mà mình đã chọn và tin chứ không nhằm mục đích công kích bất cứ ai. Theo tôi, nếu người hiểu biết thì kinh nào cũng là kinh Phật nói, dù là Tiểu thừa hay Đại thừa, còn nếu người không hiểu thì dù kinh đó có do kim khẩu Phật nói ra, cũng bị giải thích sai lạc. Nội dung bài viết này được trình bày theo quan điểm cá nhân qua thực tiễn nghiên cứu từ kinh điển, xin độc giả cùng tìm hiểu và chia sẻ.<
Thật ra, vấn đề này không mới mẻ và cũng đã được bàn cãi từ hơn ngàn năm trong quá khứ cho đến hiện tại và ngay cả trong tương lai vẫn tiếp tục có người đặt ra. Lý do đơn giản là khi chúng ta đọc qua các lần kiết tập kinh điển trong Phật giáo, nhất là lần kiết tập I, II và III, không thấy đề cập đến tên của các kinh điển Đại thừa mà chỉ thấy đề cập đến tên của các kinh A hàm và Nikāya và luật tạng, từ đó đưa ra nghi vấn. Cách đặt vấn đề này không phải là không đúng, nhưng có một vấn đề quan trọng hơn mà chúng ta không để ý đó là quá trình phát triển kinh điển của Phật giáo. Ngang qua thời gian và không gian, quá trình phát triển đó không thể giữ vẹn hình thức ban đầu mà phải vay mượn một hình thức khác, để được tồn tại và bảo vệ tính chất cơ bản của nó, nếu không thì tự nó bị đào thải. Giống như một cậu bé A khi mới sinh cần những thức ăn, y phục của trẻ sơ sinh rồi vài ba năm sau cậu A lớn lên không thể tiếp tục ăn thức ăn như vậy, mặc đồ như vậy được mà phải ăn thức ăn khác, mặc chiếc áo khác, rồi 10 tuổi, 20 tuổi cũng thế, nhưng có một điều không khác trong đó vẫn là cậu A. Cái thay đổi là hình thức của kinh luật, cái không thay đổi đó là tinh thần giáo dục trong kinh. Đây là điểm chúng ta cần để ý. Tinh thần giác ngộ và giải thoát của đức Phật không những chỉ có trong kinh điển Phật giáo Tiểu thừa mà có cả trong kinh điển Phật giáo Đại thừa. Nếu cho rằng kinh điển của Đại thừa là kinh phi Phật thuyết (không phải do Phật nói), thì cần phải xác định kinh điển nào là do Phật nói, căn cứ vào đâu để đưa ra quan điểm này?
Như trên đã đề cập quan điểm cho rằng, kinh điển Đại thừa không do Phật nói dựa vào các lần kiết tập chỉ đề cập đến 5 bộ Nikāya hay 4 bộ A-hàm, không đề cập đến kinh điển Đại thừa. Do vậy, trước khi đi vào vấn đề này chúng ta thử tìm hiểu nội dung kiết tập kinh điển lần thứ nhất và lần thứ hai, hay nói một cách khác tìm hiểu quá trình biên tập 5 bộ Nikāya hay 4 bộ A hàm như thế nào.
1. Cuộc kiết tập lần thứ nhất và lần thứ hai chỉ là khẩu truyền
Sau khi đức Thế Tôn thành đạo dưới cội cây Bồ đề, kể từ đó Ngài đem khoảng thời gian còn lại 45 hay 49 năm, vì chúng sinh giáo hóa. Những gì mà Ngài giảng dạy được gọi là ‘Pháp’ hay ‘Giáo pháp’. Trong suốt thời gian Ngài còn tại thế, khi nói pháp bản thân Ngài không ghi lại, không viết thành sách, các đệ tử của Ngài cũng không ai ghi lại khi Ngài giảng, vậy thì kinh điển mà hôm nay chúng ta đọc tụng có từ lúc nào? Không ít người cho rằng, nó được ghi lại ở lần kiết tập thứ nhất, vì điều đó đã được hầu hết các bộ luật của các Bộ phái đều ghi lại nội dung kiết tập lần này. Như “Ngũ Phần Luật”(五分律)của phái Hóa Địa bộ (Mahi§?saka) ghi:
“Những kinh có nội dung dài được kiết tập lại thành một bộ có tên là “Trường A hàm”; Những kinh có nội dung không dài không ngắn kết tập thành một bộ gọi là “Trung A hàm”; Vì các Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Thiên tử, Thiên nữ kết tập thành một bộ gọi là “Tạp A hàm”; Những kinh có nội dung từ 1 pháp cho đến 11 pháp, kết tập thành một kinh gọi là “Tăng Nhất A hàm”; Ngoài ra có nội dung hỗn hợp kết tập thành một bộ, gọi là “Tạp Tạng.”[1]
“Thiện Kiến Luật Tỳ Bà Sa” (善見律毘婆沙) của phái Đồng Diệp Bộ (Tamra§?tiya) lại ghi rằng:
“Những gì gọi là A hàm?….Một là “Trường A hàm” (DighaNikāya); hai là “Trung A hàm” (MajjhimaNikāya); ba là “Tăng Dục Đa A hàm” (Sa×yuttaNikāya); bốn là “Ương Quật Đa La A hàm” (AºguttaraNikāya); năm là “Khuất Đà Già A hàm” (KhuddakaNikāya)….Đây là nội dung 500 vị A la Hán kiết tập”[2]
Qua hai dẫn chứng của 2 bộ Luật vừa nêu trên đều cho rằng, lần kiết tập thứ nhất bao gồm ‘Pháp’ (dhamma) và ‘Luật’ (vinaya). Riêng kiết tập Pháp tức kinh bao gồm: 1. “Trường A hàm”, 2. “Trung A hàm”, 3. “Tạp A hàm”, 4 “Tăng Nhất A hàm” và “Tạp Tạng.” Đó là tính theo Bắc truyền. Nếu tính theo Nam truyền thì gồm có: 1. “Trường Bộ” (DighaNikāya), 2. “Trung Bộ” (MajjhimaNikāya), 3. “Tương Ưng Bộ” (Sa×yuttaNikāya), 4. “Tăng Chi Bộ” (AºguttaraNikāya), 5. “Tiểu Bộ” (KhuddakaNikāya). Ở đây “Tiểu Bộ” cũng tức là “Tạp Tạng”, và chúng ta thấy “Tiểu Bộ” hay “Tạp Tạng” cũng đã được đề cập ở lần kiết tập lần thứ nhất, không phải đợi đến lần kiết tập lần thứ hai.
Trên thực tế các luật đã đề cập lần kiết tập thứ nhất là 5 bộ kinh. Thế thì hình thức kiết tập như thế nào? Có phải chỉ là hình thức khẩu truyền, tức do A Nan đại diện đọc nội dung của kinh đã từng nghe Phật giảng, toàn bộ đại chúng cũng biểu quyết bằng miệng, hay là kiết tập bằng văn bản, tức dùng giấy mực hay dụng cụ nào đó ghi lại? Vấn đề này, không có kinh luật nào, dù là của Nam truyền hay Bắc truyền ghi rõ, chỉ đề cập đến sự ‘Kiết tập’ (sa×g´ti), nhưng không ghi rõ hình thức kiết tập như thế nào. Đây là trọng tâm của vấn đề, cần làm sáng tỏ nó, để chúng ta xác định vấn đề thế nào là kinh do Phật nói hay không do Phật nói.
Để xác định kinh điển A-hàm hay Nikāya được kiết tập bằng văn tự ở lần thứ nhất hay thời nào, chúng ta không nên dựa vào sự tưởng tượng hay suy luận thiếu căn cứ của mình mà cần tiến hành khảo cứu nội dung được ghi lại trong các kinh này, trong đó đề cập đến nhân vật nào, sự kiện gì, những nhân vật sự kiện này ở vào thời đại nào trong lịch sử Phật giáo. Nếu trong đó toàn là những sự kiện lịch sử trước khi xảy ra cuộc kiết tập lần thứ nhất, thì đó là một trong những bằng chứng để chúng ta chứng minh kinh A-hàm và Nikāya được kiết tập bằng chữ viết ở lần thứ nhất. Ngược lại, nếu trong đó đề cập đến những sự kiện lịch sử sau lần kiết tập này, thì kinh điển đó không thể kiết tập bằng chữ viết ở lần thứ nhất.
Căn cứ phương pháp này, một cách cụ thể tôi tiến hành kiểm tra 4 bộ A-hàm và 5 bộ Nikāya phát hiện có nhiều chứng cứ thể hiện 4 bộ A-hàm và cả 5 bộ Nikāya không thể kiết tập bằng chữ viết vào lần kiết tập thứ nhất. Để tiện việc cho độc giả theo dõi, xin trích dẫn như sau:
“Kinh Tương Ưng ” tập 4 đề cập sự kiện các Tỷ kheo thâu nhận vàng bạc như sau:
“Lúc bấy giờ trong cung vua, quần thần nhà vua đang ngồi tụ họp, câu chuyện sau đây được khởi lên: “Các Sa-môn thuộc dòng Thích tử được phép dùng vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử được giữ vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử được nhận lấy vàng bạc….“[3]
Như chúng ta biết, sau khi Phật nhập diệt 100 năm, Tăng già xảy ra cuộc kiết tập lần thứ hai gồm 700 vị A La Hán, với nội dung cùng nhau quyết định ‘10 việc’[4] là phi pháp hay hợp pháp. Trong đó, việc thứ 10 là Tỷ kheo được thọ nhận cúng dường tiền bạc. Chính việc thứ 10 này là nguyên nhân dẫn đến lần kiết tập này. Từ sự kiện này cho thấy, nội dung đoạn kinh vừa trích dẫn có liên quan đến nội dung kiết tập lần thứ hai. Dẫu rằng, kinh này không đề cập đến lần kiết tập thứ hai. Nhưng “Kinh Tiểu Bộ” lại đề cập đích danh lần kiết tập lần thứ hai và thời điểm kiết tập:
“…sau khi bậc Đạo sư nhập diệt, ngài (Sambhèta) được înanda giáo hóa, xuất gia và chứng quả A la hán, Ngài sống trong an lạc giải thoát, cho đến khi 100 năm sau khi đức Phật nhập diệt, Vajj´ đề xướng mười tà pháp bị trưởng lão Niyasa và các Tỷ kheo K?kanndaka chống lại và một kỳ kiết tập được tổ chức với 700 vị A la hán...”[5]
Qua nội dung của hai kinh vừa dẫn, chúng ta có đủ bằng chứng để chứng minh 4 bộ A-hàm và 5 bộ Nikāya không thể kiết tập bằng văn tự ở lần thứ nhất xảy ra sau khi Phật nhập diệt. Từ sự kiện này, nếu A-hàm hay Nikāya kiết tập sớm nhất cũng phải xảy ra sau lần thứ hai.
Trên đây là những sự kiện lịch sử có liên quan đến lần kiết tập lần thứ hai, tức sau đức Phật nhập diệt 100 năm.
Ngoài sự kiện có liên quan đến 10 việc, trong “Kinh A hàm” và Nikāya có khá nhiều kinh đề cập đến sự kiện: “giết cha, giết mẹ và giết A La Hán, phá hòa hợp tăng và làm thân Phật chảy máu”. Thông thường chúng ta cho 5 tội này là của Đề Bà Đạt Đa, nhưng trên thực tế Đề Bà Đạt Đa chỉ phạm 2 tội trong 5 tội nghịch là: “Phá hòa hợp tăng và làm thân Phật chảy máu”, 3 tội còn lại là của Đại Thiên, được các nhà Hữu Bộ ghi trong “Đại Tỳ Bà Sa”, quyển 99. Theo tôi, sự kiện Đại Thiên phải xuất hiện sau sự kiện kiết tập lần hai và trước khi vua A Dục xuất hiện, như vậy có thể vào năm 138 theo nguồn sử liệu của Tây Tạng[6]. Vì theo các nguồn tư liệu để lại sự kiện tranh cãi 10 việc vẫn chưa thấy chính thức công khai chia rẽ tăng già. Như vậy, chính thức công khai chia rẽ vào năm nào, đó chính là niên đại sau khi đức Phật nhập diệt vào năm 137, Đại Thiên đưa ra 5 việc mới chính thức làm tăng già chia rẽ. Nếu như quan điểm này là đúng với lịch sử thì trong kinh điển A-hàm và Nikāya có khá nhiều kinh ghi lại sự chia rẽ này. Ví dụ “Kinh Tăng Chi” (AºguttaraNikāya) tập 2 ghi lại sự tranh tụng:
“Lại nữa, này các Tỷ-kheo, chúng Tăng bị chia rẽ. Khi chúng Tăng bị chia rẽ, này các Tỷ-kheo, có sự mắng nhiếc lẫn nhau, có sự đấu khẩu lẫn nhau, có sự kết tội lẫn nhau, có sự tẩn xuất lẫn nhau. Ai không có tịnh tín, không tìm được tịnh tín, và những ai có tịnh tín có thể đổi khác. Này các Tỷ-kheo, đây là phi thời thứ năm để tinh cần….”[7]
Cũng trong “Kinh Tăng Chi” này lại ghi:
“Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, là người gây ra cãi cọ, là người gây ra tranh luận, là người gây ra đấu tranh, là người gây ra các cuộc đấu khẩu, là người gây ra kiện tụng trong Tăng chúng. Vị ấy được chờ đợi năm sự nguy hại. Thế nào là năm? Không chứng điều chưa chứng được; thối thất điều đã chứng được; tiếng ác đồn khắp; khi mạng chung, tâm bị mê loạn; sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.”[8]