Ngày Phật đản được xem là ngày Tết của những người con Phật, bởi vì đây là thời khắc lịch sử đánh dấu sự ra đời của một Bậc Siêu nhân – Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Tất cả chúng ta nhân dịp này, dù bằng hình thức nào, cũng muốn dâng lên Ngài lòng biết ơn, sự kính ngưỡng của mình đối với một cuộc đời vô cùng thanh cao đẹp đẽ.
Kinh pháp cú 387 dạy rằng:
Mặt trời sáng ban ngày
Mặt trăng sáng ban đêm
Khí giới sáng Sát lợi
Thiền định sáng Phạm chí
Hào quang Đức phật chói sáng thường hằng.
Mặt trời đem lại ánh sáng và sự sống cho muôn loài, nhưng chỉ hạn cuộc vào ban ngày và trong Thái dương hệ. Mặt trăng chỉ soi sáng trái đất vào những đêm có trăng. Dòng vua Sát-đế-lợi dùng khí giới biểu hiện quyền uy, củng cố địa vị. Phạm chí Bà-la-môn tu tập thiền định, nhờ đạo lực hướng dẫn tinh thần cho tín đồ. Tất cả công năng ấy đều có tính cách tương đối, giới hạn về đối tượng và không gian, thời gian. Chỉ có hào quang Đức Phật là chói sáng miên viễn, vượt mọi tưởng tượng và hiểu biết của con người.
Hào quang ấy không phải là một thực thể có hình tướng, mà chính là trí tuệ siêu tuyệt của một Bậc Đại Giác. Trí tuệ Đức Phật không học hỏi vay mượn từ những kiến thức bên ngoài, mà là tánh giác thường hằng sẵn đủ. Vắng bặt mọi suy tư biện biệt của ý thức, buông sạch mọi dính mắc căn-trần, soi rọi tận cùng sâu thẩm của nội tâm, Ngài thể nhập chân tánh, phát khởi trí Vô sư sau 49 ngày đêm thiền định. Những điều Đức Phật dạy về nhân sinh và vũ trụ đều do Ngài đã thấy đã chứng, nên đó là những sự thật tuyệt đối. Các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới đã vô cùng kinh ngạc khi biết rằng, trong lúc họ phải dùmg những dụng cụ hiện đại để khảo sát các sự vật hiện tượng ở tầng vĩ mô và vi mô, thì 25 thế kỷ trước, Đức Phật đã diễn tả vô cùng chính xác mà không cần thiết bị hỗ trợ nào. Khoa học càng tiến bộ, càng chứng minh lời dạy của Ngài là nguyên lý bất di bất dịch, đến nỗi một nhà bác học lừng danh thế kỷ XX đã thốt lên “Điểm tận cùng của khoa học chỉ là điểm khởi đầu của phật giáo!”. Vô hình trung, các vị công nhận rằng, Đức Phật là nhà đại khoa học và hơn thế nữa, một nhà SIÊU KHOA HỌC.
Về phương xã hội, An Độ ngày xưa chia làm 4 giai cấp. Chỉ có Đức Phật, với câu nói bất hủ “Không có giai cấp khi mọi dòng máu cùng đỏ, không có giai cấp khi mọi nước mắt cùng mặn”, đã làm một cuộc cách mạng toàn triệt, phá bỏ tường thành phân biệt đẳng cấp lâu đời. Lại nữa, bằng lời tuyên bố dõng dạc ” Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”, Đức Phật đã đưa con người và mọi loài chúng sanh trở về bản vị. Ai cũng có Phật tánh, ở thánh chẳng thêm nơi phàm chẳng bớt. Chỉ vì quên tánh giác mà chúng sanh tạo nghiệp rồi thọ khổ, đắm chìm trong sanh tử. Nếu quay về, nhận ra và sống cùng tánh giác, có ngày chúng sanh bình đẳng với chư Phật mười phương. Sự bình đẳng tuyệt đối giữa giáo chủ với môn đồ, giữa con người với muôn vật chỉ được tuyên thuyết và đề cao trong đạo Phật. Điều này giải thích tại sao chúng ta tôn xưng Ngài là nhà ĐẠI CÁCH MẠNG.
Bằng trí tuệ Vô sư, Đức Phật thấy rõ mọi nỗi khổ của con người, trong đó bệnh tật là nỗi khổ tái diễn nhiều lần và đa dạng nhất. Một thầy thuốc giỏi suốt đời tận tụy, cũng chỉ chữa trị được một số bệnh nào đó. Y học ngày nay, được chuyên môn hoá như các ngành khoa học khác, nên mỗi thầy thuốc lại càng chuyên sâu vào chỉ một lĩnh vực của mình. Đại tài như Hoa Đà, Biển Thước cũng khó giải quyết những vấn đề phát sinh từ sự ô nhiễm môi trường, từ cuộc sống hối hả đua chen, từ sự bất cẩn gây tai nạn và từ những vũ khí giết người hàng loạt. Vì sao nói thế?
– Bởi vì, thầy thuốc chỉ điều trị ngọn ngành mà không biết và không thể chữa căn nguyên của bệnh tật, là Tham-Sân-Si, như Đức Phật đã thấy rõ. Ngài không những hiểu tường tận nguyên nhân gây bênh. Ngài còn tùy bệnh cho thuốc. Ngài không những điều trị cho con người, Ngài còn dạy bảo vệ sinh mạng chúng sanh, bảo vệ môi trường sống. Ngài không những chữa trị thân tâm một đời, Ngài còn dạy nhiều phương pháp thoát ly sanh tử vĩnh kiếp. Tất cả thầy thuốc trên thế giới, nếu biết được đối tượng, phương pháp và kết quả điều trị của Ngài, chắc không ai không cuối đầu bái phục. Cho nên, chúng ta không hề khoa trương mà tôn Đức Phật là bậc VÔ THƯỢNG Y VƯƠNG !
Bên cạnh trí tuệ tuyệt vời, Đức Phật còn phát Đại Từ bi tâm giáo hoá muôn loài. Theo ý nghĩa trong đạo Phật, Giáo là dạy bảo, nhờ trí tuệ; Hoá là làm đối tượng cảm phục để chuyển hoá, nhờ từ bi. Trong suốt 45 năm hành đạo, Đức Phật đã chỉ dạy về bổn phận làm người, về cách đối nhân xử thế, cách trị quốc an dân. Hơn thế nữa, Ngài còn hướng dẫn nhiều phương pháp đưa con người tiến lên bậc Hiền Thánh. Ngài là vị thầy dẫn đường của Trời Người và tất cả chúng sanh, xứng đáng được tôn vinh là nhà ĐẠI GIÁO DỤC.
Một nhà bác học với trí thông minh hơn người, với sức tập trung cao độ, với khả năng làm việc phi thường, với tâm huyết phụng sự nhân loại đến độ quên cả bản thân, chúng ta phải kính cẩn nghiêng mình trước vị ấy. Đôi khi chỉ cần thành tựu một công trình nghiên cứu, nhà bác học đã được tôn là bậc vĩ nhân, là cứu tinh của nhân loại. Tuy nhiên, những bậc vĩ nhân – ân nhân ấy dù sao cũng có sự hiểu biết hạn chế vào lĩnh vực chuyên môn của mình, và cũng chỉ cứu sống tấm thân tứ đại nay còn mai mất. Chính bản thân các vị cũng không tránh được phiền não bệnh tật, và cuối cùng, không thoát khỏi sinh tử vô thường.
Đức Phật chúng ta không khảo sát sự vật hiện tượng qua thức tri – sản phẩm của ý thức phân biệt. Ngài nhìn sâu vào tận cùng bản thể các pháp, tuệ tri, liễu tri, thắng tri mọi vật nên thường hiểu rõ tất cả sự lý thế gian, vừa thâm nhập các pháp xuất thế; vừa tự mình thoát ly phiền não sinh tử, vừa tùy duyên dạy người những phương tiện liễu sinh thoát tử. Nếu nói về sự quyết tâm, sự cần khổ kiên trì,, sự tập trung đã đạt mục đích tối hậu, thì trong 5 năm tìm đạo và 6 năm khổ hạnh nơi rừng sâu, Ngài thể hiện ý chí siêu phàm. Nói về sự quên mình vì hạnh phúc đích thực của tha nhân, thì cuộc đời Ngài là cả một sự hi sinh vĩ đại: khi chưa thấy đạo, Ngài sẵn sàng từ bỏ tất cả quyền lực vật chất và những ràng buộc tình cảm thế gian. Khi trở thành Đấng Giáo chủ đượcTrời người kính ngưỡng, Ngài cũng vẫn ba y một bát, đôi chân trần đi khắp cõi An Độ vì lợi ích vĩnh cữu cho chúng sanh. Như thế dù chúng ta tôn Đức Phật là bậc ĐẠI BÁC HỌC, ĐẠI VĨ NHÂN, ĐẠI ÂN NHÂN hay bất cứ danh xưng nào khác, thiết tưởng cũng không thể xứng với tầm vóc và ơn đức của Ngài !
Ngày Phật đản là dịp ôn lại những công hạnh cao cả của Đức Phật. Chúng ta nhớ gương Ngài để nhìn lại bản thân, xem đã làm được gì có ích cho mình cho người, đã tiến bao nhiêu bước trên lộ trình tâm linh, có xứng đáng là con của bậc Đại giác? Ngày Phật đản cũng là cơ hội cho ta nhớ đến vị Phật sơ sinh hiện diện ngay chính bản thân, mà mỗi giây phút ta phải nâng niu, phải nuôi lớn. Được chút ít kết quả trên đường tu, chúng ta chia sẽ cho mọi người mọi vật chung quanh, để tất cả được sống trong hào quang miên viễn của chư Phật. Có như thế chúng ta mới thật sự đón mừng ngày Phật đản một cách trọn vẹn và đầy đủ ý nghĩa nhất.
Thích Thông Huệ
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/thiennhansu.htm