Cảm Nghĩ Chân Thành Nhất Khi Đọc Tụng “Thập Quảng Đại Nguyện Phổ Hiền”

Từ nhiều năm nay, tôi có một thói quen đã trở thành tập khí là miệng thì đọc mà tâm chẳng bao giờ tập trung vào một chỗ cho nên nhiều năm qua tuy mỗi lần công phu và sau đó đều tự thệ Bồ Đề Tâm Giới theo Mật Tông… thế nhưng rồi đâu cũng vào đó.

Không hiểu gần đây sau mỗi lần tự thệ, hình như lạ làm sao giọng đọc của tôi giống như khóc quá… và có lúc lại khóc ướt cả mi. Nhìn lên hình Đức Bồ Tát Phổ Hiền (một lần đã thỉnh được khi hành hương Tứ Đại Danh Sơn 2012) tôi chợt thấy lòng một chút hỗ thẹn, có phải chăng tôi chưa thật sự biết gì là Bồ đề Tâm ?

Thì ra từ lâu ý định tôi không đi trước hành động, nhưng… vì cứ lập đi lập lại nên đã trồng được một chút rễ tốt khiến tôi có được hỗ thẹn này !

Thế là tôi dành cả 10 ngày tham khảo lại để học và suy ngẫm, có được chút ít điều suy tư được thì ngày vía của Đức Phổ Hiền gần đến (21/ 2 âm lịch). Để báo đáp ân Đức của Ngài với một chút lòng thành, đêm nay tôi đã chờ giờ linh thiêng nhất (theo Cố HT Thích Thông Bửu , giờ hoà hợp âm dương… hai giờ sáng để xin phép Ngài linh ứng cho tôi được mạo muội trình bày những điều đã học và đã suy tư… cùng các bạn để chúng ta có thể trao đổi thêm cho nhau những gì của Diệu Pháp Như Lai trong thời đại mới này chăng?

Được như vậy hẳn là điều trân quý lắm… và chắc có lẽ Ngài đã hứa khả… và tôi đã viết và viết như sau :

TU HẠNH PHỔ HIỀN là sao?

Trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm NHẬP BẤT TƯ NGHÌ GIẢI THOÁT CẢNH GIỚI có dạy một câu rất quan trọng, đó là ” Một sắc một hương đầy khắp pháp giới ” được giải thích như sau cho Hạnh Phổ Hiền :

“Điều ác chớ nên làm
Huân tập các việc lành”

và các việc lành ấy chính là Thập quảng đại nguyện của Ngài đó là ( Lễ kính Chư Phật – Xưng tán Như Lai – Quảng tu cúng dường- Sám hối nghiệp chướng – Tuỳ hỷ công đức – Thỉnh chuyển Pháp Luân – Thỉnh Phật trụ thế – Thường tuỳ Phật học – Hằng thuận chúng sinh – Phổ giai hồi hướng)

Tu hạnh Phổ Hiền thì phải Phát Tâm Bồ Đề để đi thẳng vào biển lớn TỲ LÔ HOA TẠNG

Phát tâm Bồ Đề là thế nào?

” Phát Tâm Bồ Đề là biết rõ tất cả Chư Phật cùng chúng sanh đồng một Giác Nguyên, ai ai cũng đều cùng 1 THỂ “

Tại sao lại phải Phát khởi lại Tâm Bồ Đề ?

Có phải vì chúng sinh bị mê mờ vô minh phiền não che lấp, trôi lăn bao kiếp luân hồi nên quên mất rằng tánh Giác là của mình, nên đã quay lưng lại với nó, luôn chạy theo bóng dáng của 6 trần đã vậy còn duyên theo nó nay chư Tổ vì thương xót chúng sinh nên khuyến phát chúng ta để chúng ta nhớ lại và sống được với Tâm Bồ Đề… và chính vì thế mà các giảng sư thường minh giải trong các bài pháp thoại về Khuyến phát Bồ đề Tâm Văn của Đại Sư TỈNH AM (THẬT HIỀN Đại Sư).

Kính lạy Đức Phổ Hiền Bồ Tát
Từ lâu con đã đánh mất mình
Trôi lăn vào màn phủ vô minh
Duyên may một lần Nghe… khuyến phát.

Sao có thể Bội trần hợp Giác ?
Nguyện từ nay Tâm phát Bồ Đề
Hà sa kiếp… lần bước trở về
Mình, người tất cả… đồng Nguyên Giác ( HH )

Do vì Bồ Đề Tâm là Tri kiến Phật, là tánh Giác của mình.

Khuyến là khuyến khích, bày tỏ
Phát là phát khởi, tiến lên

Khuyến phát là nhằm bày tỏ khuyên ta chớ lấy Trí nhỏ mà cho là tự đủ phải phát khởi tiến lên, cầu đạo vô thượng Bồ Đề thăng vào biển lớn ( nghĩa là dù đã sạch vọng tưởng đảo diên, thức tâm đã trong sạch rồi mới có được cái Tâm Nghe ).

Phổ Hiền là Tâm Nghe thấu suốt mười phương

Tâm Nghe chính là Nhĩ thức diệu dụng của tâm linh đi khắp 10 phương pháp giới (nghĩa là đã sạch vọng tưởng đảo điên, thức tâm đã trong sạch rồi mới có được cái Tâm Nghe).

Tâm Nghe thấu suốt 10 phương thì cái Biết thấu suốt 10 phương và bấy giờ Tâm thức đã biến thành TẠNG ĐẠI QUANG MINH (Trí tuệ Bát Nhã) hay còn gọi là Bản Tâm.

Chúng sanh phàm phu chúng ta chỉ biết Tai Nghe, ngoài thì niệm niệm dong ruồi theo thanh trần trong lại phần duyên dấy khởi lăn theo những phải quấy của thanh tướng, vọng tưởng phiền não loạn khởi (theo Thiền sư Minh Chánh trong Diệu Nghĩa Pháp Hoa kinh).

Cũng được giải thích theo Thiền Sư một khi đã thấy biết thấu suốt 10 phương… thì tất cả đều là Huyễn, Mộng, nghĩa là thấy rõ tất cả cảnh trần đều là Không, đều do trùng trùng duyên tác hợp và được tạo lập theo Thập Như Thị – Như thị tướng (hình thức ) -Như thị Tánh (bản tánh) – Như thị Thể (biểu hiện) – Như thị Lực (năng lực)- Như thị Tác (hành tác)- Như thị Nhân (nguyên nhân)– Như thị Duyên (duyên cớ)– Như thị Quả (kết quả)– Như thị Báo (báo đáp)– Như thị Bổn mạt cứu cánh (toàn bộ nền tảng rốt ráo như thế).

Kính lạy Đức Phổ Hiền Bồ Tát,
Thất tình vọng tưởng… cắt mê lầm
Mộng, huyễn thôi vướng mắc… Thức Tâm!
Mười đại nguyện… trạm nhiên diệu giác.

Cuối cùng cũng xin được trộm nghĩ như sau: Tính chất của mình có thể… thể hiện được sức mạnh tu tập của mình phù hợp với ý chí và khả năng mình. Nhưng việc thọ nhận Pháp của mình lại cho thấy mọi nỗ lực của ta rồi cũng sẽ được đền đáp. Sẽ không bao giờ là vô ích nếu chúng ta đừng dừng lại ở một giới hạn nào đó mà phải tự mình luôn đào sâu sự hiểu biết thêm để tiến lên từng bước….

Đạo Phật phải chăng Đạo Tự Tại?
Hiểu được rồi phát triển… Niềm Tin
Ấp ủ kiên trì nỗ lực… Minh
Hoà nhập thế gian… cùng dòng chảy !!!!

Kính mong được các bạn chỉ giáo thêm và chia sẻ thêm để cùng nhau sống trong Giáp Pháp Như Lai và ngày nào đó ta chợt nghe đâu đây một mùi hương bao trùm không gian… thưa các bạn có thể chúng ta được Đức Phổ Hiền xoa đầu và khuyến tấn….

Cư sĩ Huệ Hương

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.