Gần đây theo hoàn cảnh và tình trạng phong tỏa khắp nơi vì đại dịch nên YouTube theo thị hiếu của người ít thích đọc sách mà chỉ thích nghe… rất vô tư để có thể làm được nhiều việc khác. Do đó cứ mỗi một ngày qua người đọc thấy xuất hiện rất nhiều sách nói online đủ mọi đề tài từ túi khôn nhân loại đến những tác phẩm minh triết ( xin nói rõ chỉ đọc mà không giảng giải được nhiều từ vựng đôi khi hàm nghĩa bóng như các giảng sư trong các bài pháp thoại ).
Và tôi đã chiêm nghiệm vì sao khi vừa mới nghe được vài câu đầu của một tác phẩm đọc lên là tôi vội tắt ngay vì thấy phí thì giờ và chẳng hiểu mô tê gì cả !!! Khác thật xa với thú nghe pháp thoại mà tôi rất say mê quên cả đứng dậy để thư giản đôi chân.
Thì ra VĂN tức là người và THƠ là để bày tỏ được tấm lòng người ấy Thế cho nên người đọc các tác phẩm đó phải có cùng trình độ và có căn cơ như người viết mới diễn tả hết những gì tác giả muốn gửi gấm.
Hơn thế nữa cũng như một ca sĩ người đọc cần một làn hơi ấm áp truyền cảm biết chỗ nào phải dừng và lên xuống cho đúng ý tác giả chứ không phải đọc như trả bài…
Ôi! lãnh vực nào cũng cần chuyên môn vì đó là lý do về sự “ăn khách “ hay có thể đạt tiêu chuẩn để gọi là thành công.
Và từ đó tôi mới hiểu được rõ ràng hai chữ TRẠCH PHÁP trong Thất giác chi của 37 phẩm trợ đạo của Đạo Đế từ Tứ diệu đế. Để từ đấy tự suy ngẫm về cách tu tập của mình…
Dù tôi chẳng bao giờ muốn được chứng đạo vì biết quá rõ căn cơ mình nên cứ học hỏi thực hành chậm từng bước… ( Tiệm ) thế nhưng ai biết tập khí từ bao đời bao kiếp của mình được ?
Và do vậy tôi rất thích đọc chú và niệm Phật cầu một sự gia bị từ các Đức Phật và Bồ Tát mà mình đã có kinh nghiệm hưởng được sự hộ trì…
Nhờ vậy mà lòng tôi luôn hỷ lạc theo cách hạ thủ công phu ấy tuy vẫn lấy Tứ Diệu Đề và Bát Chánh Đạo và Lý Duyên Sinh, luật Nhân Quả làm căn bản mà không hiểu từ đâu đến ( phải có một nguyên nhân sâu xa nào đó ) trong thời gian nhiều năm gần đây mỗi khi bất cứ câu chú tiếng phạn nào thoáng qua đầu là tôi đã thuộc lòng rồi… như Ngũ Bộ Chú và Kim Cang tát đoả !
Tôi tự hiểu rằng tôi sẽ chẳng bao giờ là một đệ tử giỏi của Sư Phụ tôi vì tôi chẳng làm rạng danh Phật giáo nguyên thủy như các sư huynh và sư muội, sư tỷ tôi. Kính xin các bạn đồng môn hãy tha thứ cho nghiệp dĩ của tôi… vì như đã nói trên tựa đề bài viết, lãnh vực nào cũng cần chuyên môn mà tôi thì ba mứa muốn ôm tất cả tinh hoa của các bậc Cổ Đức tài danh để noi theo hầu tránh được những cạm bẩy cuộc đời vì mình chỉ là một phụ nữ… rất yếu đuối tinh thần lẫn thể xác.
Nhân ngày nghĩ lễ long – weekend (ngày phụ nữ quốc tế 8/3 ) ngồi thu hình trong căn phòng vắng lặng tự chiêm nghiệm lại đời mình rồi lại nhớ đến lời thỏ thẻ tâm sự của đứa cháu trai vừa đến tuổi dậy thì ( mặc dù sinh ra tại Úc ) vừa đến thăm tôi hôm qua như sau:” Bà ơi, đôi khi mình phải cần có những lời ái ngữ mới thu phục được nhân tâm hơn là lời chỉ trích dù sự thật có phũ phàng đến đâu “.
Rất kinh ngạc và tôi tự hứa phải học hỏi điều này…
Tôi chợt nhủ thầm ” là một người phụ nữ phải chăng lãnh vực chuyên môn trong khoa ăn nói cũng rất cần và hãy thật chuyên môn trong sự hy sinh và nhân ái mới là cần thiết nhất ! “
Như vậy nếp sống đạo của một hành giả tại gia trước nhất phải thật tinh xảo và chuyên môn trong việc đào luyện một giọng nói truyền cảm ấm áp phát xuất từ trái tim nhân hậu.
Kính xin tặng các bạn đôi vần thơ từ trái tim mình nhé !
Dù tuổi đã thu đông em vẫn là phụ nữ !
Có cần chi đến bình đẳng nhân quyền
Dù trình độ học vấn được thuận duyên
Cần khiêm cung, từ ái trong gia đình, xã hội !
Phương trời xa xôi nào hương giới đức vẫn thổi tới !
Nhường một bước… hoà thuận được có chi đâu ?
Tranh đấu… sao bằng luyện tập thâm sâu
Thật chuyên môn trong Từ Bi, Ái Ngữ !
Đấy… tính chất nhẹ nhàng của người phụ nữ !!!
Huệ Hương – 7/3/2021