Linh Sơn trong lòng ai nhưng Linh Sơn có thể biến mất. Vì đôi mắt không còn hồn nhiên nữa, Linh Sơn khó mà tìm thấy lại . Và mọi người sẽ tin là không hề có Linh Sơn. Nhưng hoa từ Linh Sơn vẫn bay xuống đời, Để ta có thể đọc hoa như đọc kinh và vẫn còn hoa bay.
Trong văn chương Đông Á. Linh Sơn thường hiện lên với vô vàn vẻ đẹp linh thiêng. Đó là chủ đề của thơ cũng là chủ đề của đạo.
“Linh Sơn thầm trao pháp, Thiếu Thất chỉ truyền tâm” (Thiền uyển dao lâm)
Linh sơn có thể là “Không sơn”: “Không sơn tịch lịch đạo tâm sinh” (Trương Duyệt)
Linh Sơn cũng là hiện tượng văn chương lừng lẫy và rất mới, kiệt tác của Cao Hành Kiện, giải Nobel văn học năm 2000.
Trong thơ ca Việt Nam , Nguyễn Du đã dựng lên một Linh Sơn tuyệt vời.:
Tâm sáng rồi, người tự độ,
Linh Sơn trong lòng ai.
Cũng không có đài gương sáng,
Vốn chẳng có cây bồ đề.
Ta đọc Kim Cương hơn nghìn lượt,
Không sao hiểu hết nghĩa huyền,
Đến đài phân kinh mới biết:
Không chữ, đấy là chân kinh.
(Nhân liễu thử tâm, nhân tự độ,
Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu.
Minh kinh diệc phi đài,
Bồ đề bản vô thụ.
Ngã độc Kim Cương thiên biến linh
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh
Cập đáo phân kinh thạch đài hạ
Tài trí vô tự thị chân kinh)
Đó là đoạn cuối của bài thơ “Lương Chiêu Minh Thái tử phân kinh thạch đài” (Đài đá chia kinh của Thái tử Chiêu Minh nhà Lương) trong tập Bắc hành tạp lục của Nguyễn Du.
Đó là một Thiền ca bay bỗng của Tố Như, một lộ trình tâm linh chói sáng.
Nhà thơ đến thăm đài phân kinh của Thái tử Chiêu Minh. Thái tử sống vào thời nhà Lương (502-556), tác giả bộ Văn tuyển, rất sùng bái đạo Phât.
Tố Như cho rằng, phân chia kinh cũng là vô ích thôi. Có thể diễn ý của bài thơ Tố Như như sau:
“Nơi đây Thái tử Chiêu Minh phân chia kinh. Đài đá vẫn còn ghi rõ chữ “phân kinh”. Nền đài gai góc chìm trong mưa gió. Cỏ cây sợ rét đều chết khô. Chẳng thấy nơi nào còn lại kinh. Chỉ nghe đồn chuyện Lương Thái tử xưa. Thái tử thời trẻ đam mê văn chương. Bày chuyện chia kinh , rối cả lên. Phật vốn là không, chẳng dựa vào vật. Dính dáng gì kinh mà phải chia? Văn thiêng không ở tại ngôn ngữ. Đâu là Kim Cương, đâu là Pháp Hoa? Trong cõi sắc không mờ mịt không rõ. Lòng si mà tin Phật thì Phật hóa ma. Một nhà cha con đều u tối. Ở trong ý niệm mà tự tới. Nơi đồi gò không thể mọc đài sen. Ngựa trắng một sớm vượt trường giang . Rừng cháy, vạ lây cả cá ao và cỏ cây. Kinh kệ ra tro, đài cũng nát. Ngàn vạn lời suông ích lợi gì. Để lại đời sau ngu tăng tụng điếc tai!
Ta nghe Thế Tôn ở Linh Sơn. Thuyết pháp độ người nhiều như cát sông Hằng. Người nào sáng tâm là tự độ. Linh Sơn ở trong lòng đấy thôi. Minh kinh diệc phi đài. Bồ đề bản vô thụ. Ta đọc kinh Kim Cương hơn nghìn lần. Ý sâu phần nhiều không hiểu rõ. Khi đến được đài đá phân kinh này, mới hay vô tự là chân kinh”
Trong đời Tống, Tố Như thường im lặng.
Đôi khi mỉm cười. Thiên hạ dường như không thích cái im lặng ấy, cái mỉm cười ấy.
Là một người hay viết nhưng Tố Như không dựa vào chữ nghĩa để lòe đời. Nhà thơ cười với chữ, chơi với chữ, mua vui với chữ. Và vì vậy không bao giờ dính mắc vào chữ.
Thế nên, trước đài phân kinh. Tố Như thì thầm:
Ngàn vạn lời suông ích lợi gì!
(Không lưu vô ích vạn thiên ngôn!)
Hàng vạn núi lời không đổi được một Linh Sơn. Đi tìm Linh Sơn bằng kinh, bằng lời là vô ích.
Khi tâm sáng rồi thì Linh Sơn tự hiện. Linh Sơn trong lòng ai. Linh Sơn thầm lặng, ẩn mình trong tâm người. Nhưng con người cứ đi tìm đâu đâu, bày ra vô số con đường, vô số nghi thức, vô số ngôn từ, vô số thánh địa. Và cứ thế, càng ngày càng xa Linh Sơn.
Ngoài tâm, không có Linh Sơn, không có đài gương sáng, không có cây bồ đề.
Ngoài tâm, không có kinh Kim Cương, không có kinh nào hết, chỉ có chữ và chữ, chỉ có lời suông.
Thế nên, Tố Như tự thú: “Ta đọc kinh Kim Cương hơn nghìn lượt, không sao hiểu hết nghĩa huyền”. Ẩn ý sâu thẳm của Kim Cương không thể hiện ra ở chữ.
Đọc kinh không phải là đọc chữ.
Thiền sư thi sĩ Hàn Quốc Han Yong-Un (1879-1944) miêu tả một cảnh đọc kinh của mình:
Tôi chúi mũi vào kinh
Bờ vai mang ánh nắng
Những cánh hoa phiêu lãng
Bay xuống chữ, lung linh
Và tôi tiếp tục đọc
Hoa nằm trên trang kinh
Trên Linh Sơn, Thế Tôn đã nâng một cành hoa lên. Và từ ấy, hoa đã bay xuống những trang kinh. Để chữ không còn là chữ.
Để Tố Như ngộ ra: “Không chữ, đấy là chân kinh”
Để Linh Sơn hiện lên trong lòng ai.
Một nhà thơ Hàn Quốc khác là Kim Kwang-Kyu (sinh năm 1941) nói về một Linh Sơn thơ ấu: “Trong ký ức ấu thơ tôi mọc lên một ngọn núi huyền bí nơi cố hương.Đó là ngọn núi chưa ai trèo lên đó. Và cũng chưa ai nhìn thấy đỉnh núi bao giờ. Sương mù dày đặc bao quanh lưng núi và mây che khuất những cây cỏ mọc trên đỉnh núi cao. Trong đêm, ngọn Linh Sơn ảo mờ.
Vào những đêm trời không mây và ánh trăng trong vắt, chúng tôi thấy hiện lên trong khoảnh khắc ngọn Linh Sơn, nhưng cũng không thể hình dung đỉnh núi cao đến tận nơi nào.
Và một ngày tôi chợt khát khao nhìn thấy ngọn Linh Sơn. Ngọn núi mà chưa bao giờ trong trái tim tôi vắng bóng. Tôi trở lại cố hương và kinh hãi nhận ra ngọn Linh Sơn đã hoàn toàn biến mất. Một già làng tôi không quen biết nói với tôi: Nơi đây không có ngọn núi ấy bao giờ” (Nguyễn Quang Thiều dịch).
Linh Sơn trong lòng ai nhưng Linh Sơn có thể biến mất. Vì đôi mắt không còn hồn nhiên nữa. Linh Sơn khó mà tìm thấy lại. Và mọi người sẽ tin là không hề có Linh Sơn.
Nhưng hoa từ Linh Sơn vẫn bay xuống đời. Để ta có thể đọc hoa như đọc kinh. Và vẫn còn hoa bay.
Trong tác phẩm Linh Sơn của Cao Hành Kiện, nhân vật “hắn” trên đường đi tìm Linh Sơn đã hỏi một lão trượng rằng hắn có đi lầm đường không thì ông lão đáp: “Đường thì không lầm, chỉ có người đi thì lầm”.
Hắn hỏi: “Rốt cuộc phải đến Linh Sơn như thế nào?”- “ Ở bờ bên kia!”.
Nhưng bờ bên kia là bờ nào? Hắn đang đứng trên bờ sông đấy thôi. Và bờ nào là không bờ bên kia. Hắn nhớ một bài hát cổ cách đây mấy nghìn năm:
Hữu dã hồi
Vô dã hồi
Mạc tại giang biên lãnh phong xuy.
Có cũng về thôi
Không cũng về thôi
Đừng ở bên sông gió lạnh thổi.
(Bản Anh dịch:
Existence is returning,
Non-existence is returning,
So don’t play by the river getting blow about by the cold wind).
Đường đến Linh Sơn không phải là đi tìm, đi xa. Ông lão đã cảnh cáo hắn: “Càng đi càng đi xa!”.
Đường đến Linh Sơn chính là đường trở về. “Hữu”cũng về mà “Vô”cũng về. Có hay không chẳng phải là khác biệt.
Không chữ, đấy là chân kinh.
Và từ đấy, Tố Như đọc kinh trong hư không.
Đọc những cánh hoa bay trong hư không.
Trong lòng ai là Linh Sơn mà cũng là núi Không.
Nhật Chiêu – Theo tapchivanhoaphatgiao.com