Thiền Sư Thích Đạo Thiền, vị thiền sư thứ 2 của VN vào đầu thế kỷ thứ 6.
NÊU GƯƠNG ĐẠO HẠNH VỀ KHẮC KỶ, THIỂU DỤC TRI TÚC, KIỆM PHƯỚC TỐI ĐA lại LÀU THÔNG CHỈ QUÁN, RỘNG DẠY LUẬT THẬP TỤNG.
(Ngài thích tu tập phép chỉ và quán, luôn ở ẩn trong núi xa, nếu thấy nghe cảnh ồn náo, ngài liền tìm cách lui bước. Ngài thích ăn những thức ăn hoang dã, mặc đồ rách rưới, miệng không bao giờ nói chuyện phù phiếm; nếu có ai cho thức ngon đồ đẹp đều đem cấp phát cho người nghèo ốm…..) Theo Cao Tăng truyện hành trạng Ngài ngắn gọn (1)
Gốc người Giao Chỉ ( dân trí thấp, đất rộng thưa nghèo) (2)
Đến Kim Lăng, vâng lệnh vua dạy tăng chúng nổi tiếng theo (3)
Vì làu thông chỉ quán, rộng dạy Luật thập tụng(4) !
Chút tư duy, sưu tầm …Chỉ, Quán để hữu dụng? (5)
Vì Giới, Định, Tuệ …căn bản Như Lai Thiền .
Phải chăng lại phải kiệm phước tối đa … tạo duyên ?
Bố thí tài nên buông hết .. bội thu sau nhiều kiếp !
Liên tưởng Thánh Tăng Sivali, kệ cầu lộc nối tiếp (6)
Chợt nhớ lời dạy …Phật tử khi bước vào chùa(7)
Ngoài chuyện phù phiếm thị phi, ồn náo chẳng hơn, thua ,
Noi gương đạo hạnh Ngài, thực hành được là nhất !!!
Nam Mô Thiền Sư Thích Đạo Thiền tác đại chứng minh.
Huệ Hương – Melbourne 8/6/2021
______________________
(1) Thích Đạo Thiền (Theo Cao Tăng Truyện viết) người Giao Chỉ, sớm xuất gia lập hạnh tinh nghiêm, giới luật trong sạch, chẳng kém các bậc cao đức. Dân chúng tăng tục đều kính quí đức khắc kỷ và sự dốc chí tu hành của Sư. Chùa núi Tiên Châu xưa bị nhiều cọp quấy nhiễu, Sư đến ở đó nạn ấy liền hết.
Nghe Cánh Lăng Vương nhà Tề rộng mở Thiền luật, lập nhiều chỗ giảng dạy, người xa gần dong ruổi kéo đến Kim Lăng. Họ là những người tài đức bốn phương trong đạo. Sư giảng dạy kinh điển rất thông, ban đêm ít ngủ tham khảo kinh sách cố tìm chân lý. Đến năm Vĩnh Minh thứ nhất (483), Sư dạo đến kinh đô ở chùa Vân Cư Hạ tại Chung Sơn. Sư vâng lệnh vua điều khiển tăng chúng, nổi tiếng vì rộng dùng luật Thập Tụng…
Sư thích diệt giác và quán, luôn ẩn núi xa, nếu cảnh ồn náo liền tìm cách lui bước. Sư thích ăn những thức ăn hoang dã, mặc đồ rách rưới, miệng không bao giờ nói chuyện phù phiếm; nếu có ai cho thức ngon đồ đẹp đều đem cấp phát cho người nghèo ốm. Sư sống một đời thiểu dục tri túc, ít ai sánh kịp. Về già, Sư đến ở nhà của chùa, chôn dấu mình ở núi rừng không giao thiệp với kẻ cao sang, sống trong cảnh khổ hạnh. Người ta cho thế là buồn, song Sư vẫn thấy là an vui của mình. Niên hiệu Đại Thông thứ nhất (527) Sư mất ở chùa núi, thọ 70 tuổi.
(2) Giao Chỉ là một trong 15 quận của nước Văn Lang cũ
Giao Chỉ nguyên là tên gọi của một bộ trong số 15 bộ của nước Văn Lang thời xưa. Bộ Giao Chỉ thời Hùng Vương tương đương miền Hà Nội ngày nay và miền hữu ngạn sông HồnKhi đó Giao Châu là một cấp hành chính (châu), gồm 9 quận là: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Đam Nhĩ, Châu Nhai (Đam Nhĩ và Châu Nhai nay thuộc đảo Hải Nam), Nam Hải, Hợp Phố, Uất Lâm, Thương Ngô (nay thuộc Quảng Tây và Quảng Đông). Trị sở ban đầu đặt tại huyện Liên Lâu rồi dời sang huyện Quảng Tín(thành phố Ngô Châu thuộc Quảng Tây ngày nay), sau chuyển về Phiên Ngung (thành phố Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông ngày nay).
Thời Hán mạt và Tam Quốc, nhân dân Giao Chỉ đã nhiều lần nổi lên giết chết các thứ sử Giao Châu là Chu Phù rồi Trương Tân. Sau đó nhà Hán đã phong cho thái thú quận Giao Chỉ là Sĩ Nhiếp làm Tuy Nam Trung lang tướng, tổng đốc 7 quận.
(3) Kim Lăng tức Nam Kinh ngày nay là cố đô cũ của Trung Quốc Về phong thủy của cố đô này, quân sư Thục quốc Gia Cát Lượng khi tới Kim Lăng cổ thành (Nam Kinh) đã từng cảm thán: “Chung Sơn long bàn, thạch đầu hổ cứ, chân nại đế vương chi trạch dã.” (nghĩa là “Núi Chung thế rồng cuộn, đá hình hổ phục, thật là chốn đế vương vậy”). Tuy nhiên có một điều kỳ lạ là: mặc dù Nam Kinh vương khí ngập tràn, nhưng các vương triều định đô ở đây đều tồn tại nhiều nhất là khoảng 100 năm trước khi bại vong.
(4) Luật Thập tụng là bộ thư tịch thuộc luật tạng Thanh văn hệ Hán, gọi chung là Thanh văn điều phục tạng, hay Thanh văn tỳ-ni, vân vân. Tương truyền, sau khi đức Thích Tôn nhập diệt, chúng đệ tử gồm 500 vị A-la-hán cử hành kết tập kinh, luật lần thứ nhất tại hang Thất diệp (Sapta-parṇa-guhā) ở vùng ngoại ô thành Vương xá (Rājagṛha), nước Ma-kiệt-đà (Magadha).
Trong suốt mùa hạ đó, tôn giả Ưu-ba-li (Upāli) thăng tòa 80 lần, tụng đủ tạng Tỳ-ni, gọi là Bát thập tụng.[1] Đầu tiên Đại Ca-diếp (Mahākāśyapa) gìn giữ rồi truyền cho A-nan (Ānanda) đời thứ hai, đời thứ ba Mạt-điền-địa (Madhyantika), đời thứ tư Thương-na-hòa-tu (Śāṇa-vāsin).
Đến đời thứ năm là Ưu-ba-cúc-đa (Upagupta).[2] Ưu-ba-cúc-đa sợ căn tánh người đời sau chậm lụt không thể học thuộc hết 80 tụng mới san định lại thành 10 tụng.
(5) thiền chỉ và thiền quán là hai phương pháp hành thiền vô cùng quan trọng của Phật giáo. Đây là con đường duy nhất đưa đến thanh tịnh, an lạc và giải thoát.
Mục đích của thiền chỉ là để an định tâm trí, không để tâm phân tán loạn động (vikshepa). Bản chất của thiền quán là để nhìn thấy sự thật như nó là (ānupassanā). Cả hai cùng nhau hành động như một thực thể duy nhất hài hòa như là cách để đạt đến Niết-bàn. Thiền chỉ có nhiệm vụ thâu gom vọng tưởng lại, còn thiền quán có công năng chặt đứt phiền não.
Sự đào luyện tâm trí đều phải dựa vào phương pháp thực hành thiền chỉ và thiền quán. Hai phương pháp thiền này có chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Thiền chỉ nhằm mục đích phát triển sự an tịnh nội tâm bằng cách tập trung vào một chủ đề thiền định. Chức năng của nó là để an tịnh tâm hành và tạm thời làm lắng dịu các tâm như tham dục và sân hận, sự chấp thủ cho người hành thiền, đồng thời vượt qua năm triền cái. Mặt khác, thiền quán có trí tuệ như là chức năng của nó nhằm tiêu diệt tà kiến (moha) và tất cả những phiền não khác để đạt được giác ngộ. Thiền chỉ làm dừng lại hoặc tập trung tâm vào một đối tượng, trong khi thiền quán vipassanā là cái nhìn sâu sắc, cả hai đều bổ sung cho nhau để hoàn thiện thực hành thiền định.
Thiền chỉ liên quan trực tiếp đến sự an định tâm trí của hành giả về một đối tượng thiền thích hợp, nhằm ngăn chặn sự phóng túng và vọng tưởng trong tâm. Khi tâm trí tập trung sẽ phát sinh niềm an lạc tinh tế, sự thú vị bởi chấm dứt các dục và các bất thiện pháp.
Chỉ là dừng lại. Tịnh chỉ là dừng lại sự tán loạn, sự quên lãng, vọng niệm, chấm dứt sự đuổi bắt của tâm đến các đối tượng của trần cảnh. Thiền chỉ là trạng thái tâm chuyên chú vào một cảnh, một đối tượng, khiến cho mọi vọng tưởng đều ngưng bặt, là cách buộc chặt tâm ý vào một pháp làm cho tâm ý chuyên nhất đưa đến hỷ lạc và nhất tâm.
Do đó có 3 giai đoạn sau :
• Hệ duyên thức cảnh chỉ ( cột tâm vào một chỗ )
• Chế tâm chỉ ( Biết vọng không theo -tâm mình vừa khởi lên liền điều phục ngay )
• Thể chân chỉ ( điên đảo vọng tưởng biến mất, thể tánh tịnh minh hiện ra )
Trong khi thiền quán nhờ quan sát sự vật hiện tượng như thật mà đoạn trừ vô minh phiền não đưa đến trí tuệ giải thoát. Như vậy cả hai đưa đến “tâm giải thoát”, “tuệ giải thoát”, thành tựu đạo quả, đoạn tận khổ đau sinh tử luân hồi.
Thiền quán là đường lối tự chuyển hóa bằng tự quan sát. Nó chú trọng đến sự tương quan mật thiết giữa tâm và thân, là điều có thể cảm nghiệm được trực tiếp bằng cách chú tâm đến những cảm giác thực thụ trên thân, nó luôn luôn liên hệ và chi phối tâm. Căn cứ vào sự quan sát này, và hành trình tự khám phá đi vào gốc rễ chung của tâm và thân để xóa bỏ những bất tịnh tinh thần, đưa đến một tâm quân bình tràn đầy tình thương và lòng từ bi.
Mục đích của thiền quán là đạt được sự chấm dứt của đau khổ thông qua sự hiểu biết đúng về sự vận hành của thân và tâm đúng như bản chất thật của nó. Đối với điều này, chúng ta cần một mức độ tập trung. Sự tập trung tâm ý này có thể đạt được qua chánh niệm liên tục và không gián đoạn về sự giác niệm thân thể và các tâm hành.
Và được thực hiện theo hai cách sau
• Đối trị quán ( dùng pháp đối trị ” dĩ độc trị độc ” như lấy từ bi đối trị sân nhuế)
• Chánh Quán ( quán được giả chúng duyên như cộng thành – có mà không thật có)
(6) Tích truyện tóm tắt về Thánh Sivali
Nếu như Phật tử Việt Nam nói riêng và Phật tử các nước Phật giáo Bắc truyền nói chung đều thờ ngài Quan Thế Âm Bồ Tát như một vị cứu khổ cứu nạn và cầu tài cầu lộc, thì Phật tử ở các nước Phật giáo Nam truyền lại thờ Thánh Tăng Sivali và xem ngài Sivali như là vị mang lại phước lộc dồi dào
Đại Phật sử liệt kê bốn mươi vị Thánh đệ tử ở bên cánh tả của Đức Phật Thích-ca do ngài Mục-kiền-liên đứng đầu và bốn mươi vị Thánh đệ tử bên cánh hữu do ngài Xá-lợi-phất đứng đầu trong đó có ngài Sivali. Ngài được Phật Thích-ca ban danh hiệu là vị Thánh đệ tử có tài lộc đệ nhất. Và ngài cũng có lẽ là người ở trong bụng mẹ lâu nhất-bảy năm bảy ngày-do nghiệp lực kiếp trước của ngài. Cuộc đời ngài được ghi lại trong Đại Phật sử và Kể từ ngày ngài Sivali xuất gia làm Sa di, trong Tăng đoàn, tứ vật dụng luôn dồi dào. Bất kể ngài đi nơi đâu, chư thiên đều dâng vật phẩm cúng dường không những cho ngài mà cho cả tăng đoàn. Chính vì thế Đức Phật ban cho ngài Sivali danh hiệu là vị đệ tử có tài lộc đệ nhất
Sau đây là bài khấn nguyện cầu tài lộc của Nam Tông
“Sīvali ca mahanamam,
Sabbalabhaṃ bhavissati
Therassa anubhavena,
Sabbe hontu piyam mama”
Ngài Đại Đức Sīvali bậc đại danh
Cầu xin tất cả tài lộc sẽ phát sanh
Do nhờ oai lực của Ngài Đại Đức,
Tất cả chúng sanh, Chư thiên, nhân loại,
Đều có tâm từ thương mến con.
“Sīvali ca mahalabham,
Sabbalabham bhavissati
Therassa anubhavena
Sada hontu piyaṃ mama”
Ngài Đại Đức Sīvali bậc đại tài lộc
Cầu xin tất cả tài lộc sẽ phát sanh,
Do nhờ oai lực của Ngài Đại Đức,
Cầu xin Chư thiên, nhân loại luôn luôn yêu mến con.
“Sīvali ca mahathero,
mama sise thapetvana,
Mantitena jāyomantam,
aham vandami Sabbada”
Ngài Đại Đức Sīvali bậc cao thượng,
Con tôn kính Ngài ở trên đầu con.
Con xin tán dương ca tụng ân đức của Ngài
Con luôn luôn kính đãnh lễ Ngài.
Giống nào người đã gieo trồng
Quả ấy sẽ trỗ cho ông bội phần
Như người làm thiện ân cần
Quả lành sẽ trỗ, đặc ân lạ gì
Còn người hành ác khác chi
Khổ đau là quả tránh đi đường nào
Đức Sīvali danh cao
Cầu xin tài lộc sanh vào cho con
Do nhờ oai lực vẹn toàn
Ngài Sīvali mãi còn thế gian
Cầu mong thiên chúng các hàng
Cùng chung nhân loại vô vàn mến con
Đức Sīvali tợ non
Lộc tài Đại Đức hoàn toàn cao thanh
Cầu xin tài lộc phát sanh
Cho con hưởng quả an lành Ngài ban
Cầu mong thiên chúng các hàng
Cùng chung nhân loại vô vàn mến con.
Ân Sīvali mãi còn
Bậc Thầy cao thượng cho con đội đầu
Kính Ngài là bậc nhiệm mầu
Con luôn đảnh lễ, mong cầu lạc an.
(7)
Cẩn thận trong lời nói
Lời nói không là dao
Mà cắt lòng đau nhói
Lời nói không là khói
Mà mắt lại cay cay.
Cẩn thận không phung phí thức ăn, nước uống mỗi khi dự lễ hội tại chùa .
Xưa nay vật dụng của chùa
Cọng rau trái ớt là tiền thập phương
Khi dùng phải biết tiếc thương
Tham lam bừa bải tai ương về mình
Chén, ly , muỗng , nỉa linh tinh
Xin đừng phụng phí tội tình người mua
Ai ơi khi bước vào chùa
Gắng dành Phước Đức bốn mùa bình an .