Thiền Uyển Tập Anh chép Đại sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu (933 – 1011) tu ở chùa Phật Đà, Thường Lạc nay là chùa Đại Bi núi Vệ Linh Sóc Sơn, Hà Nội. Ngài thuộc thế hệ thứ 4 Thiền phái Vô Ngôn Thông. Ngài người hương Cát Lợi huyện Thường Lạc, nay thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội, thuộc dòng dõi Ngô Thuận Đế (Ngô Quyền). Theo Phả hệ họ Ngô Việt Nam, Thiền sư Ngô Chân Lưu tên huý là Xương Tỷ, anh trai Thái tử – Sứ quân Ngô Xương Xý, con Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập, cháu đích tôn của Ngô Vương Quyền. Ngài dáng mạo khôi ngô tuấn tú, tánh tình phóng khoáng chí khí cao xa, có duyên với cửa Thiền từ năm 11 tuổi.
Năm 969 Ngài được vua Đinh Tiên Hoàng (924 – 979) phong chức Tăng Thống, đây là lần đầu tiên chức Tăng Thống được nói đến trong lịch sử Việt Nam, hai năm sau Tăng Thống Ngô Chân Lưu còn được vua ban cho chức Đại Sư. Ngài còn là người sáng tác nhạc phẩm đầu tiên của nền văn học chính trị ngoại giao của nước Việt. Dù vậy, trước hết và trên hết Ngài vẫn là một vị Thiền sư với nội lực giác ngộ thâm sâu, hương thơm tuệ giác và công hạnh đêm ngày tỏa sáng lồng lộng trên bầu trời quê hương. Một khuôn mặt nổi bậc xứng đáng được quy ngưỡng tán dương, đã có những đóng góp vô cùng giá trị to lớn cho dân tộc. Cuộc đời hành hoạt và hóa độ của Đại Sư với ba mươi năm cống hiến và phụng sự nhân sinh, đem cả tấm lòng từ bi rộng lớn, chăm lo cho đạo cho đời một cách trọn vẹn và thủy chung.
Ngài cùng bạn đồng học đến chùa Khai Quốc thọ giới cụ túc (Tỳ Kheo) với Thiền sư Vân Phong (? – 956) thuộc thế hệ thứ ba Thiền phái Vô Ngôn Thông. Nhờ đó ngài học rộng kinh điển Đạo Phật, hiểu biết sâu xa tinh yếu Thiền học. Bậc Đại sư vẹn toàn lỗi lạc, một con người vượt trội một nhân cách cao cả một tư tưởng siêu thoát, ngàn năm đã trôi qua nhưng bóng dáng, nhân cách, tư tưởng con người đó vẫn phủ trùm lên vạn nẻo, đêm ngày vỗ về an ủi nhắc nhở dẫn đường đưa lối cho ngàn sau tiếp bước.
Thiền sư Ngô Chân Lưu vị Tăng Thống đầu tiên của lịch sử Việt Nam
Năm Ngài bốn mươi tuổi danh tiếng vang dội đến triều đình, vua Đinh Tiên Hoàng, một vị vua anh dũng văn võ song toàn, người khai sinh ra nước Đại Cồ Việt, giành lại độc lập sau ngàn năm Bắc thuộc. Vua cho mời Ngài về kinh đô Hoa Lư thăm hỏi, cuộc diện kiến đó ngài đối đáp trôi chảy hiệp ý vua, nhà vua bèn phong cho ngài chức Tăng Thống. Đây là lần đầu tiên chức Tăng Thống được nói đến, về sau đời nhà Trần nhà Lê vẫn còn sử dụng và cho đến tận sau này. Tăng Thống là danh xưng dùng để tôn xưng vị Tăng sĩ có đạo hạnh và đức độ cao, vị lãnh đạo tinh thần tối cao Phật Giáo của một quốc gia hay một Giáo Hội Phật Giáo.
Năm Thái Bình thứ hai (971) vua Đinh Tiên Hoàng còn ban cho Tăng Thống Ngô Chân Lưu hiệu Khuông Việt Đại Sư. Khuông Việt mang ý nghĩa cao quý là khuông phò giữ gìn chấn hưng nước Việt. Điều đó nói lên sự quý kính tôn trọng của nhà vua và cũng thể hiện tấm lòng từ bi hạnh nguyện phụng sự chúng sinh cao cả của Ngài. Đại Sư là bậc thầy lớn, bậc thức giả đạo cao đức trọng, Quốc sư là người cố vấn giúp nhà vua giải quyết những vấn đề đại sự của quốc gia.
Trong sách Kiến Văn Tiểu Lục, Lê Quý Đôn (1726 – 1784) biên soạn, Phạm Trọng Điềm dịch, ca tụng Đại Sư Ngô Chân Lưu như sau: “Đinh Tiên Hoàng lúc mới bình định được cả nước liền xếp đặt phẩm cấp tăng và đạo, Ngô Chân Lưu và Trương Ma Ni làm Tăng thống và Tăng lục; Đặng Huyền Quang làm uy nghi. Sau đó Lê Đại Hành kế tiếp cũng rất tôn trọng tăng đạo…Câu thơ của sư Thuận làm cho sứ thần nhà Tống phải kinh phục, văn từ của Chân Lưu vang tiếng trong một thời…”
Vị Quốc Sư trãi qua hai triều nhà Đinh và Lê với 30 năm cống hiến, theo các nhà nghiên cứu Đại Sư Khuông Việt góp phần tham mưu trong việc hình thành “các tràng kinh Đinh Liễn”. Đem lại giá trị rất lớn cho nền lịch sử Dân tộc và đạo Phật Việt. Năm 973 Nam Việt Vương Đinh Liễn (940 – 979) cho dựng 100 cột kinh Phật khắc bằng chữ Hán ghi âm tiếng Phạn bài kinh Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni, tại kinh đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Trên các tràng kinh Đinh Liễn còn đặt tên mình là Đinh Khuông Việt, có ý tôn thờ kính ngưỡng vị Quốc sư Khuông Việt. Những nhà khảo cổ học phát hiện ra được vào năm 1963, tại vùng đất Hoa Lư, tìm thấy gần 20 tràng kinh hình bát giác cao từ 50cm đến 80 cm. Những dòng chữ ghi lại trên đây cho biết năm Quý Dậu 973 Đinh Khuông Liễn cho dựng 100 tràng kinh. Năm 1987 lại phát hiện tại khu di tích cố đô Hoa Lư có thêm 100 tràng kinh nữa cũng do Đinh Khuông Liễn cho dựng vào năm 979.
Đại Sư Khuông Việt người sáng tác nhạc phẩm đầu tiên của nền văn học chính trị ngoại giao
Đời tiền Lê, Đại sư Khuông Việt vẫn được vua Lê Đại Hành (941 – 1005) tiếp tục trọng vọng và được tham dự mọi việc trong triều, từ việc binh bị cho đến việc nước, nhà vua đều cho mời Đại Sư vào cung để tham khảo ý kiến. Sứ thần Trung Hoa là Lý Giác đến Việt Nam lần thứ hai vào năm 987. Vua Lê Đại Hành nhờ Thiền sư Pháp Thuận (914 – 990) thuộc đời thứ 10 Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Khuông Việt Đại Sư cùng đứng ra đón tiếp. Thiền sư Pháp Thuận đón Lý Giác từ chùa Sông Sách thuộc tỉnh Hải Dương đưa về Hoa Lư, khi đến kinh đô Hoa Lư Đại sư Khuông Việt đứng ra tiếp rước. Thiền sư Pháp Thuận đưa Lý Giác đến Hoa Lư bằng đường thủy, trên đường đi Lý Giác trông thấy hai con ngỗng đang bơi giữa dòng nước bèn ngâm hai câu:
(Nga nga lưỡng nga nga
Ngưỡng diện hướng thiên nha.)
Dịch:
“Ngỗng ngỗng, ngỗng một đôi
Vươn cổ ngước chân trời.”
Thiền sư Pháp Thuận bèn tiếp lời:
(Bạch mao phô lục thủy
Hồng trạo bãi thanh ba.)
Dịch:
“Nước xanh ngời lông trắng
Sóng biếc chân hồng bơi.”
Đoàn Thăng dịch, Thơ Văn Lý Trần tập 1
Cuộc đối đáp ở trên, ngoài việc Lý Giác muốn thử tài thơ văn còn mang những ẩn ý khác. Lý Giác mượn hình ảnh của đôi ngỗng khi ngước mặt ngó chân trời để ám chỉ vấn đề lớn hơn sâu xa hơn. Chân trời (thiên nha) ở đây là thiên triều Trung Hoa. Lý Giác thầm muốn nói, dân Việt như đôi ngỗng lúc nào cũng hướng về triều đình Trung Hoa thần phục triều cống và chờ đợi triều đình ban ơn mưa móc, không đem quân sang hỏi tội. Với sự thông minh khéo léo Pháp Thuận Thiền sư liền đáp trả, cũng chứa đầy sự tinh ý và ẩn ý không hề thua kém. Đôi ngỗng đang bơi lội nhẹ nhàng, đang an hưởng yên bình thư thả trên dòng nước, nhưng đôi chân của chúng “chân hồng bơi” khi bị chèn ép bị xâm lấn nó vẫn đủ sức khuấy động dòng nước khiến nổi sóng chao đảo. Thiền sư nhắn bảo cho Lý Giác biết, dân Việt chúng tôi đang an hưởng thái bình, nếu Trung Hoa nuôi mộng xâm lăng gây chiến tranh thì dân của chúng tôi thừa sức đương đầu chống cự, gây tổn thất nặng nề cho các ông. Lý Giác vô cùng kinh ngạc và cảm phục, vì gặp phải một đối thủ xứng tầm có tài đối đáp nhanh gọn và chứa đầy ý nghĩa.
Trước khi Lý Giác lên đường trở về, vua Lê Đại Hành ra lệnh cho Quốc sư Khuông Việt viết một khúc nhạc tiễn đưa phái bộ về nước. Khúc từ có tên Tống Ngọc Lang Quy được kể như lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử văn học chính trị ngoại giao của Việt Nam. Đem văn chương nghệ thuật vào phục vụ cho ngoại giao, tạo thành sự cảm thông hiểu biết gắn kết đầy mới lạ. Bài hát Tống Ngọc Lang Quy nghĩa là “tiễn đưa Ngọc Lang về nước”, khúc từ này khi sử dụng chung với một số nhạc cụ, trở thành lời ca tiếng hát nhạc điệu âm vang, để lại dấu ấn đậm sâu trong lòng người thưởng ngoạn.
Tống Vương Lang Quy
(Tường quang, phong hảo, cẩm phàm trương
Thần tiên phục đế hương
Thiên trùng vạn lý thiệp thương lương
Cửu thiên qui lộ trường
Nhân tình thảm thiết đối ly thương
Phan luyến sứ tình lang
Nguyện tương thâm ý vị Nam cương
Phân minh tấu ngã hoàng).
Dịch nghĩa:
“Trời đẹp, gió thuận, giương cánh buồm gấm
Bậc thần tiên trở lại chốn đế đô
Nghìn trùng muôn dặm vượt qua sóng biếc
Đường về nơi cung thất xa xôi
Lòng người bịn rịn trước chén rượu biệt ly
Lưu luyến vin xe sứ giả
Mong đem ý nghĩa sâu xa về chuyện cương giới
Tâu lại rành mạch với hoàng đế chúng ta”.
Thơ Văn Lý Trần tập 1, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1977
Dịch thơ:
“Gió hòa phấp phới chiếc buồm hoa
Thần tiên trở lại nhà.
Đường muôn nghìn dặm trải phong ba
Cửa trời nhắm đường xa.
Một chén quan hà dạ thiết tha
Thương nhớ biết bao là
Nỗi niềm xin nhớ cõi Nam hà
Bày tỏ với vua ta”.
Thượng Tọa Thích Mật Thể dịch, Việt Nam Phật Giáo Sử Lược
Trong sách Văn Học Đời Lý, Ngô Tất Tố dịch
“Trời quang, gió thuận, buồm giương,
Thần Tiên chốc đã giục đường Bồng Lai,
Mông mênh muôn dặm bể khơi,
Lối về trong bóng chín trời xa xa,
Bâng khuâng trước chén quan hà,
Mến ai, lòng những thiết tha nỗi lòng,
Xin ai vì cõi Nam Trung,
Rõ ràng gửi lại mặt Rồng trước sau.”
Lý Giác có làm bài thơ lưu lại, ông lấy làm cảm phục tài năng uyên thâm của hai nhà sư ngoại giao tài giỏi, đến độ ông phải thốt lên: ”Ngoài trời lại có trời soi sáng” (Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu) Ngoài mặt trời Trung Hoa vẫn còn có mặt trời của Việt Nam tỏa sáng rực rỡ không kém, đúng là một sự ca tụng hy hữu và ngoại lệ. Tất cả đều nhờ vào sự un đúc nuôi dưỡng từ nơi Thiền tông, đã tạo nên những Thiền sư với tuệ giác siêu việt, đầy đủ năng lực gánh vác trọng trách cho quốc gia làm rạng rỡ nước nhà, hoàn thành sứ mệnh cao cả tốt đạo đẹp đời.
Nỗi lòng và tâm tình của Lý Giác gởi trọn trong bài thơ: Hạnh ngộ minh thời tán thạnh du ”Mong gặp thời bình được giúp mưu” dưới đây.
(Nhứt thân lưỡng độ sứ Giao Châu,
Đông đô tái biệt tâm lưu luyến,
Nam Việt thiên trùng vọng vị hưu,
Mã đẹp yên vân xuyên lãng thạch,
Xa từ thanh chướng phiếm trường lưu,
Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu,
Khê đàm ba tịnh kiến thiềm thu).
Dịch:
“May gặp minh quân giúp việc làm,
Một mình hai lượt sứ miền Nam,
Mấy phen qua lại lòng thêm nhớ,
Muôn dặm non sông mắt chữa nhàm,
Ngựa đạp mây bay qua suối đá,
Xe vòng núi chạy tới giồng lam.
Ngoài trời lại có trời soi sáng,
Vừng nguyệt trong in ngọn sóng đầm”.
Thượng Tọa Thích Mật Thể dịch, Việt Nam Phật Giáo Sử Lược
Khi được vua Lê Đại Hành hỏi đại ý của bài thơ, Đại sư Khuông Việt tâu với vua: “câu thứ 7 trong bài thơ của Lý Giác có ý tôn bệ hạ ngang hàng với hoàng đế Trung Hoa”. Vua Lê rất đỗi vui mừng và hoan hỷ lắm, mà không vui sướng sao được khi đất nước ta mới vừa giành lại độc lập. Không vui mừng sảng khoái sao được, khi dân ta quật cường tháo bỏ gông cùm xiềng xích Bắc phương đã tròng lên đầu lên cổ. Để rồi bây giờ chính sứ giả của họ phải thừa nhận một sự thật là vua của ta ngang hàng với vua của họ. Sự đóng góp to lớn của Đại sư Khuông Việt và Thiền sư Pháp Thuận, đã làm rạng danh nước nhà, con cháu ngàn đời mãi mãi nhớ ơn.
Ngàn năm trôi qua hương tuệ giác và đạo hạnh của Thiền sư Khuông Việt vẫn mãi còn đọng lại
Đại sư Khuông Việt đã lưu lại dấu ấn đậm sâu cho hậu thế, thể hiện trọn vẹn tài năng khéo léo trên nhiều lĩnh vực, từ thi ca cho đến chính trị ngoại giao, làm rạng rỡ quang huy cả đạo lẫn đời. Sử sách không thấy ghi lại chặng đường tu học của Đại Sư, nên không ai biết trong những tháng năm bên cạnh Thiền sư Vân Phong, Khuông Việt Đại Sư đã học hỏi và tu tập những gì. Nhưng chắc chắn một điều sự ảnh hưởng từ nơi ân sư Thiền sư Vân Phong đã góp phần rất lớn đến sự nghiệp giác ngộ của Đại sư, cộng thêm chất thiền đêm ngày lan tỏa cùng với năng lượng tu tập hành trì của chúng hội đã tác động mãnh liệt đến chặng đường tu tập và tư tưởng của Ngài. Dù ngàn năm trôi qua hương tuệ giác và đạo hạnh của Thiền Sư vẫn ngược gió tung bay thơm ngát từng không.
Thiền sư Vân Phong đạt được tâm yếu huyền diệu của giác ngộ khi hầu cận Thiền tổ Thiện Hội (? – 901). Cuộc trao đổi giữa Thiền tổ Thiện Hội với Thiền tổ Vân Phong được ghi lại trong Thiền Uyển Tập Anh dưới đây, thể hiện được huyền cơ, nắm được “lý lẽ đích thực của sống chết”, một sự vượt thoát không cùng vô tận.
Một hôm Tổ Thiện Hội bảo:
“Sống chết là việc lớn cần phải suy ngẫm cho chu đáo”.
Thiền tổ Vân Phong hỏi: Khi sống, chết đến làm sao mà tránh?
Thiền tổ đáp:
“Phải nắm lấy chỗ không sống chết mà tránh”
Tổ lại hỏi: Thế nào là chỗ không sống chết?
Thiền tổ đáp:
“Phải ở trong sống chết mới nhận biết được”.
Tổ lại hỏi tiếp: Làm thế nào mà tìm được?
Thiền tổ trả lời:
“Ngươi hãy đi đi! Chiều muộn lại đến!”
Tổ bèn đi ra, đúng hẹn chiều hôm đó lại đến.
Thiền tổ Thiện Hội nói:
“Đợi đến sáng mai mọi người chứng tỏ cho ngươi biết.”
Tổ bừng tỉnh bèn sụp xuống lạy tạ, Thiền tổ Thiện Hội hỏi:
“Ngươi thấy được đạo lý gì?”
Tổ đáp: Đệ tử đã lĩnh hội được rồi!
Thiền tổ lại hỏi:
“Ngươi lĩnh ngộ cái gì?”
Tổ bèn dơ nắm tay nói: Kẻ bất tiếu bị cái này che lấp!
Thiền tổ Thiện Hội bèn thôi không hỏi nữa.
Cuộc hội thoại đó mở đường cho tư tưởng giác ngộ và hạnh nguyện dấn thân phụng sự của Đại Sư Khuông Việt sau này. Từ xưa đến nay chuyện tử sinh sống chết vẫn là việc lớn, vẫn là đề tài muôn thuở đêm ngày ám ảnh, khiến cho chúng ta lo lắng bất an run rẩy lo sợ khi phải đối diện khi nghe nói đến. Dù việc sống chết chẳng một ai tránh khỏi nhưng vẫn liên tục đe dọa, ranh giới mong manh cận kề của sinh tử vô thường vẫn đêm ngày ra sức hủy họai tước đoạt. Khi nó đến không một ai biết trước, lúc ra đi cũng chẳng cho một ai hay, lầm lì và lầm lũi không biết lúc nào bao giờ sẽ đến lượt chúng ta. Quả thật như thế, sống chết là điều hiển nhiên tất nhiên như thế, khi nào chúng ta thấu hiểu và nắm vững được lý lẽ này thì mới đủ bản lãnh hiên ngang đối diện, mới đủ năng lực vượt thoát mới đủ bình tâm dũng trí tự tại đến đi không lo nghĩ. Sinh tử còn là sự thật hiển nhiên, điều hết sức tự nhiên vận hành như thế, vốn dĩ rõ ràng dứt khoát như vậy, không một ai thoát khỏi và chẳng một ai đủ năng lực thay đổi hay làm khác đi được. Sự sống chết, chỉ làm lo sợ run rẩy cho những ai chưa nhận chân ra được nguồn cội, chưa tuệ tri chưa nắm bắt được lý lẽ đích thật của vô thường sinh diệt. Đây là quy luật tất yếu của vô thường tử sinh, sự thật việc thật hết sức tự nhiên rõ ràng, trước mắt sau lưng cũng như vậy trước hay sau cũng chẳng hề đổi khác.
Có phải do vì chúng ta cố tình làm ngược lại đi ngược lại điều tự nhiên, ra sức cưỡng cầu tham đắm mê mờ bao phủ, những điều hư ảo giả tạm thì cho là thật, ôm giữ o bế tấm thân tứ đại, chấp chặt cái tôi những gì của tôi thuộc về tôi, nên khi vô thường cướp mất thần chết lù lù xuất hiện, chúng ta đâm ra hụt hẫng lo sợ đau khổ. Hơn nữa khi chúng ta còn trong vòng vây của tham sân si não phiền, vô minh tăm tối che kín không nhận ra được chân lý nên mới bị dẫn dắt lôi kéo, đắm chìm trôi dạt chẳng biết lối ra nẻo về.
Chỉ khi chúng ta uống được ngụm nước đầu nguồn, thấu rõ nguồn cơn mọi sự, có được trí tuệ sáng suốt nhận biết lý lẽ như thật của không sanh không diệt thì sống chết chẳng còn làm bận tâm không làm sao hề hấn được. Cho cùng, chúng ta có mặt ở nơi này chỉ là sự dừng chân thăm hỏi thế gian, vui đùa với tử sinh một dạo, sống chết như làn gió ban mai đùa qua giọt sương huyễn hóa. Thắp sáng tâm đăng đèn tuệ, nung nấu hạnh nguyện xuất trần cao cả, đến lúc ra đi ung dung rủ sạch hồng trần lối mộng, thênh thang về với thường hằng tự tánh.
Sống chết sẽ không làm ảnh hưởng cho những ai nhận ra bản chất đích thật của vô thường đạt đến chân thường, thấu rõ bốn con đường vi diệu của khổ, tập, đạo, diệt. Sẽ chẳng làm run rẩy bất an cho những ai “nắm lấy chỗ không sống chết mà tránh”. Sẽ chẳng bao giờ làm hề hấn cho những ai từ đó ở đó trong đó vượt ra “ở trong sống chết mới nhận biết được”. Rõ ràng là vậy, để ra khỏi bóng tối thì cần có ánh sáng dẫn đường, để ra khỏi sống chết thì cần có trí tuệ chỉ đường đưa lối. Đại sư Khuông Việt được nuôi dưỡng từ trong bản chất như thật của các pháp, nên từ đó ung dung hành hoạt, thong dong lưu xuất, tự tại đến đi về cõi chân thường, vô sinh bất diệt.
Về sau Đại sư Khuông Việt lấy cớ già yếu xin từ quan trở về quê nhà dựng chùa ở núi Du Hý độ chúng, học trò theo học rất đông. Một hôm đệ tử thân cận là Thiền sư Đa Bảo bèn hỏi Đại sư:
– Thế nào là thủy chung của đạo học?
Đại sư đáp:
(Thủy chung vô vật diệu hư không
Hội đắc Chân Như thể tự đồng)
Dịch nghĩa:
“Vốn không có thủy, không có chung, chỉ có hư không là kỳ diệu. Nếu hiểu thấu Chân Như thì sẽ rõ vạn vật có cùng tâm thể với chân như”.
Dịch thơ:
“Thủy chung không vật thảy hư không
Hiểu được Chân Như thể ắt đồng”.
Đa Bảo lại hỏi:
– Lấy gì bảo chứng?
Đại sư trả lời:
“Không có chỗ cho người hạ thủ.”
Đa Bảo thưa:
– Hòa thượng nói rõ rồi
Đại sư đáp:
“Ngươi hiểu thế nào?”
– Đa Bảo bèn hét lên một tiếng.
Cuộc đối đáp ở trên ngoài việc thể hiện nội lực giác ngộ thâm sâu cao dày của Đại Sư, xuyên qua đó Ngài còn chỉ dạy cho đàn hậu học chúng ta nhiều điều giá trị và thiết thực trong việc tìm đến ánh sáng của tuệ giác. Ở đó là những mở lối khai thông phá vỡ sự bế tắc ngăn ngại để chúng ta nhận chân ra một số vấn đề tồn đọng đang tích lũy cất dấu chôn kín ở trong ta. Chúng ta thường sống trong sự trôi nỗi bất thiện, ôm giữ những quán tính tư duy lầm lạc, tâm tư chất đầy phiền não chướng thói hư tật xấu. Chết chìm trong sự thường tình của tâm lý biến động, những tò mò kiếm tìm trăn trở hướng vọng bổ sung vào những thiếu hụt của kho tri thức. Chỉ làm tăng thêm sự ngăn ngại bế tắc và lũng đoạn hơn, nhưng lại hoàn toàn không giúp được gì tiến trình tìm tới thật ngộ.
Nếu trong ta vẫn thường xuyên ôm giữ những khái niệm đặt để gán ghép đi lại nào đó của tâm thức, tiếp tục duy trì nắm giữ ý thức phân biệt, biên kiến nhị nguyên thì sẽ chẳng bao giờ có được sự cảm thông tương quan thấu rõ đích thực, và sẽ chẳng thoát ra ngoài vòng kiềm tỏa sai khiến của ý thức. Trong thiền vốn không có chỗ đứng cho sự chủ quan góc độ và tầm nhìn định hướng sai biệt, những áp đặt rối loạn phi lý tồn tại mà là tháo gỡ mọi triền phược buông bỏ mọi níu kéo nắm giữ, vượt thoát thênh thang trong mọi tư duy hành hoạt.
Khi chúng ta thấu rõ và nhận biết rốt ráo bản thể linh hiện thường tại của tự tánh Chân như sẽ giúp ích rất nhiều cho việc khai mở tuệ giác, vựt dậy năng lực thường nghiệm tỉnh thức, giúp chúng ta đủ tuệ lực và sự quyết tâm trực diện, nhập vào thể tính hiện thực mênh mông vô tận của ý đạo tâm đạo, sự vi diệu không cùng của đạo học, cốt tuỷ tinh yếu của Thiền.
Tâm đạo ý đạo, sự rốt ráo tận cùng của đạo vốn không có đối tượng năng sở, không có người hỏi và kẻ thiền, không lối không cửa, chẳng đóng chẳng mở, không la bàn định hướng. Một sự rỗng không tịch lặng trong suốt, không có khởi đầu và kết cuộc, không tìm kiếm quá khứ tương lai, mà là cái hiện thực đang là huy hoàng tươi đẹp linh hiện phủ trùm lên tất cả.
“Thế nào là thủy chung của đạo học”?
Câu hỏi của sư Đa Bảo về sự khởi đầu và kết thúc của việc học đạo. Tức là có sự khởi đầu và chấm dứt của việc học đạo hay không? Việc thủy chung đó ra làm sao, nó có mặt và tồn tại hay không. Chữ đạo ở đây là con đường hay là sự ngộ đạo chứng đạo? Học đạo là thấy đạo bước vào đạo tìm đến đạo, tức là chúng đang còn tu tập đang dò dẫm đang còn đi trên con đường giải thoát chứ chưa đến đích, vẫn còn học đạo chứ chưa có nghĩa đạt được đạo. Chúng ta chỉ mới bước vào dòng chảy của đạo, chưa đến được chỗ sống với đạo để tha hồ tung tăng bơi lội thỏa thích, chưa đến được chỗ chứng ngộ, chưa an trú trong tuệ giác.
Vì còn chập chững đang đi đang bước, nên chúng ta dễ rơi vào tâm lý mệt mỏi biếng lười, đi được một lát rồi ta bỏ cuộc, bước một đoạn rồi ta thối lui, hoặc khi đi nhưng lại thấy khó khăn gian nan vất vả chúng ta lại đâm ra chán nản đầu hàng bỏ cuộc. Cũng có lúc chúng ta nghi ngờ không biết mình đi có đúng hướng đúng đường hay không, đi nhưng với tâm trạng bất an và lo lắng. Hơn nữa trong ta đầy dẫy những đam mê lầm lạc, thói quen bất thiện nhiễm ô, vô minh tăm tối đêm ngày dẫn dắt sai khiến, tham sân si phủ kín che mờ. Chúng ta để cho sáu căn, trần, thức, rủ rê lũng đoạn, tha hồ tác yêu tác quái, đắm chìm trôi nổi nơi sông mê bể ái, lầm lạc trong ba cõi sáu đường, hết xuống lại lên, đàng trước mịt mùng đằng sau mờ mịt.
Trong khi đó chân như tuệ giác bao la rộng khắp vô tận không cùng, không có điểm khởi đầu hay chấm dứt, không thể so sánh ngăn chia, biên kiến nhị nguyên, một sự vi diệu thường hằng tỏa chiếu.
Và đây, câu trả lời rõ ràng minh bạch của Đại sư Khuông Việt:
“Không một vật nào có khởi đầu và chung cuộc, chỉ có hư không mới là nhiệm mầu”
Ý nghĩa hai câu thi kệ: “Không một vật nào có khởi đầu “thủy” và có chung cuộc “chung”, chỉ có hư không mới thực sự là mầu nhiệm; nếu ngộ được “chân như” thì vạn vật đều đồng một bản thể Chân tâm”. Đại sư Khuông Việt trả lời một cách thẳng thắn và dứt khoát rằng, không hề, vốn không một vật nào “thủy” và “chung”, chỉ hư không thì lại khác, vi diệu mầu nhiệm. Vô thủy vô chung, không có khởi đầu và chung cuộc, xưa nay không một vật không có cái gì là thủy là chung, không có cái ban đầu thì làm gì có cuối đoạn, đầu đã không thì làm sao có kết cuộc. Một sự tháo gỡ vướng mắc lầm chấp sự đáp trả đầy dứt khoát và ý nghĩa rõ ràng, đầu nguồn cuối đoạn thì không có, nhưng lại có cái hiện hữu mênh mông diệu kỳ của hư không, thênh thang vô tận vô ngại, rốt ráo vốn là như thế rõ ràng soi tỏ là như vậy, mầu nhiệm không cùng.
Vậy thì, sự mầu nhiệm của hư không ra làm sao và vi diệu ở chỗ nào? Hư không bao la rộng khắp thăm thẳm cao xa, với tay không đụng nhón chân không tới. Thủy chung khởi đầu cuối đoạn, thuộc khái niệm về thời gian do con người dựng lên đặt để, vốn nằm trong sự chi phối của ý thức sai biệt. Trong khi đó hư không thì lại sẵn có như thế, hiện tượng bao la rộng lớn dung chứa tất cả sơn hà đại địa, mặt trời mặt trăng, ngày đêm ánh sáng bóng tối, những vì sao tinh tú. Hư không bảo bọc che chở từ thiên nhiên con người cho đến chúng sinh vạn vật mà vẫn không ngăn ngại hề hấn, dưỡng nuôi sự sống cho muôn loài chúng sanh nhưng vẫn không suy chuyển sức mẻ.
Chúng ta không thể ôm giữ thủ đắc cũng chẳng nắm giữ cầm giữ được những gì thuộc về nó, cũng chẳng biết hư không có từ lúc nào và khi nào thì biến mất. Chỉ biết một điều là trước đó và sau đó, khi chúng ta mở mắt chào đời thì nó vốn đã bao la như vậy, khi chúng ta nhắm mắt ra đi thì nó cũng vẫn sừng sững như thế, chẳng thấy đến đi chưa hề thay đổi cũng chẳng thấy hư không ngắn lại hay dài thêm. Trong khi đó, chúng ta thì lại khác có hạn cuộc giới hạn trong mọi vấn đề, có sự chuyển dịch thay đổi thường xuyên của thân tâm, có sự tác động bởi vô thường có không được mất. Chúng ta có sinh có tử có già có bệnh, luôn nhỏ bé và hữu hạn, còn hư không thì lại bao la vô hạn không suy chuyển.
Sự nối kết diệu kỳ không cùng vô tận, pháp giới chúng sanh hư không vô biên không có ngần mé biên độ, tướng rộng lớn bao la của hư không, thể tánh thẳm sâu không cùng của Chân Như. Tướng và tánh, tiểu ngã với đại ngã, cái nhỏ bé với cái to lớn, con người và hư không, hữu hạn với vô hạn, một sự kết hợp trọn vẹn nhất như hòa nhập ý đạo tâm đạo về với thường hằng tự tánh. Một khi chúng ta thấu rõ các pháp, nhận biết nguồn cơn thông tuệ thì sẽ trở nên sáng suốt tinh tường, vượt ra ngoài mọi phân chia ngăn ngại, xuyên suốt thời không hiển hiện một cách mầu nhiệm phi thường. Rõ ràng như thế, mặt trời Chân Như tỏa chiếu bóng tối liền tan, ánh sáng lên thì màn đêm lập tức đẩy lùi, bản thể của vũ trụ sự không cùng vô tận của Như Lai tạng phủ trùm rộng khắp.
“Thấu hiểu được Chân Như thì vạn vật đều đồng một bản thể Chân tâm”
Đó là lời minh định hết sức cô đọng rõ ràng, tóm thâu tinh yếu hiển bày tuệ giác. Bản thể không cùng vô tận tịch nhiên soi khắp của tự tánh Chân Như giác ngộ, thường xuyên có mặt trong mỗi chúng ta, nơi chúng sanh và chư Phật đều không mảy may sai khác, tất cả chúng sanh đều có Tánh Phật đều có khả năng thành Phật. Khi hiểu biết rốt ráo được cái thực tại thì rõ biết vạn vật cùng một tâm thể với Chân Như. Sự “Thấu hiểu được Chân Như” là khi chúng ta rõ biết tuệ tri một cách tinh tế sâu sắc về thể tánh chân thật của giác ngộ Chân Như vốn dĩ cùng chung một thể. Để có được cái tâm thể đồng nhất bao la rộng lớn không hạn cuộc giới hạn, tất cả đều hợp nhất và sáng soi bởi Chánh kiến. Một sự hòa nhập đồng điệu vẹn toàn nhất như, vượt ra ngoài mọi phạm trù sai biệt, định kiến tỷ giảo so sánh, quật tung nội tại, làm thức dậy làm sống lại tự tánh chân như bản giác, lên đường chuyển hóa trở về với tánh Phật tâm Phật, khai mở trí tuệ giác ngộ tròn đầy viên mãn, thắp sáng hiện thực, không gì đo lường ngăn ngại được, đưa ta thoát khỏi vô minh tăm tối về với thường hằng tự tánh.
Ý nghĩa vi diệu của Chân Như là tánh chân thật chân chính như thật, không hề biến đổi hư dối, thể tính tuyệt đối của vạn pháp, còn là Phật tánh, tự tánh, Pháp Thân, Như Lai Tạng, thật tướng, tánh giác…Trong Phật Học Từ Điển giải thích về Chân Như như sau: “Chân: chân thật, không hư vọng. Như: như thường, không biến đổi, không sai chạy. Chân Như tức là Phật Tánh, cái tánh chân thật, không biến đổi, như nhiên, không thiện, không ác, không sanh không diệt”. Phật tánh đó nơi chư Phật và chúng sanh không hề sai khác, tâm chân như thanh tịnh, vượt lên mọi hình thái tướng trạng, vượt khỏi biên kiến nhị nguyên, không thể nghĩ bàn.
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia “Chân Như là một khái niệm quan trọng của Đại thừa Phật Giáo, chỉ thể tính tuyệt đối cuối cùng của vạn sự. Chân như chỉ thể tính ổn định, thường hằng, nằm ngoài mọi lý luận nhận thức. Chân như nhằm chỉ cái ngược lại của thế giới hiện tượng thuộc thân thuộc tâm. Tri kiến được Chân như tức là Giác ngộ, vượt khỏi thế giới nhị nguyên, chứng được cái nhất thể của khách thể và chủ thể. Chân như đồng nghĩa với Như Lai tạng, Phật tính, Pháp thân”.
Trong Duy Thức Luận đề cập về Chân Như có phân làm ba loại như sau: Vô tướng Chân Như, Vô sanh Chân Như và Vô tánh Chân Như
1/ Vô tướng Chân Như: “Chân Như không tướng; là cái thể của các pháp khắp cả, không có tướng hư chấp”.
2/ Vô sanh Chân Như: “Chân Như không sanh; các pháp đều do nhân duyên hòa hợp mà sanh ra, chứ hẳn là không thật có sanh” .
3/ Vô tánh Chân Như: “Chân Như không có tánh; đó là cái thể thật của các pháp, không bàn bạc suy xét được. Đó là thật tánh không dính vào sự chấp trước của vọng tình”.
Cuộc trao đổi đó, còn đánh động trực tiếp vào sự lăn xăn của tâm thức, sự nhảy múa của tư tưởng sự áp đặt của ý thức, sự trổi dậy đi lại thường xuyên của tâm cảnh, tất cả đều bị công phá đẩy lùi soi chiếu bởi tuệ giác. Thế giới trôi nổi của tâm luôn chất chứa vô minh tham sân si, cùng với ba nghiệp thân, khẩu, ý tha hồ dẫn dắt đưa đẩy, khiến cho chúng ta đêm ngày sống trong sự não phiền triền miên đau khổ. Chúng ta đang sống và cảm nhận đang giằng co giữa hai ranh giới thiện ác, đang tìm cách chuyển hóa gạn lọc giữa hai biên độ mê ngộ đó, đang loanh quanh tới lui ở khoảng giữa bến bờ đấu tranh không ngừng nghĩ đó. Rốt cuộc, vẫn chưa đi đến đâu chưa thấy đâu là đâu, vẫn mịt mờ sâu thẳm chưa thấy lối ra nẻo về.
Những biến động khởi dậy của tâm thức cứ thế khiến chúng ta liên tục cuốn hút vào dòng chảy bất tận của vô minh tăm tối, đêm ngày chạy theo huyễn mộng ba sinh hướng vọng tìm cầu. Bỏ quên tự tánh chân như, không tạo cơ hội phát khởi tánh giác, đã đến lúc chúng ta lên đường phá vỡ vô minh lầm lạc ngăn ngại phủ vây, đẩy xô hất trọn mọi phiền não lo toan đau khổ, vượt ra ngoài mọi đè nặng trôi nỗi bất an, trở về với tự tánh giác ngộ thường tại trong mỗi chúng ta.
“Lấy gì bảo chứng”
Sư Đa Bảo lại hỏi tiếp lấy gì để chứng minh lấy gì làm chứng cứ ? Sư yêu cầu Đại Sư đưa ra bằng chứng, đưa ra minh chứng sự kiện vấn đề chứng cứ giác ngộ ra. Mà thật, nếu có ai đó đòi hỏi vị Thiền Sư hãy chứng minh cho tôi biết ngài đã giác ngộ, sự giác ngộ của ngài tới đâu rồi ở giai tầng nào rồi? Liệu vị ấy có thể đưa ra chứng cớ để chứng minh được không? Một câu hỏi nghe qua thì dễ nhưng khó trả lời được, vì dễ gây ngộ nhận gây hiểu lầm chấp chặt. Làm sao có thể chứng minh những việc thuộc về nội tâm, cái việc chỉ có người uống trà mới biết được hương vị, một con người chưa giác ngộ thì không thể nói được chuyện giác ngộ, nói đã là khó đã là bị kẹt dính mắc chấp trước rồi, huống hồ đem ra để chứng minh thì lại khó khăn bội phần. Chúng ta còn nhớ câu chuyện có vị khách nọ hỏi Thiền tổ Vô Ngôn Thông (? – 826): “Ngài có phải là một vị thiền sư không?”. Tổ đáp: “Tôi chưa từng học về Thiền”. Đây mới là việc xác định tìm hiểu danh tính mà Thiền tổ đã gạt phăng từ chối và phủ nhận lập tức. Bởi thiền hay thiền sư không phải là một cái gì có thể gán ghép định nghĩa được, huống hồ vỗ ngực xưng tên cho mình là thiền là giác ngộ, bởi tất cả đều vô nghĩa trước uy lực siêu thoát của thiền.
Vậy thì, “bảo chứng” mà sư Đa Bảo muốn nói đến là gì? Có điều chúng ta cũng cần ghi nhận, dù không thể đem ra để chứng minh được, nhưng chúng ta vẫn cảm nhận phần nào năng lượng tu tập và sự giác ngộ lan tỏa từ nơi những vị thiền sư, xuyên qua thân, khẩu, ý, hành động ngôn ngữ nói năng ý nghĩ. Đều trao gởi cho chúng ta năng lượng an lành, mở lối khai thông những bế tắc ngăn ngại, chuyển giao nội lực truyền trãi ánh sáng tuệ giác khiến cho chúng ta tự mình vực dậy chân như tánh giác. Một con người giác ngộ đang an trú trong sự an lạc đương nhiên có sự khác biệt với người chưa có sự giác ngộ. Người có sự tu tập vững chãi thì cũng đã khác xa với người chưa tu tập đến nơi đến chốn rồi, những vị đang nhập vào Thánh đạo, đang thực hành thiện pháp, sống trọn vẹn trong chánh pháp, thì lúc nào bao giờ cũng được an lạc tự tại.
Sự giác ngộ không thể và sẽ chẳng bao giờ có thể đem ra chứng minh hay định nghĩa được, và càng không phải một món đồ đem ra so sánh đối chiếu cân lường bình phẩm khen chê được, mà là bất tư nghì không thể nghĩ bàn. Chúng ta không thể dùng cái tâm thức sai biệt năng động để phán đoán sờ mó xúc tác được, nó thâm diệu vô biên tri thức rong ruổi của ta sẽ không bao giờ bén mảng tiếp cận được. Chỉ có sự trực nhận nhập thẳng vào thể tánh, phá vỡ bờ mê lối mộng càn quét triệt tiêu mọi lầm lạc ngăn ngại, thắp sáng hiện thực, tóm thâu tinh yếu diệu pháp, mở tung cánh cửa nhiệm mầu của tuệ giác chân như, thông suốt rỗng lặng thường sáng tỏ.
“Không có chỗ cho người hạ thủ”
Câu trả lời của Đại sư Khuông Việt còn tuyệt diệu hơn nữa, như nhát dao chặt phăng đoạn trừ những bám víu chấp chặt, một phán quyết một tuyên cáo rõ ràng xóa bỏ đoạn trừ mọi toan tính, chặt đứt mọi so đo lầm lạc, năng sở đối tượng nhận thức. Khi còn thấy có “hạ thủ” có công phu tức còn bám víu vào kết quả tu tập, thì còn rơi vào những chấp chặt dính cứng bám theo ỷ lại. Những thứ mà chúng ta cho là thành quả thành tựu đó, luôn kéo theo niềm tự hào tự mãn công sức bỏ ra đòi hỏi phải được ghi nhớ trả công đáp đền. “Không có chỗ cho người hạ thủ”, là không có nơi chốn không có chỗ xác định lập nên thủ đắc, không có người không có đối tượng năng sở nhận thức. Thêm một lần nữa Ngài trả lời gọn gàng dứt khoát và thẳng thắn, cắt đứt mọi toan tính chấp chặt nắm giữ rong ruổi của ý thức sai biệt trong ta.
Thông thường chúng ta thường chọn vị trí chỗ đứng tầm nhìn, ganh đua giành giật đòi hỏi đáp ứng phô diễn định hình bằng cách này hay cách nọ, đạp đổ mọi giá trị làm băng hoại mọi tiêu chuẩn đạo đức. Bao nhiêu thói hư tật xấu nhiễm ô bất thiện thi nhau đổ vào tâm thức, làm rối tung rối mù mọi thứ, đêm ngày trằn trọc sống trong sự lo sợ hơn thua khổ đau được mất thành bại, hết xuống lại lên nhọc nhằn nhiêu khê lầm đường lạc lối. Tất cả chỉ vì đáp ứng và thỏa mãn cho những đòi hỏi của bản ngã lòng tham sân si, khiến cho chúng ta chạy hụt hơi mệt mỏi chán chường đau khổ, nhưng vẫn chưa chịu hiểu vì sao tại sao vẫn chưa chịu dừng chưa chịu thức tỉnh? Thật ra ngã và ngã sở, cái ta và cái của ta những gì thuộc về ta, là những giả hợp vay mượn mà có, nương nhau mà thành nên không có tự tính không tự tồn tại. Tất cả đều bị cơn lốc của vô thường tước đoạt dẫm nát, chúng vốn hư huyễn giả tạo và không thật. Một khi nhận biết rõ ràng như thế tuệ tri như vậy, chúng ta mới quyết lòng chuyển hóa từ bỏ xa lánh, không để cho vô minh tham đắm trói buộc dẫn dắt, không để cho mê mờ tăm tối rủ rê lường gạt gây hại nữa.
Con đường để hoàn thành đạo nghiệp giác ngộ, cũng giống như chúng ta nương chiếc bè để qua sông giác, khi đến được bờ kia rồi thì cũng phải bỏ lại, huống hồ chúng ta cứ khăng khăng một lòng ôm giữ mang theo cho được cái ta cái ngã ngã sở. Chúng ta thấu hiểu rõ biết những gì không phù hợp với chánh pháp, không thích hợp với thiện pháp cần phải từ bỏ rời xa, “chánh pháp còn phải xả huống hồ phi pháp”. Sự tu tập của chúng ta cần phải thoát ra ngoài đối tượng năng sở, giữ tâm an ổn không tham đắm chấp chặt vào đó, không thấy có chỗ có người hạ thủ công phu, cũng chẳng ỷ lại thủ đắc vào việc bỏ công ra sức nỗ lực để đạt được điều gì cái gì, cũng chẳng trụ bám vào thành quả công sức. Chúng ta cần loại trừ xả ly hoàn toàn cái tâm dính mắc cưỡng cầu trói buộc, nhận chân các pháp là vô thường vô ngã, vốn là không giai không hoàn không, chân không diệu hữu.
“Tiếng hét của sư Đa Bảo”
Phải chăng tiếng hét đó biểu lộ sự bùng vỡ của giác ngộ, một sự trực nhận vào mọi hiện tượng tương quan, hay tiếng hét đó minh định một điều ngôn ngữ nói năng, sự bày biện lý giải của tri thức đều trở nên vô nghĩa? Tiếng hét đó có là sự hoan hỷ cùng tột không nói nên lời, không còn ngôn ngữ để diễn tả, phi ngôn phi ngữ vượt lên ngôn ngữ, ngôn ngữ đành cúi đầu bất lực. Sự vận hành của giác ngộ sự quật khởi đúng thời để tánh giác thức dậy, vốn không cần đi qua lối mòn trông đợi, không thể vay mượn thời gian không gian. Mọi sự trông chờ để tựu thành chỉ hoài công vô ích, phải là tương hợp đồng nhất và hợp nhất, khảy mổ đồng lúc, sự bật dậy tức thì ngay tại lúc đó trong đó. Sự thể nhập không cùng của tâm cảnh, xóa nhòa biên độ, tất cả mọi chuẩn bị dụng công hạ thủ công phu đều phải sẵn sàng từ trước.
Rõ ràng, không một ngôn ngữ nào đủ sức diễn tả về giác ngộ, chưa một ý niệm nào có thể chạm vào được cái vùng thẳm sâu vi diệu đó, một sự vượt thoát không cùng vô tận bặt hết mọi tướng trạng luận bàn nói năng. Khi đặt những câu hỏi như thế với thầy mình, không phải thiền sư Đa Bảo ở vào vị thế của một thiền sinh đang đối diện với một thiền sư, mà trong nội tâm của sư Đa Bảo cũng đã có sự nhận biết từ trước. Thật ra những đặt lại đó cũng là phương cách Thiền sư Đa Bảo vận dụng năng lực tuệ giác tùy nghi thưa hỏi mở lời dùm cho chúng ta vậy.
Tiếng hét thay cho câu trả lời của Thiền sư Đa Bảo, hiễn bày công năng diệu dụng, mở tung tánh giác chiếu sáng khắp cùng. Cứ thế đốt cháy triệt tiêu mọi tăm tối mê hoặc, phá vỡ mọi bế tắc ngăn ngại, đạp đổ mọi thành trì biên kiến nhị nguyên, nhập thẳng vào dòng chảy không cùng vô tận của giác ngộ, trở về với tự tánh như nhiên sẵn có trong mỗi chúng ta.
Ngày 22 tháng 03 năm 1011, niên hiệu Thuận Thiên thứ hai đời vua Lý Thái Tổ, trước khi thị tịch Đại Sư gọi Thiền sư Đa Bảo đến đọc bài kệ:
(Mộc trung nguyên hữu hỏa
Hữu hỏa, hỏa hoàn sinh
Nhược vị mộc vô hỏa
Toản toại hà do manh?)
Dịch:
“Trong cây sẵn có lửa,
Có lửa, lửa lại sanh
Nếu bảo cây không lửa
Cọ xát làm gì sanh?”
Thượng Tọa Thích Mật Thể dịch, Việt Nam Phật Giáo Sử Lược
Trong sách Thiền Uyển Tập Anh ghi như sau:
“Lửa trong cây có sẵn
Dù tắt lại bùng ngay
Nếu bảo cây không lửa
Xát mạnh sao cháy cây?”
Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga dịch
Bài thi kệ đêm ngày vang vọng thôi thúc, gây chấn động mãnh liệt nơi nội tâm, luôn phiên nhắc nhở soi đường cho ngàn sau tiếp nối. Lời thơ hết sức cô đọng và rõ ràng, lời nhắn bảo bình dị mộc mạc chứa đựng cả tấm lòng thương yêu lo lắng cho đàn hậu học. Chúng ta khắc cốt ghi tâm những lời dạy bảo chân tình quý giá, lấy đó nuôi sống thân huệ mạng, lấy đó làm hành trang tu tập vượt thoát. Đại Sư đề cập đến hình ảnh của cây và lửa, là những hình ảnh thông thường chúng ta hay bắt gặp và trông thấy mỗi ngày, để chỉ bày cho chúng ta thấu hiểu sự nhiệm mầu ở trong đó. Cây và lửa, pháp giới chúng sanh cùng chung nương hợp ở cùng nhau có chung lẫn nhau, trong tất cả chúng sanh đều có tự tánh giác ngộ, đều có tâm Phật hạt giống Phật, đều có khả năng thành Phật, là những vị Phật tương lai. Hạt giống đó chủng tử đó khả năng đó, luôn sẵn có trong mỗi chúng sinh, chờ thắng duyên khi hội đủ điều kiện, dụng công đến nơi đến chốn lập tức tánh giác phát khởi. Chúng sẵn có không bao giờ hư hao cạn kiệt biến dạng mãi mãi theo ta không rời xa, chúng ta chăm sóc tưới tẩm bằng tâm từ bi, dưỡng nuôi trong định tuệ, thường xuyên lau chùi phủi sạch bụi trần bám nhiễm thì chân như Phật tính lập tức lộ diện tỏa sáng. Để giác ngộ khởi động định tuệ phát sinh thì phải hành trì thiện pháp, nỗ lực tinh cần chánh niệm tỉnh giác, tu tập hoàn thiện con đường Trung Đạo, Bát Chánh Đạo, dẫn đưa chúng ta đến với thường lạc ngã tịnh, trở về với pháp thân thường trụ không biến đổi.
Bài thi kệ lồng lộng tung bay đưa đường chỉ lối
Âm vang vô tận của bài kệ, lời thiền thi trãi hương ươm mật trên lối về giác ngộ, hạt giống Phật đâm chồi nở hoa kết trái, khúc thinh âm vượt thời gian về cõi không cùng.“Trong cây sẵn có lửa” Ngài mượn hình ảnh của cây và lửa, nhắn gửi đến cho chúng ta những điều thâm sâu diệu kỳ đang có mặt ngay trong đời sống thường nhật. Ở đó còn là những việc những điều thường xảy ra chúng ta chứng kiến mỗi ngày, sự hợp nhất của cây và lửa, lửa sẵn ở trong cây, lửa đến từ cây, cây sinh ra lửa, lửa đốt cây, trong cây luôn có lửa. Có yếu tố thời gian không gian kết hợp, ánh sáng tánh lửa sự cháy nằm sẵn ở trong đó có mặt ở đó, hòa cùng trộn lẫn với nhau. Khi duyên đủ đầy đúng thời điểm thích hợp nó sẽ nổi lên cháy rực, sức nóng hơi nhiệt lan tỏa, tánh lửa vừa giúp ích cho chúng ta nhưng cũng sẵn sàng thiêu huỷ mọi thứ. Cũng vậy, chúng ta thường xuyên bị vây chặt bởi phiền não khổ đau lo sợ bất an đêm ngày nung nấu đốt cháy, chỉ khi vựt dậy làm sống dậy hòa nhập vào chân như tánh giác, tạo mọi thắng duyên để cho ánh sáng định tuệ bừng lên trỗi dậy, càn quét triệt tiêu đẩy lùi vô minh tăm tối, về với thường hằng tự tánh.
Cây cối cũng có sự sống cũng hội đủ bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa, cũng trải qua sanh già bệnh chết, cây sống xanh tươi nảy mầm ra hoa lá cũng nhờ tưới nước bón phân, đến khi cành khô lá rụng, bị chặt bị phá đốn ngã, cây bị bệnh bị sâu trùng ăn thân, đến lúc già cỗi chết dần. Tất cả đều in đậm dấu ấn vô thường sinh diệt khắc ghi nhắc nhở, những hình ảnh chúng ta từng chứng kiến, nếu quan sát thật kỹ đều chứa đựng những điều sâu xa hơn. Cây lửa dùng để nấu nướng, nấu cơm nấu đồ ăn thức uống, nấu nước pha trà đãi khách, khi lạnh lẽo nhờ lửa sưởi ấm, đêm về nhờ lửa soi sáng. Chất liệu để phát sinh ra lửa là nhờ cây củi, không có củi lửa thì không thể nấu cơm nấu cháo chiên xào làm chín đồ ăn, đó là những việc cần thiết đáp ứng cho cuộc sống thường nhật nuôi sống thân mạng của chúng ta. Vào dịp Tết những ngày cúng giỗ lễ lạc chúng ta thường quây quần bên bếp lửa hồng, nấu bánh chưng làm cổ, là những hình ảnh vô cùng quen thuộc gần gũi dễ thương, nối kết vòng tay yêu thương gia đình con cháu tình nghĩa xóm giềng.
Thông thường những hình ảnh những sự việc những điều xuất hiện ở bên ngoài, chúng ta dễ dàng nhận thấy và cảm nhận ra được, còn Chân như Phật tánh thì lại ở tận bên trong sâu thẳm rất khó để nhận ra. Chúng ta phải tìm mọi cách vực dậy và phải có con mắt tuệ nhãn thì mới có thể nhìn thấy trông thấy tiếp cận được, nó sẵn có ở đó trong đó thật gần mà cũng thật xa.
Ba cõi như nhà lửa đêm ngày thiêu đốt chúng ta phải tìm cách thoát ra, trong sự tu tập chúng ta cần có sự kiểm soát và tỉnh thức trong từng phút giây, tinh cần tu tập định tuệ mở khai tánh giác, thổi bùng ngọn lửa giác ngộ nuôi sống thân huệ mạng. Cũng giống như khi chúng ta nấu cơm vậy, phải canh chừng củi lửa không để cho cơm bị cháy bị khét, hoặc cơm bị sống không thể ăn được. Công việc đầu tiên là vo gạo nhúm lửa thổi cho lửa cháy đỏ lên, kế đến canh lửa trong bao lâu để cho nước sôi lên và phải sôi trong bao lâu thì cơm mới chín. Phải xem lượng nước trong nồi cơm dư hay thiếu, dư thì gạn bớt ra đổ vào trong tô hoặc chén để uống chứ không nên đổ bỏ đi, vì trong nước có chất gạo, người ta dùng nước gạo đó cho người bệnh hoặc những trẻ nhỏ uống khi bầu sửa của người mẹ không đủ cung cấp. Nước trong nồi cơm nếu dư quá thì cơm sẽ thành cháo, còn thiếu nước hạt gạo sẽ không nở ra hết cơm rất cứng không thể ăn được. Chúng ta còn phải canh lửa lúc nào thì hạ lửa xuống thấp, đẩy bớt củi than ra hai bên để giảm độ nóng cơm mới không bị cháy khét, rồi phải giữ lửa trong bao lâu để cho cơm được chín hoàn toàn thơm ngon.
Công việc củi lửa nấu cơm tương đối nhẹ nhàng và trải qua nhiều công đoạn, cũng đòi hỏi chúng ta có kỹ thuật, phải biết canh nước, củi, lửa, nhưng khi quen mắt quen việc sẽ trở nên dễ dàng thuần thục, chỉ cần chú ý theo dõi kiểm soát tốt là được. Con đường để đi đến giác ngộ giải thoát chúng ta phải nỗ lực tu tập giữ gìn thân tâm thanh tịnh, một khi chúng ta dụng công thực hành một cách tinh chuyên thuần thục nhuần nhuyễn, thì sự có được chánh niệm tỉnh giác, nhập vào định tuệ sẽ trở nên nhanh gọn dễ dàng hơn. Cũng vậy, khi “một hột cơm chín thì cả nồi cơm cũng chín” chúng ta tu đến độ chín mùi, hạ thủ công phu đến chỗ nội tỉnh nhất tâm, khai phát huệ nhãn, mở cặp mắt chánh kiến, trông rõ ngọn ngành mọi sự, thì sẽ tự động nhập vào biển tuệ giác vô tận, an trú trong sự an lạc giác ngộ.
Trong việc nuôi sống thân huệ mạng, chúng ta cần phải có những món ăn tinh thần, phù hợp với chánh pháp, thiện pháp, như pháp, hợp với lẽ đạo tâm đạo, thì mới tiến đến an lạc giải thoát một cách viên mãn. Chúng ta thường xuyên sử dụng sáu căn, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, nhưng ít khi biết trân quý nó, tha hồ làm những việc ngược lại với chức năng thông thường của nó, khiến nó đau đớn khổ sở. Chúng ta dung dưỡng để cho sáu căn lung lạc kết hợp với sáu trần, thức, khiến ta mãi miết lầm than đau khổ, nhưng nếu chúng ta biết tu tập phòng hộ giữ gìn sáu căn cho được tốt đẹp đủ đầy, gạn lọc thân tâm cho được trong sạch, không để phiền não nhiễm ô tác động, nuôi dưỡng lòng từ bi trí tuệ lớn mạnh thì con đường dẫn đến an lạc giải thoát sẽ thênh thang rộng mở.
Có những điều chúng ta thường trông thấy, những việc chúng ta hay làm, nhưng do thói quen, không chịu kiểm soát, không có sự chú tâm lơ là bỏ quên nên đánh mất nhiều cơ hội. Có những việc ta cho là bình thường không đáng quan tâm chia sẻ, nhưng biết đâu đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho mình và cho người. Không phải ở chỗ việc lớn hay nhỏ mà là sự tác động sức ảnh hưởng mới là vấn đề chính, khi lửa sân hận bộc phát đốt cháy thần kinh thiêu hủy tế bào phá hủy mầm mống sự sống, khi uất ức tức giận làm cho tuổi thọ giảm sút, thiêu rụi tất cả công đức chúng ta tạo dựng bấy lâu. Tham sân si, suy nghĩ, hành xử, nói năng bất thiện nơi chúng ta dù ít hay nhiều, nhưng nếu không biết kiềm chế kiểm soát ngăn ngừa, đều đưa đến khổ đau bất an, tất cả đều tạo thành nhân quả bám chặt theo ta mãi miết không rời.
Một khi móng ý động tâm là đã gây tạo ác nghiệp, một chút phiền não ghé qua cho dù có nhỏ nhoi, nhưng nếu không phát hiện kịp thời, dần dần kết tụ sâu dày, công sức thời gian bỏ ra để triệt tiêu phá vỡ sẽ gian nan vất vả. Điều nhỏ nhặt hay bình thường đến đâu như thế nào ra sao, một khi gây tạo dù nhỏ hay lớn chúng ta cũng đều phải chịu phần trách nhiệm. Sự đi lại phát khởi của vô minh não phiền không chờ đợi phút giây thời gian địa điểm thuận tiện, mà bất cứ trong mọi tình huống tâm cảnh nào chúng đều can dự trực tiếp hay gián tiếp. Tham dục, sân hận, tăm tối, kiêu mạn là những độc tố đêm ngày gặm nhấm giết dần giết mòn chúng ta, nếu chúng ta không kiểm soát không tỉnh thức thường xuyên thì nó lập tức có mặt. Khi chúng ta tu chưa tốt chưa đến nơi đến chốn, nó dấu mình ẩn nấp ở đó chờ cơ hội chúng ta lơ là móng ý động tâm nó sẽ xuất hiện quậy phá và gây nguy hại. Chúng ta luôn phòng hộ ngăn ngừa sự bất thiện của các căn, nuôi dưỡng tăng trưởng thiện pháp mỗi ngày mỗi tươi đẹp sáng lạng quang huy rực rỡ hơn.
Điều khác biệt là nhân quả nghiệp lực thì mãi miết bám theo ta không rời cho dù có trốn chạy đẩy xô nó vẫn nhất định không rời xa. Trong khi Phật tánh luôn sẵn có trong mỗi chúng sinh, chỉ cần chúng ta vực dậy trở về nương tựa. Cả hai mặt thiện ác tốt xấu, đều sống chung ở cùng hiện hữu trong mỗi chúng ta, hễ cái nào vượt trội hơn sẽ lấn lướt cái khác, cái nào mạnh hơn sẽ đè bẹp cái khác, nặng hơn sẽ chìm nhẹ hơn sẽ nổi. Sáu căn, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của chúng ta, cùng đồng hành tương tác gây tạo, nhưng tích cực hay tiêu cực tốt hay xấu là do chúng ta lựa chọn. Chúng ta chọn cách nhắm mắt làm lơ, tiếp tục chìm đắm trong đau khổ phiền muộn hay nỗ lực tu tập đưa chúng ta đến với an vui giác ngộ, tất cả đều do chúng ta quyết định.
Rõ ràng là vậy, khi nào chúng ta còn ôm giữ cái tâm vô minh tắm tối, còn chôn dấu tâm tham sân si, còn cưu mang tâm phiền muộn đau khổ, còn chất chứa cái tâm bất thiện tham ái lầm lạc, thì còn mãi mê lặn hụp trong ba cõi sáu đường qua lại xuống lên. Hễ còn lợn cợn lấn cấn ích kỷ nhỏ nhen, đổ vào tâm thức nhiễm ô bất thiện, sân hận si mê thiếu vắng tỉnh thức, thì sẽ bung xuống vực sâu tử sinh khó mà thoát ra được. Chúng ta cần phải chuyển hóa thân, khẩu, ý, hành động, lời nói ngôn ngữ, ý nghĩ cho được thiện lành trong sáng, giữ tâm luôn thanh tịnh, sống trọn vẹn với tâm từ bi trí tuệ, cõi lòng bao dung độ lượng hoan hỷ, thường xuyên an trú trong chánh niệm tỉnh giác.
“Dù tắt lại bùng ngay” Bản tánh thường tại của Chân như Phật tánh lúc nào và bao giờ cũng hiện hữu, nó vốn có mặt ở đó tự bao giờ, sẵn có trong mỗi chúng ta và chúng sinh, không hề hư hao cạn kiệt. Sự cháy sức cháy tánh lửa phát sinh ra đó, dù nổi hay chìm, có lúc bị tắt nhưng rồi sẽ bừng dậy cháy đỏ trở lại chứ không hề biến mất hay mất hẳn. Nhưng vì chúng ta bỏ quên tánh giác che lấp chân như, nên mãi trần luân lạc lối quờ quạng trong đêm trường mịt mùng tăm tối, tâm thức rong ruổi chạy nhảy đông tây, đắm nhiễm lầm than nơi canh trường mộng mị. Khi ta đuổi theo mộng tưởng danh vọng tiền tài, đêm ngày xuôi ngược vất vả lo toan, ganh đua giành giật nên mãi khổ đau lạc lối, niềm vui hạnh phúc mất dấu bặt tăm. Chỉ khi ánh sáng xuất hiện càn quét xô đẩy bóng đêm, trí tuệ bừng lên thiêu huỷ vô minh tăm tối, đưa người vượt sông mê bể khổ về với an lạc thường hằng.
Cây giải thoát ngọn lửa trí tuệ, chân như Phật tánh ở tại đây thật gần chứ không đâu xa ở ngay trong tâm mình con người mình. Khi chúng ta có sự tỉnh thức quán chiếu kỷ càng, sẽ nhận ra sự mầu nhiệm đang chôn dấu trong đó. Từ mọi hiện tượng tâm cảnh cho đến chúng sanh con người, tất cả đều có thể tạo cơ hội để giác ngộ trỗi dậy, vấn đề là bằng cách nào để chúng ta tiếp cận và vực dậy pháp tánh thường trụ đó? Lửa phát sinh là khi có sự cọ xát, khi đốt lên, tu tập cần có sự dụng công nỗ lực tinh cần, để cho ngọn đèn tuệ trong ta phát khởi thắp sáng cõi mê. Chúng ta cần khai thông những ngăn ngại bế tắc, một lòng thực hành thiện pháp, đoạn trừ phiền não tham sân si, trở về với tự tánh chân thật.
Trong sự thống khổ điêu linh của con người ở hôm nay và ngày mai, hạnh nguyện ban vui cứu khổ, nếp sống đạo đức cao đẹp, sự tỉnh thức giác ngộ là những giá trị tối cần để chúng ta tìm về trú ngụ. Nhu cầu thiết yếu của đời sống là mang lại sự an lạc hạnh phúc thật sự cho chúng ta, giải quyết nỗi đau trầm thống đang đè nặng lên từng tâm thức đêm ngày đốt cháy tâm can. Thay vì chúng ta ấp ủ chôn dấu cất giữ ở bên trong, những phiền não nhiễm ô bất thiện, chúng ta hãy đem tất cả những ý nghĩ khởi niệm trong tâm mình lôi ra để trước mắt. Mang hết mọi suy nghĩ lo toan bày biện ra trước mặt, kéo tham sân si để ra phía trước, đem tất cả lôi ra ánh sáng phơi bày trần trụi và nguyên trạng. Đó cũng là cách để chúng ta thường xuyên điểm danh nhận diện, thấu hiểu một cách tỏ tường chính xác hơn, vì một khi soi chiếu bởi tuệ giác chúng ắt tự tiêu diệt.
Bản thể vi diệu thường tại của chân như giác ngộ đến chậm hay mau đều tùy vào sự dụng công ở trong ta đúng mức hay chưa, chứ không có nghĩa tự tánh ấy cạn kiệt hư hao biến mất. Chỉ khi chúng ta vận dụng tất cả sức lực bình sanh, nỗ lực vực dậy mọi năng lực phát khởi tánh giác, thông suốt thấu rõ tường tận, quán chiếu sâu sắc những khởi động trong tâm mình. Làm sống dậy tự tánh giác ngộ sẵn có xưa nay, nuôi dưỡng lòng từ bi trí tuệ lớn mạnh, tu tập thiện pháp nhập vào biển tuệ. Chỉ khi cởi bỏ trói buộc, lìa xa đau khổ phiền muộn tham sân si, đoạn trừ lầm mê tăm tối, buông bỏ tập khí nhiễm ô thói hư tật xấu, lúc đó an lạc hạnh phúc đích thật lập tức lộ diện, cõi lòng rộng mở tâm tư nhẹ nhàng thênh thang thanh thản. Tất cả đều nằm trong thẩm quyền quyết định của mỗi chúng ta, tự mình định đoạt cách sống sự sống cuộc sống cho riêng mình, một khi thấu rõ nhận biết tuệ tri như thế làm được như thế, cũng có nghĩa chúng ta đang tiến gần đến sự an lạc giác ngộ.
“Nếu bảo cây không lửa” Đại sư Khuông Việt sử dụng đến thanh kiếm sắc bén của tuệ giác chặt đứt vòng suy luận lầm tưởng đong đưa luẩn quẩn nơi chúng ta. Thông thường ý thức của chúng ta thường bày trò áp đặt những định kiến chủ quan nên mãi lần lạc phân chia ngăn ngại. Nhờ vào nhát kiếm trừ khử mạnh bạo đoạn trừ nghi hoặc đó, chúng ta mới giật mình tỉnh mộng. Cho dù chúng ta chấp chặt hay khẳng định và cho rằng trong cây không có lửa, thì sự thật là nó vẫn bùng cháy khi hội đủ những yếu tố cần thiết. Vì lửa vốn ở sẵn trong cây, trong cây có sẵn tánh lửa sự cháy, có những điều kiện để lửa khởi phát, khi đủ duyên khi bỏ vào lò để đốt, sự cháy đó sẽ khởi động sẽ bùng lên. Hai thể đó không rời xa hay tách biệt mà quyện chặt vào nhau phụ thuộc lẫn nhau, sự tận cùng rốt ráo tánh tướng của vạn vật của mọi hiện tượng pháp giới, thảy đều kết hợp trong một tâm thể đồng nhất. Thể tính thường tại của Chân tâm tánh giác hiện hữu trong tất cả chúng sinh, nhưng do vì chúng ta để cho vô minh tham sân si dẫn dắt lũng đoạn chi phối, phiền não phủ vây nên ánh sáng giác ngộ không có dịp xuất hiện. Chỉ khi nào định tuệ trỗi dậy mới quét sạch mọi si mê tăm tối, khi nào mặt trời chân như tỏa chiếu mới trông rõ được ngọn ngành mọi thứ.
“Xát mạnh sao cháy cây?” Ở đây Đại Sư nhẹ nhàng trao cho chúng ta một dấu hỏi hết sức bình dị, nhưng sức ảnh hưởng lại sâu xa, đặt lại vấn đề một cách tinh tế nhưng ở đó sẵn có câu trả lời sâu sắc. Đại Sư quật ngã những lầm chấp, đánh mạnh vào cái tâm năng động nghi ngờ trong ta, những tra vấn đặt lại đó dội mạnh thật sâu thật lâu vào tâm ý, triệt tiêu mọi trôi nỗi ngăn ngại, tỏ rõ cội nguồn mọi sự. Đại nghi tức đại ngộ có nghi mới có ngộ, sự thúc đẩy cần thiết phá vỡ mọi phạm trù bế tắt, sức vỡ càng lớn hiệu năng càng to, tạo thắng duyên để tánh giác phát khởi. Việc xát mạnh cọ xát còn là ẩn dụ của việc nỗ lực tu tập và hành trì thiện pháp, sự mài dũa gột sạch thân tâm trở nên tinh khiết thanh tịnh, tu tập mọi công đức, tạo cơ hội tốt lành để giác ngộ bừng lên chân tánh hiển lộ.
Nếu bảo lửa không có sẵn ở trong cây thì làm sao khi cọ xát nó tự bùng cháy lên cháy đỏ được, vậy thì lửa từ đâu do đâu ở đâu, từ bên ngoài đưa tới hay ở bên trong chờ dịp nổi lên? Tánh lửa khởi động, tự tánh chân như giác ngộ nếu không sẵn có trong mỗi chúng ta chúng sinh thì khi mài dũa xát mạnh, dụng công làm sao nó bùng vỡ nổi lên trỗi dậy ló dạng. Trong ý nghĩa vi diệu của tương sanh tương diệt, cái này sinh thì cái khác cũng sinh, lý lẽ đồng nhất của tương thuận tương hợp, vốn cùng sinh ra cùng có mặt ẩn chứa cưu mang lẫn nhau, như sự hợp nhất vi diệu của định tuệ, trong định có tuệ trong tuệ có định, cả hai thể đó trộn lẫn hòa nhập làm một không thể rời xa tách biệt, bấy nhiêu đó cũng đủ cho một đời tu tập. Chúng ta tự mình chiêm nghiệm tự mình khai mở tự tánh, tự mình tìm thấy câu trả lời đúng nghĩa cho chính mình riêng mình.
Bản thể đó tánh giác đó hiện diện trong mỗi chúng ta, mong ngày chúng ta quay về nương tựa, giữ tâm thanh tịnh an ổn một lòng duy trì chánh niệm tỉnh giác, làm sống dậy vựt dậy tự tánh giác ngộ. Nỗ lực phát huy để ánh sáng tuệ giác liên tục soi chiếu muôn phương, đẩy lùi bóng đêm bao phủ, quét sạch mọi đảo điên mộng tưởng, đốt cháy triệt tiêu tham sân si khổ đau não phiền, đưa ta thoát khỏi tối tăm mộng mị, về với chân như tròn đầy tịch lặng, viên mãn thường hằng ngự trị.
Đại Sư thị tịch thượng thọ 79 tuổi, ngài ung dung rủ sạch hồng trần cởi bỏ tấm thân tứ đại, thong dong tự tại ra đi về miền vô sanh bất diệt. Thiền sử khắc ghi một con người siêu thoát bậc đại sư vẹn toàn, yêu nước thương người làm rạng danh cho đạo cho đời, tâm hạnh dấn thân bi nguyện cứu độ rực sáng cõi trời Nam. Chuyển mê khai ngộ thắp sáng hiện thực, hương đạo hạnh tuệ giác nghìn năm mãi còn đọng lại, soi đường dẫn lối cho ngàn sau.
Như Hùng ( Theo thuvienhoasen.org )