Cư Trần Lạc Đạo
Cư Trần Lạc Đạo là bài phú của một vị vua xuất gia viết, đó là vua Trần Nhân Tông. Sau khi xuất gia, vua có hiệu là Trúc Lâm Đại Sĩ. Bài này là trái tim của Trúc Lâm Đại Sĩ, và trong địa vị văn học, đây là sáng tác tiếng Nôm đầu tiên tại Việt Nam.
Cư Trần Lạc Đạo là một bài phú gồm mười Hội, trình bày phương pháp tu tập của Trúc Lâm Đại Sĩ. Khi đọc bài này tôi rất xúc động, tựa như mình đang đi vào trái tim của người xưa để thấy được tình thương và tuệ giác của một vị tổ sư.
KỆ KẾT THÚC
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên.
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch.
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.
Bình giảng Bài Kệ
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Có nghĩa là mình ở nơi cõi bụi bặm, muốn sống vui với pháp môn tu học của mình, thì mình phải thích nghi với những điều kiện mình đang có trong hiện tại. Tùy duyên nghĩa là mình thích nghi được với những điều kiện mình thấy chung quanh chứ đừng đòi hỏi, đừng bất mãn. Đây là một nguyên tắc của hạnh phúc. Nếu mình đòi hỏi, mình bất mãn thì tất nhiên mình không có hạnh phúc. Vì vậy cho nên tùy duyên là nguyên tắc của Cư Trần Lạc Đạo. Nếu học được phép tùy duyên thì mình có thể sống trong cõi bụi bặm nhưng mình vẫn có thể sống hạnh phúc trong sự thực hành tu tập của mình.
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Nghĩa là khi đói thì mình đi ăn cơm. Khi nào mệt thì mình nằm ngủ. Đó là nguyên tắc thứ hai của thiền tập.
Điều này không có nghĩa bất cứ lúc nào đói là mình có thể chạy vào bếp kiếm cái gì để ăn. Đói ăn, khát uống là một thiền ngữ. Có nhiều thiền sinh hỏi quý vị tu thiền như thế nào? Thiền sư trả lời: Tu thiền dễ lắm, đói ăn, khát uống thôi. Tức là mình làm thỏa mãn nhu yếu của mình một cách rất tự nhiên. Nhưng bốn chữ “đói ăn khát uống” này mình phải hiểu theo nguyên tắc của nó. Mình sống trong chánh niệm, và sống cuộc đời bình thường của mình. Nhưng cuộc sống bình thường đó phải sâu sắc, mỗi giây phút của sự sống hàng ngày mình có thể tiếp xúc được với chiều sâu của thực tại. Mình không có những lo lắng, những sợ hãi, vì vậy cho nên mình có thể có hạnh phúc.
Chúng ta không phải ai cũng có khả năng đói thì ăn, khát thì uống, mệt thì ngủ. Tại vì khi ăn chúng ta không thật sự ăn, chúng ta lo lắng, buồn khổ, sợ hãi, ăn mà không có khả năng ăn. Khi uống cũng vậy, hay khi nghỉ ngơi cũng vậy. Khi nghỉ ngơi chúng ta không thực sự nghỉ ngơi.
Ở các nước Âu Châu, người ta quen truyền thống tới mùa hè thì mình phải đi nghỉ mát, và người nào không được đi nghỉ mát thì bị coi như là một trừng phạt lớn, cho nên nhất định phải đi nghỉ mát 15 ngày hay một tháng. Nhưng trong thời gian nghỉ mát ở bãi biển hay trên núi, họ không nghỉ ngơi gì cả. Phần lớn họ thường xài phí sinh lực của họ. Họ lo lắng, buồn khổ. Có nhiều người đi nghỉ mát về, lại còn mệt hơn trước khi đi nghỉ mát. Trong thời gian đi nghỉ mát, họ vướng víu, vương vấn, sầu khổ rất nhiều. Chuyện này xảy ra rất thường.
Theo nguyên tắc thì đi nghỉ mát là để có sức mà tiếp tục làm việc. Nhưng phần lớn sau khi đi nghỉ mát về thì người ta kiệt hết sức. Vì vậy cho nên “mệt thì nghỉ” đó không phải là chuyện dễ làm. Nghỉ như thế nào để mình thực sự có nghỉ ngơi, tạo lại được sức khỏe thể chất và tinh thần.
Tất cả mọi thực tập của chúng ta hàng ngày cũng vậy. Chúng ta ăn cơm, chúng ta uống nước, chúng ta rửa bát, chúng ta quét nhà, chúng ta ngồi thiền, chúng ta đi thiền hành, đó là thiền, nhưng trong mỗi động tác thực tập như vậy, chúng ta an trú sâu sắc và chúng ta thỏa mãn được những nhu yếu của chúng ta.
Có những lúc ngồi thiền chúng ta cảm thấy rất hạnh phúc, chúng ta thấy rằng không có gì hạnh phúc hơn là được ngồi như vậy. Nhưng cũng có những người ngồi thiền mà không thấy hạnh phúc gì cả, giống như mình bị bắt buộc phải ngồi bất động một chỗ. Trong khi đó mình muốn bay nhảy, mình muốn chạy.
Chúng ta đã học rằng con người sinh ra thế nào cũng có lúc phải chết. Tôi thế nào cũng phải chết. Tôi không thể nào tránh được cái chết. Tôi thế nào cũng phải già, tôi không thể nào thoát được cái già. Đó là những điều mình nhắc nhở mình, mình tâm niệm để biết rằng cái già và cái chết là những thiền án của mình.
Mình đã đi qua kinh nghiệm khi bị đau nặng, mình phải nằm liệt giường trong vòng hai hay ba tuần lễ, và mình rất thèm được mở cửa đi ra ngoài để thở không khí bên ngoài. Mình rất thèm được bước những bước thảnh thơi ở ngoài kia. Mình thèm lắm nhưng mình không được phép làm vậy. Không phải là bác sĩ không cho mình làm, nhưng vì mình không đủ sức để đứng dậy. Mình ngồi dậy thì đầu mình choáng váng.
Nếu quí vị đã từng đi thăm những người hấp hối, quí vị cũng biết rằng họ nằm trên giường bệnh, họ không có khả năng cử động tay và chân. Họ có những cái đau nhức rất lớn ở trong cơ thể mà nhiều khi phải nhờ tới những viên thuốc trị đau nhức. Họ có thể đang sống nhờ thực phẩm chuyền trực tiếp vào máu, tức là nước đường. Những lúc chờ chết như vậy, những lúc có những đau nhức lớn lao trong cơ thể như vậy thì hết rồi những cơ hội mình có thể đi được những bước thảnh thơi ở ngoài trời với đại chúng. Hết rồi những giây phút có thể ngồi lưng thật thẳng, thở những hơi thở dài, sâu, mỉm cười và biết rằng mình đang có sức khỏe, đang có sự sống. Nếu quí vị đã từng chứng kiến cảnh tượng của những người hấp hối thì quí vị biết rằng mình cũng sẽ như vậy mà thôi. Khi thấy được sự thật đó thì tự nhiên sự kiện mình đang ngồi trên gối thiền nó trở thành một điều vi diệu vô cùng.
Công phu tu tập hàng ngày của mình trong mười, hai mươi năm là để làm gì? Để có hạnh phúc trong khi mình ngồi, trong khi mình đi. Nếu có định, có tuệ, thì tuy cũng ngồi như những người khác, nhưng cái ngồi của chúng ta có phẩm chất rất cao. Hạnh phúc rất lớn, và chúng ta phải thấy rằng không có hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc mình đang được ngồi. Còn nếu ngồi mà mình vất vả, mình tranh đấu, vật lộn với cái ngồi, thì cái ngồi đó là ngồi trong hang sâu. Còn người kia thì nhờ cái tuệ giác đó mà thấy rằng giây phút mà mình đang ngồi thiền là giây phút rất mầu nhiệm.
Nếu cái hạnh phúc nó lớn lao trong khi ngồi thiền thì cái hạnh phúc của ta cũng có thể lớn lao bằng. Ta cũng có thể ngồi như một con người tỉnh thức, ngồi như một con người tự do, ngồi như một con người đang sống. Sự kiện ta còn sống và đang ngồi đây cũng là một sự kiện rất mầu nhiệm. Vì vậy cho nên bỏ qua hai, ba mươi phút trong giờ ngồi thiền để sầu khổ, để lo lắng, để mong có tiếng chuông mà đứng dậy thì rất là uổng. Tất cả công phu tu học một đời là để có thể ngồi rất là hạnh phúc, để có thể đi rất là hạnh phúc. Nếu mình có thể làm được chuyện ngồi và đi thì cái giây phút quét thiền đường hay nấu một nồi cơm cho đại chúng cũng có thể có hạnh phúc tương đương. Hạnh phúc đó đừng đợi đến 20, 30 năm sau mới thực hiện được. Hạnh phúc đó mình phải thực hiện ngay bây giờ và ngay ở đây.
Nếu quí vị có ngồi thiền trước một cây nhang đang cháy, và mỉm cười nhìn cây nhang thì quí vị có thể đặt câu hỏi: Mục đích của một cây nhang là gì? Mình thấy rất rõ mục đích của một cây nhang là hiến tặng mùi hương trầm tinh khiết mầu nhiệm cho khung cảnh chung quanh. Mà cây nhang đó khi được đốt, là nó đã có thể hiến tặng mùi hương rồi, chứ không phải đợi tới khi cháy gần tới chân thì nó mới hiến tặng mùi hương tinh khiết.
Đời sống của một người tu cũng phải vậy. Ngay sau khi xuất gia, ngay sau khi chúng ta được thầy trao truyền cho pháp môn tu học, thì ta phải có hạnh phúc liền lập tức. Nụ cười và sự an lạc phải có liền lập tức. Cây hương cũng thực tập như vậy. Giây phút nó được châm lên là nó bắt đầu hiến tặng cho đời mùi thơm của nó. Nó biết rằng nó không cần chờ đợi tương lai. Ngay trong hiện tại nó đã bắt đầu hiến tặng hạnh phúc, và đang làm cho khung cảnh chung quanh nó tinh khiết, thơm tho lập tức. Một cây nến cũng vậy. Giờ phút mà cây nến được thắp lên là nó bắt đầu tỏ sáng. Nó tỏa chiếu ánh sáng trên chính bản thân nó, và nó chiếu ánh sánh chung quanh. Đời của một người tu là như vậy, và cái hạnh phúc đó phải có ngay từ lúc ban đầu.
Vậy thì nếu là người tu mà mình nghĩ rằng ngày hôm nay mình phải lao động mệt nhọc, phải cố gắng một cách cực khổ để ngày mai có một sự giác ngộ, có một sự giải thoát, có một sự an lạc, có một sự hạnh phúc thì đó không phải là sự thực tập mà các vị tổ đã trao truyền.
Cái mà các tổ sư đã trao truyền là cái thực tập Hiện Pháp Lạc Trú, tức là phải có an lạc hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Tại vì khi cây nhang đã được đốt hết rồi thì còn gì nữa đâu. Nếu nó có chất liệu thiền thì nó có thể tiếp tục được. Nếu chúng ta nối tiếp một cây nhang khác thì nó tiếp tục. Nhưng nếu không có chất liệu thiền thì nó chấm dứt ở đó. Nó phải đợi những cái duyên, những điều kiện, mới tiếp tục được.
Trong khi ngồi thiền chúng ta tỏa chiếu được cái thảnh thơi, cái an lạc, cái hạnh phúc, và ta phải tỏa chiếu cho được như là một ngọn nến đang tỏa chiếu ánh sáng, như một cây nhang đang phân phát mùi hương tinh khiết của nó. Phải ngồi cho được như vậy, phải đi cho được như vậy, và phải có hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại.
Thử hỏi mình tu tập thiền tọa để làm gì? Mình tu tập thiền hành để làm gì? Mình tu tập ngồi ăn cơm im lặng, tu tập thiền trà để làm gì? Là để có an lạc, có hạnh phúc.
Trong đạo Phật chúng ta học rằng cứu cánh không phải là một cái gì tách rời ra khỏi phương tiện. Cứu cánh là phương tiện. Một cái chắp tay, trong đó mình thấy cứu cánh. Một cái lạy đó cũng là cứu cánh, ăn cơm cũng là cứu cánh, quét nhà cũng là cứu cánh. Cứu cánh tiếng Anh là the end, phương tiện, the mean. Mean và end là một, đó là sự thực tập của chúng ta.
Cho nên mục đích của sự tu học là gì? Mục đích của sự tu học chỉ là tu học, tại vì trong khi tu học thì ta có an lạc, có hạnh phúc. Chứ không phải ngày hôm nay cực khổ để ngày mai gặt hái kết quả của việc tu học. Không phải như vậy.
Chúng ta có một câu rất hay: Không có con đường nào đưa tới hạnh phúc cả, vì hạnh phúc chính là con đường. There is no way to happiness. Happiness is the way. Câu nói đó phản chiếu được nguyên tắc Đốn Ngộ, Sudden Enlightenment. Đốn ngộ có nghĩa là tỉnh giấc ngay bây giờ, không đợi đến mười năm sau mới tỉnh giấc. Trên căn bản đó chúng ta có thể nói rằng “Không có con đường nào đưa tới sự giác ngộ cả, sự giác ngộ chính là con đường”.
Mỗi giây phút chúng ta sống trong chánh niệm thì mỗi giây phút đã có sự giác ngộ, tại vì giác ngộ chứa trong lòng nó cái ánh sáng của chánh niệm. Ví dụ chúng ta cắm hoa, và cắm hoa có chánh niệm thì chúng ta đang thực tập chánh niệm. Cắm hoa mà không biết mình đang cắm hoa, cắm hoa mà bị trôi lăn trong sự lo âu, sợ hãi và ham muốn thì đó không phải là cắm hoa trong đạo tỉnh thức.
Cho nên “khi khát thì uống, khi đói thì ăn, khi mệt thì ngủ” là hành động của người chứng đạo. Mỗi hành động như vậy, mỗi cử chỉ như vậy nó bao gồm cái giác ngộ, cái giải thoát, cái an lạc, cái hạnh phúc ở trong đó.
Thường thường chúng ta nghĩ đạo là con đường, và con đường phải dẫn tới một nơi đến, một địa chỉ. Nhưng trong truyền thống chúng ta chỉ nói đạo tức là nơi đến, đắc đạo tức là nắm được con đường. Nắm được con đường tức là nắm được nơi đến hiện giờ.
Cho nên phân biệt rằng có một con đường mà chưa phải là nơi đến, và có một nơi đến nằm ở đầu con đường, thì đó là một chuyện sai. Thành ra trong giây phút ta nắm được con đường là ta nắm được nơi đến, và chúng ta đến từng giây từng phút. Đã về, đã tới. Cái mà ta muốn trở thành, ta đã là nó rồi. You are already what you want to become. Phải thấy cho được điều đó thì mới đi được vào trong tinh thần của thiền.
Còn nói rằng tôi phủ nhận tôi, tôi không muốn công nhận tôi, tôi muốn trở thành một người khác, một cái khác thì đó rất là sai lầm đối với con đường Hiện Pháp Lạc Trú, tại vì mình trong phút giây hiện tại đã là cái mầu nhiệm. Một cái hoa đào không nên nói rằng tôi không muốn là hoa đào nữa, tôi muốn là hoa bưởi hay hoa cam. Tại vì hoa đào nó cũng mầu nhiệm, hoa cam nó cũng mầu nhiệm. Giây phút mà mình muốn chối bỏ cái tự thân của mình là hoa đào để tìm cách trở thành hoa bưởi, giờ phút đó là giờ phút hoang phí.
Thành ra câu Cơ tắc xan hề khốn tắc miên không phải tầm thường. Đói thì ăn, mệt thì lên giường nghỉ. Có nhiều kẻ phàm phu họ vin vào câu này để họ làm biếng, nhưng thật ra đây là một thực tập rất sâu sắc của thiền môn.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Có nghĩa là trong nhà của mình đã sẵn có châu báu, chúng ta hãy “hưu tầm mích” nghĩa là chấm đứt chuyện đi tìm ở một địa phương khác, ở trong một thời gian khác. Chúng ta có châu báu ngay bây giờ, ngay tại đây, trong ta và chung quanh ta. Nếu có giác ngộ thì ta có thể thích nghi được, và chúng ta tự nhiên có dư những điều kiện để có hạnh phúc.
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền
Nếu đứng trước những gì đang xảy ra (đối cảnh) mà giữ được thái độ vô tâm, thì ta không cần phải đi tìm hỏi về thiền làm gì nữa.
Vô tâm là gì? Vô tâm nghĩa là đừng có những ý niệm phân biệt, chối bỏ, tìm tòi, trách móc.
Vô tâm là khi khát ta uống, khi đói ta ăn. Ta sống cuộc đời an lạc, hạnh phúc, ta nhận diện ra những điều kiện hạnh phúc có sẵn. Còn không vô tâm nghĩa là khi bất cứ một hiện tượng nào xảy ra thì ta kỳ thị, ta phân biệt, ta phê phán, ta nhàm chán, ta ước ao. Vô tâm cũng có nghĩa là không bị vướng mắc.
Nghĩa đầu của vô tâm là không tạo ra những ý niệm, để trên những ý niệm đó mình có sự xua đuổi hay tự ràng buộc, có sự ưa, có sự ghét. Mình hoàn toàn là một con người tự do, và mình chỉ có thể là một con người tự do khi mình áp dụng được nguyên tắc vô tâm đối với cảnh, tức là đối với những gì đang xảy ra. Nếu giữ được thái độ vô tâm thì hạnh phúc nằm ngay ở chỗ đó.
Vô tâm không có nghĩa là vô tri, vô giác. Để có được vô tâm chúng ta phải có sự tỉnh thức rất lớn để đừng bị cảnh vật như sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp nó công phá, nó vây bủa, nó áp dẫn ta đi.
Sở dĩ sự vật, sở dĩ cảnh trí có thể áp dẫn mình đi được là tại mình không có tự do, mình bị những ý niệm đó vây quanh. Nếu có chánh niệm thì chúng ta có nguồn sáng, cho nên chúng ta thấy được bản chất của những gì đang xảy ra. Những cái thương, cái ghét không thể áp đảo được ta. Khi mình thực tập được đối cảnh vô tâm tức là đem thái độ vô tâm mà đối phó với cái gì đang xảy ra trong giờ phút này, thì lúc đó mình đã là hiện thân của nếp sống thiền rất là linh động, mình không cần đi tìm hỏi thiền ở bất cứ một người nào khác nữa.
Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ