Diêu Thuấn – Lòng Hiếu Cảm Động

Lời Phi Lộ
Introduction
二 十 四 孝
Nhị Thập Tứ Hiếu
Hai Mươi Bốn Tấm Gương Hiếu Thảo
The Twenty-four Paragons of Filial Respect

Nhị Thập Tứ Hiếu là một tác phẩm văn học nổi tiếng từ xưa đến nay. Truyện viết về sự tích hai mươi bốn tấm gương hiếu thảo của các bậc hiếu tử. Trên từ vua chúa, dưới đến lê dân bá tánh, không ai là không noi theo lời dạy của Thánh nhân cổ đức, Bách Thiện Hiếu Vi Tiên, trong một trăm điều thiện thì hiếu thảo đứng đầu.

Kiệt tác này do học sĩ Quách Cư Kính đời nhà Nguyên soạn. Ông là một thi sĩ có tài và còn là người con hiếu thảo. Sau khi cha ông qua đời, vị hiếu tử này chọn lựa hai mươi bốn tấm gương hiếu hạnh, từ thời vua Thuấn đến đời ông và dùng thể thơ diễn kệ ngợi khen.

Hiếu hạnh xưa nay vẫn đứng đầu
Gương soi cảnh tỉnh mãi dài lâu
Sinh thành dưỡng dục công non thái
Nghĩa cử đáp đền tợ bể sâu
Đạo đức suy đồi gây bất ổn
Luân thường loạn tưởng tạo thương đau
Thành tâm hướng thiện cầu an lạc
Khổ nạn tiêu tan rõ nhiệm mầu

Nhi tử Xuân Duật soạn dịch
Nghiêm phụ Xuân Thiều đề thơ
Từ mẫu Kiều Phượng khích lệ
Hiền thê Ngọc Trân nhuận sắc

Lòng Hiếu Cảm Động Trời
Filial Conduct That Impressed the Heaven
孝 感 動 天
Hiếu Cảm Động Thiên
Lòng Hiếu Cảm Động Trời
Filial Conduct That Impressed the Heaven

Diêu Thuấn hàn vi trải khổ đau
Tuổi xanh mất mẹ lắm cơ cầu
Con chồng dì ghẻ em gian ác
Cổ Tẩu nguồn cơn lửa đổ dầu
Hiếu thảo từ tâm trời cảm động
Chim voi dốc sức tạo công hầu
Vua Nghiêu lập đức truyền ngôi báu
Đất nước thanh bình vạn đại sau

Vào thời thượng cổ lâu xa về trước, có một hiếu tử tên là Diêu Thuấn. Thuấn có một người cha rất mù quáng, người đời gọi ông là Cổ Tẩu, tức ông già mù, ý nói rằng ông có mắt mà như không tròng, không phân biệt được thiện ác, đúng sai. Khi mẹ Thuấn qua đời lúc Thuấn còn rất nhỏ, cha ông lại tục huyền với người đàn bà khác. Người vợ kế sinh ra một người em tên gọi là Tượng. Người em khác mẹ này hết sức ngỗ nghịch, luôn cùng với mẹ nghĩ cách làm hại ông. Tuy vậy, Thuấn vẫn hết mực làm tròn chữ hiếu, săn sóc và lo lắng cho em. Hàng xóm láng giềng gần xa, đều tấm tắc khen Thuấn là một đứa con hiếu thảo. Đương thời bấy giờ, có vị hoàng đế là vua Nghiêu, vì muốn tìm người hiền đức để nhường vị nên mới triệu hỏi các đại thần:

“Trẫm nay muốn tìm một người hiền đức và truyền ngôi cho người đó, như thế đất nước sẽ luôn được thái bình, dân chúng an cư lạc nghiệp, chúng ái khanh có ý kiến gì không?”

Lúc đó có một vị đại thần tâu rằng:

“Tâu Bệ hạ! Nhân gian có một người, tiếng thơm hiếu thảo, danh vang khắp nơi, tên gọi là Thuấn, mới có thể xứng đáng với trọng trách này.”

Vua Nghiêu nghe xong liền hạ chiếu chỉ:

“Các ái khanh hãy tra rõ việc này, nếu thật đúng như vậy, hãy mau mau truyền người đó nhập cung cho ta.”

Thuấn phụng chỉ thượng triều. Qua lời ăn tiếng nói, nhất cử nhất động của Thuấn đều làm cho vua Nghiêu hết mực hài lòng. Sau đó, vua Nghiêu còn gả cho hai cô công chúa, một người tên là Nga Hoàng, một người tên là Nữ Anh, và ban cho rất nhiều lương thực đem về. Sau khi về đến nhà, hai vị công chúa thường ngày giặt quần áo, nấu cơm và cùng nhau hiếu thảo cha mẹ. Nhưng Tượng, người em của Thuấn, thấy Thuấn cưới được hai vị công chúa sắc nước hương trời và có nhiều thức ăn mang về nên luôn nghĩ cách mưu hại. Một ngày nọ, trong khi Tượng đang ở trong phòng bàn bạc với cha mẹ, thì đúng lúc đó có một cô công chúa tình cờ nghe được và lập tức trở về nói với Thuấn. Thuấn nghe xong, cười và nói:

“Nàng không nên lo lắng, anh sau này sẽ cẩn thận là được.”

Quả nhiên có một ngày, cha Thuấn gọi vào và bảo:

“Thuấn à! Cha nay cũng đã lớn, già rồi không làm được việc gì nữa. Ở kho gạo nhà sau, mái nhà có lỗ hổng, con đi đến đó tu sửa lại đi.”

Thuấn một mình trèo lên nóc nhà và ở trên đó sửa sang mái tranh, mồ hôi chảy ra thấm cả đầu. Tượng bấy giờ len lén cầm lửa đốt kho, toan tính thiêu chết anh mình. Ngay lập tức, nhà kho bắt lửa, phừng phừng cháy dữ dội. Lúc bấy giờ, Thuấn đang chăm chú làm việc, bỗng nhiên phát hiện và xoay đầu nhìn lại. Sau đó, Thuấn lượm hai chiếc nón rồi từ trên cao bay hạ xuống nên chẳng bị tổn thương và cũng không bị thiêu chết. Tượng thấy thế cau mày không vui nhưng vẫn không từ bỏ ý định. Sau đó lại cùng với cha nghĩ kế để làm Thuấn rớt xuống giếng rồi lấy đá bịt lại. Thế là sai Thuấn đi đào giếng. Thuấn mỗi ngày mỗi đào, đào từ sáng đến tối, rồi lại từ tối đến sáng. Khi Tượng nhìn thấy giếng càng ngày càng sâu, lòng độc ác đã hiện rõ trên khuôn mặt nham hiểm, ngay lập tức cùng cha lấy đất đá lấp giếng, chôn sống Thuấn. Nhưng đâu có ngờ, ở dưới đáy giếng có một địa đạo nhỏ để tới một cái động. Thế nên, Thuấn từ nơi đó bò lên trở về nhà bình an. Tấm lòng hiếu thảo của Thuấn đã cảm động đến trời cao, nên đàn voi đến và muôn chim đáp xuống để giúp Thuấn làm ruộng; voi lớn cày đất, chim con nhặt cỏ, ai ai cũng hăng hái làm việc. Và cuối cùng mùa thu hoạch đã đến, đàn voi đẩy xe, muôn chim ca hát, mừng ngày gặt hái, rộn ràng náo nhiệt. Câu chuyện của Thuấn dần dần được muôn người truyền tụng, vua Nghiêu nghe được lòng rất vui mừng. Về sau, Vua Nghiêu đã nhường vị và truyền ngôi cho Thuấn. Vua Thuấn trong suốt thời gian trị vì, chỉ ngồi khảy đàn, hát khúc Nam Phong mà thiên hạ thái bình thịnh vượng, nhà nhà an cư lạc nghiệp, tứ hải âu ca.

隊 隊 耕 田 象
紛 紛 耘 草 禽
嗣 堯 登 帝 位
孝 感 動 天 心

Đội đội canh điền tượng
Phân phân vân thảo cầm
Tự Nghiêu đăng đế vị
Hiếu cảm động thiên tâm

Đàn đàn voi cày ruộng
Bầy bầy chim nhặt cỏ
Kế vua Nghiêu lên ngôi
Lòng hiếu cảm động trời.

ST Liên Anh – Obhāsā ( Theo hocdetu.wordpress.com )

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.