Những Chuyến Đi Tâm Linh Đầy Ý Nghĩa

Hành hương là chuyện đi tâm linh mang đầy ý nghĩa. Hành hương đã trở thành một nét văn hoá tốt đẹp trong lòng người Phật tử dù ở Việt Nam hay ở xứ người. Mỗi độ xuân về các chùa thường tổ chức hành hương Thập tự.

Trong bài này tôi không bàn về chuyến hành hương thập tự mỗi năm, mà xin bàn những chuyến đi tâm linh mang đầy ý nghĩa: Qua cách hoằng hoá đạo Phật trong thực tế; Qua sự kết họp các tông phái, các chùa chiềng. Đối với tôi nó là những bài học tâm linh đầy ý nghĩa. Nó thể hiện được tinh thần cao cả của lý Bát Nhã. Nó không hạn hẹp trong những câu kinh tiếng kệ, lại được thể hiện qua hành động, cách phục vụ chúng sanh một cách thực tế do thầy trụ trì hay giáo hội tổ chức trong năm mà tôi được tham dự.

Chuyến đi từ Melbourne lên Sydney nhằm vào mùa An cư Kiết hạ. Đây là một chuyến hành hương đặc biệt gồm toàn chư vị Tăng Ni từ nhiều chùa lên nhận giới rồi về do giáo hội tổ chức. Sư cô Phước Đức thông tin tức rồi hương dẫn tôi đăng ký.

Thoạt đầu thầy Trụ Trì định dùng xe bus của chùa đưa chư vị lên nhận giới rồi tự động về một mình . Sau vì thấy số lượng quá ít thầy đổi chiến lược đi bằng xe lửa liên bang. Lúc đi thì chung chuyến khi về thì mạnh ai nấy về. Chuyến đi khá thú vị vì toàn là thầy cô từ chùa Hoa Nghiêm , Quang Minh. Liên trì, Na Lan Đà và Từ Nghiêm. Riêng cư sĩ thì chỉ có Hòa và tôi thôi.

Chúng tôi được săn sóc rất kỷ. Mười bốn người thì hết gần 10 người đem bánh trái theo ăn tối . Thầy trụ trì mời chúng tôi những quả hồng chín mọng, đẹp như da của những nàng tiên trong truyện cổ tích. Đưa răng cắn vào, dòng mật ngọt chảy tràn trong miệng tưởng chừng như ta ăn được quả đào tiên của Tây Vương Mẩu mà Tôn Ngộ Không vừa trộm được qua truyện của Ngô Thừa Ân. Thầy còn nói chưa chắc lấy vé tàu thượng hạng mà ăn được những quả hồng này.

Thầy Phước Nghĩa đem bánh Croisant mời chúng tôi. Sư cô Phước Chân đem mỗi người một quả chuối, Sư cô chùa Từ Nghiêm với tài khéo léo đã làm sẳn những ổ bánh mì kèm thức ăn chay ngon lành . Sư cô Phước Sinh đem theo một số ổi sẻ giống Việt Nam trồng ở Úc. Tôi cũng có phần hùn để mong cúng dường cho chư vị một loại nho ngọt không hột . Tóm lại thì người nào cũng nghĩ chắc mình phải đem món gì đễ chia xẻ cùng mọi người.

Tám giờ tàu lăn bánh nhưng không một ai vẫy tay chào giả biệt tôi có hơi buồn và nhớ bài Chuyến Tàu Đêm: “ Tàu xa dần rồi thôi tiếc thương chi khi biết người ra đi vì đời….” Rõ ràng là mỗi người trong chúng tôi đều mang một sứ mạng thiêng lêng . Đối với tác giả của bài nhạc thì là người ra đi mang sứ mệnh chiến đấu cho đất nước dân tộc. Ở đây quý thầy cô cũng mang sứ mệnh nhận giới rồi tự mình thúc liễm thân tâm, chiến đấu với chính bản thân mình để làm tấm gương sáng cho chúng tôi noi theo. Đó cũng là một cách giáo hoá chúng tôi . Còn tôi, tôi mang sứ mạng gì nhỉ ? Ủng hộ chư Tăng Ni làm tròn sứ mạng và cũng tự mình chiến đấu với ngoại cảnh để vượt qua những thăng trầm của cuộc đời. Vậy thì tuỳ theo ta mà mỗi pháp sẽ được chuyễn đạt theo hướng tục đế hay chân đế đều được cả.

Chúng tôi vừa ăn vừa nói chuyện râm rang, rồi lần lượt mỗi người ngả gục trên bãi chiến trường của sự mệt mõi. Tôi thiếp đi trong chuyến tàu đêm, khi giật mình tỉnh giấc thì trời gần sáng mà không mang giấc mộng hoàng lương như anh chàng thi rớt nằm chờ nồi kê chín. Trong truyện cho thấy chàng mơ cả cuộc đời mình thăng trầm trong giấc ngủ.
Trong kinh Kim Cang Đức Phật dạy rằng:

Tất cả các pháp hữu vi,
Như mộng, huyễn, bọt, ảnh,
Như sương, cũng như chớp,
Nên quán xét như vậy.” (1)

Xin hỏi thực rằng có mấy ai đã dùng bốn câu kệ trên để quán chiếu những cuộc thăng trầm trong đời mình chưa nhỉ ?

Sáng hôm sau mọi người thức dậy thì đã gần 6:00 sáng . Chúng tôi không ăn sáng chuẩn bị xuống ga Campbelltown rồi chuyễn tàu về City để đến ga Cabramatta. Hòa láo táo xách nhầm túi xách của một hành khách nào đó. Nhưng rồi cũng giao cho trưởng ga để hoàn lại cho vị khách kém may mắn. Rõ ràng khi mất chánh niệm , mình sẽ gây thiệt hại cho mình và cho người . Chúng tôi được chùa Phước Huệ đón tiếp nồng hậu bằng bốn chuyến xe con. Chuyến đi có ngắn mà cũng có dài. Ngắn là chúng tôi trao đổi dâm ba câu chuyện rồi ngủ gà ngũ gật trên con tàu lắc lư. Dài vì mọi người ngủ được giấc ngũ dài trên chuyến tàu đêm, khi giựt mình tỉnh dậy thì trời đã sáng.

Chuyến thứ nhì là đi Adelaide. Tôi không hay nên không có mặt .

Chuyến đi Bendigo tháng Chín vừa qua. Có thể người nào đó đã biết và đã chuẩn bị trước. Nhưng riêng tôi là chuyến đi bất ngờ vì Andrew Williams, là chổ quen biết với Thầy và là bạn tôi, được thầy nhã ý mời lên Bendigo. Vì là ngày Thứ Bảy, ông phải dạy Pháp cho các chùa nên nhường ghế này cho tôi.

Khi đến chùa tôi mới rõ ra, tối hôm qua Huệ Tịnh đã gọi điện hồi hết một số người không đạt tiêu chuẩn, nên hai xe chỉ còn lại một (2). Xe chuyễn bánh lúc 9:00 sáng .Trên xe có cũng phải bốn năm cặp vợ chồng đi cùng, đôi khi còn đem cả mẹ già, con dại nữa chứ. Tôi thầm phục những người phụ nữ đã khắc phục được các đấng phu quân để giang tay phụ giúp trong chuyến hành hương này. Tự nhiên tôi nhớ câu ca dao, nếu dùng Pháp thế gian mà nói thì cũng đúng trong trường họp này:

Đi đâu cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam.

Nhưng đúng là đi với thầy chỉ có no mà không có đói. Ngồi đối diện với tôi là anh Chân Tuệ có đứa con gái chủ lò bánh bao gần chùa. Anh đem mấy vỉ bánh bao có nhân và không nhân khoản đải thầy trò chúng tôi. Vì ngồi gần nên tôi được hai phần bánh , rồi nào quít , chuối, bánh ngọt. Tôi chọn ghế ngồi gần sau cùng thức ăn đem tới tắp, ăn mệt nghỉ. Nước uống lu bù. Nhưng phải nói là phần thiệt thòi là thầy giảng khúc đầu chúng tôi nghe không rõ. Nhưng đoạn sau thì nghe trọn hết .

Thầy kể sơ về 16 vị A La Hán mà không nói tên rồi chi tiết cuộc hành trình của Thầy Thubten Gatso cùng Thầy về Việt Nam trong cuộc tìm kiếm vị điêu khắc gia thiện nghệ để tạc tượng Bổn Sư và 18 vị A La Hán cho có hồn. Cuối cùng hai thầy đều toại nguyện, nghệ nhân này lại là chổ quen biết với thầy Phước Tấn. Thế nên việc tạc tượng và điêu khắc rất thành công, được như ước nguyện của hai thầy. Đá hoa dùng để tạc tượng được lấy từ Nghệ An nên có màu ngà ngà và ẩn một chút ám khói nên trông có vẻ sống thực hơn là loại trắng như bông bưởi lấy từ Đà Nẳng. Thầy nói lối điêu khắc mang tính sống động qua cách ngồi, khuôn mặt và cặp mắt …v.v.v Thầy cũng cho biết theo Tây Tạng thì gồm 16 vị A La Hán . Theo Trung quốc thì gồm 18 vị, theo thầy hai vị cuối cùng chính là hai vị là Hộ Pháp của Đức Phật. Theo truyền thuyết Trung Quốc 18 vi A La Hán chính là 18 tướng cướp . Chính ra tôi có đọc chuyện này. Vậy thì ngày hôm nay chúng tôi lại biết thêm một truyền thuyết 18 vi A La Hán có nguồn từ Tây Tạng.

Theo thầy, ông Ian là chủ nhân của The Great Stupa là người may mắn được thừa hưởng ngôi đất chùa cũng như phần tâm linh mà cha ông để lại . Chính cha ông Ian là người khởi đầu công trình xây dựng này.

Mười mấy năm trước đây , chùa Quang Minh đã hỷ cúng tượng Quán Âm.hiện giờ được đặt trước cửa chính của văn phòng, mà chính tôi đã có mặt trong giờ phút đó và cũng đã viết bài về chuyến đi Bendigo lúc đó.

11:20 sáng đoàn đến The Great Stupa. Trên đó đã có sẳn những chiếc xe nhà đến trước rồi. Ông Ian Green cùng phu nhân ra tiếp rước. Chúng tôi được mời vào văn phòng , những chiếc ghế đã được đặt sẳn .Ông Ian Green chào mừng rồi hướng dẫn cho biết bản đồ thiết lập chùa với những phương tiện dự trù cho kế hoạch 10 năm , hai chục năm sau của ông. Thầy giao tiền cúng dường hơn 9,000 đô cho ông Ian. Một số bạn đạo cũng muốn chứng tỏ mình cũng là những đại thí chủ sẳn lòng nhưng thầy yêu cầu để cuối giờ gom lại rồi đưa chung.

Chúng tôi chụp vài tấm hình lưu niệm với ông bà Green tại nơi mà trong tương lai tượng Quán Âm cao 7 mét sẽ được an vị, rồi đến thẳng Bảo Tháp. Tôi có nhiều kỷ niệm với nơi này vì tôi được Ian mời làm một số việc trước đó. Chúng tôi chụp thêm một số hình nơi Bảo Tháp rồi đến trung tâm Atisha là trú xứ của thầy Thubten Gatso. Trên đường đi có quen thuộc với khung cảnh của mấy năm trước đây , nhưng con đường đã được lát gạch có bằng phẳng hơn, hai bên đường với nụ lan màu tim tím chào đón đoàn người chúng tôi. Tôi cũng đã đến và được hầu chuyện riêng cùng thầy vài năm trước đây khi ngôi chùa còn chưa cháy. Đôi hhi đến chúng tôi thấy thầy bào một khúc gỗ hay đang lấp một miếng gạch dưới nền, có người cho biết tự thầy xây dựng ngôi chùa với vài thiện nguyện viên có mặt . Chúng tôi còn được thầy Phước Tấn cho biết tuy là một vị Bác sĩ nhưng thầy rất khiêm cung và là một người học trò gương mẩu luôn nghe lời vị Thầy của mình là Ngài Lạt Ma Zopa.( Nói mà xấu hổ, tánh tôi ương ngạnh hay cải lời thầy ) Tôi cũng có nhân duyên lớn là được làm chút việc cho Ngài Lạt Ma Zopa trong hai năm trước đây. Hôm nay tôi thấy có nhiều thay đổi lớn . Khoảng sân giữa ngôi chùa và chổ mà thầy Gatso ngụ là nơi toạ lạc của Đức Bổn Sư cùng 18 vị A La Hán .

Ban nhà trù chùa Quang Minh cùng phụ với ban nhà trù tại đây do cô Nho và nhóm thân hữu đảm trách việc cúng dường chư vị Tăng Ni. Chúng tôi được ban nhà trù của chùa The Great Stupa khoản đải một bửa trưa , Cô Nho làm việc tại chùa Linh Sơn luôn đảm trách việc nấu nướng tại đây. Ban nhà bếp nầy làm các món ăn rất ngon và luôn đổi món . Mọi người đều thích những món ăn của cô. Nho tìm cho tôi một bệ gạch rồi bảo tôi ngồi xuống ăn. Quái ác thay ! bàn chân nhỏ bé của tôi không ưa những cành khô gầy dưới mặt đất, tôi trật chân và té một cái cành . Mười mấy năm trước đây khi trồng cây cho chùa Quang Minh tôi cũng té như vậy, rồi nằm đo đất chùa mà không sao. Tôi chợt nhớ hai câu thơ chủa cố Hòa Thượng Thích Mãn Gíac :

Trăm năm nhìn xuống đời hư ảo
Phút chốc nhìn lên ngộ lẽ trời (3)

Chắc là tôi chưa ngộ lẽ trời nên Nho kéo tôi dậy rồi dùng phép chữa chân của thầy Võ Hoàng Yên mà sữa cho tôi . Vậy là tôi bị bong gân. Quán chiếu những việc xẫy ra trong phút chốc của ngày hôm nay, tôi thấy đúng; đời là vô thường, mọi việc là hư ảo, thân đúng là vô ngã rồi vì nếu đúng là cái ta, tại sao tôi không giữ cho nó đừng té nhỉ ? Té làm gì cho trật chân mà khổ như vầy, lại phải đi cà nhắc nữa. Ây da ! khổ , khổ, khổ….Tôi nhớ Thầy Phước Tấn dạy mỗi ngày ngồi lại, quán tưởng xem ngày hôm đó mình đã làm những vịêc gì và rồi dùng ngay tam pháp ấn để giải thích và củng cố nó theo luật nhân quả và lý duyên sinh mà đừng trách trời đất gì cả. Bài này thầy viết bằng tiếng Anh dành cho chúng tôi trong kỳ Đại lễ VESAK 2016 vừa qua, nhưng chúng tôi không có duyên phước để nghe, vì thầy phải về Việt Nam lo hậu sự cho mẩu thân . Riêng tôi may mắn là người dịch thuật nên biết được, hôm nay xin dùng thí dụ cá nhân để thực hành bài pháp của thầy và chia sẻ cùng tất cả quý vị. Vào ngày 09/10/16 thầy cho một bài Pháp thật là ý nghĩa; tôi nghĩ mình có thể củng cố thêm kiến thức về bài viết vừa qua của thầy. Bài Pháp nói về Abbhutadhamma. Để làm sáng tỏ vấn đề hơn thầy cho hai thí dụ: một về quyễn sách Ego is my enemy của Rayan Holiday tạm dịch là “Bản ngã chính là kẻ thù của ta”; thứ hai là điều răn thứ nhứt trong 14 lời răn của Đức Phật(?): “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”. Tự thân quán chiếu về những cảm thọ của mình: khởi lên, trụ, hoại rồi diệt là cách phản tỉnh tinh thần vô ngã. Muốn đạt đến sự vi diệu tinh tế của của nó để đi đến chánh niệm tỉnh giác mà Đức thế tôn hằng nhắc đến, việc này chắc là cũng phải dày công tu tập. Thầy cho biết sự hành trì Pháp này không khó nhưng đòi hỏi sức kiên trì bền bỉ thực hành đức kiên nhẫn ba la mật và phải có tâm xả ly và tâm không phóng dật mà thầy cũng là người đang bỏ công để thực hành nó. “ Văn Tư Tu” là điều thầy muốn gữi đến chúng tôi .

Sau buổi ăn trưa rất thân tình là lễ an vị tượng Đức Bổn Sư và 18 vị A La Hán theo nghi thức Tây Tạng. Đức bổn sư với dáng ngồi trang nghiêm và đôi mắt hiền từ, trong tư thế thiền định tay bắt ấn kiết tường. Các vị A La Hán mỗi người với một tư thế khác nhau, tay có khi cầm pháp khí có khi đang bắt ấn, trong uy nghi và đáng nễ phục. Đúng như thầy Phước Tấn gỉai thích khi còn ở trên xe. 18 vị với 18 tư thế khác nhau trông rất linh hoạt . Nhưng hình như các vị đều hướng về đấng thế tôn để chờ lệnh. Hương trầm ghi ngút lan tỏa khắp cả vùng thiêng liêng . Tiếng chuông khánh vang vang mang âm điệu huyền bí, mọi người ai cũng hướng về các đấng từ bi và trang nghiêm theo dõi lễ dâng hương và khấn nguyện của các vị thầy với niềm thành kính vô biên. Đây là buổi lễ chánh khiến đoàn chúng tôi có mặt ngày hôm nay.

Khoảng 2:00 chiều chúng tôi tập trung tại chánh điện chùa . Vì đi cà nhắc, nên tôi được ngồi ghế thượng hạng. Nơi đây cũng có nhiều thay đổi, dường như khoảng này thiết kế có rộng hơn lúc trước. Chính giữa là Tượng Đức Thế Tôn bên mặt là tượng Chuẩn Đề ngàn mắt, ngàn tay được sơn trắng vì bị ám khói sau cơn hỏa hoạn. Hai bên là những bảng in kinh bằng gỗ, dường như được làm sau này. Chúng tôi được vị Pháp sư người Tây Tạng cho bài Pháp, vị thầy người Úc thông dịch qua tiếng Anh , rồi một người dịch qua tiếng Việt. Nếu biết tên cả ba thì tôi sẽ đề ra còn có người biết và người không, nên xin phép không đề tên ai cả. Tôi thấy thầy trụ Trì Phước Tấn lo rất chu đáo . Tuy là bài pháp nầy có phần chi tiết hơn bài giảng của thầy nhiều nhưng ít ra có những đọan chúng tôi nghe được bốn lần qua thầy, qua vị Pháp sư, qua vị thầy Úc và qua người thông dịch Việt. Tiếng Tây Tạng thì kể như bù trất. Tiếng Anh chúng tôi cũng có người nghe được nhưng đôi khi cũng phải rớt lên rớt xuống từ 20-30 % có lúc cũng phải đến 50%, rồi cũng có người nghe không thông được tiếng nào. Tiếng Việt thi là không chê rồi.

Dưới mắt của người Tây Tạng 18 vị A La Hán sang được nước Trung Hoa là do vì :

Một thủơ xưa, tại nước Trung Hoa có vị Đại Đế mắc chứng bệng trầm kha khó trị. Các lương y đều bó tay, trong triều có vị cận thần là Hvashang? (Thật ra tôi không biết phải là tên này không, âm trài trại như vậy ) bày kế là xin vua hướng về phía nước Ấn độ lập đàn khấn mà mời các vị A La Hán đến chửa trị. Với lòng thành cầu khẩn của nhà vua 16 vị A La Hán đến, dùng thần thông mà chữa trị. Sau một thời gian, vua hết bệnh các vị A La Hán từ giả và trở về Ấn độ và để lại kinh điển Phật giáo Đại Thừa cho nước Trung Hoa. Sau đó, nhà vua mắc lại chứng bệnh đó lần thứ hai, lần này thi đích thân Hvashang sang Ấn Độ cầu khẩn, 16 vị A La Hán trở lại nước Trung Hoa và trị bệnh cho vị Đại Đế. Nhà vua khỏi bệnh và mời 16 vị A La Hán ở lại nhưng các ngài không chịu, vua xin được tạc những bức tượng của các ngài thì được cho phép trước khi trở về Ấn Độ. Sau đó nhà vua sinh ra 16 vị Vương tử giống hệt 16 vị A La hán này và chính Hvashang là người đứng ra nhận trách nhiệm giáo hóa 16 vị Vương tử này.

Như mọi người đều biết các vị A la Hán khi nhập vô dư Niết Bàn đều thốt ra câu này: “Phạm hạnh nay đã thành, đời này là đời chót, không trở lại chốn ta bà nữa.” Để hóa giải thắc mắc của chúng ta về việc hóa thân của 16 vị A La Hán sang đất nước Trung Hoa thì Pháp sư có diễn dẫn câu chuyện về Ngài Pindola và giải thích việc chuyễn hóa thân Ngài ở cõi ta Bà.

Như ta được biết Đức Phật không cho phép các đệ tử của Ngài thi triễn phép thần thông trước mặt mọi người . Một câu chuyện rất phổ thông mà mọi người đều biết là: “ Ðức Phật và các môn đệ an cư kiết hạ trong làng nọ, theo lời cung thỉnh của một người Bà La Môn. Nhưng vị nầy hoàn toàn lãng quên bổn phận là phải chăm lo các Ngài. Suốt trọn thời gian ba tháng Hạ, Ðức Phật và chư Tăng bình thản dùng những thức ăn của ngựa mà một người lái ngựa đã dâng đến, mặc dầu Ðức Mục Kiền Liên tình nguyện dùng thần thông đi tìm vật thực khác. Ðức Phật không cho phép và cũng không một lời than van hay phản đối.”(4)

Pindola là một trong những vị đệ tử có thần thông của Đức Thế Tôn, một ngày nọ khi ngài ngang qua một làng kia, người trong làng có bát trầm hương quý, để lên trụ cột thật cao và thách rằng nếu ai nhẩy một bước lên lấy được bát trầm hương nầy thì nó sẽ thuộc về người ấy. Mọi người ai cũng cố nhẩy lên cột trụ mà không ai lấy được cả. Ngài Pindola bèn thi triễn phép thần thông và lấy được bát trầm hương. Phật biết được bèn quở phạt. Tôi không ngần ngại dùng chữ quở phạt vì từ này mang tính từ bi của Đức Phật. Đức Thế Tôn phạt Pindola bằng cách bắt từ nay phải hóa thân xuống trần gian để cứu độ chúng sanh.

Như vậy từ câu chuyện này giải mã cho ta được hai nghi vấn là:

1. Lý do nào khiến các vị A La Hán lại có thể hoán chuyễn thành những vị bồ tát với tuổi thọ dài lâu để hóa độ chúng sanh ở cõi ta bà?

2. Bằng cách nào các ý tưởng về Phật giáo Đại thừa cùng các kinh điển đã được đưa đến Trung Hoa ? Nói cho cùng, đây cũng là truyền thuyết mà thôi. Muốn rõ hơn ta có thể xét lại lịch sử Phật giáo Trung Hoa rồi mới dám đưa ra kết luận.
Nếu các vị A La Hán được Đức Thế Tôn cho phép chuyễn hoá thân mình và ở lại cõi ta bà thì rõ ràng câu thơ mà tôi thích nhứt của ngài Vỉnh Gia Huyền Giác trong bài Chứng Đạo Ca đã chứng minh được điều này một cách rất là thú vị:

Ngủ ấm phù vân vô khứ lai
Việt dịch:
Năm ấm ảo hư: mây lại qua,(5)

Nó cho thấy sự luân lưu trôi nổi của thân ngủ ấm rất là sống thực và là nguồn tạo ra vòng sinh tử luân hồi của chúng ta. Theo đấy, nếu ta dùng Duy Thức Học để trình bày là hình hài này có tan hoại nhưng ngủ ấm được chứa trong tàng thức vẫn nổi trôi trong vũ trụ, theo dòng thời gian chỉ chờ đủ duyên sẽ kết họp; lại càng thích họp với câu chuyện của vị Pháp sư kể về việc hóa thân của ngài Pindola. Chuyễn ý theo Đại thừa thì rõ ràng ngủ ấm là thường còn đó chứ nhỉ ! Nói nhiều quá ̣đâm ra lạc đề mất.

Trong đoàn của chúng tôi có anh sinh viên trẻ tên Mark khoảng 25-26 tuổi thôi . Mark đang trình luận án tiến sĩ mà đề tài anh ta chọn là: 16 vị A La Hán theo truyền thuyết Tây Tạng . Trên xe, chúng tôi chưa từng được nghe anh giảng. Tài liệu anh gồm những hình ảnh dùng Powerpoint để trinh bày. Nhờ Mark mà tôi mới biết được tên chính xác của Pindola. Theo nghiên cứu của anh thì đúng là 16 vị A La Hán và hai vị Hộ Pháp không hẳn đều nằm hết trong 10 đại đệ tử cũa Đức Phật , theo tài liệu mà anh trình bày tôi thấy chỉ có một tên quen thuộc là ngài Ngài La Hầu La là 1 trong 10 đại đệ tử mà thôi. Nhưng Pindola lại là nhân vật chánh và được diễn tả là một vị Đại tăng có tiếng nói như tiếng rống của Sư Tử tức là tiếng nói ông vang động bốn phương và có thần thông. Anh cũng nói theo truyền thuyết thì Ngài Pindola và Ngài Ma Ha Ca Diếp không lên niết bàn mà ở trần gian để tế độ chúng sanh. Anh còn nói hai vị đại đệ tử lớn là Xá Lợi Phật và Mục Kiền Liên không có tên trong 16 vị A La Hán cùng hai vị Hộ Pháp này.

Khi trình bày hình ảnh, Mark cho biết vào khoảng năm 889 (? Nếu tôi nhớ không lầm, Mark có ghi lên bảng ), có một vị Tăng là Guan Xiu mong vẻ được hình tượng của các vị A La Hán, nhưng mỗi lần vẻ xong bức hình nào thì không vừa ý nên lại xóa đi . Ngài Guan Xiu bèn khấn nguyện và trong mỗi giấc mơ ngài thấy hình một vị A La Hán. Lúc tỉnh dậy ngài vẻ lại y bức hình đó và những hình ảnh này được Mark chiếu lên cho chúng tôi xem. Mark cho biết hình tướng bên ngoài không nói lên được tâm từ bi và trong sáng của họ. Mà thật vậy, nhìn vị nào vị nấy trông rất dử tợn, có vị ngoắc mồm to ra trông đáng sợ, có vị trợn to mắt thật dử dằn. Mà phải công nhận là Mark nói đúng: 18 vị A La Hán đều có bộ lông mày với những sợi lông cuối cùng thật dài chứng tỏ sự trường thọ. Có vị cuối bộ lông mài dài chấm đất trông thật là buồn cười. Có những vị ốm trơ xương nhưng cũng có vị tròn mủm mỉm như thầy trụ trì của chúng tôi.

Kế tiếp là lời thầy Gatso kể lại cuộc hành trình về Việt nam và cuộc tìm kiếm nghệ nhân để tạc những bức tượng này . Theo sau là lời cám ơn của các gia đình đã cúng dường tịnh tài cho công cuộc tạc tượng. Nho và nhóm bạn của nàng cũng là những thí chủ rất có lòng đã đóng góp vào việc này ngoài việc làm trong ban nhà trù của The Great Stupa . Cũng có rất nhiều khuôn mặt quen thuộc của chùa Quang Minh đóng góp cho việc này. Tôi sợ kể tên mà sót người nào thì không công bằng nên thôi không nhắc đến.

Chiều về lên xe, chúng tôi được một lần ăn chiều với bánh mì do chị Tâm Sở làm tặng, phần bánh bao không nhân của anh Chân Tuệ, rồi sôi, rồi quít, rồi chuối

Mấy nàng tiên trên xe tiếp tế thức ăn mệt nghỉ. Thầy bắt đầu mở máy và cám ơn những người đã có công trong chuyến đi này. Thầy cho biết cúng dường tạc tượng các vị A La Hán là công đức vô lượng. Thầy bảo thầy phải nói để bác tài Lâm đừng ngủ, nhưng sau đó, tôi nghe mọi người nói thầy ngủ trước tài xế rồi.

Nhìn những người bạn trẻ phục vụ làm tôi cảm động có những người tôi quen mặt trong chùa. Có những người lần đầu tôi gặp mặt . Tôi trân quý nhưng tình cảm mà quý vị đã dành cho đoàn. Tôi không có gì để tặng, mà làm thơ thì dở ơi là dở, nhưng lại thích đọc thơ của người khác. Xin dùng bốn câu thơ cũng rất ư là quen thuộc của Hoà Thượng Thích Mãn Giác để tặng đoàn:

Trăm năm trước thì ta chưa gặp
Trăm năm sau biết có gặp lại không?
Cuộc đời sắc sắc không không,
Thôi thì ta hãy hết lòng với nhau. (3)

Chuyến đi kế tiếp nhằm trong trù tính của tôi là chuyến đi ngày 28/10/16 từ chùa Quang Minh đến Cairnlea. Nếu ai có ở Melbourne, ngoài mấy ngọn Bát phong hành hạ thân tâm ta, làm rúng động tâm tư ta, nên phải kể đến Cữu phong, là trận gió từ miền Bắc mang đến Melbourne những bụi phấn hoa làm cho anh hùng, tài tử, giai nhân… đều ngã rụi hết . Tôi không là anh hùng, không là tài tử, mà cũng chẳng phải giai nhân nhưng không nằm trong ngoại lệ; Được sự chiếu cố tận tình của nàng Cữu phong, nên ngày hôm đó nhẩy mũi đồm độp, hắc xì liên tục, mắt mũi tèm hem, như con gà mắc ướt, nằm mẹp ở nhà luôn. Nói theo Pháp thế gian, quả đúng là: “ Mưu sự tại nhân mà thành sự tại thiên ! ! !”. Quán chiếu theo lý Bát Nhã quả đúng là : “Tất cả các pháp hữu vi đều như mộng, huyễn….”

Một chuyến đi nữa tuy không xa mà cũng không gần đối với tôi. Đó là chuyến đi tham dự Lễ khánh thành Bảo Tháp tại chùa Hoa Nghiêm do giáo hội tổ chức vào ngày 30/10/16. Trong Kinh Pháp Hoa, Phẩm thứ 11: “ Hiện Bảo Tháp” theo lời nguyện của Phật Đa Bảo: Bảo Tháp và toàn thân Như Lai ứng hiện giữa hư không khi kinh Diệu Pháp Liên Hoa được đức Phật Thích Ca thuyết giảng. Với mục đích là để khai, thị, ngộ, nhập tri kiến Phật mang lợi lạc cho chúng sanh. Vậy thì khi xây dựng bảo tháp là quý thầy đã không ngoài mục đính này: đem Phật Pháp giáo hóa cho đại chúng. Đúng trong tinh thần Đại Thừa truyền bá đạo Phật, Thầy Thiện Tâm cũng có mở một trường tiểu học mà chương trình được hội nhập những truyền thống tốt đẹp của tư tưởng Phật giáo thông qua cơ sở căn bản của chương trình chính quy do Bộ Giáo Dục Victoria biên soạn. Mục đích yêu cầu của các giáo án dựa trên nền tản của của Tâm Bi, Trí, Dũng mà trường Tiểu học Daylesford Dharma School biên soạn và rất thành công trong nhiều năm qua. (6)

Tôi không biết Thầy Thiện Tâm có thích hay làm thơ không ? Nhưng mà chắc là thầy cũng thích đọc thơ. Nhà thơ Thiền mà thầy thích và được rất nhiều người yêu thơ mến mộ trong số đó có tôi, đó là cố Hoà Thượng Thích Mãn Giác. Thôi thì thầy trò tuy có ở xa và cũng rất ít khi được tiếp xúc, lại có cùng điểm giống : “ Thích thơ người khác làm …” Trong bài diễn văn của Thầy có trích đoạn cuối từ bài thơ Nhớ Chùa của cố Hòa Thượng, rất quen thuộc với mọi người :

“…Mái chùa che chở hồn dân tộc,
Nét đẹp muôn đời của tổ tông.”

Thầy nói rất nhiều nhưng tôi xin nhắc lại ý chính của thầy mà tôi rất tâm đắc: Bảo tháp là biểu tượng cho sự cao thượng của tâm linh, là một quốc gia, một xã hội thu hẹp. Vậy thì ý này không nằm ngoài ý của hai câu thơ trên. Nét đẹp văn hóa của dân tộc được thầy thể hiện bằng một nhà hàng chay, bán đầy đủ thức ăn chay cho khách thập phương; một gian hàng bán Phật cụ ở tầng dưới cùng; nằm kế bên là Trường tiểu học. Tầng 2 là Linh cốt Đường ; Tầng 7 là Thiên Phật Thành với tượng Đức Thế Tôn trong vị thế yên nghỉ trước khi nhập niết bàn. Thầy cho biết những thiết kế của các tầng 3,4,5 và 6 đang theo tàu vận chuyễn trên đường đến Úc.

Kế tiếp là bài đáp từ của Trưởng Lão Hoà Thượng Huyền Tôn. Bài Pháp của Hoà Thượng đã giải thích được cho tôi nghi vấn là : Tại sao các linh cốt lại được thờ trong những Đại Bảo Tháp thì tốt hơn là thờ phượng nơi khác ?

Theo lời Hoà Thượng trong Kinh Bảo Tháp Viên Mãn cho ta biết: Hài cốt chôn dưới đất thuộc âm thì không tốt bằng để thờ trong Bảo Tháp, vì tầng dưới là nơi chứa hài cốt, còn các tầng trên thờ chư Phật. Toàn thân chư Phật thường ứng hiện nơi đây cùng các Long thần Hộ pháp, theo đúng lời Kinh Pháp Hoa. Hoà Thượng cũng nói thêm rằng công đức thầy Thiện Tâm rất lớn vì khi vua Ba Tư Nặc đến gặp đức Thế Tôn để xin giải đáp về những giấc mơ và thấy mình gặp nạn lớn. Đức Thế Tôn khuyên nhà vua nên xây bảo tháp để hóa giải tai nạn này và tăng tuổi thọ.

Một vài quan khách tham dự cũng được mời lên phát biểu cảm tưởng. Tôi thiết nghĩ công đức thầy Thiện Tâm được Hoà Thượng tán thán như vậy cũng là quá đầy đủ.

Chương trình văn nghệ gồm các màn múa và hòa ca của hai trường Việt ngữ và trường Tiểu Học Hoa Nghiêm. Những bàn tay là những đoá hoa; Những lời ca tiếng hát của các em là dòng mật ngọt ngào chãy tràn lan dần dần vào rồi đẩy lùi phần tâm tư bất tịnh của những người kinh qua nhiều nổi truân chuyên hay bất hạnh của cuộc đời như chúng tôi. Ôi những bàn tay xinh xắn ! Ôi lời ca êm ái ! Ôi dòng mật ngọt ! Ôi những khuôn mặt trẻ thơ rạng rỡ ! đã mang đến cho chúng tôi sự bình yên và thư thái của một ngày Xuân nắng ấm tại chùa Hoa Nghiêm.

Sau phần lễ nghi cúng kiến là phần ẩm thực. Andrew là thượng khách của chùa mà tôi thì không, nên ông có nhã ý mời tôi vào bên trong gian hàng ẩm thực cùng ăn cho có bạn. Trong đây tôi gặp hai nhân viên đắc lực của chùa là Thảo Phạm và Nga Đàm lại là chổ quen biết từ lâu với tôi. Thảo cho biết nàng làm món bánh đúc và mời tôi ăn. Phần không gian thoáng rộng của nhà hàng và cách bày trí qua những bàn tay khéo léo của của các thiện nguyện viên mà trong đó có Thảo và Nga tạo nên cảm giác gần gũi và thân thương. Qua cách ẩm thực, tôi cảm được những lời tâm tình của thầy Thiện Tâm trong bài diễn văn khai mạc vừa qua: một văn hóa ẩm thực của ba miền hầu tiếp chư vị Tăng Ni và quan khách. Miền Bắc với bách đúc có lạc (đậu phọng), bánh cuốn có nhân, nộm rong biển, vài chén thạch; Miền Trung với bánh bèo, bánh nậm, bánh ít trần; Miền Nam với chả giò, bánh bao chỉ, bánh da lợn, bánh trôi nước. Để kết họp, ban nhà bếp còn cho món chips của Úc còn nóng hổi. Rồi món cơm xào ngủ sắc, mì Phúc Kiến xào rau cải cộng với món súp ngủ vị hạt sen cùng món sâm bổ lượng của Trung Hoa mà nay biến tấu trở thành món ăn thuần tuý Nam Bộ. Trái cây đủ loại, đủ màu trông rất đẹp mắt.

Buổi trưa đã tàn, bóng chiều lan dần, những chiếc Y vàng của chư vị Tăng Ni lần lượt rời khỏi chùa. Một ngày vui đã qua, đâu đây vài bóng chiếc Y vàng thấp thoáng trong sân chùa là chút dư âm còn sót lại trong ngày qua. Đoạn mở đầu trong bài đã dùng câu kệ trong kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật và trong suốt bài đã dùng mấy vầng thơ của Thi sĩ Huyền Không hay cố Hoà Thượng Thích Mãn Giác. Giờ đây xin khép lại cũng bằng vầng thơ thoát tục của cố Hoà Thượng với phần trích đoạn của thi phẩm Đạt Đạo trong thi tập Mây Trắng Thong Dong

Qua Thiền Môn: thấy trời xanh
Kim Cang Kinh tụng chân thành từng trang
Khói hương quyện, cảnh mơ màng
Không gian là chiếc y vàng quấn thân
Thiền Môn xưa sạch phong trần
Kim Cang Kinh khép trầm luân thoát rồi

Diệu Thông
______________________________________

Ghi chú

(1) Bài kệ có trong Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật ;

(2) Bài nầy viết theo yêu cầu của những người bạn đạo không được dự chuyến Bendigo này mà muốn biết rõ chi tiết;

(3) Trích đoạn trong một bài thơ mà tôi không biết tựa và có người cho là của cố Hòa Thượng Thích Mãn Giác;

(4) Trích câu chuyện trong quyễn sách Những Bước Thăng Trầm của Ngài Narada; (?) Thực tế thì Thầy Thích Nhật Từ có đưa ý kiến về việc này; Thầy cho rằng: không hẳn đây là 14 điều răn của Đức Phật? Tôi không dám bàn đến;

(5) Câu này được trích từ một trang mạng, mà ai dịch thì tôi không rõ ;

(6) Theo bài viết đăng trong báo điện tử Hương Đạo cũng như bài diễn văn hôm nay của Thầy Thiện Tâm.

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.