Một mùa xuân nữa lại đang về, báo hiệu Tết Nguyên đán đang đến gần, không khí xôn xao sắm Tết trong nước đồng nghĩa với những người con xa quê hương đang khắc khoải nhớ sắc mai vàng rực rỡ, hay những cành đào thắm đỏ và thèm cảm giác được cùng nhau quây quần bên nồi bánh chưng, bánh tét đỏ lửa…. Hình ảnh Tết quê hương bình dị đó luôn là nỗi nhớ cháy bỏng và da diết trong lòng những người con tha phương.
Với mỗi người Việt Nam, từ trong tâm thức, Tết cổ truyền luôn mang lại những dấu ấn đặc biệt kèm theo những kỷ niệm gắn liền từ thuở ấu thơ. Khi lớn lên, Tết với mỗi người có những cảm xúc khác nhau nhưng đều chung một tâm trạng đó là nỗi nhớ nhà, nhớ người thân và bạn bè.
Chị Tố Nga – Việt kiều đang sinh sống tại Mỹ chia sẻ với phóng viên những cảm nhận của mình khi nhiều năm phải đón Tết xa quê. Đó là cảm giác nhớ quê hương, gia đình cứ quay quắt, quặn lòng bởi mỗi dịp Tết đến, là những ký ức xa xưa lại tái hiện lại như những thước phim quay chậm. Tình cảm gia đình thắm thiết, sâu đậm khi cả nhà cùng ngồi canh nồi bánh tét râm ran chuyện trò thâu đêm bên bếp lửa hồng. Hình ảnh cha mẹ dọn dẹp sửa soạn nhà cửa và mua sắm Tết; trẻ con lon ton chạy tung tăng từ nhà này sang nhà khác, rồi thỉnh thoảng lại được nhận vài chiếc kẹo của những người anh, người chị đi xa về cho mà vẻ vui mừng hớn hở hiện rõ trên nét mặt thơ ngây.
Chị Nga sinh ra ở miền Nam. Mỗi dịp Tết đến, chị lại thèm được đắm mình trong nắng vàng rực rỡ nơi quê nhà. Bởi cái lạnh nơi đất khách càng lạnh lẽo hơn khi mỗi độ xuân về. Xa quê rồi, chị mới thấm thía nỗi nhớ quê, mới thấm cái lạnh khi thiếu vắng tình cảm gia đình, của anh em, bè bạn. Sống ở Mỹ đã hơn 30 năm, cũng có vài lần chị về Việt Nam đón Tết. Tết năm nay chị cũng có dự định về nhưng do dịch bệnh Covid-19, chị lại phải lỗi hẹn với cha mẹ già ở quê hương. Có lẽ giờ này cha mẹ cũng đang ngóng mong con cháu được trở về sum họp như bao mùa xuân trước, rồi lại não lòng bởi dịch bệnh mà con cháu phải khất hẹn đến xuân sau.
Khác với chị Nga, chị Hồng hiện đang sinh sống ở Đức trải lòng, do điều kiện kinh tế nên chị không về Việt Nam đón Tết cùng với cha mẹ, người thân và bạn bè. Để vơi bớt nỗi nhớ quê hương da diết, chị cùng các gia đình và cộng đồng người Việt ở xa Tổ quốc lại xích lại gần nhau hơn. Những tâm hồn người con xa xứ cùng đồng điệu để rồi gìn giữ và phát huy văn hóa Việt và giới thiệu văn hóa Tết cổ truyền với bạn bè quốc tế. Tết ở Đức lạnh lắm, nhiệt độ xuống thấp, nhưng những người Việt vẫn tập hợp lại cùng nhau đón Tết cổ truyền của dân tộc. Mọi người phân công, như: mua lá dong gói bánh chưng, mua đào, mai về chơi Tết, chuẩn bị mâm cỗ với những món ăn thuần Việt để đón giao thừa…
Khi thời khắc giao thừa đến, tất cả đều hướng về quê nhà, nơi có những người thân yêu của mình để cùng nhau nâng ly chúc mừng năm mới, chúc nhau sức khoẻ, một năm mới công việc thuận lợi và gọi điện về chúc Tết người thân để phần nào vơi bớt đi nỗi nhớ quê hương.
Những người con xa xứ cùng nhau đón Tết trên đất khách cũng phần nào vơi đi nỗi nhớ quê, nhưng không thể nào thôi hồi tưởng về cảm giác khi ở quê hương trong những ngày xuân lất phất mưa phùn của miền Bắc. Cơn mưa không đủ ướt đầu, không làm cho ta lạnh mà sao da diết, thân thương đến thế. Mỗi khi mưa phùn đến, đó là báo hiệu mùa xuân về, xua đi cái lạnh lẽo của mùa đông. Ký ức đó mãi không bao giờ phai nhạt cho dù đã sống gần 40 năm ở Pháp. Anh Sơn – người con của Hà Nội bùi ngùi chia sẻ nỗi niềm của mình khi nhớ về Tết ở quê hương.
Bôn ba nơi đất khách, người ít thì vài năm, người nhiều hơn thì gần cả cuộc đời, họ lại càng mong mỏi được đón Tết ở quê nhà; được sống trong cái không khí ấm tình người mà chỉ có khi đi xa, phải trải qua gian khó mới cảm nhận được.
Chỉ còn vài ngày nữa thôi là Tết Tân Sửu sẽ về. Xuân về gõ cửa mọi nhà trên khắp mọi miền tổ quốc. Người người, nhà nhà tất bật dọn dẹp, trang hoàng để đón năm mới. Những chuyến xe hối hả ngược xuôi đón đưa người con xa xứ về lại quê nhà. Những giọt nước mắt hạnh phúc sum vầy đoàn tụ cùng với người thân. Năm nào cũng vậy, đâu đó trong những xóm trọ vẫn có những gia đình công nhân nghèo không có điều kiện về quê đón Tết như mọi người. Những ánh mắt u buồn chỉ biết mong ngóng về phía xa xăm bởi xuân nay con không về được.
Như gia đình chị Lan – anh Hùng (Hà Tĩnh) khăn gói vào thành phố Hồ Chí Minh để mưu sinh. Tiền lương anh chị gửi về cho ông bà nội chỉ đủ để nuôi 2 con ăn học và chi phí tằn tiện của 2 vợ chồng ở thành phố. Vì vậy, nói đến chuyện về Tết là điều xa xỉ với anh chị. Cho dù cố gắng làm việc thêm giờ nhưng anh chị vẫn không đủ chi phí về Tết. Nhắc đến Tết, anh chị đều ngậm ngùi thương cha mẹ và 2 con ở quê đón Tết không trọn vẹn. Tết ở thành phố, mọi cảnh vật, không khí đều rất nhộn nhịp, vui tươi, nhưng lòng anh chị lại buồn tênh và trống rỗng. Nhìn những cánh cửa phòng bên đã khóa, anh chị không khỏi rưng rưng.
Xa quê vào dịp Tết là điều không ai mong muốn, nhưng vì nhiều hoàn cảnh khác nhau mà nhiều người phải chấp nhận. Với những người con xa quê, tất cả những gì có trong ngày Tết, những gì thuộc về gia đình đều trở thành nỗi ước mong, khát khao mà thôi.
Thấu hiểu được nỗi lòng của những người con xa xứ, trong những năm qua, các ban ngành đoàn thể, đặc biệt là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các chùa và tự viện trên toàn quốc đã vận động các Mạnh thường quân, các nhà hảo tâm cùng chung tay góp sức tổ chức nhiều hoạt động để giúp những người con xa quê được đón Tết đầy đủ và đầm ấm hơn. Nhiều chùa đã hỗ trợ phương tiện về quê và sẻ chia phần nào sự thiệt thòi cho những người vì hoàn cảnh phải đón Tết xa quê. Hàng trăm chuyến xe nghĩa tình nối tiếp nhau hối hả rời thành phố mang theo nỗi háo hức sắp được về quê sum họp gia đình không chỉ của sinh viên, công nhân, lao động nghèo mà còn của chính những người đang âm thầm góp xuân.
Năm nào cũng vậy, gần đến những ngày Tết, bạn bè, đồng nghiệp gặp nhau ngoài hỏi thăm sức khỏe, công việc thì còn hỏi: “Tết này có về quê không?”. Với những người con tha phương, “về quê ăn Tết” như là một cuộc hành trình về với cội nguồn, về với tổ tiên và quê hương, nơi “chôn nhau cắt rốn”. Tết là cơ hội lý tưởng để được sum vầy, hàn huyên ôn lại những câu chuyện xưa với những người thân thương sau thời gian dài không gặp… Chỉ có những ai phải đi xa mới nhớ, mới biết trân trọng từng giây phút được trở về bên người thân yêu ruột thịt trong những ngày Tết.
Tết đến xuân về, giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền Việt Nam là trách nhiệm của mỗi người dân chúng ta. Với tinh thần từ bi của Đạo Phật, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã và đang lan toả những Thông điệp yêu thương đó đến với mọi người, đặc biệt là những người con xa xứ. Sự quan tâm thiết thực này giúp họ vơi đi nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ quê da diết, nhớ gia đình, bạn bè cùng bà con hàng xóm láng giềng.
Những việc làm đậm tính nhân văn ấy cần được nhân rộng và lan tỏa để những mùa xuân sau, những người xa quê được về nhà đón Tết trong niềm vui và hạnh phúc tròn đầy.
Hồ Thủy – Nguồn Văn Hóa Phật Giáo