Luân Hồi Nghiệp Báo

Tất cả mọi sinh mệnh hữu tình sinh ra sống còn và chết đi, chúng bị lệ thuộc vào nghiệp nhân và nghiệp quả để trở thành một sinh mệnh hữu tình trong hiện tại.

Luân hồi là một hình thức biểu hiện hiện tượng sinh diệt của các pháp qua định thức duyên khởi từ nhân qua quả. Qua đó nghiệp lực là sức mạnh chủ động hình thành sự sinh diệt biến đổi lưu chuyển được thể hiện qua quá khứ-hiện tại-tương lai theo thời gian, tuỳ thuộc vào từng thuộc tính của mỗi cá nhân và Cộng đồng xứ sở (biệt nghiệp và cộng nghiệp) và tùy thuộc vào sức nhanh chậm, mạnh yếu của tác nhân nghiệp đã được tạo ra bỡi thân-khẩu-ý do ba độc tham-sân-si từ vô minh phát khởi của chúng ta trong quá khứ, trong hiện tại, hay trong tương lai mà luân chuyển theo chúng. Vậy luân hồi có được và hiện hữu tuỳ thuộc vào lực dụng của nghiệp nhân đã được tạo ra từ hành vi của mỗi chúng ta và, theo đó mà biến chuyển từ nơi này sang nơi khác, từ cõi này sang cõi nọ, trong ba cõi sáu đường để nhận lãnh báo thọ quả mà mình đã tạo ra trước đó.

– Bà-la-môn giáo cho rằng bốn đại chủng tánh cùng những tiện dân đang hiện hữu ở trong luân hồi, tự chúng đời đời kiếp kiếp vĩnh viễn không bao giờ thay đổi. Quan điểm này xuất hiện cuối thời đại Phạm thư, và cho mãi đến thời đại Áo-nghĩa thư giáo nghĩa của chúng mới được hoàn chỉnh song song với chủ trương của thuyết thường ngã vào thời đại này[1]. Nhưng Phật giáo thì chủ trương, trước nghiệp báo con người luôn luôn bình đẳng: Giòng họ thấp, hạ tiện đời này, nhưng nếu tu tập thiện nghiệp và phước đức thì chắc chắn đời sau có thể sinh vào giòng họ cao quí, thậm chí có thể sinh về cõi trời; ngược lại hiện tại dù là giòng họ cao quí, nếu tạo ra những ác hạnh thì, đời sau sẽ sinh vào giòng họ hạ lưu, cho đến có thế đưa họ xuống địa ngục theo quan điểm chủ trương nhân quả duyên sinh vô ngã của mình. Ở đây đức Phật chỉ chấp nhận có hình thức luân hồi do sức mạnh của nghiệp chi phối trong sự tồn tục và lưu chuyển của mọi sinh mệnh qua hệ thống nhân quả duyên khởi đủ để các pháp sinh khởi và biến diệt, chứ không chấp nhận một cái thường ngã như Bà-la-môn giáo chấp nhận vào lúc bấy giờ. Do đó đức Phật nói về nguyên nhân bất bình đẳng của con người tại thế gian này có được là do hành vi thiện ác đã tạo ra trước kia của con người, nên ngày nay phải nhận lãnh quả báo không bình đẳng như vậy do sức mạnh của nghiệp mà cá thể đó đã tạo ra mạnh hay yếu, tốt hay xấu trước kia mà thôi.

I – LUÂN HỒI 

– Luân hồi tiếng Sanskrit gọi là Saṃsāra phiên âm là Tăng-sa-lạc, có nghĩa là chúng sanh từ vô thỉ cho đến ngày hôm nay, do nhân ba độc tham-sân-si của hoặc nghiệp, mà cảm quả báo lưu chuyển sinh tử trong ba cõi sáu đường, như sự chuyển động bất tận của một bánh xe quay không bao giờ dừng nghỉ, cho nên gọi là luân hồi. Luân hồi ở đây còn có nghĩa là sinh tử, hay sinh tử luân hồi, sinh tử tương tục, luân hồi chuyển sinh, lưu chuyển hay luân chuyển. Luân hồi còn là một trong những giáo nghĩa chủ yếu của Bà-la-môn giáo Ấn Độ xưa kia. Phật giáo cũng nương vào nghĩa này, thêm vào những gì không có và, bớt đi những gì không phù hợp với chân lý, để biến thành giáo nghĩa của riêng mình.

– Luân hồi như thế, không chỉ dành cho chúng sinh hữu tình hạn hẹp trong cõi Ta-bà này, mà cho tất cả mọi chúng sinh hiện trôi lăn trong sáu cõi ba đường, cũng đều bị lệ thuộc vào những tác nhân do hành vi thiện ác nhiều ít bỡi tham ái chấp ngã, phát xuất từ tâm lệ thuộc vào đối tượng có khả năng phát khởi ra hành động tạo tác (tư tâm sở) mà nhận lãnh những kết quả lành dữ trong hiện tai hay trong tương lai, tuỳ theo nghiệp lực mà chúng sinh ấy tạo ra trong quá khứ. Không những chúng chỉ dành cho biệt nghiệp chúng sinh hữu tình, mà còn dành cho tất cả mọi sự vật đang hiện hữu giữa thế gian này qua hiện tướng cộng nghiệp có sinh diệt biến dị đều bị lệ thuộc vào định luật luân hồi này. Ở đây luân hồi được coi như là một lực dụng của Nghiệp. Nó chính là công năng sinh khởi biến dịch từ nghiệp nhân qua nghiệp quả để hoàn thành chức năng trọn vẹn luật tắc NHÂN QUẢ DUYÊN KHỞI qua tác động vô thường của nhân sinh quan và, vũ trụ quan vô ngã Phật giáo. Như trong phần thuốc men của Căn Bản thuyết Nhất Thiết Hữu bộ Tỳ-nại-da đức Phật dạy: “Xem xét nơi đến của các hữu tình trong sinh tử luân hồi, hiện biến khắp mọi nơi là do từ một tâm lệ thuộc vào tư niệm (tư tâm sở).[2]”

– Cũng đồng với quan điểm này, trong kinh Đại biện tà chánh 1 đức Phật dạy: “Tất cả chúng sinh từ vô thỉ cho đến ngày nay, luân hồi lục đạo, trôi nổi sinh tử không gián đoạn, chịu các khổ não, cho đến ngày nay, đều phát xuất từ bản tâm. Vì sao? Vì tâm từ lúc này sang lúc khác, từ ngày này qua ngày nọ, từ năm này sang năm khác, tâm duyên vào các cảnh, nên tính tình nhiễm dính bụi đời, tâm thường bị loạn động không định được, nên thân cũng như vậy[3].” Như vậy rõ ràng bản tâm lúc nào cũng dẫn đầu, làm chủ trong tất cả mọi tác nhân cho chính nó và, tác động lên hành vi qua thân miệng tạo ra nghiệp nhân thiện ác, trong quá khứ, trong hiện tại và, trong tương lai, để từ đó nghiệp lực hiện hành và dẫn dắt chúng sinh hữu tình phiêu dạt trong biển mê sinh tử luân hồi sáu cõi ba đường mà chịu quả báo hạnh phúc hoặc khổ đau. Như truyện tích Pháp cú 1 phẩm song song đức Phật đã kể lại sự tích về nguyên nhân bị mù mắt của một Tỳ-kheo A-la-hán Cakkhupala. Tỳ kheo này vì mắt bị mù nên không thấy những sinh vật nhỏ ở dưới chân trên đường đi kinh hành, nên đã vô tình dẫm chết rất nhiều mà không hay biết, bị các Tỳ-kheo đồng bạn phát hiện và ghép Tỳ-kheo này vào tội sát sinh và đem trình sự việc lên Phật. Nhân đây, đức Phật hỏi về hiện tượng dẫm chết có cố ý hay không cố ý để rồi đưa đến kết luận là Tỳ-kheo này không phạm vào tội sát sinh vì vô tình và, cũng nhân đây kể lại đời trước Tỳ-kheo này đã từng làm một y sỹ giỏi, chữa bệnh đau mắt cho một thiếu phụ nghèo. Nhưng vì do sự dối trá để thoát khỏi lời hứa sau khi lành bệnh sẽ chính tự thân bà và đứa con gái làm tôi tớ cho y sỹ, mà thiếu phụ này nói dối là mắt mình chưa được lành hẵn. Y sỹ này biết là bà nói dối, nên nổi lên ác ý (tâm) thản nhiên đưa cho bà một thứ thuốc và bảo hãy về uống hết thuốc này thì bệnh mắt của bà sẽ khỏi hẳn. Nhưng thiếu phụ uống vào thì đôi mắt bị mù hẳn, đúng như ác tâm mà y sỹ đã dành cho bà. Chỉ vì ác tâm này mà đời này dù thành A-la-hán nhưng Tỳ-kheo vẫn phải đui mù. Và sau đó đức Phật dạy: “Các pháp do ý dẫn đầu, làm chủ và tác động. Do vậy, nếu ai đem ý nghĩ vẫn đục mà miệng nói, thân làm, thì sự khổ não đi theo người ấy như cái xe lăn theo chân con vật kéo xe ấy.[4]” Đó là truyện tích về sức mạnh của một ác ý.

– Và trong truyện tích Pháp cú 2 phẩm song song, đức Phật đã kể lại sự tích sức mạnh một thiện ý (thiện niệm) của chàng trai Mattakundali con duy nhất của một trưởng giả giàu có. Chàng trai này bị bệnh sắp chết mà người cha vẫn xót của, không chịu bỏ tiền ra để mời thầy thuốc giỏi về trị bệnh cho con. Khi biết con sắp chết, ông cắn răng bỏ ra một sốt tiền thuê người khiêng con đặt ra ngoài mái hiên nhà, ông sợ chuyện ma chay sẽ bị nhiều người dòm ngó của cải nhà ông. Đức Phật biết, lúc này là đúng lúc, Ngài xuất hiện trước mắt chàng, với ánh hào quang rực rỡ. Chàng ta mở mắt thấy Phật, chàng mừng lắm mà không thể ngồi dậy được, nên cứ nhìn chăm chăm Ngài, và cũng vào lúc này trút hơi thở cuối cùng trong niềm ngưỡng mộ hoan lạc. Do niệm thiện này mà chàng tái sinh về Đao Lợi thiên làm một vị trời. Vị trưởng giả này cũng nhân đây mà bị kích động, từ đó về sau đến với Phật và, biết bỏ của cải ra để làm việc phước thiện. Và cũng nhân sự việc này đức Phật dạy: “Các pháp do ý dẫn đầu, làm chủ và tác động. Do vậy, nếu ai đem ý nghĩ trong sáng mà miệng nói, thân làm, thì sự an vui đi theo người ấy như bóng theo hình.[5] ”

– Sự tác động của tâm thức đối với ngoại cảnh sinh ra mọi động lực, theo đó mọi hệ luỵ được kéo theo sau chúng, tuỳ thuộc vào thiệm tâm hay ác tâm, tuỳ theo thiện ý hay ác ý, tuỳ theo chân tâm hay vọng tâm mà mọi cảnh giới sẽ hiện tiền theo đó mà hiện hữu, như các nhà Hoa nghiêm và Duy thức thường chủ trương: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức.” Ở đây đức Phật đứng trên phương diện tương đối nhị nguyên nhân quả mà thiết lập vọng chân, thiện ác lệ thuộc vào những tác nhân chân vọng, thiện ác mà thiết lập nhân quả duyên sinh theo chiều lưu chuyển quán, chứ chưa nói đến chiều hoàn diệt quán. Theo luận Vô tâm 1 thì: “Chúng sinh vì mê vọng, nên đối với không tâm, vọng sinh ra tâm, mà tạo ra các loại nghiệp, và vọng chấp cho là có thật, nên khiến cho phải luân hồi trong sáu đường, sinh tử không dứt.[6]” Từ mê vọng chấp tâm có thật nên ái ngã ái pháp xuất hiện cấu kết tạo ra các loại nghiệp (tư nghiệp) và cũng từ đây mọi trói buộc hiện hữu khiến cho chúng ta phải sinh tử luân hồi trong sáu sõi ba đường.

– Như kinh Tạp A-hàm đức Phật đã dạy các Tỳ-kheo: “Do vì vô minh che khuất, ái kết trói buộc, nên chúng sinh phải sinh tử luân hồi. Nếu ái kết không dứt, thì khổ biên không hết.[7]”

– Và cũng đứng trên quan điểm này, Câu Xá luận sớ 29 giải thích: “Tất cả mọi thứ phiền não đều phát xuất từ nhân chấp ngã, nghiệp sinh tử thì do phiền não khởi; tam hữu (ba cõi) luân hồi có được từ nhân hoặc nghiệp, bỡi vậy nếu chấp ngã thì không bao giờ giải thoát được.[8]”

– Ở đây cho chúng ta thấy một cách rõ ràng rằng tất cả mọi thứ phiền não có được đều phát xuất từ nhân chấp ngã, nghiệp sinh tử luân hồi là do từ phiền não khởi và, luân hồi sinh tử trong ba cõi có được là từ nhân hoặc nghiệp. Như A-tỳ-đạt-ma tạng Hiển tông luận 13 trình bày:

 “Các uẩn là vô ngã 
 Tạo ra nghiệp não phiền 
 Chính do nó nối kết 
 Vào thai như lửa đèn 

 Gặp nhau tiếp tục tăng 
 Liên tục do nghiệp hoặc 
 Hướng lại về đời khác 
 Luân lưu không mối manh.[9]” 

– Tuy đức Phật đã nhìn thấy rõ được năm uẩn là vô ngã, nhưng chúng sinh sinh ra từ vô minh nghiệp hoặc nên không thấy được năm uẩn là vô ngã nên đã tạo ra không biết bao nhiêu là phiền não, để rồi ôm lấy nghiệp vào thân tạo thành động cơ thúc đẩy chúng sanh đi tới, càng ngày càng nuôi lớn vô minh hoặc nghiệp mà không biết và, cuối cùng trôi lăn trong sáu cõi ba đường u u minh minh, không biết đâu là đầu, đâu là cuối chịu khổ đau theo những tác nhân mà mình đã tạo ra trong quá khứ! Hình ảnh nuôi lớn vô minh hoặc nghiệp của chúng sinh cũng giống như hình ảnh của một ngọn đèn khi gặp lửa càng ngày sáng càng tăng lên. Hình ảnh chúng sinh hữu tình vì vô minh mê hoặc mà không tự biết, tự mình nuôi lớn chính mình qua vô minh nghiệp hoặc như theo A-tỳ-đạt-ma Câu Xá luận 9, đã đem mười hai chi nhân duyên ra để so sánh và làm thí dụ điển hình cho sự sinh khởi của một sinh mệnh chúng sinh hữu tình qua hoặc nghiệp:

 “ Từ hoặc sinh hoặc nghiệp 
 Từ nghiệp sinh sự tướng 
 Từ sự, sinh sự hoặc 
 Lý chi hữu ở đây. 

– Và luận rằng: Từ hoặc sinh ra hoặc chính là từ ái sinh ra thủ. Từ hoặc sinh ra nghiệp chính là từ thủ sinh ra hữu, hay từ vô minh sinh ra hành. Từ nghiệp sinh ra sự tướng chính là từ hành sinh ra thức cùng từ hữu sinh ra sinh. Từ sự tướng sinh ra sự tướng chính là từ chi thức sinh ra danh sắc, cho đến từ xúc sinh ra chi thọ cùng từ chi sinh sinh ra lão tử. Từ sự tướng sinh ra hoặc chính là từ thọ sinh ra ái và, nhờ sự thành lập chi hữu ở đây nên lý nhân quả sự hoặc được hiển bày qua: sinh tử là sự hoặc nhân, vô minh là sự hoặc quả. Vô minh, lão tử là tánh của sự hoặc… Cho nên kinh nói thuần đại khổ tập là như vậy.[10]” Vấn đề nuôi lớn sinh mệnh theo hoặc nghiệp qua mười hai chi nhân duyên như chúng tôi cũng đã đề cập một cách rõ ràng qua bài nghiên cứu về này Thập nhị nhân duyên trong tập san Nghiên cứu số 5. Sự duyên khởi của mười hai chi này chính là động cơ thúc đầy của hoặc nghiệp mang mầm mống khổ dẫn đạo chúng sinh trôi lăn trong ba cõi sáu đường, mà hoặc nghiệp khổ này theo Phiên dịch danh nghĩa tập 3 thì chúng được định danh một cách rõ ràng qua định nghĩa: “Hoặc nghiệp khổ chính là con đường phiền não của hoặc, con đường nghiệp của nghiệp và, con đường khổ của khổ. Ba con đường này thông cả ba cõi. Cho nên Bổ hành nói rằng: ‘Chia ra làm ba đường: Kiến tư hoặc là con đường phiền não, phiền não thuần nghiệp là con đường nghiệp và, nội giới hoặc sinh là con đường khổ.[11]” Ba con đường này thông cho cả ba cõi dục giới, sắc giới và, vô sắc giới, vì nghiệp tánh của ba cõi này cho dù là thiện đi nữa, nhưng chúng còn bị lệ thuộc vào nhân quả duyên khởi vô thường sinh diệt thì vẫn mang bộ mặt khổ. Khổ quả ở ba cõi này vì vẫn còn lệ thuộc vào sự sinh diệt đối với với ba nghiệp thiện ác và, vô ký nên dù chúng có thuộc vào khía cạnh nào đi nữa, thì sự lệ thuộc này vẫn còn mọi sự chi phối của nhân quả duyên sinh vô thường sinh diệt, nên chúng luôn mang bộ mặt khổ đạo. Nhưng bộ mặt khổ đạo ở đây chúng ta có thể thay đổi được chúng qua quả khổ không tự tánh này, như kinh Nhơn vương sớ 1 viết: “Hoặc là nơi phát sinh ra quả nghiệp phiền não, nó là chỗ phát sinh ra nghiệp. Vì hoặc nghiệp như vậy nên chúng bị lệ thuộc sinh diệt, do đó chúng là không (nhân), nên không quả… Nói tóm lại vì nhân hoặc nghiệp không nên quả cũng không.[12]” Vì sự hiện hữu của hoặc nghiệp có được là do nhân duyên đủ hoà hợp mà hình thành, sự hiện hữu có được này là một hiện hữu giả tạm; nhưng vì chúng sanh vô minh chấp ngã, chấp pháp cho là thật có nên chúng sanh hữu tình tạo ra nghiệp hoặc sinh tử luân hồi trôi lăn trong ba cõi sáu đường, nên phải chịu mọi sự khổ đau không dứt. Theo đức Phật tự thân Ngài đã thật sự chứng ngộ thấy rõ rằng tất cả hoặc nghiệp có được cũng do nhân duyên hoà hợp mà thành, nên chúng không có tự tánh; vì chúng không có tự tánh nên chúng là không. Nếu tất cả mọi chúng sanh đều thấy rõ các pháp vốn không có tự tánh, trong đó có cả hoặc nghiệp thì họ cũng sẽ đạt được như những gì đức Phật đã làm trong quá khư và trong hiện tại như trong Căn Bản Nhứt Thiết Hữu bộ, Tỳ-nại-da tạp sự 37 đức Phật đã dạy: “Phật bảo A-nan, từ thành Câu-thi cho đến Ta-la song thọ bên bờ sông Kim Hà nơi sinh địa của các tráng sĩ đội mũ chế để[13]. Nơi đây, chu vi mười hai du-thiện-na (do tuần), xưa kia Như lai làm Chuyển luân vương. Trong thời gian ở đây sáu lần bỏ mạng, nay lại nơi đây mà Bát-niết-bàn, đây là lần thứ bảy. Hơn nữa, Như lai Ứng cúng Chánh đẳng Chánh giác, đối với mười phương cõi lại không có nơi nào lần thứ tám xả thân mạng. Vì sao vậy? Vì các hoặc nghiệp đã đoạn trừ, sự sinh của Ta đã chấm dứt, không còn tái sinh vào đời sau nữa.[14]” Ở đây, chính đức Phật đã nhận là Ngài không còn tái sinh trong vòng luân hồi sinh tử trong ba cõi sáu đường nữa, sự sinh của Ngài đã chất dứt, vì chính Ngài đã đoạn trừ hết hoặc nghiệp. Vậy trước khi chúng ta muốn đạt đến địa vị bất sinh bất diệt như Ngài trong ba cõi sáu đường thì, chúng ta những chúng sanh hữu tình như Ngài trước đây phải tìm hiểu và thực hành những gì, như đức Phật đã từng thực hành trong quá khứ cũng như trong hiện tại, để đạt Niết-bàn an vui giải thoát trong đời này như chính Ngài đã đạt, qua việc đoạn trừ tận cùng gốc rễ của nghiệp hoặc, là nguyên nhân chính đưa chúng sanh trôi lăn trong ba cõi sáu đường mà chịu khổ đau, do vô minh chấp ngã, chấp pháp mà tạo ra hoặc nghiệp trói buộc chúng ta trong sinh tử luân hồi.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.