Gần đây, nhân được đọc sách “Của Riêng, Của Chung” do Hoà Thượng Hộ Pháp mà đại ý cũng chú giải về Nghiệp lực, một đề tài mà từ trước đến nay người viết đã nghiên cứu và học hỏi rất nhiều….khi thì pháp thoại, khi thì kinh văn từ các bậc danh tăng giảng sư nhưng chung quy nồng cốt vẫn là… trích từ lời dạy của Phật rằng: : “ta sẽ là người hoàn toàn bị-động, thừa hưởng quả an-lạc của thiện-nghiệp ấy hoặc chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy”.
Kính xin mạn phép trích đoạn lại những câu trong sách “Của chung và Của riêng” để các bạn cùng chiêm nghiệm nhé.
Trong đời này, tất cả của cải tài-sản, nhà cửa, đất đai, v.v… đều là của-chung.
Cũng như trong đời này, không có thứ của cải nào gọi là của-riêng vĩnh-viễn thật sự của một người nào cả. Cho nên, của cải tài-sản thuộc về quyền sở hữu của người nào chỉ là của-riêng tạm-thời của người ấy mà thôi.
Khi ta tự mình hoàn toàn chủ động tạo đại-thiện-nghiệp nào hoặc ác-nghiệp nào, tất cả mọi đại-thiện-nghiệp ấy, mọi ác-nghiệp ấy đều thuộc về của-riêng vĩnh-viễn của ta mà thôi, hoàn toàn không liên quan đến người nào cả. Do vậy ta có nghiệp là của-riêng ta.
Nếu người nào có đại-thiện-nghiệp bố-thí nào có cơ hội cho quả, thì người ấy được thừa hưởng của cải tài-sản, nhà cửa, đất đai, v.v… thuộc về của-riêng tạm-thời của người ấy, trong thời gian lâu hoặc mau tùy theo quả của đại-thiện-nghiệp ấy.
Bậc thiện-trí nào có đức-tin trong sạch nơi Tam-Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, có chánh-kiến hiểu biết đúng sẽ nhận ra rằng: chỉ có nghiệp là của-riêng vĩnh-viễn của ta mà thôi.
Thật vậy, ngoài nghiệp là của-riêng vĩnh-viễn của ta ra, còn tất cả mọi thứ của cải tài- sản, nhà cửa, đất đai, … trong đời chỉ là của- riêng tạm-thời mà thôi, thậm chí ngay cả sắc- thân này cũng là của-riêng tạm-thời trong mỗi kiếp hiện-tại, tùy theo tuổi thọ hoặc nghiệp, đến khi hết tuổi thọ hoặc hết nghiệp hỗ-trợ là khi tắt thở thì tâm-thức rời khỏi sắc-thân này (chết), sắc thần này trở thành tử-thi.
Nghiệp chính do con người tạo tác thì cũng chính do con người đoạn diệt. Nó là một điều gì đó rất chủ quan của tâm lý, xem như không liên hệ gì đến quyền năng bên ngoài như Thần linh, Thượng đế, Duy tâm hay Duy vật gì cả.
Riêng người viết được biết …Đối với vấn đề Nghiệp, Đức Thế Tôn khi còn tại thế đã nhấn mạnh trong kinh A-hàm rằng : “Mỗi chúng sanh đều có cái nghiệp của mình”. Hoặc trong một số kinh khác như Tăng Chi II hay Trung bộ III (Kinh Tiểu nghiệp phân biệt), Đức Phật cũng từng dạy rõ: “Ta vừa là chủ nhân của Nghiệp, vừa là kẻ thừa tự của Nghiệp, Nghiệp là thai tạng, Nghiệp là quyến thuộc, Nghiệp là điểm tựa. Phàm Nghiệp nào sẽ làm, thiện hay ác sẽ thừa tự nghiệp ấy”.
Mọi việc khổ vui trong kiếp hiện tại của chúng ta đều do nghiệp quá khứ và hiện tại chi phối. Nghiệp lành thì được vui, nghiệp ác thì chịu khổ, chúng ta chỉ biết sợ khổ, cầu vui mà không biết tránh nghiệp ác, tạo nghiệp lành. Thế chẳng khác nào kẻ sợ bóng mà cứ đứng ngoài trời nắng, muốn nghe nhạc mà bịt lỗ tai. Một khi nghiệp quả đến, chúng ta dù muốn dù không, tất nhiên cũng phải chịu. Bởi nó là kết quả do hành động của chính mình đã tạo. Mình làm, rồi mình chịu, đó là lẽ công bằng hợp lý của kiếp người.
Mọi hành vi, ngôn ngữ của chúng ta đều có sự sắp xếp của ý thức, vì thế mà chiêu cảm thành Nghiệp; cho nên Phật dạy:
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý chủ ý tạo tác.
Nếu với ý nhiễm ô,
Nói năng hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như bánh xe theo chân con bò”
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý chủ ý tạo tác.
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói năng hay hành động
An lạc bước theo sau
Như bóng không rời hình
(Kính Pháp cú -Phẩm Song Yếu – kệ số 1 – HT Thích Minh Châu dịch)
Đức Phật dạy: “Ngang với sức mạnh tâm trí, vật chất, sức mạnh của Nghiệp cũng là một sức mạnh bất tư nghì”. Ngài dạy tiếp: “Hết thảy chúng sanh đều do nghiệp lực của mình làm sở hữu, làm nhân duyên, làm thân thuộc, làm quy túc đời sống.
Với ý nghĩa đó, Giáo lý Nghiệp của Phật giáo đã hoàn toàn khai mở tinh thần nhân bản, đặt quyền cá nhân lên địa vị tối cao, tháo gỡ tất cả những tư tưởng về định mệnh, số mệnh, xoá bỏ quan niệm giáng họa, ban phúc của Thần linh, đặt quyền con người vào đúng vị trí của chính nó.
Nên khi tìm hiểu khái quát về Nghiệp cho ta một ý niệm căn bản như sau:
Nghiệp chính là động cơ vẽ nên tiến trình Nhân quả, Luân hồi của con người. Tìm hiểu về Nghiệp thực chất là tìm hiểu Nghiệp báo hay quả dị thục của Nghiệp.
Nghiệp từ thân, miệng, ý chúng ta tạo nên. Bởi thân miệng ý chúng ta làm lành, nói lành, nghĩ lành nên tạo thành nghiệp lành. Thân miệng ý chúng ta làm dữ, nói dữ, nghĩ dữ tạo thành nghiệp dữ. Thế nên, chúng ta chủ nhân tạo nghiệp cũng chính chúng ta là chủ nhân thọ báo.
Nói cách khác Nghiệp báo chính là quả dị thục của Nghiệp. Cho nên, tuy chia thành Nghiệp và Nghiệp báo nhưng chúng thực chất chỉ là một vấn đề mà thôi. Nghiệp báo chính là hệ quả tự nhiên của nghiệp. Nghiệp báo ở đây gần với vấn đề tái sanh mà các Học thuyết, Tôn giáo thường nhắc đến. Nghiệp báo và Tái sanh là hai học thuyết liên hệ chặt chẽ với nhau, thuộc lãnh vực tinh thần đạo đức luân lý.
Nghiệp: là dịch nghĩa chữ Karma tiếng Phạn, chỉ hành động tạo tác theo thói quen của mỗi người. Nghiệp có nghiệp thiện, nghiệp ác, định nghiệp, bất định nghiệp…
– Nghiệp thiện là hành động lành đem lại sự an lạc cho chúng sanh.
– Nghiệp ác là hành động dữ làm đau khổ chúng sanh.
– Ðịnh nghiệp là hành động hoặc lành hoặc dữ có cộng tác với ý thức tạo thành nghiệp quyết định.
– Bất định nghiệp là hành động hoặc lành hoặc dữ không cộng tác với ý thức nên thành nghiệp không quyết định.
Cần chú ý thêm về thuật ngữ Hắc Nghiệp và Bạch Nghiệp để chỉ hai loại Nghiệp cơ bản là Thiện Nghiệp và Ác Nghiệp, theo đó:
+ Hắc Nghiệp là Nghiệp đen, thường chỉ cho những Nghiệp xấu như giới cấm thủ Nghiệp (giữ giới một cách sai lầm), thập ác Nghiệp, Nghiệp không tin Nhân quả… thọ Nghiệp này thường sanh váo ác xứ, khổ xứ nên cũng có thể dùng để chỉ cho địa ngục Nghiệp, Ngạ quỷ Nghiệp, Súc sanh Nghiệp…
+ Bạch Nghiệp là những thiện Nghiệp như Thập Thiện Nghiệp, Ngũ giới Nghiệp, Bồ tát Nghiệp… thọ Nghiệp này thường được sanh vào thiện xứ, lạc xứ, nên có thể dùng để chỉ cho Nhân Nghiệp, Thiện Nghiệp, Thanh văn…
Còn hành động duy tác của các Thánh giả A-la-hán được gọi là phi hắc phi bạch Nghiệp (Nghiệp không trắng cũng không đen).
Và hẳn nhiên khi các Nghiệp cảm thọ riêng từng cá nhân gọi là Biệt Nghiệp, Nghiệp chung cho cả tập thể gọi là Cộng Nghiệp.
Nghiệp mà nhất định sẽ đưa đến kết quả gọi là Định Nghiệp.
Nghiệp có thể đưa đến kết quả, cũng có thể không đưa đến kết quả gọi là Bất Định Nghiệp…
Ngoài ra, Nghiệp còn được phân loại theo công tác (Sanh Nghiệp, Trì Nghiệp, Chướng Nghiệp, Đoạn Nghiệp) hoặc phân loại theo sức mạnh (Cực trọng Nghiệp, Cận tử Nghiệp, Tập quán Nghiệp, Tích lũy Nghiệp).
Tiếp theo là định nghĩa chữ Báo: là đền trả một cách công bằng, không sai chạy, không tiêu mất. Chúng ta có hành động lành hay dữ, kết quả của hành động ấy sẽ đến, hoặc sớm hay muộn thôi. (Thí dụ chúng ta mắng chửi người là hành động dữ, người ấy sẽ mắng chửi lại ngay khi đó, hoặc thời gian khác, khó tránh khỏi.)
Sự thù đáp cân xứng gọi là báo.
Báo có chia ba thứ: hiện báo, sanh báo và hậu báo.
– Hiện báo là quả báo hiện tại, những hành động lành hay dữ ngay trong đời này chịu quả báo.
– Sanh báo là quả báo đời sau, hành động tốt xấu của ba nghiệp, đến đời sau mới chịu quả báo.
– Hậu báo là về sau lâu xa mới chịu quả báo.
Sự báo ứng cũng chính nơi mình hiện ra. Mỗi khi chúng ta tạo nghiệp lành hay dữ, mắt chúng ta thấy cảnh ấy, tai chúng ta nghe tiếng ấy, hạt giống lành dữ ấy đã rơi vào tàng thức chúng ta. Kẻ đối tượng bị chúng ta làm khổ vui cũng thế, do mắt thấy, tai nghe nên hạt giống biết ơn hay thù hằn đã rơi vào tàng thức của họ. Khi nào đó, cả hai gặp lại nhau thì hạt giống ân oán ấy trỗi dậy, khiến hai bên tạo thêm một lần nghiệp lành dữ nữa. Cứ thế tạo mãi khiến nghiệp càng ngày càng dầy, ân oán càng ngày càng lớn.
Là Phật tử thì phải sáng suốt nhận thấy sức mạnh của hành động và sự chi phối của ý thức vào hành động, có như thế mới hành động như Chánh pháp, nói năng như Chánh pháp.
Lại nhân dịp đọc Kinh Lời Vàng (tác giả Dương Tú Hạc – Dịch giả HT Thích Trí Nghiêm) trong chương 2 Phẩm 3 có nhắc đến những câu trích dẫn từ các bộ kinh lớn như Kinh Niết Bàn, Hoa Nghiêm, và kinh Lăng Nghiêm …người viết kính xin mạn bàn thêm những điều đã học về Nghiệp lực để chúng ta cùng tham khảo.
Và cũng kính xin được tha thứ cho căn cơ còn yếu kém, nên những điều cảm nhận của người viết sẽ khác xa với sự cảm nhận của các học giả tài danh, kính xin quý vị rộng lòng xem chơi cho biết và ban lời chỉ dạy… người viết xin thành tâm nhận đó là khuôn vàng thước ngọc.
Và xin được bắt đầu với những sưu tầm sau đây:
Tất cả chúng sanh đồng nương bốn đại mà thành, cho nên không có cái ta, và những vật sở hữu của cái ta. Nhưng, thảng hoặc có kẻ chịu khổ, có kẻ hưởng vui, và có tốt xấu, có quả báo hiện tại, quả báo hậu lai là tại sao?
Thời mới đáp như sau: tùy theo hành nghiệp của mỗi một chúng sanh mà cảm quả báo sai khác như thế. Chớ chẳng phải ai tạo tác cho, in như một hột giống nằm dưới ruộng mọc lên những cây lúa; như nhà huyển thuật hiện ra các hình sắc, như loài chim nở ra khỏi vỏ là có tiếng kêu.
Kinh Hoa Nghiêm
Ví như cát trong biển cả, nhiều không thể tính biết được; cũng như người tạo tác thiện ác họa phước, trước sau gây nên, nhiều không thể kể xiết. Nhưng đến khi mạng tận, thời làm ác phải sanh về chỗ khổ, mà làm lành sẽ sanh về chỗ vui; vì lành hay dữ đã điều có dự định nơi chỗ sẵn sàng trước vậy.
Kinh Bột
Vua Di Lan hỏi ngài Na Tiên: Người trong đời ai cũng có tứ chi đầy đủ: đầu mặt mắt tai và thân thể… nhưng sao có người sống lâu, có kẻ chết yểu, cho đến nhiều bệnh ít bệnh nghèo giàu cao thấp đẹp đẽ xấu xí; lại có người được người ta tin cậy, có người bị người ta nghi ngờ, có kẻ thông minh, có kẻ ngu muội. Tại sao có sự bất đồng như thế, thưa ngài?
Ngài Na Tiên đáp: ví như trái cây của các thứ cây, thứ cay, chua, thứ đắng, ngọt. Ngài hỏi lại nhà vua nó sai khác như thế, tại sao, tâu đại vương?
Vua đáp: vì trồng nhiều thứ cây khác nhau.
Ngài nói: cũng giống như người trồng cây kia. Bởi hành động tạo tác của mỗi người sai khác chẳng đồng, chẳng ai giống ai, cho nên mới có quả báo sai biệt như Đại Vương vừa kể trên. Và còn thêm nữa: ai cũng có cái miệng mà sao có kẻ nói ra tiếng, mà có người lại câm! Cho nên kinh Phật dạy: giàu sang, nghèo hèn, xấu tốt là đều do sự tạo tác của đời trước mà có, thời thiện ác tùy theo tự thân hình mà có được vậy.
Kinh Na Tiên Tỳ Kheo
Ta thường thấy: kẻ yêu nghiệp mà được hưởng phước, còn người hiền lành lại bị tai họa, sở dĩ có trái ngược như thế là vì quả báo thiện ác chưa đến ngày chín; chớ quả báo thiện ác đến ngày chín, thời kẻ ác phải chịu khổ, mà người thiện được hưởng vui.
Kia như đánh người bị người đánh lại; gây oán với người bị người oán lại, cho đến mắng chửi hay sân nộ với họ, thời bị họ phản ứng như thường.
Vì người đời không nghe biết Chánh pháp nên chưa hiểu lý nhân quả của ba đời ấy thôi. Mạng sống ta đây có được là bao! Mà gây ác làm chi, đừng khinh thường ác nhỏ cho là ít lỗi; giọt nước tuy ít chứa dồn đầy thùng; tội nhiều đầy nhẫy cũng do chứa từ ít mà thành. Cũng chớ coi thường chút lành cho là không phước, một giọt nước tuy ít mà chứa dồn đầy lu. Phước đức đến khi đầy đủ cũng nhờ chứa dồn từng mảy mún mà thành.
Kinh Pháp Cú
Cha làm chẳng lành, con chẳng thay chịu; con làm chẳng lành cha cũng chẳng chịu thay. Làm lành tự hưởng phước, làm dữ tự chịu ươn.
Kinh Nê Hoàn
Người làm thiện ác có bốn kẻ chứng biết: một trời, hai đất, ba người gần, bốn ý của ta.
Kinh Mạ Ý
Nếu ta làm nghiệp lành vì sức mạnh tự nhiên mà được hưởng nghiệp báo tốt, dầu cho có sức mạnh của nhà vua viện trợ đi nữa cũng chẳng bằng sức mạnh của nghiệp.
Luận Đại Trang Nghiêm Kinh
Ngài Ma Ha Nam bạch Phật rằng: Những lúc tôi gặp phải xe, ngựa, voi điên và người đánh lộn là khi ấy tôi mất tâm niệm Phật, không may lâm nạn bị chết thì sẽ sanh về cõi nào?
Đức Phật dạy: Lúc ấy không may thời ngươi vẫn được sanh về cõi lành, chứ chẳng sanh về ác thú đâu, ngươi đừng lo sợ. Ví như cái cây thường ngày nó nghiêng về hướng đông, nếu mà nó bị gãy thì quyết định nó ngã vế hướng đông. Người lành cũng như thế, nếu khi thân chết nhờ sức hun đúc ý thức lành đã nhiều ngày từ trước như kính tin trì giới, học hỏi, bố thí và trí huệ chắc được lợi ích mà sanh lên trời.
Luận Tà Trí
Muốn biết nhơn đời trước, cứ xem hưởng thọ quả ngày nay, muốn biết quả đời sau, cứ xem gây nhơn ngày nay.
Kinh Nhân Quả
Đức Phật dạy các đệ tử rằng: Đời có 4 hạng người:
1. Trước khổ sau vui
2. Trước vui sau khổ
3. Trước sau đều khổ
4. Trước sau đều vui
Hạng người thứ nhất là sanh vào trong gia tộc ti tiện sát nhơn mà biết thọ giáo tu pháp lành, ăn năn sám hối cải ác tu thiện. Hạng người thứ hai là sanh vào trong giòng hào tộc, vua chúa mà chẳng biết thụ giáo tu thiện gì cả, sẽ phải sanh vào ác thú. Hạng người thứ ba là sanh vào trong nhà nghèo hèn mà cũng chẳng biết tu phước làm thiện gì cả cũng sẽ sanh vào ác thú. Và hạng người thứ tư là sanh vào nhà giàu sang mà biết tu thiện là hạng người sẽ được sanh lên trời.
Kinh Tăng Nhứt A Hàm
Lời kết:
Muốn tâm ý luôn luôn hướng dẫn hành động một cách tốt đẹp thì mỗi người Phật tử phải thường xuyên áp dụng ba đức tính Từ bi, Trí tuệ và Hùng lực.
Đức tính Từ bi để tiêu diệt sự tàn ác, gian hùng, ích kỳ tự lợi và bắt buộc chính mình luôn luôn hướng tới hạnh phúc chung của mọi người.
Đức tính Trí tuệ để tiêu diệt tà kiến, mê lầm và rèn luyện tâm trí hằng được sáng suốt, hành động và nói năng hợp lý.
Đức tính Hùng lực để tiêu diệt sự rụt rè, hèn nhát, ngược lại thúc đẩy chúng ta hành động quả cảm đúng đắn để giúp đời.
Nếu mỗi ngày chúng ta đều gieo vào tàng thức những hạt giống vui tươi, đến khi thân này sắp hoại, chúng ta không còn đủ nghị lực làm chủ, những hình ảnh vui tươi ấy sẽ hiện đến với chúng ta, mời chúng ta đến cảnh vui tươi.
Ngược lại, mỗi ngày chúng ta cứ gieo rắc khổ đau cho người, những hạt giống khổ đau chứa đầy trong tàng thức chúng ta, đến khi hơi tàn, lực tận những hình ảnh đó sống dậy, đuổi bắt đánh đập chúng ta, khiến chúng ta phải chạy chui vào cảnh khổ.
Ðó là nghiệp báo khổ vui của mai kia. Nghiệp báo không phải từ đâu đến, mà chính từ tàng thức chúng ta hiện ra.
Và phải chăng tuy Nghiệp lực không có hình tướng, nên không có thể trông thấy được, nhưng nó có một tác dụng vô cùng mãnh liệt.
Lấy thí dụ điện lực, tuy không trông thấy được hình dáng ở đâu và như thế nào, nhưng khi đã đủ điều kiện thì nó phát sinh ra nào là ánh sáng, sức nóng, hơi lạnh với sức mạnh vô cùng.
Cũng tương tự, nghiệp lực thúc đẩy con người ta cũng theo nhiều trạng huống: người này thích hoàn cảnh này, người kia thích hoàn cảnh nọ… Nó là nòng cốt của mọi tư tưởng, mọi lời nói, mọi việc làm.
Nghiệp không chỉ có sức mạnh mà còn tồn tại dai dẳng, không bao giờ chấm dứt, nếu chưa giác ngộ được.
Điều này cũng rất dễ hiểu: có nghiệp nhân thì tất có nghiệp quả, nghiệp quả khi đã phát hiện thì lại làm nhân cho nghiệp quả sau, cứ xoay vần như thế mãi, như một bánh xe lăn xuống dốc, sức đẩy của vòng thứ nhất làm nhân cho vòng lăn thứ hai, sức đẩy của vòng lăn thứ hai làm nhân cho vòng lăn thứ ba và cứ tiếp tục như thế mãi cho đến bao giờ hết dốc mới dừng nghỉ
Và bất cứ người học Phật nào cũng được biết rằng chính Ái dục (Tanha) – đi liền với Vô Minh – là một nguyên nhân khác tạo duyên sanh ra Nghiệp. Chính Vô Minh và Ái Dục là cội rễ của mọi tội ác.
Ngày nào chúng ta chưa tận diệt được vô minh và ái dục thì ngày đó chúng ta vẫn còn trong tam giới vì vẫn còn tạo nghiệp.
Hãy lắng nghe tâm mình một cách sâu sắc
Đang từng giờ từng phút mách bảo rằng
Nghiệp nhân thế nào quả báo xử phân
Hạnh phúc, khổ đau do tự mình quyết định
Tham sống, luyến ái luôn là ước vọng thầm kín
Là mầm kéo lôi thọ sanh… luân hồi
Nhưng chúng ta hoàn toàn tự do…
… để chuyển hoá nghiệp thôi.
Vì Nghiệp báo không phải là tiền định, số mệnh!
Tâm thức ta…
mỗi khi có cơ hội sẵn sàng phát hiện
Phàm, thánh đều do cảm giác tâm linh
Thói quen… khiến cho tập khí phát sinh
Muốn chuyển hoá nghiệp… Tâm cần điều phục!
Này bạn hỡi lãnh trách nhiệm…
… khả năng giác quan thu thúc !
Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi
Phá tan mọi kiết sử ôm chặt kéo ghì
Sẽ am hiểu thực tướng vạn pháp… Như Thị,
Dòng nghiệp lực sẽ không còn huyền bí !
Ta điều khiển mọi nhận thức, hành vi… ( thơ Huệ Hương )
Khi trong kho tàng thức còn chứa chủng tử thì sự huân khởi không thể nghĩ bàn. Vì thế nó có sức mạnh lôi kéo chúng ta đi thọ sanh trong lục đạo không có ngày dừng. Thế nên, nói đến nghiệp báo là nói đến sự luân hồi sanh tử.
Trong sự báo ứng của Nghiệp, Tâm là yếu tố tối quan trọng. Tất cả những việc làm, lời nói và tư tưởng đều do Tâm ảnh hưởng, khi không điều phục được Tâm tất nhiên chúng ta khó thể kiềm chế được hành động, lời nói và tư tưởng vậy.
Có nghĩa là những người có đạo Tâm sẽ không tạo Nghiệp vì các Ngài ( chư vị Bồ Tát, A la Hán ) đã am hiểu tận tường thực tướng của vạn pháp nên đã phá tan mọi kiết sử trói buộc chúng sanh trong vòng luân hồi, những chuỗi dài của nhân và quả từ quá khứ, hiện tại, vị lai.
Khả năng giác tỉnh của con người có thể giải thoát tất cả các lậu hoặc ngay trong đời sống hiện tại. Mỗi con người tự nhận lãnh trách nhiệm của mình trong suốt quá trình tu tập giải thoát.
Nhận diện được nghiệp dẫn trong giáo lý sâu mầu của đạo Phật, có nghĩa là giúp chúng ta điều chỉnh được những hành vi xấu ác để hướng đến sự cao thượng hơn. Đó là mục đích mà giáo lý đạo Phật hướng tới và đem lại hạnh phúc an lành cho con người và muôn loài.
Kính trân trọng,
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Huệ Hương