Thử tìm hiểu 8 bài kệ trong bài kinh “Hang Động” còn gọi là Ưu Điền Vương Kinh.
Lời nói đầu:
Từ lâu ta đã được nghe từ Đức Phật dạy: “Ít ham muốn, bằng lòng với một nếp sống giản dị và lành mạnh để có thì giờ sống sâu sắc từng phút giây của sự sống hàng ngày, có khả năng hiểu biết, thương yêu, chăm sóc và làm hạnh phúc cho những người chung quanh, đó là bí quyết của hạnh phúc chân thật”.
Theo đó quan điểm Phật giáo có nghĩa là “Đi đôi với thỏa mãn và tham dục, cái tâm tìm cầu theo chỗ đòi hỏi được thỏa mãn làm nhân cho sự tái sinh”.. vì sao vậy ? Chính vì phát tâm mong cầu mà tìm kiếm sự thỏa mãn và vì không được thỏa mãn nên cứ gắng sức tìm cầu mãi cho đến vô cùng, đó là cái nhân dẫn đến luân hồi sanh tử.
Tìm thấy trong Việt Nam tự điển: “Dục là muốn, lòng tham muốn riêng của mình”.
Nhân đọc được trọn bộ sách “ĐẠO BỤT NGUYÊN CHẤT – KINH NGHĨA TÚC” đó HT Thích Nhất Hạnh giảng tai Đạo Tràng Mai Thôn 2011, người viết thấy từ lúc ban đầu, kinh điển đã thật ảo diệu quá đủ rồi. Chỉ cần học thuộc 8 bài kệ này thôi cũng giúp ta tìm thấy chân lý trong cuộc sống .
Kính mời các bạn cùng xem và chiêm nghiệm mà trong đó kết cục đại ý của bài kinh muốn nhắn nhủ rằng “ BẤT KỲ MỘT AI BỊ NHỐT VÀO HANG ĐỘNG NGŨ DỤC SẼ KHÔNG BAO GIỜ TÌM THẤY RA ĐƯỢC CON ĐƯỜNG CHÁNH ĐẠO THÊNH THANG ” vì Ham Muốn là hang động giam hãm con người, là nguồn gốc của luân hồi sinh tử là sợi giây trói buộc làm cho con người mất hết tự do.
Kinh Hang Động Ái Dục
(Ưu Điền Vương Kinh) Nghĩa Túc Kinh, kinh thứ nhì, Đại Tạng Tân Tu 198tương đương với Guhatthaka Sutta, Sutta-Nipàta 772-779 nằm trong chương bốn của Kinh Tập 1 trong số 15 kinh Tiểu Bộ.
Sutta-Nipatà là kinh thứ 5, trong 15 kinh thuộc Bộ Khuddaka Nipàta tức là Tiểu Bộ Kinh do Giáo Sư Trần Phương Lan dịch và được HT Thích Minh Châu viết lời giới thiệu.
Bối Cảnh
Kinh này tên là kinh Ưu Điền Vương (Phạn dịch là Udayana hay Udena). Khung cảnh dựng lên: Vua này đi chơi núi với các cung nữ. Trên núi có một vị khất sĩ sống khổ hạnh trong một cái động đá, tóc tai ra dài, áo quần tơi tả. Một cô cung nữ thấy thế sợ hãi la lên rằng có quỷ. Vua giận dữ muốn trừng phạt vị khất sĩ. Có một vị thiên giả muốn cứu mạng cho vị khất sĩ mới biến thành một con gấu lớn đi tới, vua phải bỏ chạy. Vị khất sĩ thoát chết về bạch lại với Bụt. Bụt kể chuyện tiền thân: trong kiếp trước vị khất sĩ đã làm gì đó cho nên nay mới suýt bị nạn và Bụt dạy kinh này.
Bài kinh gồm 8 câu kệ và có 3 hình ảnh rất sống động trong kinh này, đó là hình ảnh của:
1- một cơn lũ lụt, tượng trưng cho tham dục, kéo ta đi;
2- hình ảnh của một con cá thiếu nước, tượng trưng cho khổ đau và hệ lụy
3- hình ảnh của một mũi tên cắm vào thân thể, tượng trưng cho tham dục.
Sau đây là 8 bài kệ và đại ý được diễn dịch
Bài kệ 1
Hệ xá đa sở nguyện
Trú kỳ tà sở giá
Dĩ già viễn chánh đạo
Dục niệm nan khả tuệ
Bị nhốt vào cái hang động của đủ thứ ham muốn, bị tri giác sai lầm của mình che lấp, người ta đi tách ra khỏi con đường chánh đạo. Cái nhớ tưởng về dục vọng của mình làm cho mình khó có cơ hội thành tựu được tuệ giác.
Bài kệ 2
Tọa khả hệ bào thai
Hệ sắc kiên tuy giải
Bất quán khứ lai pháp
Tuệ thị diệc đoạn bổ
Vướng vào vòng sắc dục là vướng vào vòng sinh tử. Một khi sợi dây sắc dục đã cột vào kiên cố quá thì khó có thể tháo gỡ ra. Nếu không biết quán chiếu cái tới và cái đi của các pháp, nếu không thành tựu được tuệ giác thì không thể nào chặt đứt được gốc rễ của tham dục.
Bài kệ 3
Tham dục dĩ si manh
Bất tri tà lợi tăng
Tọa dục bị thống bi
Tùng thị đương hà y
Tham dục được phát sinh từ mù quáng và si mê. Người ta không biết rằng chạy theo tham dục thì cái mê lầm của mình càng ngày càng lớn, rằng sống trong tham dục thì phải gánh chịu nhiều thống khổ và bi ai, và trong khi chịu đựng, người ta chẳng biết phải nương tựa vào đâu cho bớt khổ.
Bài kệ 4
Nhân sanh đương giác thị
Thế tà nan khả y
Xả chánh bất trước niệm
Mạng đoản tử thậm cận
Con người phải thức tỉnh và trở về với giây phút hiện tại. Phải thấy rằng thế gian đang sống trong mê lầm, ta không thể nương tựa vào cấu trúc của thế gian và đi theo cái đà của nó. Phải quán niệm về buông bỏ, về sự trở về với con đường chính, về sự thoát ly vướng mắc. Phải nhớ mạng sống là ngắn ngủi và quán chiếu cái chết gần kề.
Bài kệ 5
Triển chuyển thị thế khổ
Sanh tử dục khê lưu
Tử thời nãi niệm oán
Tùng dục để thai cực
Cuộc đời đi từ khổ đau này đến khổ đau khác, cái ham muốn trong cõi sinh tử đang lan tràn như một cơn lũ lụt. Khi cái chết đến, oán thù và sợ hãi phát sinh, và năng lượng của cái dục ấy sẽ kéo ta đi luân hồi.
Bài kệ 6
Tự khả thọ thống thân
Lưu đoạn thiểu thủy ngư
Dĩ kiến đoạn thân khả
Tam thế phục hà tăng
Người đang nhận chịu khổ đau cảm thấy mình như một con cá thiếu nước, dòng nước chảy vào hồ đã bị cắt đứt. Thấy như thế là có thể dừng lại được và sẽ không còn có khuynh hướng muốn đi về trong ba cõi.
Bài kệ 7
Lực dục ư lưỡng diện
Bỉ khả giác mạc trước
Mạc hành sở tự oán
Kiến văn mạc tự ô
Đừng bị kẹt vào một trong hai cực đoan. Những gì mà ta tiếp xúc nếu biết là chúng có tính cách nguy hại thì ta phải quyết tâm buông bỏ, đừng vướng víu. Đừng làm một điều gì để sau này ta sẽ oán trách chính ta. Phải biết từ khước nhìn và nghe những gì có thể làm cho tự thân ta ô nhiễm.
Bài kệ 8
Giác tưởng quán độ hải
Hữu ngã tôn bất kế
Lực hành bạt tiêm xuất
Trí sử nãi vô nghi
Phải sử dụng những giáo pháp của đạo giác ngộ để quán chiếu và vượt qua biển khổ. Vị mâu ni buông bỏ những lo toan, trau chuốt cho cái ngã và tu tập tinh chuyên để nhổ cho được mũi tên tham dục ra khỏi thân mình. Làm như thế vị ấy đạt được tới chỗ không còn nghi nan.
Lời kết:
Con người chỉ tìm cách chuyển hoá để làm chủ những năng lực ở ngoại giới mà chưa kiểm soát được năng lực ở bên trong. Đó là năng lực của Dục Vọng.
Lòng tham dục của con người chưa bao giờ ngừng nghỉ chính vì vậy mà Ta đang sống trong cõi Dục.
Lòng ham muốn càng mạnh thì chấp ngã, chấp thủ càng mạnh. Đây chính là động cơ, là nghiệp lực dẫn đến tái sinh từ đời này sang đời khác. Như vậy, cội rễ của mọi tệ nạn xã hội trộm cướp, chiến tranh… đều xuất phát từ lòng tham lam hay ái dục. Ô nhiễm môi trường, ô nhiễm xã hội bắt nguồn từ nội tâm con người bị ô nhiễm. Và đó chính là nguồn gốc gây ra mọi phiền não khổ đau cho con người trong cuộc sống.
Ta thường được dạy rằng: khi nào chuyển hoá được năng lực của Tâm nghĩa là chuyển được THAM, SÂN, SI thành GIỚI, ĐỊNH, TUỆ ….Đây cũng là phương pháp chuyển hoá sự Khổ đau hay nói một cách khác “Nếu muốn hết Khổ cần phải chuyển hoá năng lực tâm linh”.
Người viết đã phối hợp lời dạy về Cảm Thọ từ Đệ nhất Trí Tuệ ngài Xá Lợi Phất đã dạy rằng: “Không có cảm thọ mới chính thực là Hạnh Phúc”.
Ta sẽ hiểu rằng “Nếu không có cảm thọ thì không có KHỔ”. Vì sao vậy? Vì Cảm thọ là Nhận vào, thu nạp một cảm giác từ Cái Tôi hiện hữu hoặc Của Tôi.
Trong kinh Đại Bát Nhã, Đức Phật đã dạy: Cái Thọ nơi phàm phu là “ Thu nạp (nhận lãnh vào mình) những thăng trầm từ cảnh trần do vậy Tâm luôn bị dao động ”. Người phàm phu chỉ nhạy cảm đối với những gì Của Tôi và Tôi nên cảm thọ của họ hết sức hạn chế và dễ gây đau khổ cho mình và người.
Còn cảm thọ có nghĩa là còn sự chưa thỏa mãn. Do vậy HT Thích Nhất Hạnh đã đề nghị một trong những phương pháp thực tập là TRÁNH NHÌN và TRÁNH NGHE những gì có thể tưới tẩm hạt giống tham dục trong ta.
Phương pháp khác là quán chiếu cái tới và cái đi của các pháp.
Phương pháp thứ ba là thực tập con đường trung đạo, đừng bị kẹt vào một trong hai cực đoan, hoặc kham khổ quá, hoặc hưởng thụ nhiều.
Thiếu ý thức và tham đắm dục lạc, con người lại lao vào vòng xoáy của ngũ dục, những lối sống xa hoa truỵ lạc.
Tham đắm dục lạc không chỉ riêng ở năm loại là: tài, sắc, danh, thực, thùy mà nó bàng bạc khắp không gian và thời gian, chi phối cả thân thể lẫn tâm hồn của con người.
Sự biểu hiện của tham đắm dục lạc rất đa dạng, rất phong phú. Nó là chiếc bóng có mặt trong cách nghĩ, cách làm của mỗi con người, luôn chi phối chúng sanh trong lục đạo. Phật dạy:
“Người đắm say ái dục,
Tự lao mình xuống dòng,
Như nhện sa lưới dệt…”
Hạnh phúc chỉ có mặt trên thế giới này khi và chỉ khi con người vứt bỏ được những nhu cầu thái quá thuộc ham muốn cá nhân. Ham muốn nhiều thì vất vả, khổ sở nhiều. Đó là quy luật. Con người cứ tưởng rằng họ đạt được nhiều tiền bạc hay địa vị cao là họ thỏa mãn, họ có hạnh phúc. Nhưng thực tế thì vui ít, hạnh phúc ít mà buồn sầu đau khổ thì nhiều. Cuối cùng con người cũng nhận ra chân lý đơn giản này khi họ buộc phải từ bỏ tất cả, như khi chết chẳng hạn…
Nỗi đau khổ của cuộc đời giống như nồi nước đang sôi, ngọn lửa làm cho nước sôi là ngọn lửa tham dục. Ngọn lửa càng lớn, nước càng sôi và càng cạn kiệt.
Cũng như cuộc sống này bao gồm ngày và đêm, sống và chết, hạnh phúc và khổ đau. Người trưởng thành phải là người nhận thức được cả hai mặt này của cuộc sống. Nếu bạn luôn hạnh phúc, bạn không nhận ra mình hạnh phúc cho đến khi niềm hạnh phúc vụt khỏi tầm tay, đau khổ bủa vây lấy bạn, bạn mới nhận ra hạnh phúc là như thế nào.
Thật ra những tình huống của cuộc đời chỉ là cơ hội giúp mình nhận diện được cái Ngã vô minh ái dục, còn bản thân những tình huống bất khả …đó chỉ là hiện tượng, là vô thường, khổ, vô ngã . Hãy chấp nhận bất khả, không trốn chạy, không đối kháng mà chỉ thấy được mọi sự ở đời đều có lý do tồn tại của nó.
Kính trân trọng
Si mê, tham ái khiến con người không nhận thức
Hậu quả tai hại do mình tự tạo ra
Nào có điểm dừng với ảo ảnh xa hoa
Không bao giờ thỏa mãn khi dục đang chinh phục
Kìa…tranh đấu quyết liệt chỉ để giành giật
Bảo lòng ngự trị …đổ vỡ chia ly
Tham, sân, si điều khiển ý tưởng hành vi
Bị trói buộc …giá trị đạo đức suy thoái,
Y
Ham muốn … Ôi ! Năng lực mi quá mạnh, tinh quái !
Luôn ngủ ngầm trong tất cả mọi người
Cội nguồn của bao bất hạnh trong đời
Là nghiệp lực dẫn tái sinh luân hồi sanh tử
Kính mời xem kinh Hang Động …suy tư tháo gỡ !!!
Huệ Hương