Thời Thế Tôn, nhiệm vụ trọng yếu của một Tỳ-kheo là tu học, khất thực và thuyết pháp. Cốt tủy của nội dung tu học là thiền định (tu) và nghe pháp (học). Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe pháp từ kim khẩu của Thế Tôn, nghe pháp từ chư vị Trưởng lão trong các hội chúng. Sau đó các Tỳ-kheo thường tụng đọc lại nội dung pháp thoại đã được nghe cho đến khi thuộc lòng.
Không chỉ các Tỳ-kheo, hàng Phật tử tại gia cũng luôn được Thế Tôn khuyến khích siêng năng nghe pháp. Các Phật tử có thể đến tinh xá vào buổi chiều để nghe Thế Tôn hoặc các vị Trưởng lão thuyết pháp. Mỗi sáng, sau khi dâng cúng thực phẩm, các Phật tử được nghe lời chúc phúc hay một pháp thoại ngắn từ các Tỳ-kheo đang trì bình khất thực.
Nhìn chung, hoạt động nghe pháp và thuyết pháp liên tục được diễn ra trong bốn chúng đệ tử Phật. Mỗi Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ đều tham gia nghe pháp và thuyết pháp. Quan trọng nhất là nghe pháp: Nghe để hiểu giáo pháp (văn), hiểu rồi thì suy ngẫm cho thấu triệt giáo pháp (tư), cuối cùng là ứng dụng giáo pháp vào trong đời sống hàng ngày (tu). Vì thế, tùy thời nghe pháp luôn được tán thán và khích lệ.
“Một thời, Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Tùy thời nghe pháp có năm công đức. Tùy thời lãnh thọ chẳng mất thứ lớp. Thế nào là năm? Điều chưa từng nghe sẽ được nghe; điều đã được nghe, đọc tụng lần nữa; cái thấy không bị tà, lệch; không có hồ nghi; liền hiểu nghĩa thậm thâm.
Tùy thời nghe pháp có năm công đức. Thế nên các Tỳ-kheo nên tìm phương tiện tùy thời nghe pháp. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỷ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm Thính pháp,
VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.385)
“Tùy thời nghe pháp có năm công đức”. Công đức đầu tiên của nghe pháp là nghe được điều chưa từng nghe. “Tu không học là tu mù” nên cần có pháp học để hỗ trợ cho pháp hành. Trong đạo Phật, mọi người đều phải học pháp, học liên tục, học trọn đời, học cho đến khi nào đạt đến bậc “vô học” mới thôi.
Cũng không nên ỷ lại, đã nghe pháp thoại ấy rồi nên không cần nghe nữa. Chúng ta không phải thần đồng hay thông thái, nghe xong pháp thoại liền nhớ, mà cần nghe đi nghe lại nhiều lần. Người học Phật cần nghe pháp cho đến khi “thâm nhập kinh tạng”, khiến cho giáo pháp trở thành máu thịt, làm một với mình.
Quan trọng nhất là nhờ nghe pháp mà thành tựu “cái thấy không bị tà, lệch”. Thời Thế Tôn, có một số vị nghe pháp loáng thoáng nên thuyết pháp và tu học theo chủ kiến của mình, không đúng với giáo pháp. Những vị này đã bị Thế Tôn khiển trách rất nặng nề. Và ngày nay, có không ít người là đệ tử Phật nhưng vì ít học hoặc có học mà chưa thấu đáo nên không nhận thức đúng về giáo pháp. Cái thấy, nhận thức về giáo pháp mà bị tà lệch thì chắc chắn không thể nào thực hành đúng lời Phật dạy.
Khi đã thấu triệt về giáo pháp rồi, “con đã thấy con đường đi” rồi thì chắc chắn không còn chút nghi ngờ, lung lạc. Người tin Phật mà chưa hiểu hoặc không hiểu giáo pháp thì dễ dàng bị thối thất trên đường đạo. Nhờ hiểu đúng và sâu sắc giáo pháp nên chắc chắn tin tưởng, tuyệt không chút nghi ngờ.
Pháp của Thế Tôn nói ra từ sự chứng ngộ của Ngài, nên không phải pháp nào nghe qua cũng hiểu rõ. Nên pháp học cần kết hợp với pháp hành, hành xong mới hiểu được sự thậm thâm vi diệu của giáo pháp.
Ngày nay, tuy hoạt động thuyết pháp và nghe pháp vẫn được duy trì trong nội dung tu học của bốn chúng đệ tử Phật nhưng có thể chưa đúng mức và không mấy phổ biến nên chúng ta chưa thực sự hưởng được trọn vẹn năm công đức này. Đây cũng là điều đáng suy ngẫm của những người làm công tác hoằng pháp cũng như tất cả các đệ tử Phật.
Quảng Tánh theo giacngo.vn