Câu Đối Ngày Tết

Vốn là một sản phẩm của nền Hán học nhưng khi nền Hán học cáo chung thì chơi câu đồi vẫn là một thú chơi tao nhã. Ngày xưa mỗi độ xuân về, nhà nhà chưng câu đối. Bậc thức giả thì câu đối đầy ý nghĩa thâm sâu, điển cố xa xưa Người bình dân thì câu đối giản đơn hơn, gần guĩ đời sống hàng ngày hơn; chung quy cũng là chúc phúc, cầu may mắn…

Những năm gần đây phong trào viết thư pháp, chơi câu đối có vẻ phát khởi khá nhộn nhịp. Tuy nhiên bây giờ không còn nhiều người biết chữ Hán nên viết bằng chữ Việt. Có khá nhiều lời khen, chê nhưng dù gì đi nữa đây cũng là một cái thú tao nhã, thanh lịch làm phong phú thêm đời sống văn hoá vậy!

Chuyện kể rằng, một năm nọ vào buổi sáng Nguyên Đán vua Lê Thánh Tôn cùng vài cận thần bất ngờ viếng thăm một ngôi chùa ở kinh thành. Hoà thượng trụ trì đang tụng kinh, thấy vua đến bất chợt nên luống cuống đánh rơi duì. Sứ giả nhanh chóng nhặt lấy đưa nhà sư. Vua Lê hứng khởi liền ra vế đối

ĐƯỜNG THƯỢNG TỤNG KINH SƯ SỬ SỨ

Một lát sau vẫn chưa thấy ai đối, chỉ thấy Trạng Lương Thế Vinh ra ngoài sân giả vờ lảo đảo say. Vua hoỉ:” Sao khanh không đối mà làm điệu bộ quái lạ thế ?” Trạng thưa: Thần đối rồi đấy!” Vua laị hoỉ :” Ta vẫn không hiểu.” Trạng bèn đọc:

ĐÌNH TIỀN TUÝ TỬU PHỤ PHÙ PHU

Moị người cười giòn vỗ tay tán thưởng. Cũng vào một sáng xuân, tại kinh đô Phú Xuân quần thần và hoàng gia vào chúc phúc vua, hôm ấy có cả sứ giả phương Bắc. Minh Mạng hứng khởi ra vế đối :

BẮC SỨ LAI TRIỀU

Chưa có ai đối kịp thì Thái tử Hồng Bảo nhanh nhảu đối:

TÂY SƠN PHỤC QUỐC

Câu đối chỉnh nhưng làm cả triều đình bàng hoàng. Thái tử vô tình phạm lỗi chết người. Vua giận dữ thét lên :

Tây Sơn phục quốc thì đất đâu cho mày làm vua?

Sau này Thái tử bị truất ngôi âu cũng một phần từ câu đối tai haị này!

Có một đôi câu đối rất quen thuộc cho ngày tết , nhiều người biết, nhiều nhà treo:

THIÊN THIÊM TUẾ NGUYỆT NHÂN THIÊM THỌ

XUÂN MÃN CÀN KHÔN PHÚC MÃN ĐƯỜNG

Thật hay, thật đẹp, đầy đủ ý nghĩa… Lời chúc đầy đủ thọ, phúc… không khí xuân tràn cả đất trời, nhưng có một chút “cà chớn ” sâu xa: Nếu đem hai chữ cuối ghép laị: THỌ ĐƯỜNG thì một cỗ quan tài, ngày tết mà chúc thế naỳ thì chết!

Những năm thời bao cấp, đời sống vô cùng khốn khó, ” gạo châu củi quế”… Những người làm nghề giáo thì còn khốn khổ hơn, vì thế có người viết tức cảnh sinh tình viết như sau:

TỐI BA MƯƠI THẦY GIÁO THÁO GIÀY RA CHỢ BÁN

SÁNG MỒNG MỘT GIÁO CHỨC DỨT CHÁO ĐỢI NGƯỜI MUA

Có hai câu đối mà hầu như mọi người đều biết, có thể nói rất “kinh điển”, rất tiêu biểu cho mùa xuân, ngày tết:

THỊT MỠ DƯA HÀNH CÂU ĐỐI ĐỎ

CÂY NÊU TRÀNG PHÁO BÁNH CHƯNG XANH

Hoặc là:

ĐÌ ĐẸT NGOÀI SÂN TRÀNG PHÁO CHUỘT

OM THÒM TRÊN VÁCH BỨC TRANH GÀ

Mùa xuân đang ngấp nghé bên thềm, mùa xuân đem laị cái vui, cái mới, cái hy vọng cho cuộc đời. Mùa xuân là mùa của tuổi trẻ, của hy vọng. Mùa xuân dân tộc gắn liền với đạo Phật cả ngàn năm rồi, xuân dân tộc cũng còn gọi là xuân Di Lặc ( Ngày vía của ngài). Mùa xuân lên chùa lễ Phật, viếng tổ, tảo mộ, tưởng nhớ tổ tiên ông bà…Nếp sống bao đời nay của người Việt ta. Ngày xưa mỗi độ xuân về, dù là dân thị thành hay thôn quê; dù là người hay chữ hay người ít chữ…ai cũng đến thầy đồ xin cặp câu đối về treo trong nhà mừng ba ngày tết; cái nếp chưng câu đối, chơi câu đối vậy mà hay. Qua câu đối người ta có thể đoán biết gia chủ là hạng người nào trong xã hội.

Chuyện câu đối thì dài dài, tiểu tử cũng xin góp mặt mua vui thử viết hai cặp dâng tặng bạn đọc bốn phương.

NẰM NHÀ THÂN BỆNH HOẠN NGHĨ QUẨN QUANH NHỚ THƯƠNG NƯỚC

LY HƯƠNG NƯỚC NHIỄU NHƯƠNG TÍNH TỚI LUI NGÓNG TIN NHÀ

PHẬT NGỰ TOÀ SEN CẦM HOA SEN TRUYỀN TRAO CHÁNH PHÁP

SƯ TOẠ KIẾT GIÀ TỤNG LĂNG GIÀ TẾ ĐỘ QUẦN MANH

Xin mượn hai câu thơ của thi hào Nguyễn Du để kết thúc:

Lời quê chấp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh.

TIỂU LỤC THẦN PHONG – Ất Lăng thành, 
Theo thuvienhoasen

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.