Ðọc và hiểu Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh

Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh (Maha Prajnaparamita Hridaya Sutra), gọi tắt là Bát Nhã Tâm Kinh (Sutra du Coeur), là một trong những bài kinh phổ biến và quan trọng nhất của Phật giáo Ðại Thừa.Ðó là một bài kinh ngắn được tụng niệm thường xuyên tại các ngôi chùa Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam, Tây Tạng, v.v., dù là theo Thiền, Tịnh Ðộ hay Mật Tông. Người Phật tử Việt Nam không mấy ai không thuộc lòng câu “Sắc tức thị không, không tức thị sắc” của bài kinh, và “sắc không” đã trở thành từ nữg thông thường để diễn tả tinh thần siêu thoát của đạo Phật.

Nguồn gốc Tâm Kinh

Bát Nhã Tâm Kinh là một trong những bài kinh của bộ kinh lớnBát Nhã Ba La Mật Ða (Prajnaparamita Sutra).Ðó là một trong những bộ kinh đầu tiên của Phật giáo Ðại Thừa, xuất hiện tại Ấn Ðộ vào giữa thế kỷ thứ I trước CN và thế kỷ thứ I sau CN, và tiếp tục được bổ xung cho tới thế kỷ thứ IV sau CN. Toàn phần bộ kinh Bát Nhã Ba La Mật Ða gồm 40 bài kinh, dài ngắn khác nhau (từ 300 cho đến 100000 câu), tất cả in lại được 600 quyển ! Có những bài kinh còn lại dưới bản nguyên tác tiếng Phạn (sanskrit), nhưng đa số (trong đó có Bát Nhã Tâm Kinh) chỉ còn lại dưới bản dịch sang tiếng Trung Hoa và Tây Tạng.

Tác giả của những bài kinh này không biết là ai, hẳn là có nhiều tác giả vô danh (hay cố ý ẩn danh) viết trong những thời kỳ khác nhau. Một trong những quan niệm sai lầm cho rằng tác giả là ngàiLong Thụ, (hay Long Thọ, Nagarjuna), một trong những triết gia lớn nhất của Ấn Ðộ (khoảng thế kỷ thứ II – III sau CN). Thật ra, đối với bộ Kinh Bát Nhã Ba La Mật Ða, ngài Long Thụ chỉ là một nhà chú giải, bình luận chính yếu đã có công lớn làm sáng tỏ ý nghĩa của bộ kinh.

Bát Nhã Tâm Kinh là bài kinh ngắn gọn nhất trong bộ Kinh Bát Nhã Ba La Mật Ða, và cùng với một bài kinh khác cũng tương đối ngắn trong bộ Kinh Bát Nhã, là Kinh Kim Cương (hay Kim Cang, Vajracchedika Sutra), là hai bài kinh được lấy làm nền tảng cho tinh thần Thiền, tinh thần phá chấp của đạo Phật.

Bản Maha Prajnaparamita Hridaya Sutra tiếng Phạn được ngài Huyền Trang đời Ðường sang Ấn Ðộ thỉnh về, rồi dịch sang tiếng Trung Hoa năm 649, tại chùa Từ Ân.

Hiện nay, còn lại 2 bản Bát Nhã Tâm Kinh, một bản “dài” bằng tiếng Tây Tạng và một bản “ngắn” bằng tiếng Trung Hoa. Bản chúng ta vẫn thường dùng tại Việt Nam là bản “ngắn” bằng tiếng Hán (gồm có 260 chữ), gần đây đã được dịch sang tiếng Việt trong những nghi thức tụng niệm.

Ðọc và hiểu Tâm Kinh

Có thể nói rằngBát Nhã Tâm Kinh, bằng cách trình bầy một cách sáng sủa và ngắn gọn tánh Không (Shunyata), đã chứa đựng được cái thâm thúy, cốt tủy của tinh thần đạo Phật.Nhưng Không cũng là một trong những khái niệm cao thâm, khó hiểu nhất của đạo Phật. Nhất là khi khái niệm đó dùng để đả phá những khái niệm mà con người thường vướng mắc phải.

Hiểu lầm chữ Không cũng chẳng khác gì không biết đến chữ Không, có khi còn tệ hại hơn là khác. Tụng niệm thường xuyên và thuộc lòng Bát Nhã Tâm Kinh, mà không hiểu được chữ Không, chỉ vướng mắc ở những câu lạ lùng như “vô quái ngại cố”, “viễn ly điên đảo”, “vô hữu khủng bố”, hay câu thần chú ở cuối bài “Yết đế, yết đế…”, thì cũng chỉ là điều vô bổ mà thôi. Ðiều quan trọng là làm sao hiểu được cái ý nghĩa của bài kinh, cái tinh thần Bát Nhã mà đức Phật và các vị tổ sư kế tiếp ngài đã truyền đạt cho các thế hệ sau, qua khắp năm châu và hơn hai ngàn năm lịch sử.

Qua bài này, chúng ta sẽ cố gắng tìm hiểu thêm về Bát Nhã Tâm Kinh. Dựa lên bản kinh phổ biến nhất viết bằng chữ Hán, chúng ta sẽ dịch sang tiếng Việt và bình luận từng câu. Nếu cần, chúng ta sẽ thêm vào tiếng Pháp để làm sáng thêm tỏ ý nghĩa.

Dịch kinh Hán-Việt, và bình luận

1. “Maha Prajnaparamita Hridaya Sutra” (tên bài kinh)Maha= to lớn; Prajna= trí tuệ Bát Nhã; Paramita (Ba La Mật Ða) = tới bên bờ bên kia (tiếng Hán là “đáo bỉ ngạn”); Hridaya= tâm; Sutra = kinh.

Maha Prajnaparamita Hridaya Sutra có nghĩa là “bài kinh về cái tâm đạt được trí tuệ Bát Nhã đưa tới bên bờ bên kia”. Cũng có thể hiểu là “bài kinh cốt yếu” (“tâm” theo nghĩa trung tâm = central) về trí tuệBát Nhã, nhưng hiểu “tâm” theo nghĩa cái tâm của nhà Phật có lẽ đúng hơn. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này sau.

Tên bài kinh có thể giữ nguyên văn Phạn-Hán là : Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh”, hoặc là dịch theo Hán-Việt là “Ðại Trí Tuệ Siêu Việt Tâm Kinh”.

2. “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Ða, thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thế khổ ách”.

= “Bồ Tát Quán Tự Tại, sau khi nhìn sâu vào sự vật bằng trí tuệ Bát Nhã, liền thấy rõ rằng năm uẩn đều không, cho nên vượt qua khỏi mọi khổ ách”.

3. “Xá Lợi Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức, diệc phục như thị”.

= “Này, Xá Lợi Tử, sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc, sắc tức là không, không tức là sắc, thọ tưởng hành thức, cũng đều như vậy”.

Khung cảnh xuất hiện của hai câu đầu này có thể hiểu theo hai cách, tùy theo bản kinh “ngắn” hay bản kinh “dài” :

a) Theo cách hiểu thông thường, dựa lên bản kinh “ngắn” (phổ biến tại Trung Hoa, Việt Nam), thì đây là lời giảng của đức Phật Thích Cacho một đại đệ tử ngài là Xá Lợi Phất (Shariputra), sau khi lấy gương Bồ Tát Quán Tự Tại(cũng là một tên hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm, tiếng Phạn là Akita, là một tên hiệu của Avalokiteshvara), đã nhìn sâu vào sự vật bằng trí tuệBát Nhã, nên thấy rõ rằng năm uẩn đều không, và vượt qua khỏi mọi khổ ách…

b) Còn một cách hiểu thứ hai, dựa lên bản kinh “dài” (theo truyền thống Tây Tạng). Bản kinh này có thêm một đoạn đầu và một đoạn chót : “Bữa nọ, đức Phật Thích Ca cùng các vị Bồ Tát và các tỳ kheo tụ họp nhau ở trên nứi Linh Thứu. Trong khi đức Phật thiền định, thì Bồ Tát Quán Tự Tại, sau khi nhìn sâu vào sự vật bằng trí tuệ Bát Nhã, liền thấy rõ rằng năm uẩn đều không, nên giảng giải cho Xá Lợi Phất tánh Không của sự vật (…) Ðức Phật không nói một lời nào, và sau khi Bồ Tát Quán Tự Tại giảng xong, ngài xả thiền và nói : “Ðúng lắm ! Ðúng lắm ! Ta và các vị Bồ Tát hoàn toàn tán thành, và tán thán công đức của Bồ Tát Quán Tự Tại”. Tất cả nghe xong đều hoan hỉ và cúi mình đảnh lễ đức Phật và các vị Bồ Tát”.

Nhưng nếu hiểu như vậy, thì chúng ta có thể tự hỏi tại sao Bồ Tát Quán Tự Tại, là một nhân vật biểu tượng cho lòng từ bi, cứu khổ, lại giảng giải cho Xá Lợi Phất, một đại đệ tử của đức Phật nổi tiếng về thông minh và trí tuệ ?

Thật vậy, Xá Lợi Phất (Shariputra) là một đệ tử đặc biệt thông minh và thông thái của đức Phật. Chỉ 15 ngày sau khi theo hầu đức Phật, ngài đã đạt được giác ngộ, và theo lời của các đồng môn, “ngoài đức Thế Tôn ra, không ai có được một phần mười sáu trí tuệ củaXá Lợi Phất”. Ngài lại đặc biệt có tài tổ chức, nên được đức Phật trao cho trọng trách giảng huấn tăng đoàn. Ðáng lẽ ra ngài phải là người thay thế đức Phật để điều khiển phong trào, nhưng chẳng may ngài đã viên tịch trước đức Phật 6 tháng. Tuy vậy ảnh hưởng của ngài vẫn tiếp tục trên nhiều thế hệ tăng già, với một số đi theo đường lối của ngài (Thượng Tọa Bộ), và một số chống đối lại ngài (Ðại Chúng Bộ). Bởi vì trí tuệ của Xá Lợi Phất bị đánh giá là khô khan, lạnh lùng, thiên về lý trí.

Như vậy, chúng ta có thể hiểu được giá trị biểu tượng của bài giảng của Bồ Tát Quán Tự Tại, tượng trưng cho tinh thần từ bi, sự hiểu biết bằng trực giác (compréhension intuitive, directe), bằng “trái tim” (intelligence du coeur), cho Xá Lợi Phất, tượng trưng cho trí tuệ khô khan, dựa trên lý luận (intelligence analytique). Ý nghĩa của sự giảng dậy này là : không bao giờ trí tuệ khô khan, dựa trên lý luận, dù bén nhọn tới đâu chăng nữa, có thể đưa tới trí tuệ Bát Nhãsiêu việt, qua tới bên bờ bên kia, tức là giải thoát. Chỉ có cái nhìn sâu (compréhension profonde), bằng trực giác, bằng “trái tim”, mới đưa tới trí tuệBát Nhã, qua tới bên bờ bên kia. Ý nghĩa của chữ “tâm” trong Tâm Kinh cũng có thể hiểu được như vậy. Và chúng ta cũng không nên quên rằng Bát Nhã Tâm Kinh thuộc vào những bộ kinh Ðại Thừa, nên cũng không tránh khỏi thiên vị : nhân vật số một Ðại Thừa giảng giải cho nhân vật số một Tiểu Thừa, điều đó cũng không có gì là lạ…

Về nội dung, thì hai câu đầu này hết sức quan trọng, bởi vì vào đề đã nói ngay tới tính chất Không (Shunyata) của năm uẩn (khandha), là cái cốt tủy của bài kinh.

Nhắc lại là năm uẩn là : sắc (rupa, forme), thọ (vedana, sensations), tưởng (sanna, perception), hành (samkhara, volitions), thức (vinnana, conscience), là những cái gì mà họp nhau lại, tụ nhau lại (từ đó ra chữ agrégats) thành ra con người, thành ra cái ngã, cái ta. Nếu phân chia ra làm “thân” (corps) và “tâm” (esprit), (thật ra đạo Phật không có phân chia nhị đối như vậy), thì có thể nói một cách giản lược là sắc thuộc vào “thân”, và thọ, tưởng, hành, thức thuộc vào”tâm”. Ngày xưa, người ta cho rằng thân thể này là do tứ đại (đất, nước, gió, lửa) hợp thành; ngày nay, người ta biết rằng thân thể gồm có xương, thịt, da, đầu, bụng, tay chân, các bộ phận… muốn phân chia thế nào cũng được, cho tới mô, tế bào, phân tử, vừa phức tạp vừa liên đới với nhau.

Câu đầu nói rằng “Sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc”, đã làm cho chúng ta suy nghĩ rồi, nhưng câu sau lại nhấn mạnh thêm nữa : “sắc tức là không, không tức là sắc”. “Sắc = không, không = sắc”. Như vậy là quá rõ ràng rồi, không thể nào chối bỏ được khẳng định này. Nhưng vấn đề là khẳng định (affirmation) này cũng lại là một phủ định (négation). Nói rằng “sắc” là “không” cũng có nghĩa là “không có sắc”.

Nhưng nếu hiểu “không” là “không có”, thì lại có vấn đề. Người ta sẽ có thể bẻ lại rằng : rõ ràng “có” rành rành như vậy, mà làm sao lại bảo rằng “không”, rằng sắc là “không”, rằng thọ, tưởng, hành, thứccũng là “không” ? Vậy thì ai đang viết đây, ai đang đọc đây, ai đang suy nghĩ đây ?

Thật ra, nếu muốn làm sáng tỏ nghĩa chữ Không, thì chúng ta có hai cách :

1. Phải đặt lại ngay câu hỏi : “Không cái gì ?” (Vide de quoi ?). Bởi vì nếu bây giờ có một người cất tiếng nói lên : “Không”, và chỉ có một chữ “không” thôi (trước đó không có gì), thì dĩ nhiên chữ “không” đó không có một ý nghĩa nào. “Không” phải là không một cái gì, chứ không thể nào “không” trống không được. Vậy thì “không” bắt buộc phải là không một cái gì, và “cái gì” đó chúng ta sẽ đề cập tới sau.

2. Muốn hiểu chữ Không thì phải bắt đầu bằng chữ “có”. Quan niệm rằng mọi hiện tượng (phénomènes) (danh từ Phật là “pháp”, dharma) đều có thật, gọi là “tánh hữu”. Ðó là quan niệm thông thường nhất. Người ta thường tin rằng mọi hiện tượng, mọi sự vật chung quanh cũng như chính bản thân mình, là có thật (réel), là có tự tánh (nature propre), là cố định (fixe), bất di bất dịch (stable, inchangé), là một thực thể biệt lập so với những hiện tượng khác (distinct, indépendant). Rồi từ đó chấp (s’attacher) vào cái “có” (tức là “chấp hữu”), rồi vướng mắc, khổ đau triền miên…

Trong khi đó, theo tinh thần Bát Nhã, thì mọi hiện tượng trên thế gian (trong đó có chính mình) đều có “tánh Không”, nghĩa là không có thật, không có tự tánh, không cố định, luôn luôn chuyển đổi, và đều do duyên hợp thành. Không có hiện tượng nào có thể tách biệt riêng rẽ ra khỏi các hiện tượng khác, tất cả đều liên đới mật thiết với nhau.

Nguồn gốc Phạn của chữ Không cũng giúp chúng ta hiểu thêm về khái niệm này. “Shunyata” = tánh Không (vacuité), “shunya” = không (vide), là từ chữ “svi” (= làm căng phồng lên) mà ra. Cái gì căng phồng lên thì bên trong thường trống rỗng. Chẳng hạn như cái “ta”, trông vẻ ngoài như căng phồng lên, “gồ ghề” lắm, do năm uẩn tạo thành, nhưng thật ra trống rỗng bên trong. Không có gì là cái “ta” ở giữa.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là không có gì hết. Ðiều lầm lẫn lớn nhất hay gặp phải là hiểu Không là không có gì hết, là hư vô (néant). Chính vì hiểu sai lầm Không là không có gì hết, là hư vô, cho nên người ta mới gán cho đạo Phật là một chủ thuyết hư vô (nihilisme). Người Tây phương thường dịch chữ Không là “vide” hay “vacuité”, và thường dịch câu đầu của”Sutra du Coeur” là “La forme est le vide, et le vide est la forme”. Thiết tưởng nên dùng danh từ “vacuité” hơn, bởi vì danh từ “vide” (vừa là tĩnh từ) thường làm người ta hiểu lầm là không có gì, là hư không. Trong khi đó, “vacuité” là một cái gì tế nhị hơn, có thể gợi nên tính chất không có tự tánh, không cố định, không biệt lập, không có thật. Trong nghệ thuật Thiền, người ta hay vẽ một vòng tròn để diễn tả cái Không, nhưng phải hiểu đó là Không, chứ không nên hiểu là con số không, hay không có gì hết.

Như vậy thì giáo lý vô thường (anicca), vô ngã (anatta), duyên khởi (paticca-samuppada) của đạo Phật đều nằm gọn trong một chữ Không!

Tính chất không cố định, không thường còn của năm uẩn chính là vô thường, tính chất không có tự tánh, không là thực thể biệt lập, mà luôn luôn tương hữu với nhau (thiền sư Nhất Hạnh gọi là inter-être) chính là vô ngã, là duyên khởi. Vô thường, vô ngã liên quan mật thiết với nhau, chỉ cần một chữ Không cũng đủ diễn tả được điều đó. Xét cho cùng, nguồn gốc của tánh Không đã có từ giáo lý nguyên thủy của đức Phật, nhưng chỉ được phát huy một cách toàn diện với sự xuất hiện của tinh thần Bát Nhã và phái Trung Quán(Madhyamaka), cũng được gọi là Không phái (Shunyata vada).

Nếu hiểu được chữ Không tức là hiểu được đạo Phật. Hành sâu được tánh Không, như Bồ Tát Quán Tự Tại, tức là vượt qua khỏi mọi khổ ách, là giải thoát, là giác ngộ.

4. “Xá Lợi Tử, thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm”.

= “Xá Lợi Tử, đó là tướng không của các pháp, không sanh không diệt, không dơ không sạch, không thêm không bớt”.

Câu này tiếp nối câu trước : vì tất cả các pháp (hiện tượng) đều không cố định, cho nên sanh trở thành diệt, dơ trở thành sạch, thêm trở thành bớt, nóng trở thành lạnh, đẹp trở thành xấu, v.v. Và vì cái này trở thành cái kia, cho nên thực ra không có sanh không có diệt, không có dơ không có sạch, không có thêm không có bớt… Tất cả đổi thay không ngừng, tùy duyên mà xuất hiện dưới tướng này hay tướng khác. Hơn nữa, sanh diệt, dơ sạch, thêm bớt, tự chúng không phải là những thực thể, đó chỉ là những danh từ, những khái niệm, những biểu tượng mà con người tự tạo nên bằng cái tâm phân biệt của mình.

Câu này cũng làm chúng ta nhớ tới “8 cái không” của ngài Long Thụ (Nagarjuna), trình bầy trong Trung Quán Luận (Madhyamika Shastra): “Không sanh không diệt, không thường không đoạn, không một không nhiều, không tới không đi” (ni production ni destruction, ni anéantissement ni persistance, ni unité ni pluralité, ni venue ni départ).

5.”Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức; vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới”.

= “Cho nên trong tướng không, không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới”.

Về mặt ngôn ngữ, chúng ta nhận thấy tiếng Việt chỉ có một chữ “không” để chỉ danh từ “tánh Không” và trạng từ phủ định “không phải”, trong khi tiếng Hán phân biệt danh từ “không” (tánh Không) và những trạng từ phủ định “vô”, “bất” và “phi”. Ðó có thể là một trong những lý do dễ đưa chúng ta tới hiểu lầm về chữ Không trong đạo Phật.

Trong danh từ Phật giáo, có 5 uẩn (agrégats), 6 căn (là 5 cơ quan giác quan và cơ quan tư tưởng = 5 organes des sens, et organe de la pensée), 6 trần (là 5 giác quan và tư tưởng = 5 sens, et la pensée), 12 xứ (là 6 căn cộng với 6 trần), và 18 giới (18 mondes). Tất cả đều không có gì là thực tánh, là cố định hết, tất cả đều tùy duyên mà ra.

6.”Vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận; vô khổ, tập, diệt, đạo; vô trí, diệc vô đắc”.
(Ở đây, đừng lầm chữ “diệc” với chữ “diệt”, “diệc” có nghĩa là “cũng”, “diệt” có nghĩa là “hủy diệt”).

= “Không có vô minh, cũng không có hết vô minh; cho đến không có già chết, cũng không có hết già chết; không có khổ, tập, diệt, đạo; không có trí tuệ, cũng không có chứng đắc”.

Như vậy có nghĩa rằng cái gì cũng là Không hết, ngay cả những điều căn bản trong giáo lý Phật, như Mười hai Nhân duyên (từ vô minh cho tới lão tử), Bốn Ðế (khổ, tập, diệt, đạo), mà người học Phật đã nghe đi nghe lại cho đến khi in sâu vào tâm khảm, và ngay cả cái trí tuệ chứng đắc mà người tu Phật vẫn hằng ao ước.

Vậy là thế nào ? Nếu tất cả đều là Không, thì chẳng lẽ đạo Phật cũng là “không” hay sao ? Dĩ nhiên câu này không khỏi gây hoang mang, nghi vấn và xáo trộn trong đầu người học Phật.

Nơi đây, chúng ta thấy tất cả sự thâm sâu vi diệu của tinh thần đạo Phật. Trong Kinh Bát Nhã, mỗi khi đức Phật thuyết giảng một điều quan trọng, ngài thường lặp lại : “Na punar yathocyate” (“Tuy nói như vậy, nhưng không phải là như vậy”). Bởi vì đức Phật muốn lưu ý người nghe rằng ngôn ngữ, danh từ chỉ là một phương tiện, và khi ngài lên tiếng nói đã là sai, đã tách rời khỏi sự thật, chỉ có thể đón nhận được bằng thực nghiệm, bằng trực giác. Trong suốt lịch sử triết học và tôn giáo, có lẽ chỉ có đức Phật là người duy nhất nói lên những lời như vậy.

NgàiLong Thụ (Nagarjuna) cũng đã vạch rõ ra hai mức độ chân lý trong giáo lý đức Phật : tục đế (samvriti satya), tức là sự thật tương đối (vérité relative), theo quy ước (conventionnelle), và chân đế, còn gọi là đệ nhất nghĩa đế (paramartha satya), tức là sự thật tuyệt đối (vérité absolue), vĩnh cửu (éternelle), vượt khỏi khái niệm, ngôn từ (au-delà des concepts, du langage). Nhìn dưới khía cạnh tục đế, thì Mười hai Nhân duyên, Bốn Ðế có giá trị, nhưng nhìn dưới khía cạnh chân đế, thì Mười hai Nhân duyên, Bốn Ðế đều là không, nghĩa là không có tự tánh, không cố định. Sở dĩ đức Phật tạo dựng nên những điều đó, là để giúp cho chúng sanh diệt khổ, cũng như người thầy thuốc chế tạo ra liều thuốc để chữa cho người bệnh khỏi bệnh. Giáo lý đức Phật chỉ như cái bè dùng để qua sông, như ngón tay để chỉ mặt trăng. Ðó chỉ là một phương tiện, một giả thiết (prajnapti). Chấp vào đó, coi đó như là một sự thật cố định, là sai lầm vậy.

Theo quan niệm Ðại Thừa, thì đạo Phật chia ra làm 3 thời kỳ :

1-Sơ kỳ Phật giáo : giải thích về “Bốn Ðế”, “Mười hai Nhân duyên”, còn thiên về hình thức (formel), phân biệt có  không, thiện  ác, v.v. Kinh điển là của Phật giáo Nguyên Thủy, chủ yếu là Tam Tạng Pali.

2-Trung kỳ Phật giáo : nói về “tánh Không”(shunyata) tức là tinh thần Bát Nhã. Kinh điển thường là kinh điển Ðại Thừa (bộ kinh Bát Nhã Ba La Mật Ða, trong đó có kinhKim Cương và Bát Nhã Tâm kinh).

3-Hậu kỳ Phật giáo : nói về lý “Chân Không diệu hữu”. Kinh điển là những kinh điển Ðại Thừa về sau.

(Bàn về hậu kỳ Phật giáo, về thuyết Chân Như (tathata), vượt khỏi khuôn khổ của bài này. Nhưng chúng ta có thể nói sơ qua rằng thật ra tánh Không với Chân Như là một. Không cũng là có, mà có cũng là Không. Sự thật nó như vậy (“như thị”, ainsité, tel quel), và chỉ là như vậy, không thể nào nhận định, diễn tả được bằng khái niệm, ngôn từ. Niết Bàn là luân hồi và luân hồi là Niết Bàn, giải thoát là phiền não và phiền não là giải thoát. Sự phá chấp trở nên toàn diện).

Ðối với Phật giáo Nguyên Thủy (Theravada), thì chỉ có sơ kỳ Phật giáo, nghĩa là những lời dậy của đức Phật Thích Ca được chép lại trong Tam Tạng kinh điển, mới là trung thực, là đáng tin cậy. Nhưng đối với Phật giáo Ðại Thừa (Mahayana), thì chính những lời dậy đó (Bốn Ðế, Mười hai Nhân duyên) thuộc vào tục đế, và như vậy không có thực tướng, không cố định. Ðại Thừa muốn phá luôn cả cái chấp vào những tục đế đó, bằng “tánh Không”, để cuối cùng đi tới chân đế bằng con đường trực giác.

Nhưng trongBát Nhã Tâm Kinh, “không có trí tuệ, mà cũng không có chứng đắc”. Nghĩa là khi người theo Bồ Tát hạnh dùng 6 Ba La Mật để cứu độ chúng sanh (trong đó có trí Ba La Mật là căn bản), thì thật ra cũng không có trí mà cũng không có đắc. Trong kinh cũng có câu : “Bồ Tát mà biết mình là Bồ Tát, thì không phải là Bồ Tát”. Bởi vì theo đuổi mục đích trở thành Bồ Tát, biết mình là Bồ Tát, thì tức là còn mang tâm phân biệt, còn chấp trước, và chưa được giải thoát thực sự. Ở đây, phá luôn cả cái chấptrí đắc của Bồ Tát.

Tinh thần Bát Nhã như vậy là tinh thần phá chấp (non attachement, lâcher-prise), phá chấp thực sai, phải trái, thiện ác, xấu tốt, sạch dơ, bởi vì tất cả là tương đối, đều là đối đãi, không cố định, tùy duyên mà chuyển biến. Những câu “Vạn pháp giai Không”, “Cửa Thiền là cửa Không”, cũng nằm trong ý nghĩa đó.

Ðể trả lời người hỏi còn nặng tinh thần chấp trước, các vị thiền sư ngày xưa thường giơ 2 ngón tay lên, có nghĩa là người hỏi còn kẹt ở đối đãi hai bên, tức là chưa thấu được đạo. Hoặc là giơ một ngón tay lên ở giữa, nghĩa là câu trả lời nằm ở con đường Trung đạo, không phải là “có” mà cũng không phải là “không”.

Nhưng thật ra, chỉ có giữ im lặng mới là gần với sự thật. Như sự im lặng sấm sét của đức Phật Thích Ca, còn được gọi là Mahamuni, đức Ðại Tĩnh Mặc (Mâu Ni = tĩnh mặc). Hay sự im lặng hùng hồn của Bồ Tát Duy Ma Cật (Vimalakirti), người đệ tử cư sĩ đầy từ bi và trí tuệ của đức Phật, trước câu hỏi về bản tánh của sự vật.

7.”Dĩ vô sở đắc cố, Bồ Ðề Tát Ðỏa y Bát Nhã Ba La Mật Ða cố, tâm vô quái ngại. Vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh Niết Bàn. Tam thế chư Phật y Bát Nhã Ba La Mật Ða cố, đắc A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ Ðề”.

= “Vì không sở đắc, nên Bồ Tát y theo Bát Nhã Ba La Mật Ða, tâm không ngăn ngại. Vì không ngăn ngại nên không sợ hãi, xa hẳn điên đảo mộng tưởng, đạt đến cứu cánh Niết Bàn. Chư Phật trong ba đời cũng nương Bát Nhã Ba La Mật Ða, đạt đạo quả Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác”.

Không sở đắc có nghĩa là không vướng mắc vào một điều gì, đạt được cái tâmnhư như, cho nên Bồ Tát nương theo tinh thần Bát Nhã, xa lánh tất cả những mơ tưởng sai lầm, và đạt được Niết Bàn. Chính là vô đắc mà đắc, không tìm mà đạt, đó mới là tinh thần Bát Nhã.

8. “Cố tri Bát Nhã Ba La Mật Ða, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư.
Cố thuyết Bát Nhã Ba La Mật Ða chú tức thuyết viết : Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, Bồ Ðề Tát Bà Ha”.

= “Nên biết, Bát Nhã Ba La Mật Ða là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú, hay trừ được hết thẩy khổ, chân thật không sai.
Vì vậy nói chú Bát Nhã Ba La Mật Ða, liền nói chú rằng : Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, Bồ Ðề Tát Bà Ha “.

Ðây nói về Bát Nhã Ba La Mật Ða, như một câu thần chú (mantra)mang một sức mạnh vô biên, có khả năng tiêu trừ được tất cả những khổ đau.

Sự xuất hiện của câu thần chú này vào cuối bài kinh vẫn còn là một nghi vấn cho những nhà Phật học. Có những nhà Phật học cho rằng vào lúc những bản cuối của Bát Nhã Tâm Kinhđược soạn thảo (thế kỷ thứ IV sau CN), thì Mật tông (tantrisme) đã bắt đầu phát triển mạnh mẽ nơi dân gian, và đã bắt đầu xâm nhập vào Phật giáo. Ðiều đó giảng nghĩa tại sao bài Bát Nhã Tâm Kinh lại được kết thúc bằng một câu chú. Nguyên văn chữ Phạn là : “Gate gate paragate parasamgate bodhi svaha”, có nghĩa là : “Vượt qua, vượt qua, vượt qua bên bờ kia, hoàn toàn vượt qua, hoàn toàn giác ngộ !” (theo thiển ý, nếu muốn đọc như một câu chú, thì nên giữ nguyên văn chữ Phạn, chứ dùng chữ Phạn phiên âm ra chữ Hán “Yết đế yết đế…” thì thật là vô nghĩa, cũng không khác gì gọi La Fontaine là Lã Phụng Tiên, Napoléon là Nã Phá Luân, v.v.).

Nhưng còn một cách hiểu câu chú này, theo tinh thần Thiền, là : đọc câu chú này không phải để hiểu, mà để chỉ thẳng vào tâm, cái tâm không không phân biệt, không ý niệm. Khác với phần đầu dùng ngôn từ, ý niệm để giảng giải, câu chú kết thúc này đánh thẳng một chùy vào trực giác, vào cái tâm đã mở rộng để sẵn sàng đón nhận trí tuệ vượt khỏi ngôn từ. Ðó là cách giảng của thiền sư Thanh Từ, và thầy có dẫn hai thí dụ là bài kệ của thiền sư Trì Bát đời Lý, dòng Tỳ Ni Ða Lưu Chi, và bài tán Tuệ Trung Thượng Sĩ bởi quốc sư Tông Cảnh, đời Trần, cả hai đều kết thúc bằng câu “Án tố rô tố rô tất rị”.

Kết luận

Ðọc và nghiền ngẫm Bát Nhã Tâm Kinh giúp chúng ta hiểu thêm về chữ Không (Shunyata)là điểm căn bản và khó hiểu nhất trong đạo Phật.Phải hiểu đúng chữ Không, mới đúng là mở vào cửa Thiền, cửa Phật. Nhưng hiểu không cũng chưa đủ, còn phải tu chứng nữa, còn phải áp dụng trong cuộc sống hàng ngày, theo tiến trình văn, tư, tu” (học hỏi, suy nghĩ, tu tập)…

Không không có nghĩa là không có gì, là coi tất cả cuộc đời như một con số không lớn, là mình phải buông xuôi tất cả, phải chấp nhận tất cả, hay chối bỏ tất cả. Không có nghĩa là có, nhưng cái có như vậy và chỉ như vậy thôi, không có những gì tâm trí con người thêm bớt vào đó, nghĩa là những ảo tưởng gây nên bởi chính mình.

Mục đích của Không là để phá cái “có”, không phải là cái “có”như vậy thoát khỏi mọi ý niệm, ngôn từ, nhưng mà là cái “có” tạo nên bởi chính mình, và làm cho mình chấp vào đó. Tinh thần Bát Nhã là tinh thần phá chấp, phá chấp hữu, phá chấp ngã, phá chấp thường, phá chấp pháp, phá chấp trí đắc, và phá ngay cả cái chấp không.

Không phải là một sự tình cờ khi lục tổ Huệ Năng và vua Trần Thái Tông đều nghe tới câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” trong Kinh Kim Cương, mà bỗng nhiên giác ngộ. Không để tâm vướng mắc vào đâu, tức là thấu đạt cái Không, là giải thoát.

Tất cả những công án, bài thơ, câu kệ của các vị thiền sư từ xưa tới nay vẫn chỉ phảng phất tinh thần Không huyền diệu. Cũng như bài thơ sau đây của thiền sư Hương Hải (dòng Trúc Lâm, thế kỷ thứ XVII-XVIII, đời nhà Nguyễn) :

“Nhạn quá trường không,
Ảnh trầm hàn thủy.
Nhạn vô di tích chi ý,
Thủy vô lưu ảnh chi tâm”.Tạm dịch là :”Nhạn liệng trên không,
Ánh chìm đáy nước,
Nhạn không lưu dấu vết,
Nước chẳng giữ bóng hình”.Cái đặc điểm của con người là hay muốn nắm giữ, muốn theo đuổi một cái gì không bao giờ nắm giữ được. Nhìn con nhạn lướt qua với chiếc bóng lung linh trên mặt nước, mà đã muốn lưu lại bóng hình trong phim ảnh, trong tranh vẽ, trong lời thơ. Trong khi đó, nhạn chỉ bay qua, không có ý để lại dấu vết, nước chỉ phản ánh lại, không có tâm giữ lại bóng hình. Bóng hình đó có hay không cũng chỉ là trong ánh mắt của người nhìn, là trong tâm của người thưởng ngoạn. Nói là không có thì cũng không đúng. Có, nhưng sự thật là không có gì khác, không có gì để nắm bắt, để ghi lại, để tiếc nuối.Có bình dị thản nhiên như vậy, thì cũng chẳng khác mấy gì Không.

Trịnh Nguyên Phước 6/1999 – theo vienphathoctruclam.free.fr/

_______________

1. EDWARD CONZE,  Le Bouddhisme, Editions Payot & Rivages, coll Petite Bibliothèque, 1952-1995
2. PETER HARVEY , Le Bouddhisme – Enseignements, histoire, pratiques, Editions du Seuil, 1993
3. THÍCH NHẤT HẠNH, Le coeur de la compréhension – Commentaires sur le Soutra du Coeur de la Prajnaparamita, Village des Pruniers, 1990
4. THÍCH THANH TỪ , Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh giảng giải, http://www.thuong-chieu.org/
5. THÍCH THANH TỪ, Thiền sư Việt Nam, Nhà xuất bản TP Hồ Chí Minh, 1995
6. DAISETZ TEITARO SUZUKI, Manuel de Bouddhisme Zen, Editions Derby, 1999
7. CHOGYAM TRUNGPA ,  Pratique de la voie tibétaine, Editions du Seuil, coll Points Sagesse, 1976
8. ALAN W. WATTS,  Le Bouddhisme Zen, Editions Payot, coll Petite Bibliothèque, 1969

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.