“Gừng càng già càng cay” & “Càng về già càng sinh tật”
Hẳn ai trong chúng ta đều biết rằng con người sinh ra, sống và phải già đi, đó là lẽ thường trong cuộc sống con người, nhưng tuổi già phải có một cái gì để lại, Vì thế George Granville nói: “Tuổi trẻ là mùa của yêu thương, Tuổi già là mùa của ĐẠO ĐỨC. Tuổi già có thể trở thành một giai đoạn qúi nhất của cuộc đời…“
Như vậy nếu được sống đến 70 đã là quý rồi, còn nói chi đến 80 rồi 90 mà vẫn còn minh mẫn, các bạn nhỉ !
Do đó các bạn cao niên ơi hãy hoan hỷ lên “ Được sống đến tuổi già là một ân huệ.” Vì Không phải tất cả mọi người ai cũng có thể sống đến tuổi này, nhưng lợi ích trước hết, là tuổi già mang lại cho chúng ta khả năng đánh giá quá khứ, được hiểu và sống một cách sâu xa hơn, và được trở nên kho tàng kinh nghiệm quý báu cho đàn trẻ ngày sau.
Nhưng tại sao trong dân gian lại có 2 câu xuất hiện nửa khen, nửa chê trách?
Đó là “Gừng càng già càng cay“ và “Càng già càng sinh tật”…
Đây là một sự thật nhưng lại thể hiện hai khía cạnh khác nhau của tuổi già: một mặt là sự trưởng thành, khôn ngoan; còn mặt khác là những vấn đề sức khỏe và thói quen xấu phát sinh theo tuổi tác.
Vậy cùng nhau chúng ta tìm hiểu sâu vào chi tiết nhé !
* Nào bắt đầu với câu “GỪNG CÀNG GIÀ CÀNG CAY”
Như chúng ta biết, gừng có nguồn gốc từ Ấn Độ cổ đại, nơi mà người ta dùng gừng làm thực phẩm và dược liệu khoảng từ năm 300 – 500 trước Công nguyên.
Theo nghĩa đen lấy từ Trung Quốc “Khương hoàn thị lão đích lạt” có nghĩa là khi đi chọn gừng hãy chọn loại già vì gừng già thì cay hơn gừng non,
Người Trung Quốc chia gừng thành 3 loại chính:
a. nộn khương – cay ít, thường dùng làm nước chấm hoặc nước xốt;
b. phấn khương cay vừa phải,
Và chính độ cay nằm giữa nộn khương và sinh khương( gừng tươi, gừng sống); mới là dược liệu trị bịnh hiệu quả hơn
c. lão khương là gừng già, thịt gừng bắt đầu trở nên xơ và có vị cay nhiều hơn.
Nhưng câu “Gừng càng già càng cay “thường được sử dụng bằng ẩn dụ, nói về người có trình độ và kinh nghiệm sẽ xử lý công việc tốt hơn người mới tập sự…
Để đi sâu vào chi tiết ta có thể hiểu rằng :
— Về Ý nghĩa: Câu này ám chỉ rằng người lớn tuổi thường có nhiều kinh nghiệm, trí tuệ, và khả năng ứng phó với cuộc sống tốt hơn. Giống như củ gừng già có vị cay đậm hơn, người già thường thông thái và sắc bén hơn nhờ những trải nghiệm đã qua. Do đó ta thường nghe “Mái đầu bạc là triều thiên vinh hiển”, thật ra : “Tuổi già đáng kính trọng, không phải vì trường thọ, cũng không phải vì cao niên, nhưng vì người đầu bạc thì khôn ngoan”
Hơn thế nữa ở vào độ tuổi hưu thường có nhiều thời giờ và hoàn cảnh thuận tiện để suy nghĩ sâu xa hơn và hành động với cái nhìn có nhiều tính cách luân lý, đạo đức hơn.
– Về “Sắc thái”: Câu này mang tính tích cực, ca ngợi sự trưởng thành, chín chắn và khả năng của người già trong việc đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống. Vì người già thường biết lo liệu, phán đoán và giàu kinh nghiệm.
Cũng vậy người già được kính trọng bởi “người đầu bạc thì khôn ngoan”.
Lẽ dĩ nhiên trong cuộc đời có biết bao thăng trầm , có lúc được lúc thua “ BẤT THẤT BẤT ĐẮC “, do đó người già càng hiểu một cách sâu xa rằng Hạnh phúc là do chính mình tạo ra
Trong khi “CÀNG VỀ GIÀ CÀNG SINH TẬT“
– Về Ý nghĩa: Câu này nhấn mạnh rằng khi con người lớn tuổi, cơ thể suy yếu, dễ mắc nhiều bệnh tật và trở nên khó tính hơn. Những “tật” ở đây có thể là những thói quen xấu, tính cách khó chịu hoặc các vấn đề sức khỏe xuất hiện khi về già. Cũng cần biết những thói quen xấu bị dè nén dồn ép khi thời trẻ luôn nằm đâu đấy trong tiềm thức và sẵn sàng chờ cơ hội nổi lên nhất là khi cơ thể cảm thấy bất lực hơn vì sức khỏe.
Còn nữa, vì tuổi già được biểu rõ rệt nhất là sắc diện làm cho “tóc bạc da mồi”,và tính tình bắt đầu thay đổi rất nhanh, thường thì biểu hiện lẩm ca lẩm cẩm. Nhất là những chuyện ngày xưa, người già thì hay sống với quá khứ.
Vì vậy, “già sinh tật, đất sinh cỏ”. Ở tuổi già, những điều đáng nhớ thì lại quên, mà những điều đáng quên thì lại nhớ.
– Về “Sắc thái”: Câu này mang tính tiêu cực, chỉ ra những mặt hạn chế của tuổi già, như sự suy giảm sức khỏe và tính tình. Khi già đi, cơ thể bắt đầu lão hoá, trở nên kém hiệu quả hơn trong việc điều chỉnh nhiệt độ, chống lại nhiễm trùng và các bệnh lý khác. Lúc này, người cao tuổi dễ bị chấn thương, tai nạn, mắc bệnh hơn so với những người trẻ tuổi.
Hơn thế nữa khi độ tuổi tăng dần có thể khiến tính cách con người thay đổi do nhiều nguyên nhân tác động như: Cơ thể suy yếu, trí nhớ suy giảm, hay quên, thiếu sự chú ý, ăn ít, dễ mắc hội chứng Alzaheimer. Cùng với những biểu hiện thể chất, người cao tuổi thường có tâm lý cô đơn, hoài cổ, hay lo lắng bi quan.
Thay lời kết:
Đừng bao giờ nhìn lại quá khứ
để thương tiếc trong sự sầu muộn!
Đừng xem giai đoạn sống hiện nay như buổi xế chiều.
Phúc lành cho ai thấy được tuổi già rất đáng yêu
Thật trân quý những trải nghiệm phong phú
qua thăng trầm từng chịu đựng !
Này bạn có gặp những cụ già …
gương mặt luôn rạng rỡ nụ cười vui sướng
Đó là họ thấy ra hồng ân được sống lâu,
Như trở lại tuổi thơ, không biết giận lâu
Mà khả năng tâm linh
dường như thông thái hơn trước !
Nhủ thầm “ Gừng càng già càng cay “
giúp con, cháu lo liệu ứng phó từng bước !
Nói được làm được, trong sự tin tưởng và kiên trì
Nguồn lực quí giá hiện tại có,
sẽ không tự mãn nhưng cũng không tự ti.
Không lẩm ca lẩm cẩm để bị gọi “GIÀ SINH TẬT”
Điều thiết yếu có thể là niệm đến vô niệm chữ Phật !
Huỳnh Phương -Huệ Hương