Hạnh Phúc Trong Tầm Tay – Chương IV

Chương 4 : Hạnh phúc trong tầm tay

Đánh máy: Giác Minh Duyên

Bản chất hạnh phúc

Hạnh phúc không phải là ga chúng ta đã đến, đang đến hay sẽ đến mà là cách thức chúng ta đến đó như thế nào. Việc đến này liên hệ động tác đi, đi liên hệ đến các phương tiện giao thông. Người giàu đi bằng máy  bay, trực thăng, hoặc các phương tiện cao tốc; người nghèo đi xe máy, xe đạp, tùy trường hợp có những người rất giàu lại đi bộ để sức khỏe cường tráng… Do đó chúng ta không nên dựa vào phương tiện giao thông trên con đường mà đánh giá hạnh phúc hay không hạnh phúc, mà hãy dựa vào cách đi như thế nào, tâm mình ra sao trên tiến trình của sự đi đó.

Cũng vậy, sống trong cuộc đời hướng về một mục đích và đi một cách có nghệ thuật trên mục đích đó thì chúng ta mới thật sự hạnh phúc trong  những cái rất bình dị ngang tầm với, mà đôi lúc chúng ta bỏ quên, cho  rằng hạnh phúc là thiên đường hay Tây phương cực lạc. Tất cả những trạng thái sống hàng ngày, hàng giờ, hiện tại trong chúng ta, quanh chúng ta  chính là những cái có thể tạo dựng hạnh phúc đích thực.

Có hai loại hạnh phúc giác quan và hạnh phúc nội tại. Hạnh phúc giác  quan thể hiện qua nụ cười, ánh mắt hớn hở, thái độ lạc quan, sinh hoạt  vui chơi giải trí, thưởng thức, hưởng thụ mà nếu không biết cách làm  chủ, người ta dễ dàng trở thành nô lệ. Cứ mỗi một khao khát được hưởng  thụ, vô tình chúng ta đánh mất hạnh phúc mà tưởng rằng đang với tới tầm  hạnh phúc.

Còn hạnh phúc nội tại sâu lắng bên trong là trạng thái làm chủ được  tâm. Sống một cách nhẹ nhàng thư thái, thoải mái, thảnh thơi, bình an dù có hay không có các phương tiện vật chất. Cho nên hướng đến mục đích đẹp dù đơn giản nhưng có thể tạo hạnh phúc rất thiết thực hàng ngày. Ví  dụ, mục đích của con người là làm thế nào để khỏe mạnh, không bệnh tật,  sống với người thân hòa thuận, không gây gổ, ẩu đả, hờn ghét, bất mãn,  mất lòng với nhau, và sống với những nụ cười. Mục đích đó tuy rất gần  gũi, nhưng lại mang đến niềm hạnh phúc lâu dài.

Bản chất cuộc đời như con thuyền ngoài biển khơi, có lúc sóng yên gió lặng, thuyền đi êm ả và đích đến dễ dàng đạt được. Nhưng phần lớn thời  gian trên sông nước, con thuyền đã không may mắn như thế, mà gặp phải ba đào sóng dậy. Con thuyền đã phải đấu tranh vật vã để có thể vượt qua  sóng gió. Có nhiều con thuyền chông chênh, mạng sống bấp bênh không được đảm bảo.

Mỗi người là một thuyền trưởng tự định và vạch ra hướng đi cho bản  thân và phải tự lèo lái con thuyền của mình. Ba đào sóng táp ở đâu cũng  có, không phải chỉ những người cơ nhỡ bất hạnh không người thân mới gặp  phải, mà những người giàu sang phú quý tột đỉnh vẫn không tránh khỏi ba đào. Người nghèo thường bị ba đào về kinh tế, người giàu bị ba đào về sức ép công việc, tình cảm, tình thân, tình thương, tình yêu và nhiều  sóng gió khác.

Thống kê xã hội học Hoa Kỳ cho biết, trên đất nước họ, mỗi ngày trung bình có khoảng năm mươi người giàu tự tử và chết. Ở Pháp, một xứ được  xem là văn minh hiện đại, mỗi ngày trung bình khoảng ba mươi ba người tự tử, vì họ không vượt qua được cơn ba đào trong cuộc đời. Tất cả chúng  ta đều đối diện với cuộc sống ba đào. Rất may mắn phần lớn chúng ta là  người thuyền trưởng khôn khéo, lèo lái con thuyền không bị chìm xuống  biển mà vẫn duy trì cuộc sống như ngày hôm nay, mặc dù có khó khăn chật  vật, nhưng vẫn hạnh phúc hơn rất nhiều người đã không có định hướng để về đến bờ.

Quan niệm cuộc đời không có khổ trọn vẹn và không có hạnh phúc hoàn  toàn. Khổ là khổ tương đối và hạnh phúc cũng là hạnh phúc tương đối.  Theo các nhà khoa học, nỗi khổ và niềm hạnh phúc chỉ tồn tại với con  người trong vài chục giây, diễn ra như phản ứng tất yếu trên não bộ. Nhưng vì không muốn quên đi, cứ bị ám ảnh bởi những cảm giác bất hạnh,  nên nhiều người tưởng suốt cả cuộc đời mình là bất hạnh, rồi tự trôi lăn trong nỗi khổ và niềm đau. Đó là thái độ cường điệu hóa về thực tại mà  bản chất của nó không đến nỗi như thế.

Do vậy, vì theo đạo Phật, khi nhìn thấy bản chất của hạnh phúc và khổ đau là tương đối, chúng ta không nên quá than thân trách phận về cuộc đời bèo dạt mây trôi của mình. Hạnh phúc là sự thăng bằng cảm xúc. Trong lúc thuận duyên hay trong nghịch cảnh, ai làm chủ được cảm xúc của mình thì người đó vẫn đạt hạnh phúc như bao nhiêu người có sự tu tập và  chuyển hóa khác. Giàu sang phú quý chưa hẳn được hạnh phúc, nếu không  làm chủ được dòng cảm xúc của bản thân. Do đó, hãy vứt bỏ những cảm giác chán chường, thất vọng về cuộc đời ba chìm bảy nổi.

Quên đi quá khứ

Cần hướng tâm đến mục đích tốt như một chất xúc tác đẩy chúng ta đến  phía trước. Do vậy, hãy quên đi những khổ đau lặt vặt bên đường. Đời  người trung bình sáu mươi năm cho đến bảy mươi năm. Những quãng năm  tháng nhọc nhằn ai cũng có. Có người quên đi, có người nhớ, có người bị ám ảnh. Mỗi nỗi nhớ hay sự ám ảnh sẽ làm cho nỗi đau có khuynh hướng tái hiện lại và sống lại lần thứ hai.

Theo tinh thần Phật dạy, để có được hạnh phúc trong tầm tay là hãy  quên đi quá khứ của mình, tin vào hiện tại, sống với hiện tại một cách  trọn vẹn thì niềm hạnh phúc dù đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa. Có ai nghĩ rằng mình vẫn còn phước báu có buồng phổi tốt, có trái tim mạnh, có lục phủ ngũ tạng hoàn hảo để hít thở không khí trong lành của trời đất, để ăn, để uống. Nhiều người giàu sang phú quý, tiền rừng biển bạc nhưng quả thận không lành, dù chạy vạy khắp trong nước đến nước ngoài vẫn không  mua được mạng sống. Cho nên, có mạng sống toàn vẹn là một phước báu.

Thấy được điều đó dù rất tầm thường, đôi lúc chúng ta không mơ tưởng  lại cảnh nhà cao cửa rộng, phương tiện vật chất đủ đầy. Những thứ đó chỉ là phương tiện rất nhỏ tạo thành hạnh phúc, nếu biết cách. Còn không  khéo thì chính chúng dẫn đến sự tranh chấp vật lộn rất mỏi mệt trong  cuộc đời. Quên đi những chuyện tầm thường vặt vãnh trong cuộc đời để tâm không đầy ắp những nỗi đau, không bị vẩn đục bởi những điều bất hạnh,  những điều không như ý đã từng diễn ra.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.